Sức mạnh “thống lĩnh” của show thực tế Hàn Quốc tại Việt Nam

Nhật Duy, Theo Trí Thức Trẻ 14:29 19/10/2015

Tận dụng sức mạnh của làn sóng Hallyu, đề cao yếu tố tự nhiên, hay phát huy sự sáng tạo nhưng không bị phản cảm… là những điểm mạnh giúp show Kpop trở thành một trong ba quân bài mạnh của ngành giải trí Hàn, đứng sau âm nhạc và phim ảnh.

Những năm gần đây, cụm từ “chương trình thực tế” dần trở nên quen thuộc và phổ biến hơn đối với khán giả Việt Nam. Bên cạnh việc duy trì các show truyền hình cũ, nhiều nhà sản xuất cũng tích cực mang về những format mới mẻ hơn, đáp ứng nhu cầu giải trí trong nước ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, chính sự ồ ạt này dần biến “bàn tiệc” show thực tế thành một bữa ăn khá ngấy với nhiều món “một màu”.

Để có thể cầm cự được trong môi trường giải trí “cả thèm chóng chán” vốn dĩ là một bài toán đầy khó khăn. Nhìn qua nhiều chương trình truyền hình thực tế được xem là “hot” hiện nay, có thể thấy rằng phần lớn khán giả vẫn bị thu hút bởi những scandal xoay quanh show hơn là về chất lượng, nội dung thực sự. Nói cách khác, show thực tế Việt còn khá yếu để giữ chân khán giả như một “fan trung thành” của mình.

Để giải được bài toán về yếu tố thành công của một show thực tế, có thể lấy thị trường Hàn Quốc làm ví dụ cụ thể. Bởi đây là nơi đã thành công khi biến giải trí trở thành một nền công nghiệp chuyên biệt và tận dụng nó để đưa hình ảnh quốc gia vươn ra toàn cầu. Ngay tại Việt Nam, các sản phẩm giải trí Kpop nói chung và show truyền hình thực tế nói riêng luôn sở hữu lượng fan ổn định và chưa bao giờ có tín hiệu “giảm nhiệt”.

mecha-mecha-iketeru-38432
Các nhà sản xuất xem việc mời những gương mặt nghệ sĩ thần tượng vào show như một "công thức vàng" để tăng rating

Sự phát triển nương theo làn sóng Hallyu.

Hallyu là tên gọi của làn sóng văn hóa giải trí Hàn Quốc, chủ yếu về âm nhạc và điện ảnh, được phát triển dựa trên sự ra đời của nền công nghiệp đào tạo idol - những ca sĩ, nhóm nhạc được trải qua một thời gian khổ luyện để trở thành những hình mẫu gần như hoàn hảo về ngoại hình lẫn tài năng nghệ thuật. Sự thành công của họ dần góp phần đưa nền kinh tế, văn hóa, xã hội của xứ kim chi ngày càng đi lên. Qua đó, nhiều ngành nghề khác cũng khó lòng bỏ qua cơ hội nương theo này, trong đó có cả những chương trình thực tế.

Việc nhà sản xuất tích cực mời các thần tượng nổi tiếng tham gia show của mình hiện được xem như một “công thức vàng”để đảm bảo được rating cho chương trình, mà con số này phần lớn  đến từ fan của những nghệ sĩ đó. Vì vậy, không phải vô cớ mà trước khi được ra mắt, các thực tập sinh luôn được công ty chủ quản đào tạo kỹ lưỡng về kỹ năng đi show như một môn học bắt buộc bên cạnh những bài tập chuyên môn. Ở đó, họ sẽ được trau dồi kỹ năng giao tiếp (ứng biến tình huống, sự hài hước), khả năng hòa nhập cùng MC và các khách mời, sức chịu đựng cho những gameshow đòi hỏi thể lực, thậm chí là dẫn dắt chương trình… 

Tuy nhiên, những tên tuổi nổi tiếng chỉ là điều kiện “cần” chứ chưa hẳn “đủ” để đảm bảo tính thành công. Những gương mặt thực sự có khả năng phù hợp với từng show mới là yếu tố được nhà đài quan tâm hàng đây khi chọn lựa, để đảm bảo đúng với tính chất và nội dung kịch bản mà họ mong muốn.

Tại Việt Nam, nhà sản xuất cũng áp dụng công thức này theo hướng đưa tên tuổi của những nghệ sĩ hàng đầu vào show để tạo được tiếng vang. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là một ván bài thông minh, bởi không phải ngôi sao nào cũng có khả năng cầm trịch hoặc “có duyên” với show đó, đôi khi còn mang lại tác dụng ngược. 

runningman-a2882
Dàn cast của "Running Man" được xem là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của chương trình bởi sự lăn xả hết mình với các thử thách

Trong hai năm trở lại đây, một số chương trình thực tế hài dần tạo được chỗ đứng riêng biệt giữa “rừng” các cuộc thi âm nhạc, nhảy múa đang có hiện tượng bão hòa. Sự xuất hiện của những tên tuổi hàng đầu trong làng hài kịch như Hoài Linh, Trấn Thành, Việt Hương, Trường Giang… được xem như làn gió mới thổi vào các chương trình. Tuy nhiên, bước đổi mới này kéo theo nhiều format về mảng hài bắt đầu ra đời và chiêu gọi các nghệ sĩ này về tham gia để tăng tính cạnh tranh rating. Kết quả là có một thời gian xem chương trình nào cũng chỉ toàn thấy những gương mặt quen thuộc này, không làm giám khảo thì cũng khách mời, thậm chí còn vượt ra những sân chơi khác không liên quan nhiều đến chuyên môn của họ, khiến khán giả bắt đầu ngán ngẫm. 

