Vụ án “sát thủ sữa lắc" chấn động Hồng Kông: Vợ lợi dụng con gái, đầu độc chồng bằng ly sữa và đánh đập nạn nhân dã man

Imacho, Theo Helino 20:06 29/04/2018

Người phụ nữ được mệnh danh là“sát thủ sữa lắc” bị kết án tù chung thân sau khi đầu độc và đánh đập chồng mình đến chết tại nhà riêng của cả hai ở Hồng Kông.

Người phụ nữ được mệnh danh là “sát thủ sữa lắc” bị kết án tù chung thân sau khi đầu độc và đánh đập chồng mình đến chết tại nhà riêng của cả hai ở Hồng Kông.

Nancy Kissel, 53 tuổi, đến từ bang Michigan, Mỹ, hay còn được biết đến với biệt danh “sát thủ sữa lắc” đã lãnh án tù chung thân sau khi đầu độc chồng mình bằng một ly sữa dâu lắc trước khi đánh đập nạn nhân đến chết tại căn biệt thự xa hoa của cả hai tọa lạc ở khu Tai Tam, Hồng Kông. Vụ án của Nancy được đánh giá là một trong những vụ án giết người khét tiếng nhất Hồng Kông vì tính man rợ và máu lạnh của kẻ sát nhân.

Vụ án “sát thủ sữa lắc chấn động Hồng Kông: Vợ lợi dụng con gái, đầu độc chồng bằng ly sữa và đánh đập nạn nhân dã man - Ảnh 1.

Chân dung "sát thủ sữa lắc" khét tiếng của Hồng Kông. (Ảnh: SCMP)

Trong kỳ nghỉ trở về quê nhà ở Mỹ vào giữa năm 2003, Nancy ngoại tình với một người thợ điện tên Michael Del Priore. Họ duy trì mối quan hệ vụng trộm một thời gian dài kể cả khi cô trở về Hồng Kông thông qua những cú điện thoại tình yêu xuyên quốc gia.

Nghi ngờ vợ mình có gian tình bên ngoài, ông  Robert Kissel, một nhân viên ngân hàng, đã thuê thám tử theo dõi đồng thời cài đặt một phần mềm theo dõi ngay trên máy tính của Nancy. Theo lời khai của Nancy, vợ chồng cô sau đó đã có cự cãi qua lại, thậm chí là sử dụng hành vi bạo lực. Thời điểm ấy, ông Robert cũng bắt đầu hoàn tất thủ tục ly hôn và giành quyền nuôi con.

Khi tình hình vợ chồng trở nên căng thẳng, Nancy lên kế hoạch giết hại chồng mình. Cô lợi dụng con gái 6 tuổi đưa cho Robert ly sữa dâu lắc chứa lượng lớn thuốc an thần. Sau khi con gái ra khỏi nhà, Nancy bắt đầu lấy một vật trang trí trong nhà đánh đập chồng đến chết, dùng tấm thảm cuộn xác nạn nhân và đem giấu ở nhà kho.

Sau khi bị cảnh sát bắt giữ, Nancy khẳng định động cơ giết hại chồng là do không hài lòng với cuộc hôn nhân bất hạnh và bị bạo hành, cưỡng hiếp trong suốt thời gian dài chung sống. Theo lời khai của Nancy, Robert là một người thích kiểm soát và ham mê công việc. Để giữ cho tinh thần tỉnh táo, ông thường xuyên sử dụng đến nỗi lạm dụng các chất kích thích như cocaine, rượu bia.

Vụ án “sát thủ sữa lắc chấn động Hồng Kông: Vợ lợi dụng con gái, đầu độc chồng bằng ly sữa và đánh đập nạn nhân dã man - Ảnh 2.

Ông Robert và con gái của cặp đôi. (Ảnh: Internet)

Tại phiên tòa xét xử năm 2005, Nancy vẫn một mực không nhận tội vì cho rằng hành động của mình là để tự vệ, cũng như phản kháng lại những trận đòn roi bằng gậy bóng chày và tấn công tình dục từ người chồng bạo lực. Khi 2 vợ chồng còn sinh sống tại Mỹ, Nancy từng lén cho Robert uống thuốc an thần theo toa bác sĩ với mong muốn có thể làm giảm tính khí bạo lực của chồng nhưng không có tác dụng.

