Bản điện ảnh Bố Già được Trấn Thành thay đổi thế nào so với web-drama?

Dạ Nguyệt, Theo Trí Thức Trẻ 21:00 08/03/2021

So với phiên bản web-drama, Bố Già có nhiều sự thay đổi về mặt nội dung để chạm đến trái tim của khán giả.

Ra mắt vào dịp Tết năm 2020, loạt phim chiếu mạng Bố Già của Trấn Thành nhanh chóng tạo được tiếng vang và thu về hàng triệu lượt xem mỗi tập. Nhân thành công đó, A Xìn ngay lập tức cho ra mắt phiên bản điện ảnh vào dịp Tết năm nay. Tuy phải dời lịch vì Covid-19, tác phẩm vẫn tung hoành khắp các phòng vé với doanh thu khủng, cho thấy được sự tiến bộ rõ rệt của chàng MC trong việc làm phim.

Những khó khăn mưu sinh đổi thành mâu thuẫn giữa cha mẹ, anh chị em trong nhà

Ở bản web-drama, Trấn Thành vào vai Trần Văn Thành - một người cha chạy xe ôm lo cho các con ăn học. Vợ ông là bà Lan (Lê Giang) làm giúp việc nhà còn Sang (Tuấn Trần) và Quý (Huỳnh Ân) đều còn trong độ tuổi đi học. Những mâu thuẫn trong gia đình này chủ yếu là vì cái nghèo, thiếu thốn trăm bề mà còn gánh đủ loại chi phí.

Từ web-drama đến phim điện ảnh Bố Già: Một bước tiến lớn vượt bậc của Trấn Thành trong việc làm phim - Ảnh 1.

Bố Già web-drama nhấn mạnh vào quá trình mưu sinh của gia đình nghèo

Thành cũng phản đối việc Sang theo đuổi đam mê âm nhạc hay Quý muốn đi làm thêm để phụ giúp cha mẹ. Ông muốn gánh hết toàn bộ khó khăn, cực khổ chỉ để các con có được tấm bằng tốt nghiệp, xin được việc làm đàng hoàng, không phải chịu cái nghèo, cái thất học như mình. Ngoài ra, bộ phim còn mang đến một vài tình huống tréo nghoe trong công cuộc mưu sinh của hai vợ chồng.

Đây là một kịch bản tốt nhưng chỉ hợp với web-drama hoặc phim truyền hình. Bởi lẽ, những mâu thuẫn giữa đam mê của con và mong ước của cha mẹ không còn quá gay gắt trong bối cảnh hiện nay. Nhiều bậc phụ huynh cho phép con thoải mái chọn công việc yêu thích hoặc những người trẻ sẽ học ngành học theo ý cha mẹ rồi theo đuổi đam mê sau khi ra trường.

Từ web-drama đến phim điện ảnh Bố Già: Một bước tiến lớn vượt bậc của Trấn Thành trong việc làm phim - Ảnh 2.

Mâu thuẫn giữa Thành và Sang không thật sự cảm xúc

Trong khi đó, kịch bản của phim điện ảnh lại đời thường và gần gũi hơn. Lần này, Trấn Thành vào vai Ba Sang - người em thứ hai trong gia đình bốn người gồm Hai Giàu (NSND Ngọc Giàu), Tư Phú (Hoàng Mèo) và Út Quý (La Thành). Mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh nên giữa họ thường xuyên xảy ra cãi vã, mâu thuẫn.

Giữa ông và người con trai Quắn (Tuấn Trần) cũng xảy ra những tranh cãi về việc anh chàng muốn trở thành một YouTuber nổi tiếng - một nghề mà những người thuộc thế hệ trước không thể hiểu được. Nhưng đây không phải là chi tiết quan trọng. Then chốt của bộ phim nằm ở việc Ba Sang luôn âm thầm hy sinh cho con bất chấp Quắn có muốn hay không.

Từ web-drama đến phim điện ảnh Bố Già: Một bước tiến lớn vượt bậc của Trấn Thành trong việc làm phim - Ảnh 3.

Bố Già bản điện ảnh đánh mạnh vào sự sự hy sinh giữa các thành viên gia đình

Ông gánh mọi tội lỗi, chấp nhận cực khổ, đau đớn hết về phần mình để lo cho tương lai của con. Kể cả khi Quắn muốn báo hiếu, người cha già cũng gạt phắt đi vì sợ sẽ ảnh hưởng đến công việc, sức khỏe của cậu. Ngoài ra, Ba Sang còn là người luôn nhường nhịn, hòa giải giữa các anh chị em trong nhà. Điều này còn dẫn tới mâu thuẫn mới khi Quắn muốn bênh cha mình vì bị họ hàng chửi mắng nhưng không được.

Hài hước và cảm xúc - Yếu tố chủ đạo khác biệt của hai tác phẩm

Ở bản web-drama, Trấn Thành dường như chưa xác định rõ màu sắc chủ đạo. Vẫn mang yếu tố gia đình nhưng tác phẩm thiên hướng hài hước nhiều hơn. Bộ phim vẫn chú trọng vào tiếng cười bởi những tình huống tréo ngoe của Ba Sang khi chạy xe ôm, lúc bị A Tắc (Đức Anh) giành khách, khi thì bị bom hàng hay gặp hành khách "trời ơi đất hỡi".

Từ web-drama đến phim điện ảnh Bố Già: Một bước tiến lớn vượt bậc của Trấn Thành trong việc làm phim - Ảnh 4.
Từ web-drama đến phim điện ảnh Bố Già: Một bước tiến lớn vượt bậc của Trấn Thành trong việc làm phim - Ảnh 5.

Bản web-drama sa đà vào hài hước và quảng cáo

Những mâu thuẫn trong phim thường được giải quyết theo cách hài hước để đúng với tinh thần một tác phẩm giải trí. Ngoài ra, đặc trưng web-drama là những tập phim ngắn khiến cho nhiều tuyến truyện bị đứt quãng giữa chừng và không tạo được sự xuyên suốt về mặt cảm xúc. Ngoài ra, tác phẩm cũng hơi sa đà vào quảng cáo cùng cái kết tương đối lạc quẻ.

Trong khi đó, Bố Già bản điện ảnh tập trung hoàn toàn vào mặt cảm xúc. Phim cũng có hài đấy, cũng mang lại tiếng cười đấy nhưng phần lớn trong số đó đều đi kèm với sự chua xót của nhân vật. Bộ phim có một tình tiết bất ngờ cho thấy tình yêu thương vô bờ bến và hy sinh của Ba Sang dành cho Quắn. Đồng thời, chi tiết cũng giúp anh chàng có sự tiến bộ rõ rệt trong tính cách và suy nghĩ.

Từ web-drama đến phim điện ảnh Bố Già: Một bước tiến lớn vượt bậc của Trấn Thành trong việc làm phim - Ảnh 6.

Phiên bản điện ảnh tạo được cảm xúc bởi những cảnh quay long-shot

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và Trấn Thành đã khéo léo sử dụng những thước phim dài, không cắt ghép (long-shot) để tạo ra những màn hội thoại đời thường, chân chất, phản ánh rõ những trận cãi vả quen thuộc với mọi gia đình. Những mâu thuẫn trong phim không chỉ đến từ sự khác biệt giữa hai thế hệ mà còn là sự ích kỉ của người thân hay tranh giành được "hy sinh" cho nhau. Tất cả, dẫn tới một cái kết rất thấm, rất đau.

Nguồn ảnh: Tổng hợp

Từ web-drama đến phim điện ảnh Bố Già: Một bước tiến lớn vượt bậc của Trấn Thành trong việc làm phim - Ảnh 7.