Từ IDOL cho đến Boy With Luv: Vì sao "vũ trụ âm nhạc" của BTS vẫn kiên trì đi ngược với thị hiếu khán giả Âu Mỹ?

SJ, Theo Trí Thức Trẻ 09:00 15/04/2019

Từ chối việc sản xuất 1 bản hit có khả năng đạt thứ hạng cao để tiếp tục đi theo sự kết nối trong những chuỗi album, “Boy With Luv” chính là lời khẳng định cho việc kiên trì xây dựng “vũ trụ âm nhạc” riêng của BTS.

Ngày 12/4 vừa qua, BTS vừa "thả xích" cho album "Map of the Soul: PERSONA" với ca khúc chủ đề là "Boy With Luv". Như thường lệ, "Boy With Luv" lại công phá được nhiều kỉ lục và đạt được nhiều thành tích ấn tượng trong vài ngày ngắn ngủi, thế nhưng không ít người vẫn cảm thấy khó hiểu vì những gì BTS đang làm với album lần này. Sở hữu độ nổi tiếng có một không hai trên thị trường US – UK, đáng lẽ ra BTS phải có lựa chọn khôn ngoan hơn là một ca khúc pop vui vẻ và tràn đầy màu sắc để đạt được thành tích cao hơn trên các bảng xếp hạng. Tại sao BTS lại từ chối kỉ lục và thành tích, có phải nhóm và bộ máy đằng sau đã quá tự tin vào độ nổi tiếng của mình?

Mặc vest hồng, hát punk pop - sự lựa chọn "lạc lõng" giữa thị trường Âu Mỹ

Kể từ năm 2017, khi thành tích từ US – UK dội ngược về Hàn Quốc để đưa BTS trở thành nhóm nhạc nam hàng đầu Kpop, BTS vẫn chưa 1 lần tuyên bố "Mỹ tiến". Tuy nhiên, từ việc xuất hiện trên bảng xếp hạng Billboard, có mặt tại BBMAs và rồi Grammy cho đến việc bán cháy vé concert tại sân vận động Wembley với sức chứa 90 ngàn người, BTS coi như đã đặt chân vào thị trường âm nhạc lớn nhất toàn cầu. Thậm chí, lần đầu tiên BTS trở lại với "Boy with Luv" cũng không phải ở sân khấu Music Bank hay Inkigayo mà là "Saturday Night Live" – một chương trình truyền hình nổi tiếng ở Mỹ.

Từ IDOL cho đến Boy With Luv: Vì sao vũ trụ âm nhạc của BTS vẫn kiên trì đi ngược với thị hiếu khán giả Âu Mỹ? - Ảnh 1.

BTS

BTS là nhóm nhạc "bất thường" của Kpop, khi sự nổi tiếng tại thị trường US – UK đã biến thành bàn đạp cho nhóm vươn lên tại quê nhà. Một khi Châu Á không còn là biên giới và sự chú ý của công chúng vào thành tích của BTS đã chuyển từ iChart (hệ thống nhạc số Hàn Quốc) sang Billboard, điều hiển nhiên là BTS sẽ phải chú trọng hơn đến gu âm nhạc của công chúng Âu Mỹ.

Năm 2017, BTS có màn hợp tác với DJ đình đám Steve Aoki để làm mới ca khúc "MIC Drop" trong album "Love Youself: Her". Dù là một ca khúc b-side, "MIC Drop" với sự góp tay của Steve Naoki đã trở thành ca khúc phổ biến nhất của BTS trên các kênh radio của Mỹ. "MIC Drop" tiến vào bảng xếp hạng Billboard 100 ở vị trí 28, và dù những ca khúc sau này như "Idol" hay "Fake love" đạt được vị trí cao hơn thì "MIC Drop" vẫn là cột mốc đáng nhớ nhất trong âm nhạc của BTS tại thị trường Âu Mỹ.

Từ IDOL cho đến Boy With Luv: Vì sao vũ trụ âm nhạc của BTS vẫn kiên trì đi ngược với thị hiếu khán giả Âu Mỹ? - Ảnh 2.

