Vén ánh hào quang, nhìn vào 5 góc khuất gây nhức nhối tại Hollywood

Thuỳ Nhiên, Theo Trí Thức Trẻ 09:00 11/06/2018

Phía sau những thành tựu hào nhoáng được mang đến bởi các bộ phim hay, ngành công nghiệp điện ảnh ở Hollywood vẫn luôn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nan giải.

Từ rất nhiều năm về trước cho đến tận bây giờ, Hollywood luôn được ưu ái khoác lên mình một danh xưng mỹ miều: kinh đô điện ảnh. Có thể nói, đây chính là lời tán thưởng của giới yêu phim về ánh hào quang rực rỡ mà nơi này mang đến cho bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Tuy nhiên, cũng trong ngần ấy thời gian, có một thế giới bóng tối tồn tại song song với vẻ ngoài đẹp đẽ của Hollywood.

Vén ánh hào quang, nhìn vào 5 góc khuất gây nhức nhối tại Hollywood - Ảnh 1.

1. "Tẩy trắng" – một khái niệm không còn xa lạ

Đối với những người quan tâm đến phim ảnh Hollywood, ắt hẳn họ đã từng bắt gặp cụm từ "tẩy trắng" (whitewashing) không dưới hàng chục lần. Nói một cách đơn giản và dễ hiểu nhất, "tẩy trắng" có nghĩa là những nhân vật gốc da màu bị đem ra "tẩy xóa" để biến thành người da trắng. Mặc kệ xuất thân của họ đến từ châu Phi, châu Á hay vùng Latinh, các nhà làm phim cứ nhất định phải tuyển chọn những diễn viên da trắng Âu Mỹ vào vai thì mới vừa lòng.

Vén ánh hào quang, nhìn vào 5 góc khuất gây nhức nhối tại Hollywood - Ảnh 2.

Vai thiếu tá Matoko Kusanagi do người đẹp Scarlett Johansson thủ vai

Ghost in the Shell xứng đáng trở thành trò cười của năm 2017 khi để cho đả nữ số một của nước Mỹ thể hiện nhân vật hoạt hình kinh điển Motoko Kusanagi của người Nhật . Tất nhiên, sự xinh đẹp và nổi tiếng của Scarlett Johansson không thể cứu vãn nổi sự gán ghép phi lý này.

Một lý do cũ rích được các đơn vị sản xuất phim "nhai đi nhai lại" đó chính là họ cần những diễn viên hạng A để đảm bảo doanh thu. Song, con số không hề biết nói dối, sự thất bại nặng nề tại phòng vé của những Ghost in the Shell (2017), Death Note (2017), Gods of Egypt (2016) hay Aloha (2015) là minh chứng rõ ràng nhất cho việc "tẩy trắng để kiếm tiền" chỉ là lời ngụy biện yếu ớt cho một thể loại tư duy làm phim không hề lành mạnh.

Trong vòng vài năm trở lại đây, sự phát triển mạnh mẽ của chủ đề nhân quyền đã kéo theo hàng loạt những động thái phản đối dứt khoát về vấn nạn tẩy xóa màu da. Tiêu biểu là trường hợp tháng 9 năm 2017 nam diễn viên Ed Skrein đã kiên quyết từ chối vai diễn chính Ben Daimio trong bộ phim Hellboy, vốn là một nhân vật gốc Á.

Vén ánh hào quang, nhìn vào 5 góc khuất gây nhức nhối tại Hollywood - Ảnh 3.

Skrein cho rằng việc thể hiện một nhân vật chính xác về mặt văn hóa có ý nghĩa rất lớn với công chúng

Hành động của Ed Skrein tuy khôn ngoan và mạnh mẽ nhưng nhìn chung, nghĩa vụ giải quyết ngọn ngành vấn đề "tẩy trắng" vẫn thuộc về phía các nhà sản xuất. Suy cho cùng, ý kiến cho rằng phim Hollywood thực ra cũng chỉ là mảnh đất dành cho người bản địa ít nhiều vẫn có lý lẽ riêng của nó. Bởi, một khi phần lớn các nhà sản xuất, biên kịch và đạo diễn ở Hollywood đều là người da trắng, sự công bằng sắc tộc vẫn sẽ là một bài toán khó.

