Vì sao Stephen Hawking - nhà khoa học đang khiến cả thế giới khóc thương lại được tôn vinh là thiên tài?

Oct, Theo Helino 12:50 14/03/2018

Những thành tựu to lớn không ai làm được lại đến từ một thân thể gặp quá nhiều khó khăn. Đó là lý do Stephen Hawking được gọi là thiên tài.

Giáo sư thiên tài Stephen Hawking, biểu tượng của lòng dũng cảm và kiên định đã qua đời ở tuổi 76. Sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương vô hạn không chỉ trong giới học thức, mà còn các cộng đồng đam mê khoa học thiên văn trên toàn thế giới.

Ở thời điểm hiện tại, Hawking có lẽ là cái tên khoa học nổi tiếng nhất. Ông là một trong những con người được đánh giá là "thiên tài thời hiện đại", người đã đưa ra những lý thuyết khiến cho khoa học phải thay đổi tư duy về bản chất của vũ trụ.

Vì sao Stephen Hawking - nhà khoa học đang khiến cả thế giới khóc thương lại được tôn vinh là thiên tài? - Ảnh 1.

Giáo sư Stephen Hawking qua đời năm 76 tuổi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho giới khoa học

Vượt lên tất thảy, ông làm được những điều đó trong khi bản thân mắc phải chứng bệnh  thần kinh cực kỳ nghiêm trọng, khiến ông bại liệt toàn thân, đồng thời mất đi khả năng nói chuyện. Ông chỉ có thể giao tiếp nhờ vào một hệ thống máy tính được cấy ghép vào lồng ngực.

Người ta thậm chí còn làm một bộ phim tiểu sử về cuộc đời ông, mang tên The Theory of Everything (tên tiếng Việt: Thuyết yêu thương) - thứ đã mang về cho Eddie Redmayne giải Oscar nhờ thể hiện hình ảnh của Hawking một cách quá xuất sắc.

Nhưng sau cùng, lý do ông được công nhận là thiên tài phải xuất phát từ những thành tựu. Và đó là gì?

Người đàn ông thay đổi nền tảng vật lý

Hawking đã làm gì để khiến khoa học nhìn nhận lại bản chất của vũ trụ?

Lawrence Krauss, nhà vật lý lý thuyết từ ĐH Bang Arizona và cũng là bạn đồng nghiệp của Hawking chia sẻ rằng ngay từ những năm tháng tuổi trẻ, Hawking đã có những khám phá "cực kỳ ấn tượng".

Vì sao Stephen Hawking - nhà khoa học đang khiến cả thế giới khóc thương lại được tôn vinh là thiên tài? - Ảnh 2.

Karuss cho biết, trước khi Hawking xuất hiện, giới vật lý luôn tin tưởng rằng lực hấp dẫn cực mạnh của các hố đen vũ trụ có thể hút bất kỳ thứ gì, và không một tạo vật nào trong vũ trụ có thể thoát ra được. Nhưng rồi bằng việc kết hợp các cơ chế lượng tử và thuyết tương đối của thiên tài Einstein, Hawking đã đem đến một công bố khiến cả giới khoa học phải giật mình vào năm 2012. 

Đó là ít nhất trên lý thuyết, có một số loại hạt có thể chống lại quy luật đó, thoát ngược ra khỏi hố đen dưới dạng bức xạ.

"Các hạt đó sẽ được gọi là bức xạ Hawking," - trích một đoạn chia sẻ của Krauss từ năm 2012. "Nó đã thay đổi toàn bộ những gì chúng ta vẫn hiểu về lực hấp dẫn."

Vì sao Stephen Hawking - nhà khoa học đang khiến cả thế giới khóc thương lại được tôn vinh là thiên tài? - Ảnh 3.

Hawking đã chỉ ra một vấn đề cơ bản về lực hấp dẫn, rằng tồn tại một loại bức xạ có thể thoát ra khỏi hố đen, thứ được cho là trọng lực tuyệt đối

Hawking đã chỉ ra được một vấn đề hết sức cơ bản về cách giới vật lý lúc bấy giờ đang nhìn nhận thế giới - vấn đề mà Krauss cho rằng đến tận lúc này vẫn chưa thể giải quyết được.

"Vậy nên, ảnh hưởng và di sản ông để lại là cực kỳ uyên thâm." - Krauss cho biết.

Vào giai đoạn cuối đời, căn bệnh của Hawking đã khiến ông hầu như bị tê liệt toàn thân, và gần như không thể nói chuyện được nữa dù phải dùng đến máy móc hỗ trợ. Đây cũng là một yếu tố khiến nhiều người nhìn nhận ông là một thiên tài, khi các thành tựu quá lớn được tạo ra dưới một thân thể vô cùng bất lợi. 

Một số người cho rằng đôi khi vì những khó khăn về mặt thể chất mà Hawking có thể đưa ra được những ý tưởng xuất sắc. Như Kip Thorne, nhà vật lý từ Viện công nghệ California - người thường xuyên cộng tác với Hawking cũng đồng tình với quan điểm này.

Vì sao Stephen Hawking - nhà khoa học đang khiến cả thế giới khóc thương lại được tôn vinh là thiên tài? - Ảnh 4.

"Có thể vì căn bệnh mà ông có thể đưa ra những hướng tư duy rất mới. Ông có thể tập trung toàn bộ khả năng tư duy xung quanh một vấn đề, và đưa ra những ý tưởng vượt ngoài khuôn khổ." - Thorne chia sẻ. 

Và những ý tưởng ấy đến một cách thường xuyên, vượt xa phần còn lại của nhân loại.

Sẵn sàng chấp nhận những thách thức mới

Trong cả một đời, Hawking luôn hướng đến việc chinh phục những thử thách. Ví dụ năm 2008, ông chấp nhận thử thách từ công ty Zero G Corporation để trải nghiệm môi trường vô trọng lực. Công ty khi đó đã dùng một chiếc máy bay, lên cao rồi lao ngược xuống trong vòng 25s. Ở quãng thời gian đó, mọi người trong cabin không cảm nhận được trọng lực nữa. 

"Tôi đã ngồi xe lăn trong gần 4 thập kỷ rồi, thế nên cơ hội được trôi nổi trong không gian vô trọng lực thực sự sẽ rất tuyệt vời" - Hawking hào hứng chia sẻ trước chuyến bay.

Sự kiện ấy, đến giờ phút này, sẽ được giới khoa học nhớ mãi. Nhà khoa học dành cả đời để thay đổi tư duy của nhân loại về lực hấp dẫn, và rồi cũng được dành vài phút vui vẻ khi không có nó nữa. Thực sự rất phù hợp, và tấm ảnh Hawking cười rạng rỡ là minh chứng cho điều đó.

Vì sao Stephen Hawking - nhà khoa học đang khiến cả thế giới khóc thương lại được tôn vinh là thiên tài? - Ảnh 5.
Tham khảo: National Public Radio