Vì sao khán giả xem Đông Cung cứ lấn cấn cảm giác “phim này hay - dở khó nói”?

THUY LE, Theo Helino 10:31 20/02/2019

Là dự án được chờ đợi lâu năm nhưng sau khi lên sóng, Đông Cung đã nhận nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt khán giả đang dần mệt trước phong cách thất thường của phim, khiến nhiều người xem phim cứ cảm thấy Đông Cung sao mà “vừa hay vừa dở”.

Lên sóng đã được gần một phần tư chặng đường, Đông Cung hiện là phim Hoa ngữ được khán giả quan tâm nhiều nhất. Tuy nhiên, phần lớn khán giả theo dõi Đông Cung đều không tránh khỏi rơi vào tình thế không biết đánh giá phim thế nào cho phải. Chê dở thì quá nặng nề mà khen hay lại chưa đủ tầm. Nguyên nhân Đông Cung khiến người xem cứ phải lấn cấn cảm giác "phim này hay dở khó đánh giá" hoàn toàn có thể gói gọn trong hai chữ: thất thường. Từ tình tiết, nhịp phim, dựng phim đến diễn xuất, đều thất thường.

Cải biên nguyên tác: Chỗ được lòng fan, chỗ gây khó chịu

Tuyệt phẩm ngôn tình Đông Cung của Phỉ Ngã Tư Tồn luôn được xếp vào hàng tác phẩm ngược tâm hay nhất bởi sở hữu cốt truyện súc tích, lôi cuốn lại tiềm ẩn nhiều bất ngờ được sắp xếp xuất hiện hợp lý, chính vì thế ngay từ lúc tin tức chuyển thể được xác nhận vào khoảng năm 2015, không ít người đã bày tỏ lo ngại về tiềm năng chuyển thể một nguyên tác đã quá nổi tiếng. Giờ đây sau hơn mười tập phim, tin rằng khán giả có lí do chính đáng cho rằng những lo ngại lúc trước là có cơ sở.

Trước tiên, không thể phủ nhận phim Đông Cung vẫn có những cải biên hợp lý so với nguyên tác. Ở bản truyện, Phỉ Ngã Tư Tồn thuật chuyện ở ngôi thứ nhất của công chúa Tiểu Phong (Bành Tiểu Nhiễm) nên hiển nhiên việc suy đoán tình tiết, đánh giá nhân vật phụ thuộc lớn vào độc giả. Bản phim đã thêm nhiều tình tiết nhằm khắc họa rõ hơn hoàn cảnh, tính cách, lý tưởng và tâm cơ của mỗi nhân vật, điển hình như nam chính Lý Thừa Ngân (Trần Tinh Húc) và nam phụ Cố Kiếm (Ngụy Thiên Tường) góp phần làm cho hình tượng nhân vật trở nên phong phú, rõ nét hơn.

Hai nam nhân quan trọng được mở rộng thêm phần quá khứ và những sự kiện hình thành nên con người họ lúc này.

Ngoài việc khắc họa nhân vật rõ nét, nhờ có ưu thế thời lượng, Đông Cung cũng mở rộng tuyến nhân vật và nội dung trong nguyên tác để đào sâu hơn một chút vào những cuộc quyền đấu, cung đấu chốn hoàng cung, tạo cho bộ phim cảm giác quy mô hơn. Phim đồng thời thêm thắt nhiều phân cảnh lãng mạn giữa Tiểu Phong và Cố Tiểu Ngũ, để cả hai cùng nhau trải qua nhiều kỉ niệm hơn, hợp lý hóa quá trình Tiểu Phong dần dành tình cảm cho nam nhân này.

Nhiều trường đoạn đã được thêm thắt để hợp lý hóa quá trình chuyển biến tình cảm của Tiểu Phong.

Vì sao khán giả xem Đông Cung cứ lấn cấn cảm giác “phim này hay - dở khó nói”? - Ảnh 4.

Nam nữ chính cũng được ưa ái nhiều khoảnh khắc lãng mạn.

Tuy nhiên, cái ưu đã rõ, còn cái nhược của việc cải biên nguyên tác, chính là phim Đông Cung trong quá trình cải biên các trường đoạn đắt nhất đã vô tình làm giảm đi tính day dứt và độc đáo trong nguyên tác. Chi tiết gây tranh cãi nhiều nhất đơn cử có thể kể đến việc Tiểu Phong có tình cảm với sư phụ Cố Kiếm ở đầu phim. Trong lòng nhiều fan nguyên tác, việc Tiểu Phong cả đời chỉ yêu một và duy nhất Cố Tiểu Ngũ (tức Lý Thừa Ngân) là điểm mấu chốt khiến đời nàng khổ càng thêm khổ, cho nên không ít người khó chấp nhận chuyện Tiểu Phong có tình cảm với một nam nhân khác trước đó.

