Từ Seagames 2003 đến Tứ Hùng 2018: Câu chuyện của cô bạn 16 tuổi và lá cờ 15 tuổi mang theo tình yêu bóng đá

Yingie, Theo Helino 16:54 03/08/2018

Nguyễn Quỳnh (16 tuổi) sinh ra trong một gia đình mà ai cũng là fan bóng đá. Cô bạn này cũng dành tình yêu đặc biệt cho các cầu thủ của đội tuyển nước nhà và hôm nay, Quỳnh sẽ mang theo lá cờ 15 tuổi mà bố cô bạn từng vẫy trong SEAGAMES năm 2003 đến sân cổ vũ cho U23 Việt Nam.

Hôm nay (3/8), hơn 6 tháng kể từ vòng chung kết U23 châu Á, chúng ta lại sắp sửa được gặp lại những gương mặt đã làm nên kì tích của đội tuyển U23 Việt Nam tại Thường Châu, bên cạnh đó là nhiều gương mặt mới đầy triển vọng trong giải đấu giao hữu Tứ hùng trước thềm AISAD. 

Một lần nữa, người hâm mộ bóng đá Việt lại được sống trong không khí háo hức, sôi động, cổ vũ cho các cầu thủ đội nhà. Một lần nữa, chúng ta sẽ được xem những trận cầu tận hiến. Một lần nữa, chúng ta lại được chứng kiến cảnh những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên khán đài. Trong số đó, chắc hẳn mỗi lá cờ lại mang theo một cảm xúc khác nhau, một câu chuyện khác nhau của người sở hữu nó, giống như lá cờ 15 tuổi mà cô bạn có nick name An Nguyen chia sẻ lên MXH sáng nay.

Từ Seagames 2003 đến Tứ Hùng 2018: Câu chuyện của cô bạn 16 tuổi và lá cờ 15 tuổi mang theo tình yêu bóng đá - Ảnh 1.

An Nguyen đăng vào group Fandom Owker - cộng đồng fan U23 lớn nhất hiện nay hình ảnh một lá cờ đỏ sao vàng khá cũ cùng một câu chuyện ngắn liên quan đến nó cũng như truyền thống hâm mộ bóng đá của gia đình. Được biết, An Nguyen có tên thật là Quỳnh, đến từ Bắc Giang. Quỳnh sinh năm 2002 trong một gia đình mà từ ông bà đến bố mẹ, em trai đều yêu môn thể thao vua.

"Nhà mình có 5/6 người là cổ động viên, mà ông mình thì chỉ thích bóng đá Việt Nam thôi. Cái hồi mới có sân Hàng Đẫy, các giải bóng đá Việt thường tổ chức ở đấy, ông mình toàn đi tàu, đi xe đạp đến tận đấy để xem. Bố mẹ mình thì hồi xưa nhà nghèo, sân vận động tỉnh (khi ấy khá khang trang) được tổ chức mấy trận, nhưng mà bố mẹ không có tiền đi xem, thế là lúc đứng ngoài cổng nghe đoán mò diễn biến, lúc thì lên mấy nhà gần đấy dòm xuống sân.

Riêng World Cup thì mẹ mình xem từ những năm 1986 rồi bén duyên với nước Ý. Hồi đấy cả nhà có cái TV, mẹ mình xem hết các trận rồi thuộc cả bài Mùa hè Italy năm 90, có cả quyển sổ nhỏ ghi tên các cầu thủ cho dễ thuộc, y như chị em Owker bây giờ".

An Nguyen sinh năm 2002, chỉ 1 năm trước SEAGAMES 22 tổ chức tại Việt Nam

Từ khi còn nhỏ tuổi, Quỳnh đã được tiếp xúc và nối tiếp truyền thống yêu bóng đá của gia đình. Thay vì chơi búp bê, đồ hàng với các bạn nữ, Quỳnh lại chỉ thích chơi bóng đá, suốt ngày rủ lũ trẻ trong xóm đi đá bỏng bẩn hết quần áo, tay chân. "Mình biết hết các thế hệ Văn Quyến, Minh Phương, Công Vinh, cho đến lứa Công Phượng, Xuân Trường và sau là Trọng Đại, Đức Chinh... Dù không phải một đứa quá ham mê bóng đá, mình vẫn tự hào mình biết ít nhiều về luật bóng đá cũng như các thành tích của bóng đá Việt Nam những năm cuối thập niên 2000", Quỳnh cho biết.

