Việt Nam chỉ đứng thứ 75/100 về chất lượng đào tạo Đại học

Hà Duy, Theo Trí Thức Trẻ 14:14 07/03/2018

Các yếu tố về đổi mới sáng tạo công nghệ và giáo dục - chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam đều đang ở mức thấp, bị xếp vào nhóm các nước yếu kém.

Theo báo cáo gần đây của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) mang tên "Sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai", Việt Nam nằm trong nhóm các nước chưa có sự sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Năm 2018, WEF đã tiến hành phân tích 100 quốc gia và nền kinh tế đại diện cho hơn 96% giá trị thị trường gia tăng toàn cầu (MVA) và hơn 96% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu (GDP).

Các chuyên gia xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia yếu kém, chỉ đứng thứ 75/100 về chất lượng đào tạo đại học, 68/100 về chất lượng giáo dục toán và khoa học (3.7/7 điểm), 63/100 về tư duy phản biện trong dạy học (3.2/7 điểm), 44/100 về năng lực quốc gia để thu hút và giữ nhân tài (3.5/7 điểm).

Việt Nam chỉ đứng thứ 75/100 về chất lượng đào tạo Đại học - Ảnh 1.

Các yếu tố về đổi mới sáng tạo công nghệ và giáo dục - chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam đều đang ở mức thấp. Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 90/100 về Công nghệ và Đổi mới (Technology & Innovation); xếp thứ 92/100 về Công nghệ nền (Technology Platform); xếp thứ 77/100 về Năng lực sáng tạo; xếp hạng 70/100 về Nguồn lực con người.

Tổng cộng, Việt Nam chỉ đạt 4,9 trên thang điểm 10 về mức độ sẵn sàng với cách mạng 4.0.

Việt Nam chỉ đứng thứ 75/100 về chất lượng đào tạo Đại học - Ảnh 2.

Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ tương đương Campuchia, thua kém Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia...

Có 25 quốc gia sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung chủ yếu ở khu vực châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Á, bao gồm: Mỹ, Anh, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Áo, Bỉ, Canada, Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Ireland, Israel, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Hà Lan, Ba Lan, Singapore, Slovenia, Tây Ban Nha.

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở chính tại Davos, bang Geneva, Thụy Sĩ, nơi các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu, các vị lãnh đạo các nước, các học giả và phóng viên thảo luận những vấn đề thời sự quốc tế, bao gồm các lĩnh vực y tế và môi trường. Ngoài các cuộc họp quốc tế thường niên và nhiều cuộc họp khu vực khác, WEF cũng xuất bản các kết quả nghiên cứu và khuyến khích các thành viên cùng thực hiện các sáng kiến mang lại lợi ích cho toàn thế giới.

Năm 2018, WEF kéo dài từ ngày 23/1 - 26/1 tại Davos (Thụy Sĩ) với sự tham gia của hơn 3.000 đại biểu từ hơn 100 quốc gia. Trong đó có hơn 70 nguyên thủ các nước và hơn 1.900 lãnh đạo doanh nghiệp.