Sự kết hợp của BTS với rapper Desiigner và Steve Aoki trong "MIC Drop" giành được nhiều thiện cảm từ công chúng nghe nhạc nước Mỹ

Đối chiếu những dòng nhạc mà BTS đã từng theo đuổi với những dòng nhạc thường xuyên có mặt trên Billboard Hot 100, có thể nhận thấy rằng BTS sẽ thành công hơn trên các bảng xếp hạng nếu tiếp tục theo đuổi dòng nhạc và phong cách Hip hop như những gì nhóm đã thể hiện qua "MIC Drop". 

Thế nhưng lần lượt từ "Love Yourself: Answer" cho đến "Map of the Soul: Persona", BTS đã đem lại cho người hâm mộ và khán giả toàn cầu điều gì? Những ca khúc nhạc Pop sôi động với hình ảnh 7 chàng trai mặc trang phục rực rỡ, được trang điểm kĩ lưỡng và có phần chải chuốt. Thậm chí ở trong MV "Boy With Luv", từ đầu đến chân các thành viên đều được phủ kín trang phục với tông màu hồng.

Từ IDOL cho đến Boy With Luv: Vì sao vũ trụ âm nhạc của BTS vẫn kiên trì đi ngược với thị hiếu khán giả Âu Mỹ? - Ảnh 3.

BTS hồng rực rỡ trong ngày trở lại với "Boy With Luv"

Rực rỡ, vui tươi, phi giới tính – đó không phải là một lựa chọn khôn ngoan cho một nhóm nhạc đang được mong chờ sẽ lại làm nên chuyện tại Billboard Hot 100 hay là gây ấn tượng với khán giả phương Tây, nơi vẫn còn có cái nhìn không mấy thiện cảm với những chàng trai "nữ tính". Mặt khác, trong những album từ sau khi BTS trở thành nhóm nhạc toàn cầu đều có những ca khúc phù hợp để làm "ngựa chiến" hơn ca khúc chủ đề.

Khán giả Âu Mỹ thích gì, hẳn nhiên những chiến lược gia tại Big Hit – công ty chủ quản của BTS và chính bản thân BTS cũng biết rõ. BTS cũng không phải hoàn toàn không để tâm đến thứ hạng khi ca khúc của họ kết hợp với Halsey, một cái tên vẫn đang dẻo dai bám trụ tại top 10 Billboard Hot 100. Thế nhưng vì sao BTS vẫn đi ngược lại thị hiếu của khán giả tại địa phận âm nhạc mà mình đang là đại diện Kpop nổi bật nhất?

Câu chuyện âm nhạc quan trọng hơn 1 bản hit riêng lẻ

Nếu như xét một ca khúc hit dựa trên thứ hạng nhạc số, lượt xem Youtube trong những ngày đầu và lượng bán đĩa cứng, có thể nói rằng BTS cứ ra nhạc là sẽ thành siêu hit. Thế nhưng trên thực tế, những ca khúc chủ đề trong những album của BTS không có sức bền trên các bản nhạc số đủ để gọi đó là "hit quốc dân". Ca khúc bám trụ dai dẳng nhất trên các bảng xếp hạng nhạc số Hàn Quốc của BTS là "Spring day", nhưng đây vẫn không thể tính là bản hit quốc dân đúng nghĩa vì nó chỉ bền bỉ xuất hiện mà không nổi đình nổi đám. 

Tuy nhiên, không có hit lớn không có nghĩa là âm nhạc của BTS mờ nhạt. Thay vì tập trung chăm chút cho những ca khúc chủ đề để rồi phần còn lại của album chìm nghỉm, BTS lại sở hữu gia tài những chuỗi album liên kết với nhau nhờ vào câu chuyện được lồng ghép khéo léo qua từng album.

Từ IDOL cho đến Boy With Luv: Vì sao vũ trụ âm nhạc của BTS vẫn kiên trì đi ngược với thị hiếu khán giả Âu Mỹ? - Ảnh 4.