Vì sao khán giả xem Đông Cung cứ lấn cấn cảm giác “phim này hay - dở khó nói”? - Ảnh 5.

Việc Tiểu Phong từng có cảm tình "không phải tình sư đồ" với Cố Kiếm khiến không ít fan nguyên tác khó chịu.

Đó là chưa kể, đến trường đoạn quan trọng là cảnh cả hai nhảy xuống sông Quên, Tiểu Phong và Lý Thừa Ngân sau khi được cứu lên đều đã quên hết chuyện cũ. Và ở một phân cảnh về sau lúc hai người đã thành thân ở kinh thành, Lý Thừa Ngân có nói thế này "không biết vì sao khi cả Sắt Sắt và nàng ta cùng rơi xuống nước, ta lại cứu nàng ta" hay câu hắn hỏi Tiểu Phong lúc gặp mặt: "Liệu ta có từng gặp nhau trước đây chưa?". Những câu thoại đó, rõ ràng ám chỉ Lý Thừa Ngân đã quên hết chuyện cũ, nhưng nếu đã "ngâm cứu" kĩ nguyên tác, cần biết rằng hắn vốn không hề quên. Hắn vẫn nhớ mọi chuyện, nhưng vì sợ mất Tiểu Phong, mới vờ cùng quên để cùng nàng bắt đầu lại. Chi tiết "giả quên" này là điểm đặc biệt khiến nhân vật Lý Thừa Ngân thành nam chính bị ghét hàng nhất trong "vũ trụ" của Phỉ Ngã Tư Tồn. Liệu biên kịch có để nam chính giả quên? Nếu thật thế thì hẳn biên kịch này sẽ phải tốn không ít công sức để hợp lý hóa những câu thoại "ngô nghê" của nam chính rồi.

Vì sao khán giả xem Đông Cung cứ lấn cấn cảm giác “phim này hay - dở khó nói”? - Ảnh 6.

Lý Thừa Ngân đáng ra phải là nam chính mưu mô và đáng ghét nhất trong "vũ trụ" ngôn tình.

Nhịp phim thất thường: Lúc hợp lý kịch tính, lúc lại hụt hẫng

Nhịp điệu tình tiết của Đông Cung quả thật nhiều lúc khiến khán giả phải khó chịu bởi quá trình chuyển cảnh nhanh chậm thất thường. Những tập đầu tiên, Đông Cung làm khá tốt khi để nhịp phim đi chậm vừa phải, từ lúc Lý Thừa Ngân rời khỏi kinh thành đến Tây Châu, gặp Tiểu Phong dưới thân phận Cố Tiểu Ngũ rồi để hai nhân vật chính dần có ấn tượng nhất định về nhau. Nhìn chung, một phần vì giai đoạn đầu chưa có nhiều tình tiết then chốt nên nhịp điệu có thể không làm ảnh hưởng lắm đến mạch phim, dù những đoạn chuyển cảnh chớp nhoáng vẫn thi thoảng xuất hiện.

Vì sao khán giả xem Đông Cung cứ lấn cấn cảm giác “phim này hay - dở khó nói”? - Ảnh 7.
Vì sao khán giả xem Đông Cung cứ lấn cấn cảm giác “phim này hay - dở khó nói”? - Ảnh 8.

Giai đoạn còn "thả thính" nhau thì mọi sự vẫn ổn.

Tuy nhiên, qua giai đoạn đầu tiên, đến chặng đường hai nhân vật chính phải lòng nhau, nhịp phim bắt đầu trở nên ngẫu hứng. Nhiều lúc từ cảnh này nhảy sang cảnh khác quá đột ngột khiến tâm lý khán giả không theo kịp. Một số cảnh quan trọng vì kiểu cắt ghép này mà trở nên rời rạc, xem chưa kịp lên đến cao trào cảm xúc đã bị chuyển sang cảnh khác gây nên cảm giác hẫng hụt không đáng.

Vì sao khán giả xem Đông Cung cứ lấn cấn cảm giác “phim này hay - dở khó nói”? - Ảnh 9.

Đang xem mà tự nhiên chuyển cảnh không mượt sẽ khiến khán giả có biểu cảm thế này đây.

