Có những đồ vật vô tri vô giác nhưng lại ẩn chứa cả một ký ức thuở niên thiếu, mỗi lần ngắm nhìn lại hiển hiện bao vui buồn thơ ngây quãng đời cắp sách đến trường. Chúng có thể bị lãng quên, xếp xó, nhưng vẫn chờ đợi chủ nhân một cách vô điều kiện. Converse và Vans chính là những thứ như thế...
Vans hay Converse - từ những đôi giày thời học sinh ai cũng có, cho đến thứ phụ kiện thần thánh của bất cứ fashionista nào! - Ảnh 1.

Đã là đời người, ai cũng mong có một tình bạn trọn vẹn và trọn kiếp. Có ước ao nhiều không khi muốn một người bạn luôn song hành gần kề, ở bên mỗi lúc cần thiết, chỉ luôn lắng nghe và không chỉ trích, nâng đỡ từng bước chân ta đi trên đường đời…

Cái hình mẫu về người bạn hoàn hảo kỳ thực rất khác biệt trong tư duy mỗi người. Có những con người hiện hữu bằng xương bằng thịt, có người lại tôn thờ mối tâm giao của Doraemon và Nobita, hay Naruto với Sasuke, cá Dory và Nemo, Blair và Serena… Có người xem chú chó cô mèo, một cây cao bóng mát, một khoảng không gian rộng mở… là đối tượng để gửi gắm tình cảm thân thương

Với riêng mình, như bao ai khác, trong những năm trung học cơ sở và phổ thông, tôi có may mắn giữ cho riêng mình vài người bạn tốt. Một số thì nói nhiều, nghe nhiều, tràn trề cảm xúc. Số còn lại thì lặng lẽ và im ắng hơn – những đôi giày.

Ở cái thế kỷ 21 này, xem món đồ vật vô tri vô giác như giày là bạn, nghe hơi… hâm nhỉ?

Vans hay Converse - từ những đôi giày thời học sinh ai cũng có, cho đến thứ phụ kiện thần thánh của bất cứ fashionista nào! - Ảnh 2.

Mà này, người ta thường bảo tình cảm, dù là bạn bè hay yêu đương, cũng giống như chọn lựa đôi giày. Đẹp thì có khi chẳng vừa. Vừa thì lại có khi không đẹp. Cốt lõi là chọn cho mình một đôi vừa chân lại hợp, thoải mái khi đi. Ví von như thế để chứng tỏ rằng, tìm được một đôi giày hợp ý là điều không dễ đâu nhé. Không ngoa thì lựa giày cũng như lựa bạn, khó khăn hơn thì chẳng khác nào tìm… người yêu.

Quay trở lại giai đoạn dậy thì, tôi gắn bó với những đôi giày. Chúng là giày bệt, chủ yếu là sneaker. Trong khi đám bạn gái của tôi xem đây là độ tuổi để học xỏ chân vào đôi giày gót cao một chút, biết điệu hơn một chút, dịu dàng hơn một chút. Bởi, tôi từng đọc từ một người có bút danh là Tuấn Mania có viết đại ý rằng anh ấy thích những cô nàng mang giày bệt và anh ấy nói “Tôi gọi đó là một cô nàng vững vàng, bởi hai gót chân họ đều chạm đất nhưng không mất đi sự thơ mộng đáng yêu của người phụ nữ. Họ là những cô nàng đến trong cuộc đời tôi và đứng vững trong đó ’’.

Vans hay Converse - từ những đôi giày thời học sinh ai cũng có, cho đến thứ phụ kiện thần thánh của bất cứ fashionista nào! - Ảnh 3.

Đâm ra, tôi càng tự tin tợn khi diện sneaker. Chúng giúp bước đi đến trường trở nên vững vàng, đó là điều quan trọng nhất. Chúng không làm mặt tôi phải nhăn nhó như nhiều cô bạn đang tập tành những bước chân vắt chéo đỏng đảnh như mèo trên giày cao gót. Âm thanh của sneaker cũng im ắng khẽ khàng, chẳng vang lên lách cách.

À mà, quên chưa giới thiệu, người bạn của tôi: đôi CONVERSE CHUCK TAYLOR ALL STAR.