2. Yêu râu xanh tồn tại khắp nơi

Cuối năm 2017, nhà sản xuất quyền lực Harvey Weinstein liên tục đối mặt với các cáo buộc quấy rối từ các đồng nghiệp nữ. Điều này xuất phát từ #MeToo – phong trào lên tiếng để chống lại tội ác quấy rối tình dục – đã tạo động lực cho các nạn nhân dũng cảm đứng ra vạch trần những con quái vật.

Vén ánh hào quang, nhìn vào 5 góc khuất gây nhức nhối tại Hollywood - Ảnh 4.

Từng sở hữu quyền lực không khác gì một ông vua con, Harvey Weinstein khiến những nạn nhân của mình sống trong sợ hãi và uất hận vì một lời tố cáo sẽ phá huỷ sự nghiệp của họ.

Vén ánh hào quang, nhìn vào 5 góc khuất gây nhức nhối tại Hollywood - Ảnh 5.

Số nạn nhân của Harvey Weinstein chắc chắn không chỉ dừng lại ở những khuôn mặt này

Liên tiếp sau đó, hàng loạt cái tên tường thành của Hollywood bị lột bỏ lớp mặt nạ giả tạo, trong đó có thể kể đến Kevin Spacey, Brett Ratner hay danh hài Louis C.K. Có thể nói, chính cú ngã đau của ông trùm Weinstein đã thúc đẩy nhiều người vứt bỏ sự sợ hãi trước những "bóng ma quyền lực" Hollywood.

Vén ánh hào quang, nhìn vào 5 góc khuất gây nhức nhối tại Hollywood - Ảnh 6.

Bộ ba mất hết tất cả vì cáo buộc quấy rối tình dục: Kevin Spacey, Louis C.K và Harvey Weinstein

Ngày trước, những hành động lạm dụng, quấy rối được các nhân vật "tai to mặt bự" ngụy biện rằng họ đang "đáp trả" lại sự ngưỡng mộ của các cô gái. Nhưng chính cơn bão tố cáo mạnh mẽ đã bước đầu quật ngã những tên yêu râu xanh đang làm ô nhiễm cả một nền điện ảnh – vốn dĩ được tạo ra để tôn vinh những gì tốt đẹp nhất.

Vén ánh hào quang, nhìn vào 5 góc khuất gây nhức nhối tại Hollywood - Ảnh 7.

Kevin Spacey bị nam diễn viên Anthony Rapp cáo buộc quấy rối tình dục vào năm 1986

Ngày 29/10/2017, cáo buộc của Rapp đã kéo theo hàng loạt lời tố cáo nhằm vào Spacey và qua đó giật đổ sự nghiệp của một người từng là tượng đài. Gần như ngay lập tức, Kevin Spacey đã bị sa thải khỏi series đình đám House of Cards do ông đóng chính. Sau đó, Spacey cũng bị đạo diễn Ridley Scott loại khỏi dự án All the Money in the World ngay tại thời điểm bộ phim sắp hoàn tất khâu chuẩn bị. Nhà sản xuất của Atomic Blonde - David Guillod – đã phải từ chức CEO ở công ty Primary Wave Entertainment của chính mình sau hai tố cáo hiếp dâm cực kỳ nghiêm trọng.

Vén ánh hào quang, nhìn vào 5 góc khuất gây nhức nhối tại Hollywood - Ảnh 8.

Nữ đạo diễn Asia Argento đã có bài phát biểu chấn động tại liên hoan phim Cannes 2018 tố cáo Harvey Weinstein đã cưỡng bức cô 20 năm trước.

Đây chỉ là hai trong số những "cái giá" mà các tên quấy rối phải trả. Phong trào #MeToo hiện vẫn đang tiếp diễn, mở rộng sang tận châu Á và hứa hẹn sẽ mang đến một kỷ nguyên "sạch" đúng nghĩa cho nền điện ảnh.

