Từ những đứa trẻ mài đũng quần nơi quán net tới niềm tự hào đưa Việt Nam ra thế giới: đã đến lúc nhìn nhận Gamer Việt Nam một cách nghiêm túc?

Nam Thanh, Theo Helino 00:00 01/04/2018

Khi mà trong vòng 10, thậm chí 20 năm qua, Việt Nam được ghi tên vào những cột mốc "Chung kết thế giới" của một bộ môn thể thao nào đó chủ yếu nhờ vào các bộ môn thể thao điện tử thì có lẽ, các game thủ ở Việt Nam đã xứng đáng có được một cái nhìn thiện cảm hơn.

Ngày 26/8/2017, tín đồ của thể thao thế giới cũng như ở Việt Nam dường như sôi lên trước trận đấu tranh ngôi đầu bảng Ngoại Hạng Anh giữa AFC Bournemouth và Manchester City, đồng thời cũng ít nhiều giành quan tâm tới trận bán kết SEA Games 29 giữa U22 Thái Lan và U22 Myanmar. 

Cũng trong ngày hôm đó, một sự kiện "thể thao" khác được cộng đồng mạng Việt Nam chia sẻ, tuy cũng là sục sôi đấy nhưng chưa được nhiều sự quan tâm của truyền thông chính thống. Đó là sự kiện đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại Việt Nam chính thức đặt chân tới vòng Chung kết giải Liên Minh Huyền Thoại Quốc tế danh giá. 

Từ những đứa trẻ mài đũng quần nơi quán net tới niềm tự hào đưa Việt Nam ra thế giới: đã đến lúc nhìn nhận Gamer Việt Nam một cách nghiêm túc? - Ảnh 1.

Giả như câu nói đầy cảm xúc trên được vang lên ở bất cứ một bộ môn thể thao nào, từ Bóng đá, Bóng rổ, Quần vợt hay Cờ vua, chúng ta có lẽ đều sẽ rất tự hào. Nhưng nếu đặt vào bộ môn thể thao điện tử nơi người ta vẫn còn dị nghị là "đám nghiện game", sự tự hào phần nào sẽ vơi mất giá trị; bởi vì sau nhiều ví dụ hệ luỵ xấu, thể thao điện tử bỗng mang một cái vỏ không đẹp, luôn trở thành tâm điểm chỉ trích khi chiếm mất phần nhiều thời gian mà đáng lẽ ra một cá nhân có thể học hành, rèn luyện bản thân. 

Tuy nhiên, tình hình đang biến chuyển trong vài năm gần đây. 

Bên cạnh thể thao chính thống được báo đài nước nhà trân trọng, sát sao quan tâm, nền văn hóa "thể thao điện tử" của Việt Nam cũng rục rịch chuyển mình trong im lặng và để lại ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè thế giới, mà trong đó có dấu ấn đậm nét của đội tuyển Vietnam Gigabyte Marines. Trong khi người Việt suốt bao nhiêu năm vẫn phải dừng bước trước Thái Lan trên sân cỏ thì ở bộ môn LMHT, Việt Nam có thể phóng băng băng ra khỏi phòng tuyến Đông Nam Á cuối cùng để đường hoàng tiến vào vòng Chung kết thế giới, sánh vai với những ông lớn tới từ Âu Mỹ và Trung Quốc - những đất nước đã và đang đổ hàng tỷ USD vào những phòng tập huấn, những giải thưởng lớn nhỏ chuyên nghiệp.

Mặc dù phải dừng lại ngay ở vòng bảng của Chung kết thế giới trước những đối thủ có đẳng cấp cũng như sự đầu tư quá sức chênh lệch, thế nhưng Việt Nam đã ghi lại một dấu ấn không thể quên trong lòng bạn bè quốc tế. Khi được phỏng vấn về động lực thi đấu, Levi, đội trưởng trẻ tuổi của tuyển GAM chỉ nói rằng: "Bản thân em cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi đã góp phần làm nhiều người thay đổi cách nhìn về thể thao điện tử ở Việt Nam."

Từ những đứa trẻ mài đũng quần nơi quán net tới niềm tự hào đưa Việt Nam ra thế giới: đã đến lúc nhìn nhận Gamer Việt Nam một cách nghiêm túc? - Ảnh 2.

Những lời lẽ bộc bạch chân thành của chàng trai sinh năm 1997 vào thời điểm đó đã làm nhiều người phần nào cảm động, và vào cái thời khắc bối rối đó, nhiều người đã thuận tay tìm hiểu để rồi nhận ra thể thao điện tử Việt Nam đã từng đi những đoạn đường rất xa trong quá khứ. 