Vans hay Converse - từ những đôi giày thời học sinh ai cũng có, cho đến thứ phụ kiện thần thánh của bất cứ fashionista nào! - Ảnh 4.

Mọi sự kiện trên đời quanh đi quẩn lại cũng chỉ xoay quanh thời điểm. Cái duyên giữa tôi và đôi Converse Chuck Taylor All Star cũng vậy đấy.

Trước tiên phải kể về các thế hệ “tiền bối” đã mài mông trên ghế nhà trường trước chúng tôi. Khi đó, trong tâm trí họ chắc chắn chỉ có hai lựa chọn tiêu biểu. Một là đôi Biti’s “thối chân”. Hai là những đôi giày Bata Thượng Đình vải mỏng quẹt, đế giày mòn vẹt. Tựu trung là chúng rẻ, tiện, giản dị, người người nhà nhà ai cũng dễ tìm đến và mang về. Bố mẹ mua chúng cho con cái với tâm lý kiểu như, đi học thì mang trên mình món bình dân thế thôi cho gần gũi với chúng bạn, màu mè hoa lá hẹ thế nào cũng dễ lọt vào “mắt xanh” của thầy cô.

Vans hay Converse - từ những đôi giày thời học sinh ai cũng có, cho đến thứ phụ kiện thần thánh của bất cứ fashionista nào! - Ảnh 5.

Giờ nghĩ lại thì tôi thấy tôi may mắn. Tôi đến với ngưỡng trung học phổ thông đúng thời điểm Converse bắt đầu thành một cái tên, một trào lưu tại Việt Nam. Chính xác thì 2003 là năm mà Converse bắt đầu xuất hiện tại nước ta một cách chính thức.

Cũ người mới ta. Cái tên Converse tuy quen tai ở Việt Nam từ hơn một thập kỷ đổ lại đây, nhưng trên thế giới thì tuổi thọ của thương hiệu này đã lên đến hơn cả một thế kỷ. Nhắc đến Converse là nhắc đến một “giấc mơ Mỹ”, không hoa mỹ phồn vinh mà gắn liền nhiều hơn đến văn hóa đường phố. Nói về nó từ những yếu tố gần gũi nhất, có thể bắt đầu từ một cú bay trên không trên ván trượt, mảng tường Graffiti quen thuộc, chiếc bánh ngọt ăn mỗi ngày, thậm chí là chiếc xe cứu hỏa luôn bận rộn với trách nhiệm cao cả của nó, hoặc là phạm vi rộng hơn như âm nhạc, điệu nhảy hiphop và cả môn bóng rổ nữa…

img
img
img
img
img
img
img
img
img
img
img

Trong tôi khi ấy, đây đơn thuần chỉ là một món quà tặng từ gia đình, một thứ đồ do bố mẹ sắm sửa. Nếu thời ấy Google phát triển, hẳn tôi sẽ hãnh diện lắm khi biết chân mình mang đôi giày được-mua-nhiều-nhất-qua-mọi-thời-đại, Converse Chuck Taylor All Star. Có điều bộ óc non trẻ của tôi khi ấy không tiếp nhận thông tin một cách cao siêu thế. Đơn thuần là, tôi thấy nó lạ. Ừ thì cũng là đen và trắng, nhưng Converse là kiểu giày thể thao đầu tiên mà tôi thấy có dáng cao cổ. Riêng điều này rất ư “dị biệt”. Từ cái khác biệt này bỗng dưng mang đến một xúc cảm mới – thấy mình tối ưu hơn hẳn. Cái khác biệt thứ hai thì chỉ có thể cảm nhận rõ khi mang vào chân. Chúng rất êm!

Mang máng trong tôi, giá của một đôi Converse khi ấy khoảng tầm 700.000 đồng. Thời ấy, đó là một món tiền to (bây giờ vẫn thế ấy chứ!). Nó là thứ đáng giá nhất trên người một đứa học sinh chỉ có áo trắng quần đen, ngày ngày chỉ có 5.000 tiền tiêu vặt. Thành ra không muốn quý cũng phải quý cái đôi của nợ ấy!

Vans hay Converse - từ những đôi giày thời học sinh ai cũng có, cho đến thứ phụ kiện thần thánh của bất cứ fashionista nào! - Ảnh 7.

Mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng”. Tôi đi Converse hầu như hàng ngày. Đi học chính khóa, Converse. Đi học thêm, Converse. Đi chơi, Converse. Họa hoằn lắm đi ra chợ mua rau cho mẹ thì chân mới xỏ vào đôi dép lào cho tiện. Áo quần có thể thay, nhưng Converse thì nhất quyết không.

Hay hớm ở chỗ là cái đôi này mặc gì cũng hợp, trông không bị tréo ngóe như mấy đôi sandals thô kệch hay giày búp bê điệu đà. Mặc quần cũng Converse, mà mặc váy cũng Converse được.

Mà ở kiểu giày này ẩn giấu một logic rất ngược đời. Càng đi nhiều, Converse càng “lên mã”. Nôm na là càng… bẩn, trông càng hay hớm.

Đi nhiều quá, thành ra nảy sinh xúc cảm, theo đúng như kiểu “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” mà ông cha ta hay nói. Người ta thì tôi đoán là xỏ đôi này lên chân đã thấy mừng hớm, tôi lại thấy quý Converse chỉ vì chúng tôi bị gắn bó với nhau chặt quá. Giống như, một người bạn luôn ở bên, mình cần là có, chẳng thiết tha gì hơn. Một mối quan hệ bền vững thế, cảm xúc quý trọng là lẽ thường tình. Nếu có muốn trách vì sao lại yêu thương Converse đến lạ, thì cũng chỉ trách là vì nó… bền đến phát ghét, có khi chẳng hỏng bao giờ!

Những đứa bạn cùng khóa tôi, một vài cũng có Converse. Chúng cũng như tôi là “cưng” cái đôi này bằng được, dùng đi dùng lại dùng tái dùng hồi. Thế là đâm ra từ thiểu số, thoáng năm sau giày Converse lại thành đa số. Lứa tôi thì mới manh nha Converse như một xu thế, sang lứa sau đã thấy các em khóa dưới rặt Converse là Converse. Chúng còn “oách” hơn chúng tôi ở chỗ, chơi Converse là chơi đủ màu chứ chẳng cứ quẩn quanh bên các tông đơn sắc. 

Vans hay Converse - từ những đôi giày thời học sinh ai cũng có, cho đến thứ phụ kiện thần thánh của bất cứ fashionista nào! - Ảnh 8.

Cứ thế, Converse đến với giới học sinh một cách lặng lẽ, chẳng thông qua quảng cáo rầm rộ. Tuổi học trò thích Converse vì nó vừa mắt và bền. 10 năm trôi qua, thú thực, tôi vẫn thấy nó như thế. Không đẹp hơn cũng chẳng tệ đi. Converse khác với Nike hay adidas, nó không thay đổi. Những giá trị và nhận diện của nó vẹn nguyên, tồn tại bất chấp năm tháng. Sự ổn định của Converse vốn dĩ là một nghịch lý trong xã hội luôn cố gắng để tân thời hơn. Có lẽ vì cái tính chất “trước sau như một” nên thành ra nó hợp với đám “nhất quỷ nhì ma”. Nó đã từng là xu thế nhưng chưa bao giờ là mốt, và hiện tại thì thành thứ mà người ta gọi là “must-have item”. Tạm hiểu như một vật bất ly thân, ít ra với đám học trò

Còn với riêng tôi, qua thời cấp 3, tôi và Converse cũng không còn như hình với bóng. Trưởng thành cũng đồng nghĩa với việc đôi chân phải bước đến nhiều ngả đường, nhiều lựa chọn. Tôi bắt đầu biết đến giày lười, oxford, cao gót… để phục vụ cho những nhu cầu giao tiếp xã hội, tiếp cận với nhiều môi trường mới. Nhưng đôi Converse năm nào, tôi vẫn giữ lại.

Đơn giản vì nó là một đôi giày tôi đã từng rất quý.


Vans hay Converse - từ những đôi giày thời học sinh ai cũng có, cho đến thứ phụ kiện thần thánh của bất cứ fashionista nào! - Ảnh 9.

Trên thế giới, Vans là “hậu bối”, sinh sau đẻ muộn so với Converse. Với thị trường Việt Nam thì Vans cũng là người đến sau.

