Từ vụ cô gái ở Hà Nội chết sau 1 tuần chỉ ho, sốt - Vậy khi ốm chúng ta nên làm gì?

J, Theo Trí Thức Trẻ 10:04 08/12/2016

Trong thời đại kháng kháng sinh, nhiều người hiện cũng không dám uống thuốc nữa, kể cả lúc bị ốm.

Mới đây, câu chuyện về một bệnh nhân tại Hà Nội đã ra đi vĩnh viễn chỉ sau một trận ốm kéo dài 1 tuần đã khiến nhiều người phải bàng hoàng thương tiếc.

Theo như ghi nhận, bệnh nhân Nguyên Hải H. có dấu hiệu ho sụt sịt, và sốt. Sau 3 ngày truyền dịch không khỏi, H. được chuyển vào viện. Tại đây, tình hình sức khỏe cô có chuyển biến xấu, được chuyển sang khoa cấp cứu và Hồi sức tích cực. Nhưng rồi chỉ sau 1 tuần điều trị, H. vẫn không thể qua khỏi.

Từ vụ cô gái ở Hà Nội chết sau 1 tuần chỉ ho, sốt - Vậy khi ốm chúng ta nên làm gì? - Ảnh 1.

Siêu vi khuẩn đã gây ra cái chết của H.

Và nguyên nhân gây nên cái chết của H. được các bác sĩ chỉ ra là do một loại siêu vi khuẩn gây nhiễm trùng máu. Vi khuẩn này đã kháng được các loại thuốc kháng sinh hiện nay, khiến toàn bộ quá trình điều trị cho H. trở nên vô hiệu.

Thực tại kháng kháng sinh vô cùng đáng sợ

Từ câu chuyện thương tâm của H., ta có thể thấy rõ một vấn đề rằng thực tại kháng kháng sinh đang trở nên cực kỳ đáng sợ. 

Dành cho những ai chưa biết, thì kháng kháng sinh là hiện tượng xảy ra khi mầm bệnh hay vi khuẩn không bị tiêu diệt bởi thuốc kháng sinh. Chúng không những tồn tại mà còn sinh sản ra những thế hệ vi khuẩn mới, cũng có đặc tính kháng thuốc và hóa chất điều trị nhiễm trùng. Và như chúng ta đã biết thì vào giữa năm 2016, loại vi khuẩn kháng được tất cả các loại thuốc hiện nay đã xuất hiện.

Từ vụ cô gái ở Hà Nội chết sau 1 tuần chỉ ho, sốt - Vậy khi ốm chúng ta nên làm gì? - Ảnh 2.

Vi khuẩn kháng được tất cả thuốc kháng sinh đã xuất hiện

Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là giờ đây chỉ một vết xước nhỏ cũng đủ để giúp bạn được... "ăn oản trên nóc tủ"; những ca phẫu thuật lớn nhỏ sẽ gần như bất khả thi để thực hiện vì thuốc kháng sinh vô hiệu...

Khoa học hiện vẫn đang gấp rút tìm ra những loại kháng sinh mới. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, vì tốc độ làm ra một loại kháng sinh phải mất đến vài năm. Trong khi đó, quá trình tiến hóa của vi khuẩn thì luôn luôn nhanh hơn. 

Từ vụ cô gái ở Hà Nội chết sau 1 tuần chỉ ho, sốt - Vậy khi ốm chúng ta nên làm gì? - Ảnh 3.

Vi khuẩn tiến hóa rất nhanh

Vậy nên có thể thấy bị ốm trong thời đại này không phải là tin xấu thì cũng là tin rất xấu. Nhưng con người chúng ta sẽ phải làm gì đây?

Làm gì khi bị ốm trong thời đại kháng kháng sinh?

Lời khuyên từ các chuyên gia bấy lâu nay luôn là "đừng uống thuốc bừa bãi". Nhưng có vẻ như thực tại đáng sợ từ kháng kháng sinh khiến cho nhiều người trở nên cực đoan hơn. Họ chẳng còn dám uống thuốc nữa, bất kể bệnh có nặng đến đâu.

Từ vụ cô gái ở Hà Nội chết sau 1 tuần chỉ ho, sốt - Vậy khi ốm chúng ta nên làm gì? - Ảnh 4.

Nhưng có tin buồn cho bạn đây. Trên thực tế nếu như không may nhiễm phải một loại vi khuẩn có khả năng kháng tất cả các loại kháng sinh vào lúc này, thì khoa học hầu như không thể giúp gì được nữa. Mọi chuyện sẽ phụ thuộc vào bạn, vào sức đề kháng của cơ thể và... số phận.

Còn lời khuyên "không uống thuốc bừa bãi" thì luôn đúng. Có điều, chuyện có uống hay không thì không phải do bạn quyết định, mà chuyện đó phụ thuộc vào bác sĩ. Bạn chỉ nên uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, và bắt buộc phải tuân thủ đúng chỉ dẫn. Tuyệt đối không tự ý cắt giảm liều hay dừng điều trị sớm, vì điều đó sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn kháng thuốc nhanh hơn.

Từ vụ cô gái ở Hà Nội chết sau 1 tuần chỉ ho, sốt - Vậy khi ốm chúng ta nên làm gì? - Ảnh 5.

Không tự ý uống thuốc, cũng không tự ý cắt giảm hay thêm liều thuốc

Ngoài ra trong thời đại này, phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh. Bạn hãy luôn giữ gìn vệ sinh thật cẩn thận, rửa tay bằng xà phòng trước khi có ý định cho bất kỳ thứ gì vào miệng. Đồng thời, hãy chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn chín, uống sôi và đảm bảo nguồn gốc.

Kết hợp cùng luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, tất cả sẽ giúp sức đề kháng của bạn luôn đạt trạng thái tốt, đủ để tránh xa các loại bệnh tật thông thường.

Nguồn: WHO, APUA