"U22 Việt Nam đá SEA Games như đi thi... Đại học"

Lê Thương, Theo Trí Thức Trẻ 08:26 15/08/2017

Ca sỹ, nhạc sỹ Hoàng Bách mong dư luận không đặt quá nặng vấn đề thành tích SEA Games của bóng đá Việt Nam, bởi theo anh chúng ta đang xem SEA Games giống như việc đi thi... Đại học.

Lại thêm một kỳ SEA Games nữa chuẩn bị khởi tranh, và thêm một lần nữa người hâm mộ bóng đá Việt Nam kỳ vọng đội tuyển bóng đá nam sẽ đổi được màu huy chương. Điều mà cả chục năm qua, chúng ta vẫn chưa một lần chạm tới nó. 

Trong cuộc trao đổi với ca sỹ Hoàng Bách, một người am hiểu về bóng đá trước thềm SEA Games khởi tranh, anh đã có những chia sẻ thẳng thắn về cách đối xử của người hâm mộ, cũng như dư luận với đội tuyển. 

U22 Việt Nam đá SEA Games như đi thi... Đại học - Ảnh 1.

- Hôm nay, đội tuyển U22 Việt Nam sẽ chính thức bắt đầu với chiến dịch SEA Games 29, rất lâu rồi người ta mới kỳ vọng vào một lứa cầu thủ tài năng đến như thế của bóng đá Việt Nam. Là một người rất mê bóng đá, chắc anh Bách cũng có kỳ vọng tương tự? 

Rõ ràng, bóng đá Việt Nam đang có một lứa cầu thủ trẻ đáng để cho người hâm mộ kỳ vọng. Đó là điều tích cực, bởi suy cho cùng thì bóng đá hay cuộc sống cũng thế, niềm tin tốt hơn rất nhiều so với sự nghi ngờ. 

Tôi hy vọng rằng dư luận, người hâm mộ hãy động viên các em, bởi các em đang còn rất trẻ. Chính niềm tin, sự khích lệ ấy sẽ giúp cho các cầu thủ trẻ có động lực để tạo nên những điều kỳ diệu.

- Anh kỳ vọng, cầu thủ nào của U22 Việt Nam sẽ tỏa sáng nhất? 

Không phải ai khác, đó chính là Công Phượng. Dù rất nhiều lời chỉ trích, áp lực dư luận, nhưng chúng ta hãy nhìn nhận tích cực rằng, Phượng là cầu thủ hiếm hoi mà bóng đá Việt Nam mới có được hàng chục năm qua. 

Thế nên, tôi rất mong mọi người hãy bảo vệ và giúp Công Phượng phát huy khả năng, tố chất của mình thay vì trù dập. Tôi tin rằng, Công Phượng sẽ tiếp tục là ngôi sao sáng của U22 Việt Nam ở SEA Games năm nay. 

U22 Việt Nam đá SEA Games như đi thi... Đại học - Ảnh 2.

- Theo anh đâu là đối thủ chính của U22 Việt Nam. Phải chăng vẫn sẽ là Thái Lan? 

Theo tôi, chúng ta không nên đặt Thái Lan là cái mốc hay mục tiêu của mình, mà chỉ nên xem họ là một đối thủ mạnh mà đội phải gặp. Ở bảng đấu này, ngoài Thái Lan thì Indonesia cũng có lứa cầu thủ trẻ tài năng. Trước tiên, muốn vào được bán kết thì phải vượt qua họ. Còn ở bảng đấu còn lại, Myanmar là đội bóng đáng gờm, bởi xưa nay họ vẫn rất mạnh ở bóng đá trẻ.

- Bầu Đức tuyên bố nhất quyết phải giành được tấm HCV SEA Games. Anh đánh giá thế nào về phát biểu này, phải chăng đó là liệu pháp cổ vũ tinh thần tốt cho các cầu thủ? 

Cá nhân tôi không đồng tình với phát biểu của bầu Đức, bởi thứ nhất tấm HCV SEA Games không thể là thước đo cho sự thành công hay thất bại của một nền bóng đá, đặc biệt việc thắng và thua đôi khi còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa chứ không phải cứ đá hay, đá giỏi là thắng, là vô địch. 

Chúng ta có thể không vô địch, nhưng không đồng nghĩa với việc cả lứa cầu thủ này đều "bỏ đi", bởi suy cho cùng việc vô địch cũng chỉ thể hiện tính chất thời điểm mà thôi. Sau SEA Games vẫn phải tiếp tục phát triển và tiến bộ nữa cơ mà. 

U22 Việt Nam đá SEA Games như đi thi... Đại học - Ảnh 3.

Việc phát biểu như thế vô tình ảnh hưởng đến tâm lý, và áp lực của các em. Các em phải ra sân theo kiểu "không vô địch là chắc chết" vậy. 

Tôi có cảm giác, cứ mỗi khi đội tuyển thi đấu ở SEA Games hay AFF Cup, thì áp lực thành tích lại đè nặng lên các cầu thủ. Chúng ta vội vàng sung sướng và tung hô trước một trận thắng, rồi khi thua một trận, một giải đấu cứ như điều gì đó ghê gớm, khủng khiếp lắm. 

- Thực tế, đúng những gì anh đã nói. Gần như ở mọi giải đấu khu vực, cứ mỗi khi đội tuyển thất bại, thì phải đón nhận những chỉ trích rất ghê gớm từ dư luận... cứ như họ là tội đồ vậy. Trong khi, không chỉ bóng đá mà cả trong cuộc sống, muốn thành công phải học cách đón nhận với thất bại. Phải chăng, bóng đá thường vẫn thất bại ở các giải đấu vì chúng ta chưa biết cách đón nhận những thất bại ấy? 

Các cầu thủ thi đấu ở SEA Games mang tâm lý như đi thi... Đại học, bị bố mẹ gây sức ép, bắt buộc là phải đậu đại học, nếu không thì coi như tương lai... chấm hết. Trong khi, Đại học đâu phải con đường duy nhất để thành công. 

U22 Việt Nam đá SEA Games như đi thi... Đại học - Ảnh 4.

Tôi mong muốn rằng, người hâm mộ, dư luận và cả báo chí hãy có những cái nhìn tích cực. Các em vẫn là những cầu thủ trẻ, cần sự động viên hơn là những sự chỉ trích. Thay vì gây áp lực lên các em, hãy để các em thoải mái chơi bóng và thể hiện đam mê của mình. 

Đặc biệt, hãy xem SEA Games như một cái mốc để cho các em học tập và trưởng thành, dù thành công hay thất bại, thì đây chỉ là một chặng đường để các em bước tiếp con đường tương lai của mình. Vì một nền bóng đá mạnh, không phải chỉ do đạt thành tích hay thất bại ở một giải đấu đơn lẻ. 

Xin cảm ơn anh!