Thú thực, lứa tôi không có hình dung cụ thể Vans. Vì đến tận năm 2011 thì  Vans mới đến Việt Nam, tức là sau Converse đến 8 năm. Để tường tận Vans thì phải nhờ đến lứa học trò đời cuối 9x và có khi là 10x. Đến 3-4 năm đổ lại đây thì Vans mới trở nên nhẵn mặt với giới học sinh sinh viên.

Vans hay Converse - từ những đôi giày thời học sinh ai cũng có, cho đến thứ phụ kiện thần thánh của bất cứ fashionista nào! - Ảnh 10.

Nhưng ngay từ cái nhìn đầu tiên, ấn tượng của tôi về Vans là nó được cấu thành từ những yếu tố đối lập với Converse. Nếu Converse phủi bụi như mấy anh trai lơ trên phố thì Vans trông lại tinh tươm chỉn chu, kiểu dáng mềm, tinh, nhã và nhẹ, tựa như một chàng thư sinh mà thoáng qua đã thấy “mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu”.

Cách thức Vans đi vào chốn học đường cũng khác Converse. Thời của Converse là thời mà chúng tôi dán mắt với màn hình vi tính bé tin hin, tuần tuần chỉ mong có chút thời gian ít ỏi để lướt Yahoo, Blog 360, Hotmail… thì qua Vans đã có Facebook, Instagram, Youtube. Có thể nhận định rằng phát triển của Vans tại Việt Nam song hành với sự phát triển của mạng xã hội.

Lại thêm một so sánh nữa. Chẳng hạn như nếu Converse mở rộng đối tượng khách hàng thông qua lối rỉ tai nhau thì Vans này lại tiếp cận trực diện với giới trẻ thông qua những hình ảnh trên mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung. Một thời vang bóng là Vans Era Checkerboard, hay còn được gọi là Vans… bàn cờ với họa tiết kẻ ô đen trắng đã đi vào huyền thoại từ năm 1965. Mẫu Vans này gắn liền với thời của skateboarding và nhạc hiphop lên ngôi tại Việt Nam. Có thể nói, đây chính là mẫu Vans đầu tiên thống trị đường phố Việt.

Vans hay Converse - từ những đôi giày thời học sinh ai cũng có, cho đến thứ phụ kiện thần thánh của bất cứ fashionista nào! - Ảnh 11.

Sau đó, thương hiệu này có khá nhiều mẫu giày “hot” như Vans Authentic, Vans Sk8-Hi… ở đây, chúng ta đề cập đến một đại diện tiêu biểu nhất, gần nhất với giới học sinh: Vans Old Skool.

Nghe tên thì đã thấy gắn bó với trường lớp, ngỡ tưởng đã xửa xừa xưa chứ thực ra Vans Old Skool chỉ là như đứa con… áp út của Vans từ vài năm đổ lại đây. Nó cũng là bàn đạp để thương hiệu giày với 60 năm tuổi đời này giành lại vị thế trên chiến trường sneaker đang ngày một sôi động.

img
img
img
img
img
img
img
img
img
img
img
img
img
img
img

Chúng xuất hiện trên đường phố, từ những bộ đồ street style cho đến những set đồ cao cấp. Vans Old Skool được kì vọng sẽ tạo được hiệu ứng tốt như đôi adidas Stan Smith trước đây. Chỉ cần nhìn vào Instagram, có thể thấy rằng giới fashionista dành một sự quan tâm đặc biệt cho Old Skool, họ có thể mang chúng 24/7 và mix cùng bất cứ bộ trang phục nào của mình. Xa xôi hơn, hình ảnh đôi Vans này còn xuất hiện trong BST của các thương hiệu như Virgil Abloh’s Off-White, Supreme, Gosha Rubchinskiy…

Nếu tôi còn là một cô bé tuổi teen, hẳn tôi sẽ mê tít khi nhìn thấy ảnh nàng hot girl Quỳnh Anh Shyn nhấn nhá một bộ cánh street style vốn đã bắt mắt cùng bằng đôi Vans Old Skool đỏ pha kẻ trắng. Tất nhiên là hiện tại đó không xảy ra, mà ví dụ này chỉ để cho thấy rằng sự lên ngôi của Vans có mối quan hệ mật thiết với các nàng hot girl, chàng hot boy, hay những nhân vật có tầm ảnh hưởng (influencer) đến giới trẻ. Người trẻ dễ hòa sở thích của mình vào đam mê của số đông theo tư duy của người nổi tiếng, đâm ra Vans Old Skool có trở nên danh giá cũng là điều dễ hiểu.

