Vụ án bé Nhật Linh: "quyền im lặng" là gì, và cơ quan hành pháp Nhật Bản sẽ giải quyết ra sao?

Nam Thanh, Theo Helino 07:00 02/02/2018

Rất có thể, nếu Yasumasa Shibuya kiên quyết giữ quyền im lặng và chối tội tới cùng, phía cơ quan hành pháp Nhật Bản sẽ phải sử dụng tới hình thức "Bố trí thẩm phán", còn được gọi là "Saiban-in".

Trong những ngày gần đây, khi vụ án dang dở của bé Nhật Linh đang được cộng đồng mạng Việt Nam truyền tay nhau, nhiều người lại bày tỏ sự thắc mắc, vì sao nghi phạm  Yasumasa Shibuya tuy đã bị bắt với những chứng cứ xác đáng nhưng lại chưa bị đem ra xét xử, dù vụ án đã sắp tròn một năm.

Vụ án bé Nhật Linh: quyền im lặng là gì, và cơ quan hành pháp Nhật Bản sẽ giải quyết ra sao? - Ảnh 1.

Nghi phạm trong vụ án sát hại bé Nhật Linh - Yasumasa Shibuya.

Đâu đó trên mạng, người ta có thể thấy những dòng thông báo như "Nghi phạm giữ im lặng" hay "Quyền im lặng" - bình phong mà nghi phạm Yasumasa đến tận thời điểm hiện tại vẫn đang sử dụng.

Vậy, "quyền im lặng" trong luật pháp Nhật Bản là gì?

Thuật ngữ "Quyền im lặng" được ra đời vào cuối thế kỷ 18 ở Mỹ, còn được gọi là "cảnh báo Miranda", bắt nguồn từ một sự vụ có thật trong lịch sử nước Mỹ. Cách diễn giải đơn giản và chính xác nhất của luật này là: "Không người nào bị bắt buộc phải làm chứng chống lại chính mình", được niêm yết rõ ràng ở điều 2, mục 291, bộ luật Tố Tụng Hình sự Nhật Bản năm 1948. Theo nguyên tắc này, người bị bắt giữ và người trước khi thẩm vấn phải được cho biết rằng mình có quyền giữ im lặng vì bất cứ điều gì người đó nói ra sẽ được dùng để chống lại chính mình tại tòa. Người bị buộc tội cũng có thể chọn chỉ khai báo khi có mặt luật sư.

Về cơ bản, quyền giữ im lặng để tự bảo vệ bản thân và quyền được có luật sư là hai trong số những quyền cơ bản của con người. Quy trình xét xử một vụ án ở Nhật Bản được chia ra 4 giai đoạn: Giai đoạn điều tra, giai đoạn xét xử, giai đoạn truy tố và giai đoạn thi hành án, trong mỗi giai đoạn đều xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mỗi chủ thể tham gia tố tụng.

Đối với dư luận Nhật Bản mà nói, đây không phải trường hợp đầu tiên mà nghi phạm của một vụ án nghiêm trọng kiên quyết giữ quyền im lặng.

Vào năm 2007, cảnh sát Nhật Bản phát hiện một phần thi thể của nữ giáo viên người Anh tên Nova Lindsay Hawker (22 tuổi) trong bồn tắm chứa đầy cát trên ban công nhà của nghi phạm Tatsuya Ichihashi. Phải tới hơn 2 năm sau, cảnh sát mới phát hiện và bắt giữ được Ichihashi.

Tương đồng với vụ án của bé Nhật Linh, mặc dù cảnh sát tuyên bố hàng loạt bằng chứng xác đáng và mạnh mẽ về sự liên can của Ichihashi nhưng nghi phạm vẫn im lặng và sau đó bác bỏ mọi cáo buộc. Vụ án của Ichihashi thu hút sự chú ý mạnh mẽ của dư luận Nhật Bản và quốc tế vì đã có nhiều lúc, quá trình điều tra và khép tội kẻ thủ ác bị rơi vào ngõ cụt; cộng thêm vào đó là quá trình đi tìm công lý bền bỉ của gia đình nạn nhân.

Vụ án bé Nhật Linh: quyền im lặng là gì, và cơ quan hành pháp Nhật Bản sẽ giải quyết ra sao? - Ảnh 2.

Nghi phạm Tatsuya Ichihashi.

Luật pháp Nhật Bản cho phép cơ quan hành pháp bắt giữ và thẩm vấn một nghi phạm trong 23 ngày đối với mỗi cáo buộc đơn lẻ trước khi chính thức buộc tội nghi phạm. Điều đó có nghĩa là, với mỗi tội trạng mà nghi phạm gây ra sẽ có 23 ngày điều tra cẩn thận; và giả sử cho tới thời điểm chu kỳ 23 ngày đó kết thúc mà một tội danh mới được cáo buộc, nghi phạm sẽ bị tra hỏi thêm trong 23 ngày nữa.