Từ những đứa trẻ mài đũng quần nơi quán net tới niềm tự hào đưa Việt Nam ra thế giới: đã đến lúc nhìn nhận Gamer Việt Nam một cách nghiêm túc? - Ảnh 3.

Người ta bất ngờ nhận ra Việt Nam đã có những chàng trai trẻ ôm theo sự bất khuất của thể thao điện tử nước nhà mà lao vào đấu trường thế giới năm 2012; người ta bất ngờ nhớ ra rằng Saigon Jokers đã lội ngược dòng một cách đầy cảm xúc trước đối thủ sừng sỏ Singapore Sentinels trong hai ván đấu đầy cảm xúc để đi Chung kết thế giới. Và khi những bình luận viên Việt Nam - nào là Bá Nhật, nào là Hoàng Luân - gào lên đến khản cổ trong cơn phấn khích tột cùng khi đội tuyển nước nhà giành tấm vé tới Los Angeles trong một giải đấu đẳng cấp quốc tế hòng tìm kiếm vinh quang cho Tổ quốc, người ta nhận ra rằng, "gamer Việt Nam" đã không còn là những đứa trẻ vô công rồi nghề, cũng chẳng phải đám thanh niên choai choai nướng tương lai trước màn hình máy tính. 

Từ những đứa trẻ mài đũng quần nơi quán net tới niềm tự hào đưa Việt Nam ra thế giới: đã đến lúc nhìn nhận Gamer Việt Nam một cách nghiêm túc? - Ảnh 4.

Vào năm 2016, một cô gái trẻ ở Việt Nam đã có những dòng phát ngôn đi vào huyền thoại, đại ý rằng "Gamer là lũ không có tương lai". 

Đương nhiên, dư luận Việt Nam, như thường lệ, rẽ ra hai chiều hướng đả phá nhau gay gắt, giữa các cô, các bà, các mẹ cho rằng mình có chồng, có con nghiện game đang rất đau khổ và những người bảo vệ cho danh dự của các gamer chân chính. Đứng trước chiến sự căng thẳng đó, một cựu caster (bình luận viên game) đã lên tiếng và có một cuộc đối thoại trực tiếp với cô gái kể trên.

Anh chàng đó có biệt danh là Pewpew, một nhân vật khá nổi tiếng trong cộng đồng game thủ DOTA2, và lý thuyết của anh thực sự rất "phải", tới mức "củ cải cũng nghe". Khi được lãnh lời cô gái kia, rằng "Gamer không kiếm ra tiền, không thể coi là một nghề", Pewpew đã nói đại ý là hãy xem xét và coi người chơi game cũng như những vận động viên. Với tính chất thi đấu khắc nghiệt không thua kém bất cứ bộ môn thể thao đời thực nào, người chơi game nếu đủ giỏi sẽ trở thành những vận động viên chuyên nghiệp, có được sự nghiệp, danh tiếng và tiền bạc; đồng thời nếu không đến đầu đến đũa thì cũng chỉ như những vận động viên bóng đá, thể dục dụng cụ hoặc bơi lội tài chưa đủ chín hay không gặp thời, bỏ đi cả thanh xuân nhưng không thu lại được gì. Do đó, với những người chọn chơi game là "sự nghiệp", đó là một sự mạo hiểm tương lai cần được tôn trọng chứ không đáng phải hứng chịu những lời gièm pha.

Từ những đứa trẻ mài đũng quần nơi quán net tới niềm tự hào đưa Việt Nam ra thế giới: đã đến lúc nhìn nhận Gamer Việt Nam một cách nghiêm túc? - Ảnh 5.

"Nếu không giúp đỡ gì được họ, xin đừng phán xét họ." Pewpew đã nói như vậy. Dường như anh chàng này đã coi thể thao điện tử là một môn thể thao chuyên nghiệp, và dưới mỗi quán net đầu làng, cuối ngõ, bên phải cổng trường đều có đâu đó những kẻ đang nuôi ước vọng được kiếm sống và "go pro" (đại ý là chơi game chuyên nghiệp) bằng đam mê, tới mức đánh cược chính thanh xuân của mình, để rồi bị người khác dán cho cái mác "nghiện game" mà chẳng cần tìm hiểu để phán xét. 

Giữa một cầu thủ bóng đá chấp nhận hy sinh cả tuổi trẻ để miệt mài rèn luyện thể lực trên các sân cỏ và những cậu học sinh đang lướt tay trên bàn phím có nhiều điểm tương đồng hơn là bạn nghĩ đấy. Đều là những sự trả giá bằng mồ hôi công sức, bằng tuổi trẻ, bằng đam mê, đôi khi là cả máu, nước mắt và những định kiến, miệt thị. 