Ngoài ra, ông Robert không phải là người duy nhất uống hỗn hợp sữa dâu lắc và thuốc an thần của Nancy. Thời điểm đó, một người hàng xóm cùng con trai đã ghé thăm nhà Kissel và cùng thưởng thức món thức uống của Nancy. Người này khai cảm thấy đầu óc choáng váng sau khi uống và nhanh chóng cùng con trai rời đi. Kẻ sát nhân cũng thừa nhận việc này nhưng khẳng định không có ý định đầu độc ai khác ngoài chồng mình. Cuối cùng tại phiên tòa xét xử năm 2005, Nancy bị kết tội giết người và lãnh án tù chung thân.

Năm 2010, phán quyết dành cho Nancy bị bãi bỏ tại Tòa phúc thẩm cuối cùng và kéo theo đó là một cuộc tái xét xử lại vụ án. Thế nhưng, nỗ lực của Nancy cuối cùng cũng không thể thuyết phục được Hội đồng xét xử thay đổi quyết định. Đơn kháng cáo của cô bị bác bỏ vào năm 2014. Tháng 12 năm ngoái, Hội đồng xét xử án tù dài hạn tiếp tục mở phiên tòa liên quan đến đơn xin phóng thích có điều kiện hoặc đề nghị một bản án có thời hạn cố định của cô.

Trường hợp của Nancy đặt ra câu hỏi liệu một tù nhân bị kết án chung thân có quyền được biết về việc Tòa án tối cao xem xét khoảng thời gian ở tù xác định trước khi Hội đồng chính thức cân nhắc về việc phóng thích có điều kiện hoặc một bản án chuyển đổi khác dành cho họ hay không.

“Đúng là Nancy là người yêu cầu được tái xét xử nhưng quan trọng hơn hết là cô ấy cũng đang đấu tranh vì lợi ích của những người khác” – tư vấn luật pháp của kẻ sát nhân, Edward Fitzgerald QC cho biết.

Vụ án “sát thủ sữa lắc chấn động Hồng Kông: Vợ lợi dụng con gái, đầu độc chồng bằng ly sữa và đánh đập nạn nhân dã man - Ảnh 3.

(Ảnh: Internet)

Trong suốt hơn 11 năm ở tù, Nancy đã nộp đơn xin kháng cáo 3 lần nhưng đều thất bại cả 3. Trong lần cuối cùng bác bỏ đơn kháng cáo của Nancy, tòa khẳng định một điều rằng tội ác của cô sẽ không bao giờ được cân nhắc lại trong bất kỳ tình huống nào.

Phía đoàn luật sư bào chữa cho Nancy không đồng ý với phán quyết của tòa và cho rằng bồi thẩm đoàn nên hiểu thế nào là một khoảng thời gian ở tù “vừa đủ”. Ông Fitzgerald nhấn mạnh án tù chung thân dành cho thân chủ của ông là không công bằng, bất hợp lý và vô nhân đạo. Theo ông, Nancy phải được xác định khoảng thời gian ở tù cố định, chưa kể cô ấy đã tự kiểm điểm và dày vò bản thân trong suốt khoảng thời gian dài vừa qua sau khi gây án.

“Xét về khía cạnh tâm lý học, một khoảng thời gian tù hữu hạn có thể giúp làm giảm cảm giác tuyệt vọng của một con người. Đến cả những những đứa trẻ vẫn luôn mong chờ một mốc thời gian cố định xảy ra trong tương lai, ví dụ như ngày nghỉ hè” – Fitzgerald đưa ra quan điểm của mình.

Thế nhưng, Russell Coleman SC, thành viên của Hội đồng xét xử, lại phản đối lập luận này. Theo ông, mỗi phiên tòa tái thẩm muốn thay đổi quyết định ban đầu đều phải đảm bảo cân bằng các yếu tố bao gồm sự trừng phạt đích đáng dành cho kẻ gây ra tội ác, hiệu quả phục hồi và cả những rủi ro khác như hệ quả từ việc phóng thích tù nhân. Hiện tại, phiên tòa xét xử vụ án “sát thủ sữa lắc” Nancy Kissel vẫn chưa đi đến hồi kết.

(Nguồn: SCMP, The Guardian)