3. Sao nữ bị đối xử bất công

Từ lâu, sự bất bình đẳng thu nhập giữa các nam và nữ diễn viên đã được nhắc đến liên tục, nhưng cho đến hiện nay, điều này vẫn tiếp diễn như một lẽ thường tình ngay tại Hollywood.

Theo tờ Forbes, nam diễn viên Mark Wahlberg được trả lương cao nhất năm 2017 với khoản tiền lên tới 68 triệu USD. Trong khi đó, Emma Stone – người đứng đầu trong danh sách những nữ diễn viên "cá kiếm" – chỉ nhận được 26 triệu USD. Đó thực sự là một mức chênh lệch khổng lồ khi mỗi bộ phim tuy đều được tạo nên bởi các diễn viên nam và nữ nhưng các nữ minh tinh lại luôn bị o ép tiền nong khi nhận vai.

Vén ánh hào quang, nhìn vào 5 góc khuất gây nhức nhối tại Hollywood - Ảnh 9.

Minh tinh hàng đầu Hollywood Sandra Bullock vào ngày 5/6 đã phát biểu rằng cô đã bị nền công nghiệp điện ảnh làm thất vọng quá nhiều đến mức cô muốn rời bỏ nghiệp diễn.

Đến nay, nhiều nữ diễn viên tại Hollywood vẫn đang cố gắng đòi quyền lợi, và một tín hiệu đáng mừng rằng các nam diễn viên cũng ngày càng ủng hộ những bạn diễn xinh đẹp của mình được trả thù lao xứng đáng với công sức họ bỏ ra.

Vén ánh hào quang, nhìn vào 5 góc khuất gây nhức nhối tại Hollywood - Ảnh 10.

Đứng trước việc các sao nữ bị trả lương không tương xứng với công sức họ bỏ ra, nam diễn viên Benedict Cumberbatch ngày 8/5 còn khẳng định rằng anh sẽ không đồng ý tham gia những bộ phim mà bạn diễn nữ bị đối xử bất công. Anh khẳng định: "Bình đẳng lương và trao quyền là những nguyên lý gốc rễ của chủ nghĩa nữ quyền."

4. Kỹ xảo CGI dần trở nên độc tôn

Kể từ sau khi bom tấn Avatar được trình làng vào năm 2009, việc áp dụng kỹ xảo 3D và công nghệ máy tính để mang đến những thước phim hoàn hảo nhất phục vụ khán giả đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện".

Vén ánh hào quang, nhìn vào 5 góc khuất gây nhức nhối tại Hollywood - Ảnh 11.

Hành tinh Pandora huyền ảo trong Avatar chính là "cú huých" để đẩy cả một nền công nghiệp điện ảnh hướng về tương lai

Tuy nhiên, kỹ xảo máy tính lại bị lạm dụng quá đà trong những năm gần đây. Đa số các bộ phim hành động đều không thể thiếu đi phần hình ảnh được dựng bằng CGI. Thêm vào đó, công nghệ mô phỏng chuyển động (motion capture) trở thành vũ khí tối thượng giúp các nhà làm phim có thể tạo ra tất cả các thể loại sinh vật kỳ lạ mà không cần đến ekip hóa trang. Bộ phận hậu kỳ cũng nhẹ việc hơn khi mọi phông nền đều được đơn giản hóa bằng một màu xanh duy nhất, phần phong cảnh còn lại cứ để kỹ thuật viên ghép vào.

Vén ánh hào quang, nhìn vào 5 góc khuất gây nhức nhối tại Hollywood - Ảnh 12.

"Warcraft" (2016) tuy sở hữu phần hình ảnh ấn tượng song vẫn bị phê bình rằng toàn thể phim trông quá ảo, nhìn giống game hơn là một tác phẩm điện ảnh.

Nhiều đạo diễn tiếng tăm như George Miller hay Guillermo del Toro cho rằng chính việc lạm dụng CGI đã góp phần khiến nền điện ảnh bị chững lại. Những thước phim chân thực được tạo nên từ cả một bộ ngũ nhân viên hoàn chỉnh thì vẫn luôn khẳng định được giá trị lâu dài của mình. Đừng nghĩ rằng có thể lừa được khán giả bằng một bữa tiệc buffet kỹ xảo trên màn hình với một kịch bản lười biếng, bởi minh chứng từ thất bại của các phim "mì ăn liền" như thế ngày nay trên màn ảnh không phải hiếm (xin chào, Assassin's Creed).