Dựng phim chắp vá: đẹp xấu lẫn lộn

Thất thường trong nhịp phim và tình tiết cải biên đã đành, Đông Cung còn khiến khán giả đau đầu với khâu dựng phim: "Dựng phim thế này rốt cuộc nên tính là có tâm hay không có tâm?". Ngay từ trailer, khán giả đã được phen thở phào vì Đông Cung sở hữu phần ngoại cảnh chỉn chu. Được biết, để khắc hoạ mối tình giữa người con gái ngoại tộc và chàng thái tử, NSX đã vô cùng chịu khó thực hiện các đại cảnh tại vùng cao nguyên Bá Thượng vô cùng rộng lớn, đầy ắp những đàn ngựa hoang và rừng bạch đàn trải dài trên khắp các sườn núi. Phông nền thiên nhiên chân thật góp công rất lớn vào thành công của những cảnh chiến đấu, hành quân, truy đuổi. Hơn nữa, cảnh sinh hoạt văn hóa của tộc người Đan Si cũng được dàn dựng công phu, hoành tráng, toát lên nét đặc trưng của bộ tộc thảo nguyên từ trang phục đến tập quán. Có thể nói, giai đoạn những sự kiện diễn ra trên thảo nguyên này, ngoại trừ cảnh bắt đom đóm hơi có phần "siêu thực", các đại cảnh khác đều khá được lòng khán giả.

Vì sao khán giả xem Đông Cung cứ lấn cấn cảm giác “phim này hay - dở khó nói”? - Ảnh 10.

Cảnh sinh hoạt của người Đan Si được dựng rất chỉn chu, có dấu ấn.

Vì sao khán giả xem Đông Cung cứ lấn cấn cảm giác “phim này hay - dở khó nói”? - Ảnh 11.
Vì sao khán giả xem Đông Cung cứ lấn cấn cảm giác “phim này hay - dở khó nói”? - Ảnh 12.
Vì sao khán giả xem Đông Cung cứ lấn cấn cảm giác “phim này hay - dở khó nói”? - Ảnh 13.

Cảnh cung cấm và vật dụng cũng cho thấy sự tỉ mỉ.

Thế nhưng, Đông Cung không thể duy trì được sự chỉn chu xuyên suốt. Ngay phân đoạn quan trọng nhất: cảnh nhảy sông Quên của nam nữ chính, bộ phim làm dấy lên tranh cãi với phông nền sơ sài, cảnh quay không thật, tạo cảm giác hết sức lạc lõng. Chưa kể kiểu quay chậm quá đáng trong lúc nam nữ chính rơi xuống cũng bị phản ứng vì không chỉ ảo, mà còn kịch hơn những phân cảnh thường thấy trong các bộ phim trước.

Vì sao khán giả xem Đông Cung cứ lấn cấn cảm giác “phim này hay - dở khó nói”? - Ảnh 14.
Vì sao khán giả xem Đông Cung cứ lấn cấn cảm giác “phim này hay - dở khó nói”? - Ảnh 15.

Nhưng tại sao đến cảnh quan trọng thì phông nền lại sến và giả thế này?

Quạn trọng nhất, diễn xuất của Trần Tinh Húc và Bành Tiểu Nhiễm cứ như cho khán giả đi "tàu lượn siêu tốc"

Ngay từ khâu tuyển chọn diễn viên, Đông Cung đã khiến dân tình xôn xao khi giao vai chính vào tay hai gương mặt xa lạ. Bản thân hình tượng nguyên tác của Đông Cung là rất "khó nhằn" bởi cả hai đều có tâm lý phức tạp và chịu đựng nhiều đau khổ nên hẳn nhiên fan nguyên tác muốn "con cưng" của mình phải được những diễn viên tên tuổi đảm nhận. Ngay sau khi phim lên sóng tập đầu tiên, đôi mắt cứ trợn tròn của Bành Tiểu Nhiễm đã trở thành tâm điểm tranh luận. Mặt khác, diễn xuất của nam chính Trần Tinh Húc tạm "qua ải" trong vài tập đầu tiên nhưng bắt đầu lộ nhược điểm trong chặng phim tiếp theo, khi chính thức bước vào giai đoạn ngược luyến.

Vì sao khán giả xem Đông Cung cứ lấn cấn cảm giác “phim này hay - dở khó nói”? - Ảnh 16.

Vốn diễn xuất của nam chính Trần Tinh Húc được đánh giá cao hơn nữ chính.

Vì sao khán giả xem Đông Cung cứ lấn cấn cảm giác “phim này hay - dở khó nói”? - Ảnh 17.

Nhưng nhan sắc nổi bật và hợp vai cũng giúp Tiểu Nhiễm qua được những "ải" đầu tiên.