Yếu tố tự nhiên trong show thực tế luôn được nhà đài ưu tiên hàng đầu.

Tuy nói là “truyền hình thực tế” nhưng phần kịch bản vẫn được nhà sản xuất tính toán khá kỹ trước khi bấm máy. Hơn ai hết, họ hiểu rằng sự tự nhiên trong cảm xúc của những người tham gia là yếu tố thuyết phục nhất khiến khán giả tin vào hai từ “thực tế”. Cách đặt ống kính, góc quay và chỉnh sửa hậu kỳ được chăm chút để người xem có cảm giác như họ đang đứng trong chính tình huống đó cùng nhân vật chứ không hẳn chỉ là được tường thuật lại. Đây là cách khá hữu hiệu để chương trình đánh vào tâm lý, cảm xúc của người xem.

Bên cạnh đó, chương trình thường quay song song với lịch phát sóng để ghi nhận ý kiến phản hồi từ khán giả, bởi đôi khi trong quá trình sản xuất sẽ phát sinh nhiều yếu tố ngoại cảnh không mong muốn như chính trị, xã hội… buộc kịch bản phải điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh.

Về nội dung kịch bản, các nhà sản xuất của Hàn Quốc luôn cố gắng tự sáng tạo nên những format mới hoàn toàn, nhưng với nội dung gần gũi với văn hóa và đời sống của đất nước mình như trông em, làm nông, ăn uống... Đặc biệt khâu chỉnh sửa hậu kỳ, thêm thắt hiệu ứng của mỗi show luôn được đầu tư kỹ lưỡng và phù hợp với không khí, nhằm góp phần tăng hiệu ứng cảm xúc cho người xem. Nhờ đó, việc show giải trí Kpop nhận được sự ủng hộ lớn từ fan trong nước, đồng thời tạo được sự tò mò đối với fan quốc tế, là điều dễ hiểu.

strongheart-a2882
"Strong Heart" ghi điểm không chỉ nhờ sự xuất hiện của những khách mời là người nổi tiếng mà còn chính từ những câu chuyện vui buồn chân thật được chia sẻ từ chính họ

Trong khi đó tại Việt Nam, các show truyền hình thực tế hiện nay vẫn còn bị cho là “diễn” khá nhiều. Những cuộc cãi vã, tình huống mâu thuẫn hay việc nảy sinh tình cảm giữa những thí sinh trong cuộc thi vẫn còn nhiều gượng gạo. Đó là chưa kể đến những scandal tố nhau sau chương trình, nghi vấn dàn xếp kết quả, lộ thông tin… làm cho khán giả phải thở dài ngao ngán vì sự thiếu chuyên nghiệp của ê-kíp sản xuất. Chính vì điều này, khi nhắc đến một show thực tế tại Việt Nam, nhiều khán giả vẫn chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng, dù đó là một format nổi tiếng ở thế giới.

Tuy nhiên, không thể quy chụp hết tất cả mọi show thực tế Việt không có tín hiệu nào đáng mừng. Một số chương trình hiện nay đã dần bắt kịp được “nhịp” phát triển của các quốc gia đi đầu về mảng này và có sự ứng dụng phù hợp với nhu cầu khán giả trong nước.

Chị V. – một fan Kpop lâu năm nhận định: “Tôi đã theo dõi các chương trình thực tế Hàn một thời gian khá dài và nhận thấy sự chuyên nghiệp họ vượt hơn ta rất nhiều. Trước đây, tôi không có khái niệm xem một show thực tế nào của Việt Nam làm cả vì những gì mà nhà sản xuất mang vào tôi thấy chưa “thật”, nội dung cũng không thực sự hấp dẫn dù cùng một format. 

Nhưng vào những năm gần đây, tôi có cái nhìn khá thoáng về các chương trình ở nước ta. Các nhà đài dường như có sự đầu tư về nội dung khá kỹ lưỡng và chăm chút vào khâu chỉnh sửa hậu kỳ để lôi cuốn hơn. Bên cạnh đó, truyền thông cũng tận dụng tối đa ích lợi của thời đại công nghệ như mạng xã hội, Youtube… để thu hút sự chú ý của khán giả ở nhiều nơi, thậm chí cả ngoài nước. Một số chương trình “mạnh tay” đưa những giám khảo hay tên tuổi quốc tế về làm khách mời cho các tập đặc biệt cũng là cách để khẳng định tầm vóc và uy tín của mình”.