Từ những đứa trẻ mài đũng quần nơi quán net tới niềm tự hào đưa Việt Nam ra thế giới: đã đến lúc nhìn nhận Gamer Việt Nam một cách nghiêm túc? - Ảnh 6.

Bạn hẳn sẽ ngạc nhiên khi theo như Google, chú chim được nhắc tới nhiều nhất ở Việt Nam không phải những cánh cò trắng, mà lại là "Chim sẻ đi nắng". Chú "Chim sẻ" này tên thực là Nguyễn Đức Bình, sinh năm 1996 tại Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Tây cũ. Cậu được mệnh danh là "Thần đồng của Đế chế Việt Nam" khi sớm bộc lộ cả đam mê và tài năng của mình với trò chơi "Age of Empires", thường được lứa cuối 8X, đầu 9X hoài cổ gọi là Đế chế - một trò chơi chiến thuật theo lối khai phá tài nguyên, bày binh khiển tướng rồi dắt nhau đi chinh phục từng phe phái, quốc gia trên bản đồ (vốn cũng là những người chơi khác). 

Cậu bé sinh năm 96 ngày nào giờ đây đã là một thanh niên 22 tuổi đang theo học khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Mỏ địa chất. Ở trường, Đức Bình là một sinh viên bình thường, còn ở bên chiếc máy tính, Đức Bình là kẻ trực tiếp tranh hùng với các đấu thủ quốc tế ở bộ môn Age of Empires, là tượng đài bảo vệ cho "danh dự của làng Đế chế Việt Nam" mà bất cứ đấu thủ nước ngoài nào nhìn vào cũng phải khiếp sợ. Hàng loạt các trận thư hùng của "Chim sẻ đi nắng" giờ đây vẫn được coi là chuẩn mực của chiến thuật và là một chuỗi tổ hợp hàng chục hành động chỉ trong một giây kéo dài hàng chục phút; tất cả đều trơn tru, chuẩn chỉ như một bản nhạc không một nốt chết. 

Từ những đứa trẻ mài đũng quần nơi quán net tới niềm tự hào đưa Việt Nam ra thế giới: đã đến lúc nhìn nhận Gamer Việt Nam một cách nghiêm túc? - Ảnh 7.

Người đam mê bộ môn Đế chế ở Việt Nam coi cậu như một niềm tự hào dân tộc, một tấm huân chương vô danh mà không nhiều người khác nhìn thấu giá trị đích thực. Đồng thời, cậu cũng đã kiếm đủ tiền từ một trò chơi điện tử được xây dựng trên nền tảng cực kỳ thô sơ của Microsoft để tự mua xe, giúp bố mẹ xây nhà, một điều mà không phải ai ở trong độ tuổi của Đức Bình cũng làm được.

Những ngày gần đây, cộng đồng mạng Việt Nam, chủ yếu là trong những hội nhóm game thủ như DotA2VN hay CS:GOVN đang truyền tay nhau một mẩu tin ngắn với sự tự hào khó giấu. Mẩu tin đó đến từ một cậu du học sinh người Việt tại Úc tên Daniel Ngo - Đức Ngô, người mới đây vô địch bộ môn Hearthstone ở giải đấu Châu Á và được mời tới Mỹ vào cuối tháng Ba năm nay để tranh suất vô địch thế giới. Khi được ban tổ chức Blizzard hỏi rằng cậu sẽ chọn quốc tịch Australia hay Việt Nam để thi đấu, Đức đã tự hào chọn cái tên Việt Nam, khoác lên mình niềm tự hào dân tộc để lao vào biển lửa thế giới. 

Mẩu tin nhỏ của Đức được các bạn trẻ Việt Nam kháo nhau theo cái cách mà Prometheus nâng niu đốm lửa nhỏ từ thiên đường với một niềm tự hào xen lẫn vui sướng âm ỉ. Trong 10 năm, thậm chí 20 năm trở lại đây, Việt Nam có bao nhiêu lần đặt chân vào "Chung kết thế giới" của bất cứ bộ môn thể thao nào? Nếu con số có nhiều hơn 3, xin hãy ghi danh lại những Saigon Jokers, những Gygabite Marines, ghi lại cái tên Đức Ngô vì họ xứng đáng được trân trọng như những vận động viên thể thao đích thực của nước nhà.