Vén ánh hào quang, nhìn vào 5 góc khuất gây nhức nhối tại Hollywood - Ảnh 13.

"Mad Max: Fury Road" (2015) xứng đáng ghi tên mình vào "sử sách" khi sở hữu phần hiệu ứng thị giác đầy choáng ngợp nhưng lại nói không với CGI.

5. Những "ngôi sao" Trung Quốc đang chen chân vào hàng loạt phim bom tấn

Khi làn sóng bom tấn hành động dần trở nên bão hòa ở thị trường Âu Mỹ, các nhà làm phim Hollywood bắt đầu vươn mình tìm kiếm những "vùng đất hứa" khác. Câu trả lời cho vấn đề doanh thu chính là Trung Quốc – siêu cường về dân số không đối thủ của thế giới. Cách làm dễ thấy nhất là mời các ngôi sao Hoa ngữ được nhiều người Trung Quốc "nhớ mặt đặt tên" như Phạm Băng Băng, Angela Baby, Ngô Diệc Phàm,... vào vai phụ trong những bộ phim của mình.

Tiếc rằng, chiêu bài câu khách của Hollywood lại diễn ra khá lộ liễu và kệch cỡm. Gần như tất cả các nhân vật Đại lục này đều được thêm vào như "cho có" với thời lượng xuất hiện ít ỏi, lời thoại nhạt nhẽo và chẳng có vai trò gì rõ ràng. Đơn cử như trường hợp của Phạm Băng Băng trong X-Men: Days of Future Past (2014), dù nữ minh tinh tham gia hàng loạt những sự kiện quảng bá tại quê nhà đồng thời được lăng xê hình ảnh rất tích cực, nhưng cuối cùng, vai diễn Blink của cô chỉ "lướt qua như một cơn gió" trong bộ phim.

Vén ánh hào quang, nhìn vào 5 góc khuất gây nhức nhối tại Hollywood - Ảnh 14.

Một trường hợp khác chính là "gương mặt thân quen" của Cảnh Điềm đã xuất hiện không ngừng nghỉ trong các bộ phim bom tấn dạo gần đây. Từ Kong: Skull Island, The Great Wall đến Pacific Rim: Uprising, Cảnh Điềm liên tục gây hoang mang cho khán giả bằng những sự xuất hiện vô thưởng vô phạt của mình. Thậm chí, có rất nhiều ý kiến cho rằng xuất thân danh giá của nữ diễn viên sẽ nhanh chóng giúp cô hoàn thành mục tiêu xây dựng… Vũ trụ điện ảnh Cảnh Điềm.

Vén ánh hào quang, nhìn vào 5 góc khuất gây nhức nhối tại Hollywood - Ảnh 15.

Điều này là một minh chứng cho thấy Hollywood đang bị cuốn vào "vòng xoáy kim tiền" hơn là quan tâm đến chất lượng tác phẩm. Tuy nhiên, vì hãng phim nào cũng cần doanh thu để tiến về phía trước nên việc lấy lòng thị trường Trung Quốc vẫn là một việc làm cần thiết. Có điều rằng, mong các nhà làm phim có thể xem xét cách thực hiện sao cho tinh tế hơn nữa.

Trải qua hơn 120 năm phát triển, kinh đô điện ảnh Hollywood là nơi bảo chứng cho những tác phẩm phim ảnh kinh điển bậc nhất, tuy nhiên đằng sau ánh hào quang nào cũng có bóng tối. Những vấn đề còn nhức nhối như bất bình đẳng giới, quấy rối tình dục, sự lên ngôi của các loạt hậu truyện, ngoại truyện, làm lại nhồi nhét CGI cần sự tham gia thay đổi của cả bộ máy nền công nghiệp điện ảnh. Chúng ta đều biết rằng, sau hào quang sân khấu là bóng tối, nhưng khiến bóng tối đó không thể tràn lấn ánh sáng thì Hollywood cần phải hành động ngay từ bây giờ.