Tuyển Anh vào bán kết sau 28 năm: Bình minh mới đang mở ra với xứ sương mù

Thanh Hải (Sport5), Theo Trí Thức Trẻ 18:34 08/07/2018

Sau một thời gian dài mỏi mòn chờ đợi, người Anh cuối cùng cũng có mặt ở bán kết một kỳ World Cup. Và làm nên lịch sử, ngạc nhiên thay, là một đội quân ô hợp với quá khứ tầm thường và ít hứa hẹn.

Không còn là một giấc mơ

Người Anh đã vào bán kết World Cup sau 28 năm chờ đợi. Và nếu bạn thích lịch sử, thì đây mới là lần thứ 3 họ làm được điều đó kể từ khi xuất hiện tại giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh vào năm 1950.

Không khó để chỉ ra người hùng của Tam sư, trong đêm chói lọi ở Samara Arena. Còn ai khác ngoài Harry Maguire. Giữa một rừng hậu vệ cao to của Thụy Điển, anh ta hiện ra như gã khổng lồ Gogmagog, người bảo hộ cho London trong văn hóa dân gian Anh. Và rầm, một cú đánh đầu dũng mãnh khiến hệ thống phòng thủ của đội bóng Bắc Âu sụp đổ.

Tuyển Anh vào bán kết sau 28 năm: Bình minh mới đang mở ra với xứ sương mù - Ảnh 1.

Không chỉ gây ấn tượng với bàn mở tỷ số, Maguire còn xuất sắc trong mọi khía cạnh. Hậu vệ 25 tuổi chiến thắng 83% các pha không chiến, chặn đứng ý đồ tiếp cận khung thành tuyển Anh từ trên không của Thụy Điển. Maguire cũng là một mối đe dọa tiềm tàng cho đối thủ, thông qua 2 đường bóng dài, tạo nên 2 cơ hội nguy hiểm. 

Vậy bạn biết gì về Maguire? Không nhiều, phải không? Anh ta không thuộc biên chế một đội bóng Big Six, mà đến từ Leicester. 4 năm trước, Maguire thậm chí vẫn chơi ở League One, tứ giải hạng 3 theo hệ thống phân cấp bóng đá Anh.

Maguire là một sản phẩm của lò đào tạo Sheffield United, sau đó cùng đội bóng này chiến đấu 3 năm trời tại League One, trước khi chuyển đến Hull để được chơi ở Championship. Mùa vừa rồi, trong màu áo Leicester, chỉ là năm thứ 2 trong sự nghiệp Maguire hít thở bầu không khí sang trọng của Premier League. 

Một cầu thủ có xuất thân tầm thường, bây giờ lại là ngôi sao của tuyển Anh, và giúp đội bóng này làm nên lịch sử. Bạn có thấy kỳ lạ không?

Nhưng Maguire không phải trường hợp duy nhất

Dele Alli, người ghi bàn ấn định tỷ số 2-0 trước Thụy Điển, cũng đi lên từ League One.Trước mùa giải 2015/16, không ai biết đến cái tên Alli, cầu thủ khi ấy đang khoác áo MK Dons với mức lương bèo bọt 3.500 bảng mỗi tuần. Bằng cách nào đó, HLV Mauricio Pochettino của Tottenham tìm thấy anh ta. Và trong 3 năm, Alli phát triển thành một trong những ngôi sao lớn nhất xứ sương mù như chúng ta đang thấy.

Tuyển Anh vào bán kết sau 28 năm: Bình minh mới đang mở ra với xứ sương mù - Ảnh 2.

Kieran Trippier là một ví dụ khác. Cầu thủ tạt bóng tốt nhất World Cup (11 lần thành công) từng bị coi là không đủ tốt ở Man City và buộc khởi đầu sự nghiệp chuyên nghiệp tại Championship. Ngay cả bây giờ, sau 3 năm chuyển đến Tottenham, anh vẫn không tạo dựng chỗ đứng vững chắc trong đội hình chính. Mùa 2017/18, Trippier chỉ 24 lần có mặt trong đội hình xuất phát của Spurs ở Premier League.

Hoặc như Harry Kane, đội trưởng tuyển Anh hiện tại. Cho đến khi gần bước sang tuổi 21 anh mới có bàn thắng đầu tiên ở Premier League. Trước đó, Kane chật vật thể hiện mình ở League One và Championship.

Câu chuyện của Jamie Vardy còn trắc trở hơn. 15 tuổi, tiền đạo này bị Sheffield Wednesday thải loại và trôi dạt ở những giải nghiệp dư, làm thêm giờ trong nhà máy sản xuất tấm nẹp y tế để nuôi sống bản thân suốt những năm sau đó.

Giải nghiệp dư cũng là nơi mà hai thủ môn Jordan Pickford cùng Nick Pope từng ghé qua. Và đó là khoảng thời gian không xa lắm, chỉ cách đây 4 hoặc 5 năm.

Có một cái gì đó kỳ lạ đang xảy ra

Thật khó để nói các học trò của Gareth Southgate là Thế hệ Vàng. Cụm từ này được dùng cho lứa cầu thủ của thập kỷ trước, với David Beckham, John Terry, Ashley Cole, Sol Campbell, Rio Ferrdinand, Steven Gerrard, Frank Lampard, Wayne Rooney và Michael Owen.  

Tuyển Anh vào bán kết sau 28 năm: Bình minh mới đang mở ra với xứ sương mù - Ảnh 3.

Hiếm khi nào Tam sư lại tập hợp được nhiều tài năng lớn đến như thế trong cùng thời điểm. Không ai trong số họ từng lăn lộn ở giải bán chuyên, hay tệ hơn là nghiệp dư. Hầu hết là sản phẩm của những lò đào tạo nổi tiếng, chơi cho những CLB nổi tiếng và thực tế là, sau khi giải nghệ, đều được coi là huyền thoại.