Từ những đứa trẻ mài đũng quần nơi quán net tới niềm tự hào đưa Việt Nam ra thế giới: đã đến lúc nhìn nhận Gamer Việt Nam một cách nghiêm túc? - Ảnh 8.
Từ những đứa trẻ mài đũng quần nơi quán net tới niềm tự hào đưa Việt Nam ra thế giới: đã đến lúc nhìn nhận Gamer Việt Nam một cách nghiêm túc? - Ảnh 9.

Thực ra không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả thế giới cũng mới đến gần đây mới có cái nhìn ít nhiều thiện cảm hơn với thể thao điện tử. Vào năm 2011, hãng Valve và tựa game DOTA2 khuấy động thế giới với giải đấu triệu đô mang tên "The International" với phần thưởng lên tới 1 triệu USD cho đội tuyển thắng cuộc. Nhà vô địch của năm đó - đội tuyển Natus Vincere - đã vẽ nên ước mơ vĩ đại cho cộng đồng đam mê thể thao điện tử trên toàn thế giới, đồng thời xuất hiện trong bộ phim tài liệu về mùa giải lịch sử đó có tên "Free to Play" (được chấm tới 8/10 điểm IMDB). Cái tên đại diện cho Natus Vincere là Danil Ishutin, còn được gọi là Dendi. Bố mất sớm do ung thư, Dendi lớn lên với một nỗi trống trải vô hạn trong lòng mà ngay cả mẹ và các anh chị em của anh cũng không thể nào bù đắp được. Và bất ngờ thay, anh tìm được sự an ủi từ tựa game DOTA2.  

Từ những đứa trẻ mài đũng quần nơi quán net tới niềm tự hào đưa Việt Nam ra thế giới: đã đến lúc nhìn nhận Gamer Việt Nam một cách nghiêm túc? - Ảnh 10.

Gia đình của Dendi dĩ nhiên lo lắng cho tương lai của con trai khi cậu bé vốn tháo vát, hoạt bát, từng chơi giỏi Piano và tham gia đội kịch ở trường giờ đây chọn giam mình ở nhà và dành hàng giờ bên máy tính để chơi DOTA2. Thử tưởng tượng xem, một gia đình ở Việt Nam vốn đang êm ấm, có một cậu con trai chăm ngoan học giỏi, năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa bỗng nhiên rơi vào cảnh 'mất nóc'; đứa trẻ cũng từ bỏ các hoạt động bên ngoài và dành phần lớn thời gian cho cỗ PC cùng những tựa game máy tính, thử hỏi có bậc cha mẹ nào không lo lắng. Cũng như ở Việt Nam, có những can ngăn đã được đưa ra, nhưng cuối cùng gia đình Dendi đã chọn ủng hộ anh hết lòng. Và thế là thế giới (ảo, nhưng thật) đã đón chào một huyền thoại game thủ như vậy đấy. Dendi giờ đây vẫn sống tốt và đã có một sự nghiệp riêng cho mình; tất cả bắt đầu từ một nóc nhà nhỏ ở làng quê Lviv, Ukraine, một vùng nông thôn chắc chắn không khá giả gì hơn nhiều làng quê hay thành phố Việt Nam.

Gia đình của Dendi, và có lẽ, là cả gia đình của những Chim Sẻ Đi Nắng, Daniel Ngô, những thành viên của GAM đã chọn cách hiểu cho đam mê và con đường mà những đứa trẻ của mình đã chọn.

Có lẽ, với bất cứ con đường nào mà bất kỳ ai sẽ bước đi, yếu tố gia đình là quan trọng nhất. Ước mơ trở thành một game thủ chuyên nghiệp có lẽ không thấp kém hơn ước mơ trở thành một nhà báo, một bác sĩ, một giáo viên, chỉ là con đường phải đi sẽ mạo hiểm và chông chênh hơn rất nhiều. Khi mà những đứa trẻ ngày nào giờ đây đang mơ ước một sự nghiệp hiển hách cho riêng mình, mơ ước được đem theo màu cờ sắc áo ra đấu trường chuyên nghiệp quốc tế và gắng sức biến thể thao điện tử thành "một thứ gì đó" ở Việt Nam thì có lẽ, mỗi người chúng ta nên dành cho họ một cái nhìn khoan dung và ủng hộ hơn bất cứ ai.

Bởi vì, ước mơ nào cũng sẽ đẹp một khi nó được ủng hộ và thành công.

Từ những đứa trẻ mài đũng quần nơi quán net tới niềm tự hào đưa Việt Nam ra thế giới: đã đến lúc nhìn nhận Gamer Việt Nam một cách nghiêm túc? - Ảnh 11.