38458550_517840085337865_6605407105631387648_o

15 năm trước, bố của An Nguyen đã mang theo lá cờ này đến cổ vũ đội tuyển bóng đá Việt Nam trong những trận đấu tại SVĐ Mỹ Đình

Năm 2003, Việt Nam đăng cai tổ SEAGAMES 22, khi ấy Quỳnh mới 1 tuổi nhưng lớn lên một chút, cô bạn đã được nghe kể về chuyện bố cô lặn lội từ quê ra tận Hà Nội để cổ vũ cho đội tuyển. Lá cờ trong ảnh đã có từ khi ấy, nó đã từng tung bay trên khán đài của SVĐ Quốc gia Mỹ Đình 15 năm về trước. Theo Quỳnh, dù lá cờ bây giờ có vẻ cũ kĩ và hơi bị mốc nhưng nhà của cô bạn không ai nỡ vứt nó đi, "vì nó gắn với tối mưa năm 2003, bố mình hoà cùng biết bao con người nhiệt tình cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam khi ấy. Vì mưa nên mốc, những vết mốc gắn liền với thời gian".

Từ Seagames 2003 đến Tứ Hùng 2018: Câu chuyện của cô bạn 16 tuổi và lá cờ 15 tuổi mang theo tình yêu bóng đá - Ảnh 4.

Lá cờ không mới nhưng nó gắn liền với rất nhiều kí ức hào hùng

Dù nhà ở hơi xa và còn nhỏ tuổi nhưng Quỳnh vẫn cố gắng ủng hộ các cầu thủ theo cách riêng

Hiện tại Quỳnh vẫn theo dõi bóng đá thường xuyên, từ các trận ở Vleague, cho đến các trận của đội tuyển quốc gia. Cô bạn 16 tuổi còn tiết lộ bình thường bố mẹ cô gắt lắm nhưng những trận quan trọng của đội tuyển thì vẫn cho phép Quỳnh khất bài tập thầy cô để xem. quỳnh cũng không quên được những kí ức về vòng chung kết lịch sử của U23 Việt Nam tại Trung Quốc. 

Quỳnh nhớ nhất là kỉ niệm sau khi Việt Nam dừng bước ở phút 119 gặp Uzbekistan: "Hôm bán kết, mình không đi bão được nên đã tự nhủ vô địch sẽ quẩy tung nóc luôn. Thế nhưng trận chung kết lại thua, và mình thì vẫn ra đường, diễu hành không ô không áo mưa, mình còn chẳng lái được xe để bạn đèo, cứ khóc rưng rức. Có mấy người đi qua thấy mình ôm cờ, chắc cũng thấy mình khóc nên an ủi bảo không sao đâu, Việt Nam vẫn vô địch mà. Trước giờ mình chỉ xem bóng đá với gia đình, cùng lắm xem với bạn bè, không thể ngờ người lạ lại có thể tốt với nhau như thế...".

Từ Seagames 2003 đến Tứ Hùng 2018: Câu chuyện của cô bạn 16 tuổi và lá cờ 15 tuổi mang theo tình yêu bóng đá - Ảnh 6.

Hành trang An Nguyen mang theo đến trận đấu chiều nay giữa U23 Việt Nam - U23 Palestine

Quỳnh cũng chia sẻ thêm ngày hôm nay (3/8) cô bạn sẽ ra Hà Nội để cổ vũ cho U23 Việt Nam trong trận đầu giải giao hữu Tứ Hùng gặp Palestine. Người bạn đồng hành của Quỳnh là ông nội, năm nay đã 80 tuổi và hành trang Quỳnh mang theo chính là lá cờ chỉ kém cô bạn 1 tuổi này: "Mình sẽ mang theo lá cờ này, trải rộng ra và hô vang tên Việt Nam, hoà cùng những con người xa lạ cùng tình yêu dành cho đội tuyển Olympic. Lá cờ 15 năm tuổi".

Cũng nhân dịp này, Quỳnh muốn nhắn nhủ tới các thành viên của đội tuyển U23 Việt Nam và cả ban huấn luyện rằng: "Dù ai được chọn, thì những người còn lại cũng đừng lấy đó làm tự ti, mà phải cố gắng nỗ lực hơn nữa. "U23 không có ngôi sao, ngôi sao duy nhất nằm ở ngực trái", mong các cầu thủ thi đấu Olympic cũng có suy nghĩ như vậy. Trên tất cả, mình tôn trọng mọi quyết định của BHL và thầy Park nói riêng".