BTS trong album "HYYH pt2" (2015)

Trước "Map of the Soul", "Love Yourself" là chuỗi album với hàng loạt những câu chuyện ẩn giấu làm người hâm mộ nhiệt thành nhất của BTS cũng phải nhức đầu. Câu chuyện về sự trưởng thành của tuổi trẻ được dừng lại ở album "Love Yourself: Answer" với đáp án rằng mỗi người phải yêu thương bản thân. "Love Yourself" dừng lại, "Map of the Soul" mở ra một kỉ nguyên mới với những câu chuyện mới để ARMY mặc sức tưởng tượng. Chưa có điều gì được xác nhận về những ẩn ý bên trong "Map of the Soul: PERSONA", nhưng những manh mối mà ARMY đã tìm ra sau một quá trình nghiền ngẫm cũng đủ để cho thấy chuỗi album "Map of the Soul" sẽ đem tới nhiều thông điệp hay bên cạnh những thành tích khủng.

Để truyền tải được 1 câu chuyện lớn qua 1 album, việc sử dụng nhiều thể loại âm nhạc là điều cần thiết. 1 album bao gồm toàn bộ những ca khúc rap có thể được phát nhiều trên radio tại Mỹ nhưng chắc chắn sẽ không thể dẫn dắt cảm xúc tốt bằng album kết hợp nhiều thể loại khác nhau. 

Đơn cử như trong "Love Yourself: Answer", album bắt đầu với sự vui vẻ của thể loại EDM, buồn bã với Soul và bùng nổ với sự tổng hòa của nhạc cụ Hàn Quốc và Gqom Nam Phi để diễn tả trọn vẹn tình yêu của tuổi trẻ. Còn với "Map of the Soul: Persona", album không gì hơn là lời "tỏ tình" mà BTS dành đến cho fandom của mình, những ca khúc trong album vẫn tiếp tục đa dạng về thể loại. 

Từ punk pop trong "Boy in Luv" cho đến R&B trong "Jamais Vu" và kết thúc bằng thể loại rap/hiphop quen thuộc của BTS nhưng lại mang nét hoài niệm của hip hop vào những năm đầu thập niên 2000 trong "Dionysus", BTS đã không ngừng đổi mới để đem lại nhiều trải nghiệm âm nhạc cho những ai dành thời gian lắng nghe trọn vẹn âm nhạc của nhóm.

Từ IDOL cho đến Boy With Luv: Vì sao vũ trụ âm nhạc của BTS vẫn kiên trì đi ngược với thị hiếu khán giả Âu Mỹ? - Ảnh 5.

Album "Love Yourself: Answer" tổng kết chuỗi album "Love Yourself" của BTS

Bên cạnh việc tập trung cho cả câu chuyện lớn hơn là 1 ca khúc, việc chỉ lựa chọn rap/ hip hop để theo đuổi cũng sẽ gây khó khăn cho BTS trong việc chia phân đoạn thể hiện. Có 3 rapper và 4 vocal, số thời lượng thể hiện ca khúc của các thành viên khá đồng đều nhưng thỉnh thoảng cũng gây tranh cãi về sự bất công, nhất là khi fan only của các thành viên đều nhạy cảm. Một khi tập trung hoàn toàn vào thể loại rap, hip hop, 4 thành viên phụ trách mảng vocal sẽ khó có cơ hội được tỏa sáng. Khả năng làm việc nhóm và sự ổn định trong fandom là 2 yếu tố sống còn đối với các nhóm nhạc Kpop, và BTS cũng không phải là ngoại lệ.

Với độ phổ biến ở thị trường US – UK hiện tại, BTS sẽ phải đứng giữa 2 lựa chọn: hoặc đi theo thị hiếu của phần đông khán giả hoặc trung thành với bản sắc riêng. Mỗi lựa chọn đều có một mặt tiêu cực và tích cực riêng, tuy nhiên qua 2 album gần đây, có thể thấy rằng BTS vẫn đang kiên định kể những câu chuyện âm nhạc một cách mượt mà uyển chuyển chứ không hề nỗ lực "đánh nhanh thắng nhanh" để tìm kỉ lục hay thành tích.

Khi áp lực thành tích được cởi bỏ để tận hưởng niềm vui

Năm 2019 vừa bước sang tháng thứ 4, BTS đã liên tục lập được những thành tích, những kỉ lục lớn. Trước đó, 2018 cũng là 1 năm mà BTS bội thu thành tích bằng 2 album triệu bản và hàng loạt giải thưởng danh giá. BTS không còn là kì tích của một công ty giải trí nhỏ mà đã trở thành niềm tự hào của cả Hàn Quốc, thế nhưng sự nghiệp trải hoa trước mắt BTS dường như không chỉ chứa đựng niềm vui.

