Tư vấn cho hơn 400 người trẻ, tôi nhận ra ai cũng mắc 6 sai lầm sơ đẳng này về tiền bạc: Không sửa sớm, về già nghèo túng là đương nhiên!

Ngọc Hà, Theo Trí thức trẻ 11:23 16/08/2019

Nếu không sửa chữa những sai lầm về tiền bạc này khi còn trẻ, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy hối hận khi bước vào tuổi trung niên.

Không phải ai cũng có khả năng độc lập về tài chính, nhất là đối với người trẻ. Tuy nhiên, nếu bạn có đủ hiểu biết và khả năng để đưa ra những quyết định khôn ngoan, tương lai giàu có hoàn toàn nằm trong tầm tay bạn.

Là một nhà hoạch định tài chính từng làm việc với hơn 400 người trẻ tuổi, tôi thấy các bạn thường rơi vào cái bẫy chờ đợi - chờ một thời điểm thích hợp để bắt đầu tiết kiệm.

Thật ra, thời điểm phù hợp nhất là càng sớm càng tốt. Nếu bạn chưa bắt đầu tiết kiệm, đã tới lúc bạn nên xác định những thói quen xấu gây ảnh hưởng tới túi tiền của mình và sửa chúng ngay lập tức.

Dựa trên kinh nghiệm của tôi, đây là 6 sai lầm về tiền bạc mà người trẻ hay mắc nhất.

Nợ nần chồng chất trong thẻ tín dụng

Tư vấn cho hơn 400 người trẻ, tôi nhận ra ai cũng mắc 6 sai lầm sơ đẳng này về tiền bạc: Không sửa sớm, về già nghèo túng là đương nhiên! - Ảnh 1.

Sử dụng thẻ tín dụng thường xuyên và có trách nhiệm là cách hiệu quả nhất để tích lũy (hoặc tích lũy lại) điểm tín dụng. Điểm tín dụng cao sẽ giúp bạn dễ dàng vay tiền mua nhà, mua xe, thuê căn hộ,...

Đáng buồn thay, phần lớn người trẻ bây giờ đều gặp khó khăn trong việc trả nợ tín dụng. Theo như khảo sát của CreditCards.com, cứ 4 thanh niên lại có 1 người nợ thẻ tín dụng trong ít nhất 1 năm.

Có 2 nguyên tắc quan trọng ai dùng thẻ tín dụng cũng cần nhớ: Đừng bao giờ để việc chi tiêu nhu yếu phẩm phụ thuộc vào thẻ và đừng "vung tay quá trán" cho những thứ bạn không cần.

Nếu là sinh viên mới ra trường và chuẩn bị xin việc, hãy bỏ càng nhiều tiền vào tài khoản ngân hàng càng tốt, nhất là trong 6 tháng đầu tiên đi làm. Như vậy, bạn sẽ có một khởi đầu thuận lợi trong công cuộc tiết kiệm tiền, cũng như dễ dàng trả hết nợ tín dụng hàng tháng.

Không chuẩn bị sẵn quỹ dự phòng bất trắc và quỹ dự phòng khẩn cấp

Tư vấn cho hơn 400 người trẻ, tôi nhận ra ai cũng mắc 6 sai lầm sơ đẳng này về tiền bạc: Không sửa sớm, về già nghèo túng là đương nhiên! - Ảnh 2.

Mỗi lần tổ chức workshop về tài chính cho sinh viên, tôi thường hỏi mục tiêu lớn nhất mà họ đặt ra sau khi tốt nghiệp là gì. Hầu hết các bạn trẻ đều trả lời là mua nhà. Còn chuẩn bị quỹ dự phòng bất trắc và quỹ dự phòng khẩn cấp thì sao? Chẳng ai buồn nghĩ tới.

Tôi đã thấy nhiều người mắc sai lầm này. Họ chỉ để dành tiền cho một quỹ duy nhất; thậm chí vài người còn chẳng có quỹ nào. Kết quả là, họ mắc nợ và phải rút tiền từ tài khoản tiết kiệm của mình.

Trước hết, bạn phải hiểu rằng hai quỹ này hoàn toàn khác nhau. Quỹ dự phòng khẩn cấp giúp bạn xoay xở những lúc gặp khủng hoảng tài chính, chẳng hạn như mất việc, ốm đau, bệnh tật,... Quỹ dự phòng bất trắc dùng để chi trả cho những sự cố không may, có thể đoán trước được, ví dụ như sửa đường ống nước, sửa xe,...

Thông thường, quỹ dự phòng khẩn cấp sẽ giúp bạn sống sót trong khoảng từ 3-6 tháng. Để tính toán xem mình cần bao nhiêu cho quỹ dự phòng bất trắc, bạn cần nắm rõ số tiền sẽ chi tiêu trong tương lai cho những thứ như vật dụng gia đình, thực phẩm và bảo hiểm.