Vans hay Converse - từ những đôi giày thời học sinh ai cũng có, cho đến thứ phụ kiện thần thánh của bất cứ fashionista nào! - Ảnh 13.

Dù đẹp đẽ bắt mắt thế nào mà đi không thích chân thì cũng vứt. Điều này thì Vans Old Skool làm tốt. Chất liệu làm nên nó thường là vải canvas với đặc tính dễ dàng vệ sinh, tạo điều kiện dễ chịu nhất cho bàn chân, giúp bước đi thoải mái hơn.

Một đôi Vans thường có giá vào khoảng 1 – 1,5 triệu đồng, tương đồng với giá của Converse. Đây cũng là mức giá có thể chấp nhận được với túi tiền eo hẹp của giới trẻ. Nếu trong túi các nàng hay chàng tuổi teen chỉ tồn tại khoản tiền be bé xinh xinh, ắt Vans Old Skool là một món hời đáng để đầu tư đấy!

Thế nên giới học sinh chọn Vans Old Skool là hợp lý 100%. Nó tân thời, “dễ tính” trong khoản mặc đồ, chất lượng khá bền bỉ. Hơn cả, Vans Old Skool đang tái hiện lại diễn biến của Converse từ một thập kỷ trước tại môi trường học đường. Nó là một xu thế. Mà từ xu thế mà để trở thành “must-have item” được như Converse hay chăng lại là một câu chuyện khác.

Như người ta vẫn bảo đấy, đường dài mới biết ngựa hay.


Vans hay Converse - từ những đôi giày thời học sinh ai cũng có, cho đến thứ phụ kiện thần thánh của bất cứ fashionista nào! - Ảnh 14.

Học sinh, thời nào cũng thế, làm gì rủng rỉnh tiền nong, đâm ra trên tủ có được một đôi Converse Chuck Taylor All Star hay Vans Old Skool đã cảm thấy bản thân mình “oách” lắm rồi.

Với tôi, chúng không chỉ đơn thuần là giày, mà còn là người bạn trung thành tuyệt đối với giới học trò, nâng niu bước chân của những cô cậu trẻ con còn chưa vững chãi với cuộc đời. Kể cả với một số người, giày không phải là bạn thì cũng là món đồ vật lưu lại những kỷ niệm một thời: lúc vui tươi chạy nhảy, những bước chân thảnh thơi, hay thậm chí là té ngã… sau này có nhìn lại vào chúng, tâm trí cũng tự vẽ nên một thời niên thiếu mình từng vui từng buồn.

Vans hay Converse - từ những đôi giày thời học sinh ai cũng có, cho đến thứ phụ kiện thần thánh của bất cứ fashionista nào! - Ảnh 15.

Thế nên, tôi muốn nhắn nhủ với bạn rằng, với Vans và Converse, đừng bao giờ vứt bỏ chúng khi chúng hẵng còn tốt. Cứ từ từ mà diện, xoay vòng và lắng nghe cảm xúc của bạn dành cho đôi giày. Lý thuyết này, rất tiếc không thể áp dụng cho những cô nàng hay anh chàng ham mê mua sắm. Bởi thời nay có mênh mông nào là adidas, Nike, Giuseppe Zanotti… đôi nào cũng đẹp, đôi nào cũng đắt giá và đẳng cấp.

Hãy cứ cất Converse và Vans cẩn thận vào một góc. Chúng vẫn sẽ ở đấy và chờ đợi bạn vô điều kiện, mong ngóng một ngày nào đó lại lấy ra diện với áo thun quần jeans, đơn giản thoải mái. Có khi lúc ấy bạn nhận ra rằng, những thứ bình dị đôi khi lại khiến mình trông đẹp nhất.

Ichi
Vũ Tuấn Anh
nhatanhngx
Theo Trí Thức Trẻ22/04/2017