"Ánh sáng trước mặt càng nhiều, bóng tối sau lưng càng rộng" - Đó là những lời chia sẻ của rapper Suga trong chương trình thực tế thường kì tên là "Run! BTS". Lời thổ lộ rất chân thành của những thành viên BTS sau khi đạt được thành công vô tiền khoáng hậu, ngoài sự tự hào ra còn chứa đựng rất nhiều sợ hãi và mất phương hướng.

Từ IDOL cho đến Boy With Luv: Vì sao vũ trụ âm nhạc của BTS vẫn kiên trì đi ngược với thị hiếu khán giả Âu Mỹ? - Ảnh 6.

Sân khấu của BTS ngày càng lớn

"Vào ngày cả nhóm biểu diễn tại AMAs, sau khi kết thúc, mình đã òa khóc trong phòng tắm", Suga chia sẻ với các đồng đội của mình, "không phải vì mình nghĩ rằng: "Ồ, bọn mình đã làm được rồi" đâu. Lý do chỉ là vì mình đã quá sợ hãi thôi". 

Năm 2013, Suga đã hát "I wanna big house, big cars and big rings" (tôi muốn nhà lớn, chiếc xe sang và nhẫn quý) trong "No More Dream", và đến năm 2018 tại MMA, những lời rap đó đã đổi thành "Let’s go, big house, big cars and big rings" (Đi nào, nhà lớn, xe sang và nhẫn quý). BTS đã thành công, giàu có và được công nhận tài năng. Thế nhưng, Suga và BTS lại sợ hãi vì thành công vượt quá tầm kiểm soát. "Theo một cách nào đó, mọi thứ còn hơn bất cứ thứ gì mà mình từng mơ ước hay tưởng tượng. Đó là điều mà mình chưa bao giờ tưởng tượng ra được trước đây. Vì vậy, khi đang tắm, mình bắt đầu suy nghĩ rằng: "Mình nên làm gì với thứ áp lực này kể từ bây giờ đây?"".

Những ai bỏ thời gian xem bộ phim tài liệu "Burn The Stage" được công chiếu trên toàn thế giới vào hồi tháng 11 năm ngoái, chắc hẳn sẽ khó mà quên được hình ảnh em út Jungkook lả người vì chấn thương và phải gấp rút thở oxy trong quá trình tổ chức world tour của BTS. Ở sau hậu trường là những khoảng lặng chật vật vì chấn thương và những lời dặn dò nhau "đừng quá cố sức", nhưng ngay khi trở lại với ánh đèn sân khấu chói lòa trước mắt, họ lại là một nhóm nhạc luôn đem tới những màn trình diễn nhiệt huyết và không bao giờ tháo xuống nụ cười trên môi.

Từ IDOL cho đến Boy With Luv: Vì sao vũ trụ âm nhạc của BTS vẫn kiên trì đi ngược với thị hiếu khán giả Âu Mỹ? - Ảnh 7.

 Không riêng gì BTS, đa phần những nhóm nhạc Kpop đều có nhiều góc tối đằng sau sự vui vẻ trên sân khấu như thế. Nhưng BTS không chỉ đứng trong thời khắc lịch sử của Kpop mà còn đang là những người viết nên lịch sử, danh tiếng càng lớn thì trọng trách nhóm phải gánh trên vai càng nhiều.

2018 đáng lẽ ra đã khép lại một cách hoàn hảo với BTS và ARMY nếu không có "cú sốc" vào lễ trao giải MAMA tại Hongkong vào ngày 14/12. Là chủ nhân của 3/4 daesang quý giá, các thành viên BTS đã rơi nước mắt khi nghe những lời thú nhận của Jin rằng vào đầu năm nay bản thân anh và nhóm đã có thời gian khó khăn đến nỗi có dự định tan rã. Đầu năm 2018 là khoảng thời gian BTS được mong chờ và hi vọng sẽ đột phá nhất, không một ai trong số người hâm mộ hay giới truyền thông có thể tưởng tượng được câu chuyện tan rã được phát ra từ một nhóm nhạc đang đứng ở đỉnh cao sự nghiệp và có tinh thần làm việc nhóm tuyệt vời.

