Ở mỗi xứ sở trên dải đất hình chữ S này luôn chứa đựng những nét đặc trưng, nét đẹp rất riêng không hề trộn lẫn. Thế nhưng sẽ khó tìm được nơi nào trên đất nước này mà người dân lại chân chất, mến khách và yêu đời như miền sông nước Tây Nam Bộ.
img

 mỗi xứ sở trên dải đất hình chữ S này luôn chứa đựng những nét đặc trưng, nét đẹp rất riêng không hề trộn lẫn. Thế nhưng sẽ khó tìm được nơi nào trên đất nước này mà người dân lại chân chất, mến khách và yêu đời như miền sông nước Tây Nam Bộ.

Về miền Tây, xứ sở của những nụ cười - Ảnh 2.

Chiếc xe đò cũ kỹ đưa tôi qua những cánh đồng xanh mướt, mùi lúa, mùi đất phảng phất bên cánh mũi khiến lòng bất chợt nôn nao. Cũng đã lâu rồi tôi không có thời gian ghé lại mảnh đất này. Những dòng hồi ức đang ùa về đột nhiên vỡ tan bởi tiếng khóc của một thằng nhóc ngồi cách tôi 2 dãy ghế.

Nó khóc khá to, khiến ai nấy đều chú ý. Chuyện là khi xe dừng lại đổ xăng, có một cô hàng rong lên mời chào mua bánh tráng sữa, con nít mà, thấy bánh thì đòi, nhưng vì lý do nào đó bà mẹ trẻ không đồng ý. Thế là thằng bé khóc.

Xe thì nóng, mà tiếng khóc của thằng bé thì mỗi lúc một to khiến mọi người có chút khó chịu. Cô hàng rong nhìn thằng bé một lúc lâu, rồi cô đem bịch bánh tráng đến: "Nè, hai mẹ con cầm đi, bình thường tui bán 30 ngàn, giờ tui bán cho thằng nhỏ 10 ngàn thôi. Cầm đi, chớ để nó khóc miết tội nghiệp".

Trong lúc bà mẹ trẻ mừng rỡ đưa 10.000 đồng cho cô hàng rong, thì bà dì ở phía sau nói với lên: "Nãy tui trả giá 20 ngàn sao cô không bán, mà giờ bán 10 ngàn?!". Cô hàng rong hóm hỉnh đáp: "Chèn ơi! Nhìn thằng nhỏ khóc thấy thương nên tui mới vừa bán vừa cho vậy chứ. Giờ chị cũng khóc vậy đi tui bán cho chị 10 ngàn!". Cả xe bất chợt cười vang.

Về miền Tây, xứ sở của những nụ cười - Ảnh 3.

Về miền Tây, xứ sở của những nụ cười - Ảnh 4.

Xe dừng bánh, tôi đã kịp thấy thằng bạn cùng ông ngoại của nó ngồi sẵn bên bờ giậu trước sân để đón tiếp vị khách phương xa. "Đi đường có mệt không con? Thằng Tư đem ba lô vào nhà giùm bạn, để ông dẫn nó ra sau rửa mặt cho mát" – ông Bảy (ngoại của bạn tôi) ân cần như thể tôi mới là cháu ruột của ông, chứ không phải thằng Tư.

Đất ở đây bị nhiễm phèn, nên mỗi nhà đều phải dự trữ nước mưa trong những chiếc lu thiệt bự. Trải qua một hành trình dài khá uể oải, được rửa mặt bằng nước mưa mát lạnh cảm giác thiệt đã không gì bằng. Tốt rồi, giờ tôi đã sẵn sàng cho chuyến khám phá miền sông nước của mình.

Về miền Tây, xứ sở của những nụ cười - Ảnh 5.

Thằng Tư hỏi tôi: "Mày có sợ đỉa không?". Tôi cười cười: "Có chút chút, nhưng mà không sao tao chịu chơi lắm!". Thế là nó dẫn tôi đi ra ruộng chơi, tiện thể bắt vài con cá về nướng.

Về miền Tây, xứ sở của những nụ cười - Ảnh 6.

Vừa đi thằng bạn vừa giới thiệu: đây là ruộng của chú Ba Kiều kế bên nhà, kia là ruộng của ông Tám Mót nhà ở cuối ấp… Nó kể năm ngoái miền Tây hạn hán lịch sử, mà đất còn bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên ruộng nhà nào cũng cháy khô. Có nhà mất trắng, lỗ mấy chục triệu, phải chật vật chạy ăn từng bữa. Nhưng lạ một điều là chẳng ai than khóc, mọi người san sẻ cho nhau từng giọt nước, miếng ăn, họ động viên nhau bằng những câu nói đùa để rồi mùa sau cố gắng hơn.

Người miền Tây vốn chẳng ngại việc sống chung với lũ, giờ tập sống chung với hạn hán riết rồi họ cũng quen. Người xứ này là vậy, trong gian khó vẫn luôn lạc quan yêu đời, bởi hôm nay có ra sao thì ngày mai trời sẽ lại sáng.