Trừ khi có các lý do đặc biệt về sức khỏe, nghi phạm sẽ bị giam giữ tại đồn cảnh sát trong suốt giai đoạn thẩm vấn. Ichihashi, hay thậm chí là Yasumasa Shibuya cũng vậy. Hai kẻ này có một điểm chung, đó là đều kiên quyết im lặng không khai báo điều gì với cảnh sát. Luật pháp Nhật Bản cũng không cho phép bức cung, do đó Ichihashi hay Shibuya đều đã lựa chọn giữ im lặng hoàn toàn, sau đó phủ nhận tội danh. Theo luật pháp Nhật Bản, dù các chứng cứ có xác thực tới đâu đi chăng nữa, cho tới thời điểm bị tòa án tuyên bố tội danh, các nghi phạm vẫn được tính là vô tội để đảm bảo tính nghiêm minh của quá trình điều tra.

Vậy, trong trường hợp như thế này, cơ quan hành pháp Nhật Bản sẽ làm gì?

Hệ thống pháp luật Nhật Bản dựa trên bộ luật dân sự và vai trò của công tố viên là đưa ra các số liệu cùng thông tin xác đáng cho tòa án để xác định sự phạm tội của bị can, từ đó yêu cầu tòa án xử lý và luận tội nghi phạm.

Nếu công tố viên tin rằng cuộc điều tra đã có đủ bằng chứng kết tội nghi phạm (và thường là khi họ đã xác định mình có thể thuyết phục được tòa), nghi can sẽ được đưa ra xét xử trước tòa. Số liệu thống kê từ Bộ tư pháp Nhật Bản cho thấy trong 10 năm từ 2002 tới 2011, tỷ lệ kết án ở Nhật Bản sau khi có cáo trạng từ phía các công tố viên là hơn 99%.

Do đó, kể cả khi nghi phạm kiên quyết giữ quyền im lặng, ngay khi tập hợp được đầy đủ bằng chứng xác đáng cũng như nắm chắc trong tay những lý lẽ có thể thuyết phục được tòa án, các công tố viên sẽ đề nghị đem vụ án ra xét xử. Vụ án Tatsuya Ichihashi đã trở nên rất nổi tiếng vào năm 2009, khiến cho hệ thống bố trí thẩm phán Nhật Bản đã được thử nghiệm và có hiệu lực vào tháng 5 năm 2009. Trong vụ án đó, 6 thành viên được lựa chọn từ công chúng đã được tham gia vào vụ án xét xử (trong trường hợp nghi phạm không chịu thừa nhận tội trạng). Sáu thẩm phán công chúng này sẽ cùng ba thẩm phán chuyên nghiệp công bố về tội trạng của nghi can. Sau khi đạt được thống nhất, bản án cho nghi can sẽ được áp dụng.

Vụ án bé Nhật Linh: quyền im lặng là gì, và cơ quan hành pháp Nhật Bản sẽ giải quyết ra sao? - Ảnh 3.

Hệ thống bố trí thẩm phán Saiban-in, được sử dụng để luận tội trong các trường hợp vụ án có tình tiết phức tạp như vụ Ichihashi.

Vào ngày 21/7/2011, Tatsuya Ichihashi bị Tòa án quận Chiba kết án tù chung thân cho tội danh giết hại Nova Lindsay Hawker, nhờ vào hệ thống bố trí thẩm phán của Nhật Bản. Dẫu cho người nhà Hawker muốn tòa tuyên án tử hình, thế nhưng phía Nhật Bản tin rằng Ichihashi chưa có tiền án tiền sự và vẫn có cơ hội để phục hồi nhân phẩm.

Nhờ có hệ thống này, ngay cả khi nghi phạm kiên quyết im lặng không khai báo và từ chối các tội danh, bản án xác đáng và công bằng vẫn sẽ được đưa ra, tuy nhiên không thể phủ nhận là thời gian xem xét các tình tiết của vụ án cũng như luận tội sẽ lâu hơn rất nhiều. Điều này cũng đang xảy ra đối với vụ án của bé Nhật Linh, khi mà Yasumasa Shibuya kiên quyết giữ quyền im lặng của mình cho đến cùng.

Gia đình nạn nhân hiểu luật pháp Nhật Bản

Mặc dù gia đình Hawker không đạt được mong muốn, thế nhưng, họ hoàn toàn thấu hiểu và thông cảm cho hệ thống luật pháp Nhật Bản cũng như những nỗ lực của cơ quan điều tra. Trong vụ án tương tự vào năm 2017, gia đình bé Nhật Linh mặc dù cũng muốn nhanh chóng kết thúc vụ án nhưng cũng hoàn toàn thừa nhận, phía Nhật Bản đang làm hết sức có thể để đảm bảo công lý cho tất cả mọi người.

Vào thời điểm hiện tại, gia đình Nhật Linh đang đi thu thập chữ ký với mong muốn kẻ thủ ác Yasumasa sẽ bị kết án với khung hình phạt cao nhất trong hệ thống pháp luật của Nhật Bản. Theo số liệu từ tổ chức ân xá thế giới, từ năm 2007-2012, có 108 trường hợp bị tử hình tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, một số người đang hiểu sai về việc xin chữ ký để đẩy nhanh quá trình xét xử của tòa án. Theo pháp luật tố tụng hình sự của Nhật Bản, tòa án không có thủ tục quyết định đưa ra xét xử một vụ án mà chỉ đưa ra xét xử khi viện kiểm soát truy tố bị cáo.