Từ IDOL cho đến Boy With Luv: Vì sao vũ trụ âm nhạc của BTS vẫn kiên trì đi ngược với thị hiếu khán giả Âu Mỹ? - Ảnh 8.

Những giọt nước mắt khi chia sẻ ý định tan rã trên sân khấu MAMA

BTS đã từng bị vùi dập chỉ vì ước mơ được nhận giải thưởng daesang, nhưng riêng trong năm 2018, BTS đã thu về 13 giải thưởng daesang và thậm chí đã được đặt chân đến Grammy 2019 với tư cách người trao giải. Vị thế của BTS đến lúc này đã không còn là điều đáng để tranh cãi, sự có mặt của BTS ở một mức độ nào đó đã khiến nhiều nhóm nhạc Kpop mạnh dạn chuyển hướng sang thị trường âm nhạc lớn hơn mà không còn sợ xôi hỏng bỏng không. Với gốc rễ vững mạnh tại Hàn Quốc và độ ảnh hưởng ngày càng vươn xa ở US – UK cộng thêm sự chống lưng của "ông lớn" không ai có thể đánh bại là A.R.M.Y, nếu BTS muốn có thành tích khủng, chắc chắn BTS sẽ đạt được thành tích khủng.

Kỉ lục Youtube, giải thưởng, những concert cháy vé và những album triệu bản… đều nằm trong lòng bàn tay BTS, nhưng tất cả đều sẽ chỉ làm tăng thêm gánh nặng cho nhóm. Làm sao đối mặt với sự nổi tiếng, bước tiếp theo phải đi đến đâu và sẽ đưa mình đến đâu, chỉ cần lắng nghe âm nhạc của BTS trong thời gian gần đây đều có thể nhận thấy sự hoang mang về danh tiếng (có lẽ) đã được thổi phồng và mục đích của việc sáng tạo âm nhạc. Điều này không có nghĩa là BTS muốn buông xuôi hay là ngừng tham vọng, họ vẫn có động thái kết hợp với những ngôi sao thế giới như Halsey không chỉ vì… buồn buồn kết hợp chơi.

Từ IDOL cho đến Boy With Luv: Vì sao vũ trụ âm nhạc của BTS vẫn kiên trì đi ngược với thị hiếu khán giả Âu Mỹ? - Ảnh 9.

Mở đầu cho chuỗi album mới của BTS, "Map of the Soul: PERSONA" đem lại những giai điệu tràn đầy năng lượng và ca từ rất tích cực. Tổng thể album "Map of the Soul: PERSONA", ngoài lời bày tỏ đến "đoàn quân" A.R.M.Y còn là lời khẳng định sẽ không thay đổi. Không ai biết được album tiếp theo – rất có thể là "Map of the Soul: SHADOW" sẽ ra sao, nhưng những gì BTS thể hiện qua "Map of the Soul: PERSONA", ngay từ việc không theo đuổi một thể loại âm nhạc theo xu hướng để tiếp tục tập trung vào sự kết nối trong cả album đã cho thấy một BTS cởi bỏ hoàn toàn áp lực ngôi sao và không gò mình với khuôn khổ của công chúng để tìm thêm thành tích.

"Ngôi sao toàn cầu" BTS của năm 2019 vẫn chỉ là BTS của "School trilogy", "Hoa dạng niên hoa", "Wings" và "Love Yourself", tiếp tục lựa chọn chất liệu hợp lý nhất trong âm nhạc để kể câu chuyện về những đắn đo tuổi trẻ. Thiết nghĩ, đó cũng là cách đúng đắn để sự nghiệp âm nhạc của BTS có tuổi thọ lâu hơn: sở hữu 1 bản hit là rất tốt cho việc giải trí nhưng rồi sẽ nhanh chóng bị quên lãng khi xuất hiện 1 bản hit khác bùng nổ hơn. Còn 1 thông điệp ý nghĩa được gửi đến đúng lúc bằng âm nhạc sẽ tạo nên 1 sợi dây kết nối bền chắc về mặt tinh thần giữa nghệ sĩ và người hâm mộ.