Kiếm bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu

Tư vấn cho hơn 400 người trẻ, tôi nhận ra ai cũng mắc 6 sai lầm sơ đẳng này về tiền bạc: Không sửa sớm, về già nghèo túng là đương nhiên! - Ảnh 3.

Khi còn trẻ, khẩu hiệu "sống cho hiện tại" nghe hấp dẫn hơn là "lên kế hoạch cho tương lai". Tuy nhiên, bạn sẽ không bao giờ tự do về tài chính nếu cứ mắc bẫy "lạm phát lối sống" - kiếm được bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu.

Điều đó có nghĩa là: Đừng vội mua một căn nhà to hơn chỉ vì bạn được tăng lương. Đừng đi du lịch sang chảnh chỉ vì bạn có thêm khoản thưởng. Thay vào đó, bạn nên nhìn vào bức tranh toàn cảnh bằng cách tiết kiệm số tiền đó hoặc dùng nó để trả nợ.

Chỉ cần thắt lưng buộc bụng một chút là bạn có thể tiết kiệm thêm tiền để dành cho những mục tiêu quan trọng hơn như mua nhà, nghỉ hưu sớm, chăm lo cho gia đình, tổ chức đám cưới,...

Không chủ động quan tâm tới sức khỏe

Tư vấn cho hơn 400 người trẻ, tôi nhận ra ai cũng mắc 6 sai lầm sơ đẳng này về tiền bạc: Không sửa sớm, về già nghèo túng là đương nhiên! - Ảnh 4.

Như Warren Buffett đã từng nói: "Bạn chỉ có một bộ óc và một cơ thể duy nhất trong suốt cuộc đời này. Không chăm sóc chúng khi còn trẻ thì chẳng khác nào để mặc xe hơi bị nắng mưa ngoài trời làm hư hại".

Bên cạnh đó, quá trình sửa xe bao giờ cũng đắt.

Vì vậy, nếu chủ động quan tâm tới sức khỏe, bạn sẽ sống thọ hơn, cũng như tránh được những chi phí y tế trong tương lai.

Hãy bắt đầu bằng cách duy trì chế độ ăn lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Bạn cũng nên tận dụng những buổi khám sức khỏe do cơ quan tổ chức. Những buổi khám đó sẽ giúp bạn phát hiện bệnh từ sớm, trước khi chúng trở nên nghiêm trọng hơn.

Không đầu tư vào thị trường chứng khoán

Tư vấn cho hơn 400 người trẻ, tôi nhận ra ai cũng mắc 6 sai lầm sơ đẳng này về tiền bạc: Không sửa sớm, về già nghèo túng là đương nhiên! - Ảnh 5.

Theo khảo sát của Gallup trong năm 2018, chỉ có 37% thanh niên Mỹ (dưới 35 tuổi) chơi chứng khoán trong giai đoạn 2017-2018. Trong khi đó, con số này ở nhóm người trên 35 tuổi là 61%.

Việc đầu tư chứng khoán cũng có những rủi ro nhất định. Bạn không thể kiểm soát thị trường, cũng như mức lợi nhuận mà bạn kiếm được.

Thứ mà bạn có thể kiểm soát là số tiền bạn tiết kiệm được, số % thu nhập mà bạn bỏ vào các quỹ đầu tư dài hạn và cách bạn đầu tư vào các quỹ đó.

Đầu tư vào thị trường chứng khoán là một trong những cách nhanh nhất để tăng trưởng tài sản. Nếu bạn không biết đầu tư như thế nào, hãy tham khảo một nhà tư vấn tài chính.

Không tiết kiệm đủ cho quỹ hưu trí

Tư vấn cho hơn 400 người trẻ, tôi nhận ra ai cũng mắc 6 sai lầm sơ đẳng này về tiền bạc: Không sửa sớm, về già nghèo túng là đương nhiên! - Ảnh 6.

Tiết kiệm tiền hưu trí quá muộn là sai lầm lớn sẽ ám ảnh cả cuộc đời bạn sau này.

Theo báo cáo năm 2018 của E-trade, hơn ⅓ số người trẻ rút tiền từ quỹ hưu trí để trả cho các kỳ nghỉ và chi tiêu cá nhân.

Mỗi năm, bạn nên để dành ít nhất 15% thu nhập trước thuế vào quỹ tiết kiệm hưu trí. Rất nhiều công ty đề nghị trả một phần tiền cho bạn vào quỹ hưu trí riêng của công ty.

Một trong những câu tôi hay nghe từ người trẻ là: "Nhưng tôi chẳng làm ra nhiều tiền đến thế".

Nếu ở trong trường hợp đó, hãy thay đổi lối sống của mình, sao cho bạn vẫn có thể sống được dù phải tiêu ít hơn số tiền mình làm ra. Ngay cả việc để ra 20 USD/tháng cũng có thể làm nên sự khác biệt.

Bryan M. Kuderna là một nhà hoạch định tài chính, tác giả cuốn “Millennial Millionaire” và là nhà sáng lập Kuderna Financial Team - một doanh nghiệp về dịch vụ tài chính ở New Jersey (Mỹ).