Thực tế, đôi mắt "ốc nhồi" của Bành Tiểu Nhiễm chỉ là điểm trừ nho nhỏ, bởi sự thật là chẳng ai được quyết định kích thước mắt của mình cả, thậm chí cô nàng còn được nhiều khán giả bênh vực rằng biểu cảm trợn mắt khá dễ thương chứ không hề phản cảm. Bỏ qua đôi mắt, cách diễn phập phồng lúc hay lúc không của Tiểu Nhiễm mới là điểm đáng đề cập. Vốn sở hữu ngoại hình bắt mắt, tính khí tương đồng, việc hóa thân vào Tiểu Phong giai đoạn vui vẻ tinh nghịch của cô vẫn rất được lòng người xem. Thậm chí trong cảnh khóc "nặng kí" nhất, cô được đánh giá nhỉnh hơn Trần Tinh Húc.

Vì sao khán giả xem Đông Cung cứ lấn cấn cảm giác “phim này hay - dở khó nói”? - Ảnh 18.

Biểu cảm của Tiểu Nhiễm trong phân cảnh nặng kí này được đánh giá tốt.

Còn về phần nam chính, anh bị cho là có khuôn mặt khó bắt góc khi nhìn theo hướng này sẽ thấy đẹp nhưng theo hướng khác lại không. Nhưng cũng tương tự nữ chính, nhan sắc chỉ là thứ yếu nếu so với diễn xuất. Sau giai đoạn đầu khá ổn, Trần Tinh Húc bắt đầu cho thấy nhược điểm lớn trong các cảnh khóc. Điển hình, cách khóc của anh trong phân cảnh tương tác với Tiểu Nhiễm bị chê "buồn cười, giả tạo", còn đến cảnh níu kéo nữ chính trong trường đoạn nhảy sông Quên, biểu cảm một màu, ánh mắt chưa đến tầm của anh đã khiến khán giả tranh luận dữ dội, chưa kể còn bị chê kém xa với biểu cảm của Triệu Hựu Đình lúc Tố Tố (Dương Mịch) nhảy Tru Tiên Đài.

Vì sao khán giả xem Đông Cung cứ lấn cấn cảm giác “phim này hay - dở khó nói”? - Ảnh 19.

Nhưng khi nữ chính làm tốt, thì nam chính lại bắt đầu "kì kì".

Thần thái của diễn viên và cách dựng cảnh đều tỏ rõ sự khác biệt về độ "có tâm" giữa hai phim.

Nói cách khác, nam nữ chính của chúng ta chẳng khác nào đang cho khán giả leo lên một chuyến "tàu lượn cảm xúc". Vừa đó mỉm cười với sự đáng yêu của Tiểu Nhiễm, liền sau lắc đầu vì cô nàng gào khóc quá kịch; vừa đó cảm thán khen ngợi ánh mắt mưu mô thần thái của Trần Tinh Húc, liền sau thở dài với kiểu khóc còn non của anh. Đáng buồn nhất, chính là hai diễn viên chưa tạo được phản ứng bùng nổ trong các cảnh tương tác đắt giá, thường chỉ có một bên thể hiện tốt, bên còn lại sẽ rơi vào trạng thái lép vế. Chưa kể đến trường đoạn nhảy sông quan trọng, kiểu nhả thoại mà ánh mắt vô hồn của hai diễn viên khiến khán giả hơi khó tính chút là đã cảm thấy không khác gì đang trên đỉnh vòng tàu lượn siêu tốc mà trượt xuống vậy.

Vì sao khán giả xem Đông Cung cứ lấn cấn cảm giác “phim này hay - dở khó nói”? - Ảnh 21.

Cận cảnh biểu cảm của Trần Tinh Húc trong phân cảnh quan trọng, khán giả có thấy được nước mắt không?!

Vì sao khán giả xem Đông Cung cứ lấn cấn cảm giác “phim này hay - dở khó nói”? - Ảnh 22.

Miệng nói lời li biệt, nhưng ánh mắt của Tiểu Nhiễm chưa đủ cảm xúc khiến khán giả không khỏi băn khoăn cô là đang đau khổ đến thẫn thờ hay chỉ đơn giản là... đơ.

Tạm kết

Không như nhiều tác phẩm khác thường phân khán giả thành hai luồng yêu ghét rõ ràng, Đông Cung khiến người ta vừa muốn xem vừa không muốn xem, lắm lúc thấy hay lắm lúc lại chỉ muốn chỉ trích cho hả giận, đều là vì quá nhiều kiểu phập phồng thất thường trong hầu hết các khía cạnh. Hiện phim đã bước vào giai đoạn mới, hy vọng trong các trường đoạn sau, hai diễn viên chính có thể vớt vát niềm tin của khán giả để không phụ lòng mong chờ bấy lâu và không phí phạm một nguyên tác đình đám. Đón xem những tập tiếp theo của Đông Cung vào 20:00 hàng ngày.

Vì sao khán giả xem Đông Cung cứ lấn cấn cảm giác “phim này hay - dở khó nói”? - Ảnh 23.