Đó là lý do trong các kỳ World Cup 2002 và 2006, tuyển Anh luôn được coi là ứng viên hàng đầu cho ngôi vô địch. Thế nhưng tất cả những gì họ làm được là vào đến tứ kết, sau những màn trình diễn không mấy thuyết phục, nếu không muốn nói là nghèo nàn và gây bực bội.

Thế hệ Vàng mang trên mình những kỳ vọng lớn lao rốt cuộc chỉ là một thế hệ thất bại.

Đội quân của Southgate thoạt nhìn, trông ô hợp và ít hứa hẹn. Ngoại trừ Kane đẳng cấp ở tầm thế giới, phần lớn đều chưa tạo dựng được danh tiếng. Họ có chung xuất phát điểm thấp và lại có tuổi đời trẻ nhất trong lịch sử tham dự World Cup của tuyển Anh (26) kể từ năm 1962, đồng thời số trận khoác áo đội tuyển bình quân chỉ là 19.

Vậy tại sao đội bóng này lại có thể làm tốt hơn thế hệ tiền bối? Không chỉ vào đến bán kết, họ cũng cho thấy bản lĩnh và sức mạnh tinh thần, vốn luôn là mặt hạn chế của Thế hệ Vàng trước đây.

Thật khó để cắt nghĩa một cách chính xác, nhưng điều dễ nhận thấy là lứa cầu thủ Tam sư hiện tại có sự từng trải về mặt kinh nghiệm sống

Trong 11 cái tên đá chính trước Thụy Điển, 7 người từng bị đem cho mượn và 10, ngoại trừ Raheem Sterling, có trải nghiệm ở các giải đấu cấp thấp.

Việc thi đấu ở hạng dưới không có gì phải xấu hổ. Trái lại, giúp họ có nhiều thời gian chơi bóng hơn để bây giờ, tích lũy không ít kinh nghiệm. Như Maguire tâm sự, "ở hạng hai, tôi luôn được ra sân hàng tuần từ khi còn rất trẻ, trong khi nhiều cầu thủ tại Premier League cho đến năm 21 hoặc 22 vẫn chưa chen được vào đội một". 

Tuyển Anh vào bán kết sau 28 năm: Bình minh mới đang mở ra với xứ sương mù - Ảnh 4.

Tiếp tục, hãy lắng nghe câu chuyện của Kane. Khi anh tới Millwall vào năm 2012, đội bóng này đang có nguy cơ rớt xuống League One. Anh thường xuyên phải chơi dưới cơn mưa vật thể lạ được ném xuống bởi những người hâm mộ giận dữ. Bước vào phòng thay đồ, các đồng đội của anh luôn mồm rên rỉ, rằng họ lo sợ tiền lương sẽ bị cắt giảm, hay chấm dứt hợp đồng. Tất cả tạo nên sức ép khủng khiếp, và Kane khi ấy mới chỉ 18 tuổi.

Va chạm sớm, trải nghiệm đủ mọi thăng trầm cũng như các cung bậc cảm xúc, thế hệ mới Tam sư được trang bị một tinh thần mạnh mẽ để luôn tự tin và không bao giờ run sợ trước áp lực.

Cũng vì xuất phát điểm khiêm tốn, nhiều tuyển thủ Tam sư rất xa lạ với vinh quang (chỉ có 8 người từng vô địch Premier League và 1 vô địch Champions League). Vì vậy, họ không bước vào World Cup với thái độ tự mãn và trịch thượng. Thay vào đó là khát vọng chiến thắng.

David Goldblatt là một nhà xã hội học

Sau một thời gian dài theo dõi Thế hệ Vàng của người Anh thi đấu và thất bại, đã rút ra kết luận, đó không bao giờ là một đội bóng được xây dựng để chiến thắng. Tam sư với Beckham là đội trưởng giống như một gánh xiếc rong, nhiều ảo tưởng, ít trách nhiệm, với mối bận tâm chỉ là quyền lợi và sự nổi tiếng.

Tuyển Anh vào bán kết sau 28 năm: Bình minh mới đang mở ra với xứ sương mù - Ảnh 5.

Bây giờ, đội quân của Southgate là một phiên bản ngược hoàn toàn. Ít phô trương, giàu khát khao và hoàn toàn tập trung vào bóng đá. Lứa cầu thủ này không vì lợi ích bản thân, họ chỉ nghĩ đến tập thể.

Đó là lời giải thích tại sao Jesse Lingard, John Stones và Kyle Walker, những người đối địch ở cấp độ CLB, có thể nắm tay nhau nhảy múa trước người hâm mộ trong màn ăn mừng chiến thắng. Trước đó, Ashley Young cũng nói rằng mâu thuẫn với Dele Alli đã bị lãng quên.

Trong quá khứ, Ferdinand từng tiết lộ không bao giờ nói chuyện với Lampard khi lên tuyển. Từng là bạn bè, nhưng họ trở thành kẻ thù khi một người chơi MU, một người ở Chelsea, sau đó mang theo mối hiềm khích đó khi cùng chung màu áo Tam sư. Một thời gian dài, sự đoàn kết là cái gì đó xa xỉ.

Giờ thì mọi thứ đã thay đổi. Tuyển Anh này mang đến rất nhiều hy vọng. Mặc dù vẫn phải cải thiện nhiều, từ lối chơi đến kỹ năng dứt điểm, song với bản lĩnh, niềm tin và ý chí thay đổi lịch sử, họ có thể làm nên lịch sử.

Một bình minh mới mở ra với xứ sương mù.