Vì sao máy bay luôn "ghét" khách dùng điện thoại, laptop nhưng vẫn cấp Wi-Fi thoải mái?

Hà Thu, Theo Trí Thức Trẻ 16:02 08/10/2019

Sóng di động vô tuyến và sóng Wi-Fi là 2 phạm trù khác biệt để các chuyên gia tạo nên những khuyến cáo an toàn cho chuyến bay.

Những ngày gần đây, rất nhiều người đang bày tỏ sự quan tâm tới quyết định mới từ hãng hàng không Vietnam Airlines: Chính thức cung cấp dịch vụ Wi-Fi ngay trong các chặng và chuyến bay. Được biết, kết nối Wi-Fi sẽ có mặt trên một số đường bay nhất định, tối ưu nhất cho nhu cầu gửi và liên lạc tin nhắn qua các ứng dụng như Messenger, Viber... thay vì xem phim, lướt web giải trí vì độ ổn định không thể lý tưởng như hạ tầng mặt đất. 

Vì sao máy bay luôn ghét khách dùng điện thoại, laptop nhưng vẫn cấp Wi-Fi thoải mái? - Ảnh 1.

Ấy vậy, liệu bạn có bao giờ tự hỏi: Vì sao các thiết bị phát sóng di động vô tuyến nói chung (điện thoại, laptop, máy tính bảng...) thường bị cấm hoặc hạn chế sử dụng trong chuyến bay, nhưng Wi-Fi vẫn được cho phép thoải mái như vậy?

Lý do chuyên sâu ít người biết

Điểm khác biệt chính yếu nhất của "nghịch lý" trên không nằm ở thiết bị, mà nằm ở loại sóng kết nối chúng phát ra khi sử dụng. Trong đó, sóng vô tuyến nói chung tự thân thiết bị phát ra sẽ gây nên những ảnh hưởng, rủi ro khôn lường cho hệ thống và máy móc định hướng trên máy bay. Còn lại, sóng Wi-Fi chuyển tiếp và kết nối trung gian lại được công nhận là an toàn trong những tình huống đó.

Theo Mike Woodward - chuyên gia đại diện từ Boeing từng phát biểu: "Bản thân sóng vô tuyến có thể sản sinh ra những tín hiệu gây nhiễu hoặc hiểu lầm cho các bộ phận cảm biến, mạch tiếp nhận bên trong máy tính và hệ thống của máy bay." Trong một số thử nghiệm thực tế trước đây, người ta đã chứng minh một chiếc điện thoại di động cơ bản có thể khiến nhiều máy đo nhận diện nhầm các tín hiệu, gây nên hiện tượng báo động khói bất ngờ kích hoạt dù không hề có dấu hiệu khí đốt.

Trong khi đó, sóng Wi-Fi lại đạt được sự ổn định khác biệt nhờ các bộ tiếp sóng lắp đặt ngay bên trong cabin máy bay. Chúng có tác dụng thu nhận dữ liệu phát ra từ những smartphone, laptop... rồi chuyển tiếp tới bộ phận server của máy bay, sau đó mới luân chuyển Internet từ các nguồn như vệ tinh hoặc trạm tiếp sóng mặt đất được nhận biết ở gần. 

Vì sao máy bay luôn ghét khách dùng điện thoại, laptop nhưng vẫn cấp Wi-Fi thoải mái? - Ảnh 2.

Sóng Wi-Fi đã được chứng minh là an toàn cho các chuyến bay.

Cường độ sóng kết nối Wi-Fi phát ra thấp hơn nhiều so với sóng vô tuyến thông thường từ thiết bị, chỉ bằng khoảng 1/20 lần. Ngoài ra, tần số sóng Wi-Fi cũng cao hơn sóng vô tuyến, vì vậy phạm vi ảnh hưởng cũng thấp hơn và ít gây nhiễu động hoặc rủi ro tiềm tàng.

Wi-Fi máy bay sẽ cần cải thiện nhiều trong tương lai

Theo thông tin đưa ra từ Vietnam AirLines, mức giá mua gói Wi-Fi sẽ dao động từ 2,95 - 29,95 USD (tương đương từ 75.000 - 735.000 VND) và tối đa chỉ được mua gói dung lượng 80MB. Điều này khiến nhiều người cảm thấy hơi giật mình thảng thốt, bởi "hơn 700.000 đồng mà chỉ đáng giá 80MB khiêm tốn không đủ lướt web?"

Thực chất, đây có thể là kết quả rút ra từ nhiều yếu tố, trong đó bao gồm hạn chế về tốc độ tải cũng như khó khăn trong việc điều hòa tín hiệu đủ mạnh cho rất nhiều người cùng dùng một lúc. Chi phí lắp đặt, bảo trì và chăm sóc máy móc, thiết bị phục vụ phát Wi-Fi cũng không đơn giản như một cục router ở nhà riêng mỗi người, vì vậy chúng đều được tính vào mức giá chung khi mua gói dung lượng.

Dù sao thì nhiều công ty viễn thông cũng đã và đang tìm cách cải thiện chất lượng kết nối Wi-Fi hàng không, tận dụng tối đa nguồn lực và khả năng của các vệ tinh vũ trụ kết hợp với các trạm phát sóng mạnh mẽ từ nhiều tòa nhà cao chọc trời. Dự kiến trong khoảng 4-5 năm nữa, tất cả mọi máy bay trên thế giới sẽ đều được lắp đặt bộ thu phát sóng Wi-Fi cho hành khách cùng tốc độ được cải thiện mạnh mẽ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày