Từ concert Wembley lịch sử cho đến hội đồng bỏ phiếu của giải Grammy: sẽ không có một BTS kết thúc ở hai từ "hiện tượng"

SJ, Theo Trí Thức Trẻ 10:14 13/06/2019

Nếu vẫn còn xem BTS là một hiện tượng nổi lên nhờ mạng xã hội và đang chống cằm chờ ngày bong bóng nổi tiếng của nhóm nhạc này tan vỡ thì rất tiếc, có lẽ bạn vẫn đang sống ở giây phút BTS đứng trên sân khấu BBMAs cách đây 2 năm.

6 năm là khoảng thời gian không dài đối với những người nghệ sĩ cả một đời cống hiến cho nghệ thuật, nhưng cũng là thời gian vừa đủ để xoay vòng hợp đồng của một nhóm nhạc thần tượng xứ Kim Chi. 6 năm trước, BTS lần đầu xuất hiện tại đường đua Kpop với "No More Dream", và 6 năm sau, nhóm nhạc này vẫn đang cùng ARMY của mình tiếp tục viết nên những giấc mơ mới.

Chứng kiến trọn vẹn chặng đường 6 năm của BTS, có thể thấy rằng BTS đã có một bước đại nhảy vọt chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây. Album "Wings" cùng giải thưởng Top Social Media tại Billboard Music Awards (BBMAs) giống như giây phút mà BTS xé kén để vung cánh bay lên, và bay lên đến những đỉnh cao có thể khiến người hâm mộ, anti lẫn bản thân nhóm nhạc này không thể hình dung nổi. Truyền thông thế giới ưu ái tặng cho nhóm rất nhiều danh xưng bóng bẩy như "nhóm nhạc số 1 thế giới" hay là "The Beatles của thế kỉ 21", trong khi rất nhiều người vẫn chống cằm chờ đợi giây phút bong bóng nổi tiếng được tạo nên từ nền tảng mạng xã hội của BTS vỡ ra.

Việc thích hay ghét một nghệ sĩ phụ thuộc vào nhiều lí do, và dĩ nhiên BTS vẫn luôn là một nhóm nhạc đứng trước nhiều tranh cãi. Thế nhưng yêu hay ghét là cảm nhận cá nhân của từng khán giả, còn nhìn vào những điều lịch sử mà mỗi ngày BTS đều đang làm được, phải công nhận một điều rằng BTS đã cách xa cụm từ "hiện tượng" cả một quãng đường dài.

Từ concert Wembley lịch sử cho đến hội đồng bỏ phiếu của giải Grammy: sẽ không có một BTS kết thúc ở hai từ hiện tượng - Ảnh 1.

BTS

Top Social Artist của BBMAs, hay là "hiện tượng mạng xã hội"

Năm 2017, BTS lần đầu tiên được xướng tên trên sân khấu giải thưởng BBMAs, tại hạng mục "Top Social Media". Trước đó, tại quê nhà, BTS vẫn chưa thể khẳng định vị thế của mình một cách chắc chắn dù đã hoạt động 4 năm có lẻ. Chiếc cúp đầu tiên trên show ca nhạc với "I Need You" bị dính cáo buộc gian lận doanh số. Concert đầu tiên năm 2016 đen tối với ước mơ giành Daesang bị vùi dập không thương tiếc và cơn bão hashtag "đạo nhái thiếu niên đoàn". Giải thưởng Daesang đầu tiên trở thành "chiến trường" tranh cãi khốc liệt giữa các fandom. Chính vì quá trình tích luỹ danh tiếng đầy khó khăn vào khoảng thời gian trước năm 2017, khoảnh khắc đột ngột bừng lên của BTS thậm chí còn khiến chính fan Kpop cảm thấy khó tin.

Từ concert Wembley lịch sử cho đến hội đồng bỏ phiếu của giải Grammy: sẽ không có một BTS kết thúc ở hai từ hiện tượng - Ảnh 2.

BTS lần đầu tiên nhận giải thưởng "Top Social Artis" tại BBMAs 2017

"Giải thưởng do fan bình chọn à?" Câu hỏi mang tính mỉa mai nhiều hơn là thắc mắc tràn ngập mọi nơi có tin tức về những bước chân đầu tiên của BTS trên sân khấu một giải thưởng âm nhạc tầm cỡ quốc tế. Bất chấp sự thật rằng cần một vài tiêu chí nhất định mới có thể góp mặt trong danh sách đề cử, cái mác "giải thưởng người hâm mộ bình chọn" vẫn luôn được đem ra để châm biếm trong suốt 2 năm đầu BTS góp mặt tại BBMAs.

Trước thềm BBMAs 2017, hashtag #BTSBBMAs dùng để bình chọn cho 7 chàng trai nhà Big Hit đã được tweet đến 300 triệu lượt. Chỉ trong 24 giờ đầu mở cổng bình chọn giải thưởng Top Social Artist của năm 2018, ARMY đã lập kỉ lục với hơn 46 triệu lượt bình chọn, gấp hơn 100 lần so với ngôi sao đứng ở vị trí thứ 2. Người hâm mộ Kpop luôn luôn có lợi thế trong những chiến dịch bình chọn online. Sự trung thành, cuồng nhiệt và có phần "ăn thua" trong văn hóa fandom Kpop đã trở thành lợi thế để các nhóm nhạc gặt hái được nhiều thành tích. Tuy nhiên, cột mốc bùng nổ danh tiếng theo chiều thẳng đứng của BTS cũng đã được đánh dấu bởi chính những giải thưởng hoàn toàn do người hâm mộ bình chọn này.

Từ concert Wembley lịch sử cho đến hội đồng bỏ phiếu của giải Grammy: sẽ không có một BTS kết thúc ở hai từ hiện tượng - Ảnh 3.

Cách biệt khổng lồ giữa BTS và các đối thủ trong cuộc đua bình chọn cho giải thưởng "Top Social Artist" tại BBMAs. Ảnh: @BTSanalytics

Sẽ không phải là phủ nhận tài năng hay là cười chê khi nói rằng xuất phát điểm đầu tiên của BTS là sự nổi tiếng trên mạng xã hội. Mạng xã hội từ lâu đã trở thành một kênh tối quan trọng trong việc lan tỏa thông tin. Chứng kiến những lần BTS tham gia một số show truyền hình hay radio đình đám, có thể nhận thấy rằng âm nhạc của nhóm chưa phải là mối quan tâm hàng đầu đối với truyền thông phương Tây, mà chính sức mạnh của ARMY và mối quan hệ khăng khít giữa BTS và ARMY mới là điểm nhấn. BTS giống như một miếng bọt biển hút hết tất cả tương tác khổng lồ của ARMY, bất cứ đề tài nào đi kèm với BTS đều luôn nhận được chú ý. ARMY mang BTS gần hơn với truyền thông phương Tây và khiến nhóm trở thành hiện tượng, sau khi truyền thông tìm đến thì một lượng lớn khán giả trở thành ARMY, vòng lặp này càng ngày càng nới rộng ra cho đến khi concert tại Wembley với 60 nghìn khán giả được lấp đầy.

Từ concert Wembley lịch sử cho đến hội đồng bỏ phiếu của giải Grammy: sẽ không có một BTS kết thúc ở hai từ hiện tượng - Ảnh 4.

Độ nổi tiếng tăng theo chiều thẳng đứng của BTS đi cùng nguy cơ sức nóng nhanh chóng giảm sút

Giai đoạn cuối năm 2017 cho đến đầu năm 2018, khi tên tuổi BTS phất lên như diều gặp gió, nguy cơ bong bóng nổi tiếng của nhóm sẽ đổ vỡ nhanh chóng như cách 7 chàng trai đột ngột đứng trên đỉnh vinh quang lại càng rõ ràng hơn. Những danh xưng rất kêu như "nhóm nhạc số 1 thế giới", những ví von với huyền thoại The Beatles khiến không ít người hâm mộ cảm thấy tự hào, cũng không ít người chỉ biết đến BTS qua sự giới thiệu của truyền thông cảm thấy khiên cưỡng. Cả thế giới biết đến BTS vì fandom hùng hậu, tiếp theo sau đó là "giải thưởng fan vote". Những dấu hiệu rất nhỏ cho thấy sự tồn tại của phân biệt chủng tộc cùng với định kiến về một nhóm nhạc Kpop thường chăm chút ngoại hình mà thiếu đi nội hàm… càng tô đậm cảm giác thành công của BTS chỉ là một sản phẩm đã được truyền thông thổi phồng.

Nổi tiếng quá nhanh cũng đem về nhiều điều sợ hãi. "Ánh sáng trước mặt càng nhiều, bóng tối sau lưng càng lớn" (Suga), BTS đối mặt với sự hoang mang, mất phương hướng trong chính nội bộ các thành viên. Rapper Suga chia sẻ rằng bản thân anh đã khóc sau khi nhóm trình diễn ca khúc "DNA" tại American Music Award: "Không phải mình vui quá đâu, mà mình đã quá sợ hãi. Điều này đã vượt xa những gì mình tưởng tượng. Mình còn chẳng dám mơ về nó, mình cảm thấy vô cùng áp lực và mất mát khi nghĩ về những điều phải làm sau này".

Từ concert Wembley lịch sử cho đến hội đồng bỏ phiếu của giải Grammy: sẽ không có một BTS kết thúc ở hai từ hiện tượng - Ảnh 5.

Sân khấu MAMA 2018 đẫm nước mắt

Thậm chí ngay tại sân khấu MAMA 2018, khi BTS khép lại một năm 2018 thành công không tưởng, thành viên Jin đã thú nhận rằng BTS đã từng có ý định tan rã vào ngay khoảng thời gian được kì vọng nhiều nhất. Những "ngôi sao toàn cầu", "ông hoàng Kpop", "hoàng tử nhạc pop"… lúc này lại trở thành 7 nam thần tượng trẻ tuổi ôm nhau khóc trên sân khấu MAMA vì áp lực của sự nổi tiếng – cái giá phải trả cho việc được khoác lên mình tấm áo dệt đầy danh xưng hoa mĩ.

Từ concert Wembley cho đến thành viên hội đồng bỏ phiếu của giải Grammy: sẽ không có một BTS kết thúc ở hai từ "hiện tượng"

"BTS: Từ Hàn Quốc tới Wembley", đó là tựa đề của buổi phỏng vấn mà BBC thực hiện trước thềm concert lịch sử của BTS tại một sân vận động lịch sử trên đất châu Âu. Trước Wembley, BTS đã khởi động tour diễn "Speak Yourself" tại Mỹ và Brazil. Tại mỗi concert, số vé bán ra lên đến hàng chục nghìn và luôn được thông báo hết vé trong một khoảng thời gian ngắn.

Khi sự nổi tiếng xuất phát từ không gian ảo, nguy cơ độ nổi tiếng không tỉ lệ thuận với sức mua vật lý hoàn toàn có thể xảy ra. Lượt xem trên Youtube, tương tác trên mạng xã hội cao đến mấy nhưng không thể quy đổi thành số lượng đĩa nhạc, số vé concert… thì cũng là vô nghĩa. Concert cháy vé ở mọi nơi, hơn 3 triệu bản cho một mini album và chỉ riêng tại thị trường Mỹ là 230 ngàn bản, 3 album liên tiếp trong vòng 1 năm hạ cánh xuống vị trí #1 Billboard 200… tất cả đã cho thấy độ nổi tiếng của BTS không còn là bong bóng dễ vỡ trong một sớm một chiều.

Từ concert Wembley lịch sử cho đến hội đồng bỏ phiếu của giải Grammy: sẽ không có một BTS kết thúc ở hai từ hiện tượng - Ảnh 6.

Những concert của BTS luôn đầy ắp khán giả, dù là ở bất cứ nơi nào trên thế giới

"Nếu như 2 năm trước, tôi nói với các bạn rằng các bạn sẽ bán hết vé cho hai đêm diễn tại Wembley, bạn sẽ nói gì?". Đáp lại câu hỏi của người dẫn chương trình Adele Roberts tại BBC Radio 1 là một loạt biểu cảm không tin nổi của BTS. Nói về Wembley, đây được xem như là "thánh địa" của các cầu thủ bóng đá Anh. Trước BTS, sân vận động Wembley gọi tên ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson, những huyền thoại như Madonna, Beyonce, nhóm nhạc nữ Spice Girls và "họa mi nước Anh" Adele... Để được biểu diễn tại Wembley, việc đảm bảo bán hết 60 ngàn vé không phải là yêu cầu duy nhất. Nói cách khác, Wembley đã chọn BTS, gạch nối của sự giao thoa văn hóa và mở rộng những đường biên giới trong âm nhạc hiện hành.

Từ một hiện tượng, BTS đã trở thành một cuộc xâm lăng đúng nghĩa. Từ Mỹ, Anh cho tới quê nhà Hàn Quốc, những công trình nổi tiếng đều đổi thành sắc tím để đón chào sự có mặt của BTS và đội quân ARMY. BTS tạo nên những chảo ánh sáng khổng lồ tại những sân vận động có sức chứa lên đến 55, 80, thậm chí là 90 ngàn khán giả. Hàng ngàn người tập trung trên một con phố lớn chỉ để theo dõi một quảng cáo có BTS xuất hiện. Tại sân vận động Wembley, hơn 60 ngàn con người không phân biệt giới tính, sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ đã cùng nhau hòa giọng hát "Young Forever", một ca khúc không phải là hit lớn, cũng không hề dễ hát, bằng thứ ngôn ngữ không quá phổ biến trên toàn cầu.

Từ concert Wembley lịch sử cho đến hội đồng bỏ phiếu của giải Grammy: sẽ không có một BTS kết thúc ở hai từ hiện tượng - Ảnh 7.

BTS mang đến thế giới hình ảnh chính xác về thần tượng Kpop: những "cỗ máy nhảy" toàn năng, những sân khấu gây ấn tượng mạnh về phần nhìn, một cộng đồng fan cổ vũ nồng nhiệt với lightstick, fanchant hết sức bài bản…, những điều hiếm thấy trong văn hóa thần tượng Âu Mỹ. Cùng với đó, BTS hoàn thiện câu chuyện của mình bằng âm nhạc, giữ chân người hâm mộ bằng những giai điệu mang đặc trưng riêng của Kpop nhưng nội dung lại khiến nhiều người đồng cảm. Có mặt tại những sân khấu âm nhạc Mỹ, được gọi là "The Beatles của thế kỉ 21", BTS vẫn giữ ngoại hình trau chuốt phi giới tính, mặc những bộ suit đầy đủ các sắc độ của màu hồng. Thú vị, ngược đời, gây tranh cãi và khiến nhiều người cuồng nhiệt, BTS không đi theo quy chuẩn nào dù là của Kpop hay US – UK pop để thành công.

Có lẽ đó cũng là lí do khiến cho BTS có tên trong danh sách 1340 nhân vật có quyền bỏ phiếu cho giải thưởng Grammy 2019. Bà Laura Segura Mueller, phó chủ tịch của Recording Academy nhấn mạnh rằng tiêu chuẩn lựa chọn thành viên của hội đồng bỏ phiếu Grammy 2019 được mở rộng ra trên tất cả các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp âm nhạc. Tài năng và nền tảng kiến thức của họ được bao trùm trên nhiều thể loại, dân tộc, giới tính, độ tuổi…, hội đồng bỏ phiếu của Grammy 2019 là đại diện cho những tiếng nói, phương thức biểu đạt và sự xuất sắc trong ngành công nghiệp âm nhạc, dựa theo báo cáo trong các nghiên cứu Sáng kiến ​​Hòa nhập của USC Annenberg.

Từ concert Wembley lịch sử cho đến hội đồng bỏ phiếu của giải Grammy: sẽ không có một BTS kết thúc ở hai từ hiện tượng - Ảnh 8.

Chiếu theo nỗ lực tạo nên sự đa dạng và bình đẳng trong hội đồng bỏ phiếu của Grammy, BTS là một ứng cử viên xứng đáng. Họ là bảy chàng trai trong độ tuổi hai mươi, mỗi ngày đều tạo ra những kỉ lục mới, đập tan quan niệm mảnh đất châu Mỹ và châu Âu không dành cho nghệ sĩ châu Á, xóa đi ranh giới ngôn ngữ bằng cách biến âm nhạc thành ngôn ngữ chung cho hàng triệu con người.

Tạm kết

Năm 2016, RM bị chê cười là ảo tưởng vì phát biểu rằng ước mơ nhận giải thưởng Daesang. Đến giữa năm 2019, số lượng Daesang mà BTS có trong tay là hơn 20 giải.

Năm 2017, lời mỉa mai "giải thưởng fan vote" tại BBMAs gắn chặt với BTS. Năm 2019, BTS đã trở thành nghệ sĩ biểu diễn tại BBMAs, tiếp tục nhận "giải thưởng fan vote", và nhận luôn giải thưởng Top Duo/Group, một giải thưởng mà không ARMY nào có thể nhúng tay vào bình chọn.

Năm 2018, album Love Yourself: Tear của BTS được đề cử trong hạng mục thiết kế album xuất sắc của Grammy lần thứ 62, đồng thời BTS cũng được mời đến Grammy làm người công bố giải thưởng. Năm 2019, BTS có tên trong danh sách hội đồng bỏ phiếu cho Grammy lần thứ 63, khi em út của nhóm chỉ vừa bước sang tuổi 22.

Năm 2019, 7 chàng trai đến từ Hàn Quốc với 6 năm tuổi nghề lặng người lắng nghe 60 ngàn con người cùng hòa chung câu hát "chúng ta vĩnh viễn tuổi thanh xuân" bằng thứ tiếng Hàn Quốc không thật chuẩn xác, ở giữa lòng châu Âu, một nơi từng chỉ là giấc mơ của các nhóm nhạc Kpop.

Trả lời phỏng vấn của tờ Guardian vào năm 2018, trưởng nhóm RM đã thẳng thắn đối diện với việc danh tiếng không phải là bất biến: "Chúng tôi biết rằng sự nổi tiếng không là mãi mãi. Vì thế nên chúng tôi tận hưởng hành trình này, và khi nó kết thúc, nó chỉ đơn giản là kết thúc". Dù hào quang kết thúc ở thời điểm nào thì trong 6 năm ngắn ngủi vừa qua, hành trình "đi tìm đại dương giữa sa mạc" của BTS cũng đã có lúc đưa 7 chàng trai đến với khoảnh khắc đứng lặng giữa những biển âm thanh và ánh sáng khổng lồ được tạo thành từ hàng trăm ngàn người hâm mộ.

Kì diệu hơn nữa, đại dương âm thanh và ánh sáng đó cho đến năm 2019 vẫn đang có dấu hiệu lớn lên không ngừng.