Tôi và thằng Tư bắt được một con cá lóc khá to dưới kênh, nó bảo để đi kiếm rơm rồi nướng tại chỗ ăn cho ngọt. Chiều tà chìm trong mùi rơm cháy, thơm và khét, mọi xô bồ của cuộc sống bỗng chốc tan biến, thằng Tư ngồi nướng cá miệng râm ran:

Về miền Tây, xứ sở của những nụ cười - Ảnh 7.

Về miền Tây, xứ sở của những nụ cười - Ảnh 8.

Về miền Tây, xứ sở của những nụ cười - Ảnh 9.

Sập tối, chúng tôi trở về nhà thì đã thấy má của thằng Tư chuẩn ê hề thức ăn đợi hai đứa. Sau khi tắm xong, chúng tôi chia các phần xôi vào từng chiếc tô rồi đem qua nhà hàng xóm biếu. Thằng Tư giải thích: "Ở đây vậy đó, nhà nào có đồ ăn ngon cũng đem chia cho hàng xóm mỗi nhà một ít. Chủ yếu là tấm lòng, chứ nhiều ít không quan trọng".

Gia đình thằng Tư là một điển hình của gia đình người miền Tây mến khách. Họ sẵn sàng giết con gà duy nhất còn lại trong chuồng để đãi bạn, miễn là họ quý bạn. Và đương nhiên nếu bạn quá khách sáo sẽ khiến họ không hài lòng.

Sau buổi cơm tối, tôi ra ghe nằm nghe ông Bảy (ngoại của thằng Tư) biểu diễn đờn ca tài tử theo phong cách cây nhà lá vườn. Ông nói: "Về miền Tây là phải nghe ca cải lương, nhưng giờ ông già rồi ca không nổi, nên ông đờn con nghe".

Về miền Tây, xứ sở của những nụ cười - Ảnh 10.

Ông Bảy thả hồn mình theo điệu bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Tiếng đàn của ông không phô trương mà đi sâu vào lòng người, nó chân chất như chính con người của lão nông. Tôi và thằng Tư nhẩm hát theo:

"Từ là từ phu tướng, bảo kiếm sắc phong lên đàng.

Vào ra luống trông tin chàng, năm canh mơ màng…"

Tuy chỉ là một nông dân nhưng kiến thức về Nam bộ của ông Bảy đủ để chúng tôi trầm trồ. Ông kể về lịch sử đất lục tỉnh thời chúa Nguyễn, về những khó khăn của những người đi khai hoang lập ấp…Cũng từ những khắc nghiệt đó mà người Nam bộ rất yêu thương, đoàn kết với nhau.

Đối với họ đôi khi chữ nghĩa quan trọng hơn chữ tình, vì "hết tình còn nghĩa". Do trọng nghĩa hào hiệp, lại từ khắp nơi trở về đây lập nghiệp, cùng cảnh xa quê nên khi khách tới chơi nhà có gì ngon là mang ra tiếp khách hết sức chu đáo.

Về miền Tây, xứ sở của những nụ cười - Ảnh 11.

Gia đình thằng Tư không phải diện khá giả, nhà nó vẫn chưa xây nhà vệ sinh mà dùng cầu tõm. Tôi phải mất vài ngày để làm quen với việc đi vệ sinh kết hợp sinh thái vườn ao chuồng này.

Ấy thế mà thằng Tư nó tự nhiên lắm. Sáng hôm nọ, đang ngồi trong cầu tõm, thấy cô Út đi ngang qua nhà, nó liền hỏi với ra: "Nay đi chợ sớm vậy cô Út?". Rồi hai cô cháu, người đứng ngoài đường, người ngồi trong cầu tõm trò chuyện với nhau một hồi mới thôi. Thiệt tình.

Rồi bữa nọ, thằng Tư dẫn tôi lên Cần Thơ đi chợ nổi Cái Răng, hai đứa ra đón xe đò đi nhưng không có. May mắn có một chiếc xe tải cho đi ké lên thành phố. Lúc tới nơi, tôi gửi chú tài xế ít tiền xăng xe vì đi đoạn đường khá xa. Nhưng chú cười nói: "Hồi con của chú đi học trên Cần Thơ cũng được người ta cho đi quá giang, giờ chú cho tụi con đi quá giang lại có sao đâu".

img
img
img
img
img
img
img
img

Miền Tây - miền đất không có quá nhiều danh lam thắng cảnh, cũng không có những bãi biển trong xanh hay những ngọn núi hùng vĩ hoang sơ, và chắc chắn không phải là lựa chọn hàng đầu của những phượt thủ thích khám phá. Thế nhưng với riêng tôi, miền Tây luôn đẹp bởi những tấm lòng chân phương của con người nơi đây.

Những ngày ở nhà của thằng Tư đã cho tôi thật nhiều những dư vị đẹp. Tôi lên xe về thành phố, bên tai văng vẳng bản nhạc quen thuộc:

Về miền Tây, xứ sở của những nụ cười - Ảnh 13.

Toàn Nguyễn
Hữu Dương
Tuấn Maxx, nhatanhngx
Theo Trí Thức Trẻ20/01/2017