Vì sao người trẻ khó thoát khỏi cám dỗ của chất kích thích tại lễ hội âm nhạc?

Thu Phương, Theo Đời sống & Pháp luật 21:45 20/09/2018

Những lễ hội âm nhạc tưng bừng phút chốc trở thành án tử với nhiều người trẻ với nhiều nguyên nhân còn gây tranh cãi gay gắt.

Vì sao người trẻ khó thoát khỏi cám dỗ của chất kích thích tại lễ hội âm nhạc? - Ảnh 1.

Số thuốc lắc được thu giữ tại một hộp đêm ở Australia năm 2017 - Ảnh: Guardian

Vấn nạn toàn thể giới

Năm 2015, tạp chí âm nhạc Billboard từng đăng tải một bài viết cảnh báo về số ca tử vong do sử dụng chất kích thích quá liều tại các lễ hội âm nhạc đang tăng vọt. Một số ý kiến cho rằng sự lên ngôi của dòng nhạc điện tử EDM đã kéo theo cách thưởng thức âm nhạc hoàn toàn mới.

Những con số thống kê thể hiện nhiều hơn. Năm 2013, ít nhất 7 người tử vong vì sử dụng ma túy quá liều trong khi 9 người ẩu đả đến thiệt mạng trong chương trình Pearl Jam tại lễ hội Roskilde của Đan Mạch trong trạng thái quá hưng phấn. Năm 2010 tại Đức, 15 người thiệt mạng trong một lễ hội âm nhạc tại lễ hội Love Parade.

Tại Australia, ngay năm ngoái, 25 người phải nhập viện do sử dụng chất kích thích GHB quá liều tại lễ hội âm nhạc Electric Parade. Đến nay, sự việc 7 bạn trẻ tử vong trong chương trình ca nhạc tại hồ Tây đã xuất hiện trên một số trang tin nước ngoài như Independents, SCMP…

Những khảo sát toàn quốc tại Mỹ, Anh và Australia cho thấy việc sử dụng chất kích thích, thuốc lắc hay ma túy đá tại các lễ hội âm nhạc là điều hết sức phổ biến.

Trên thực tế, những thống kê thương vong đáng báo động đã khiến các nhà tổ chức sự kiện phải xem xét lại vấn đề an ninh trong khi chính quyền một số thành phố lớn muốn cấm tổ chức các lễ hội EDM.

Độ tuổi trung bình tham dự các lễ hội âm nhạc từ là từ 14 – 35 và ngày càng có xu hướng trẻ hóa trong những năm gần đây, theo BBC. Bởi vậy, các thống kê cho thấy gần 50% số người tham dự có sử dụng cần sa và thuốc lắc khiến nhiều phụ huynh choáng váng.

Đâu là nguyên nhân?

Vì sao người trẻ khó thoát khỏi cám dỗ của chất kích thích tại lễ hội âm nhạc? - Ảnh 2.

Những lễ hội âm nhạc có thể trở thành cái bẫy tử thần với nhiều người trẻ không giữ mình - Ảnh: Billboard

Theo báo cáo của Hiệp hội âm nhạc điện tử từ năm 2015, ngành công nghiệp âm nhạc EDM trị giá 6,2 tỷ USD và đang ngày càng phát triển. Không chỉ là âm nhạc, EDM thực sự đang xuất hiện nhiều trong cuộc sống về đêm sôi động tại các hộp đêm, quán bar và lễ hội.

Sự xuất hiện tràn lan và sai lệch của văn hóa nghe nhạc điện tử cộng với sụ khó khăn trong khâu quản lý đã tạo ra nhu cầu, điều kiện cho những loại chất kích thích len lỏi vào tay người trẻ một cách dễ dàng.

Năm 2012, gia đình một bé gái 15 tuổi tử vong do sử dụng thuốc lắc quá liều tại lễ hội EDC 2010 đã thắng kiện công ty Insomniac – đơn vị tổ chức và Ủy ban Văn hóa Los Angeles. Cha mẹ cô bé cáo buộc chính quyền đã quá lơi lỏng kiểm soát và các chất kích thích được mua bán dễ dàng đã đẩy nhiều thanh niên vào cảnh nghiện ngập hay thậm chí là tử vong.

Tuy nhiên, sự việc gây ra nhiều tranh cãi khi hầu hết dư luận hướng chỉ trích vào các bậc phụ huynh – những người được cho là đã không quan tâm đầy đủ đến con gái mình.

Ở một cuộc sống nơi người trẻ đang ngày càng chịu nhiều áp lực, chất kích thích và các lễ hội âm nhạc cuồng nhiệt chắc chắn hấp dẫn hơn mọi lời khuyên bảo của cha mẹ. Thuốc kích thích bỗng chốc trở thành một thước đo cho độ "chịu chơi" và để người trẻ dễ dàng thể hiện bản thân.

Việc giáo dục "một người biết cách chơi có điểm dừng" dường như chưa bao giờ thực sự được coi trọng, ngay cả ở những quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu, Australia, đặc biệt với độ tuổi đang muốn phá bỏ mọi giới hạn.

Nguồn gốc sâu xa của những thảm kịch từ chất kích thích có lẽ không bắt nguồn từ các lễ hội âm nhạc và sẽ còn tiếp diễn nếu những người trẻ vẫn còn “lạc lõng” tìm lối thoát hay cách thể hiện mình giữa một thế giới đầy áp lực, thiếu vắng sự sẻ chia nhưng quá nhiều cám dỗ.