Từ chuyện Thái Lan toan tính "bỏ" SEA Games hướng tới Olympic, đến việc bóng chuyền nữ Việt Nam quyết định không tham dự giải vô địch châu Á

LINH ĐAN, Theo Trí Thức Trẻ 08:43 05/05/2019

Thắng thua trong thể thao vốn không chỉ được quyết định bằng thể hiện của VĐV trên sân đấu, mà những hoạch định, tầm nhìn chiến lược của người làm quản lý cũng ảnh hưởng rất lớn.

Từ việc bóng đá Thái Lan tính "bỏ" SEA Games để hướng tới Olympic

Mới đây bất ngờ xuất hiện thông tin Hiệp hội bóng đá Thái Lan (FAT) đang cân nhắc việc chia 2 đội đá SEA Games 2019 và vòng chung kết U23 châu Á 2020.

Với tư cách chủ nhà giải U23 châu Á, Thái Lan muốn dồn lực lượng mạnh nhất hòng đoạt một trong ba vị trí đầu của giải, qua đó có suất dự Olympic Tokyo 2020.

FAT lo ngại lứa U23 sẽ bị quá tải nếu một bộ phận tham dự SEA Games 2019 (thời điểm kết thúc SEA Games là ngày 11/12/2018 trong khi ngày khai mạc giải U23 châu Á là 8/1/2020). Vì thế, FAT dự định cử một đội trẻ hơn thi đấu tại sân chơi Đông Nam Á.

Không thể nói việc đã quá no nê danh hiệu tại SEA Games khiến cho bóng đá Thái Lan không còn quá mặn mà với giải đấu này. Bởi trong thời gian qua, những thất bại liên tiếp ở các cấp độ đội tuyển khiến người hâm mộ Thái Lan đang rất nóng lòng muốn lấy lại vị thế số 1 khu vực đã mất vào tay Việt Nam, mà trước mắt là ở một giải đấu quan trọng như SEA Games.

Tuy nhiên, FAT rõ ràng có cái lý riêng của mình. Việc giành quyền góp mặt ở Olympic sẽ trở thành bước tiến lớn tiếp theo với bóng đá Thái Lan, sau khi đội tuyển bóng đá nữ nước này liên tục giành vé dự World Cup 2015 và 2019. Giành thêm một HCV SEA Games sẽ là điều đáng khen ngợi, nhưng nếu có vé đi Olympic chắc chắn tuyệt vời hơn rất nhiều.

Từ chuyện Thái Lan toan tính bỏ SEA Games hướng tới Olympic, đến việc bóng chuyền nữ Việt Nam quyết định không tham dự giải vô địch châu Á - Ảnh 1.

Đến câu chuyện gây tranh cãi của bóng chuyền nữ Việt Nam…

Người hâm mộ bóng chuyền nước nhà vừa được một phen tranh cãi bởi thông tin Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) quyết định ĐT bóng chuyền nữ quốc gia sẽ không tham dự giải vô địch châu Á 2019 bởi giải đấu được tổ chức quá sát VTV Cup.

Câu chuyện khiến nhiều người cười ra nước mắt, khi VFV bỏ giải đấu tầm cỡ nhất châu lục để dồn lực cho một giải giao hữu.

Không bàn đến vấn đề khoảng cách chuyên môn giữa hai giải đấu, cần nhấn mạnh lịch thi đấu của giải vô địch châu Á và VTV Cup vốn đã được ấn định từ cuối năm 2018.

Theo đó, VTV Cup lần thứ 16 diễn ra từ ngày 3/8 - 10/8. Phía đơn vị tổ chức trong thông báo của mình cũng coi đây là giải đấu quan trọng với đội tuyển nữ quốc gia nhằm chuẩn bị tốt nhất cho giải vô địch châu Á 2019 tại Hàn Quốc từ 17/8 - 25/8 và xa hơn là SEA Games lần thứ 30 tại Philippines vào cuối năm. Thế nhưng, VFV cuối cùng lại chọn thi đấu ở VTV Cup mà bỏ giải châu Á.

Từ chuyện Thái Lan toan tính bỏ SEA Games hướng tới Olympic, đến việc bóng chuyền nữ Việt Nam quyết định không tham dự giải vô địch châu Á - Ảnh 2.

Như vậy, không thể trách VTV bởi họ đã lên kế hoạch cụ thể từ rất lâu để giải đấu của mình mang lại hiệu quả tốt nhất có thể cho đội tuyển. Điều này đồng nghĩa với việc phía VFV cũng có rất nhiều thời gian để tính toán, lên kế hoạch sao cho phù hợp nhất với lịch thi đấu đã có. Tuy nhiên cuối cùng đơn vị này lại đưa ra một quyết định dở khóc dở cười.

Cần khẳng định dù chỉ là giải giao hữu, nhưng VTV Cup cũng là một trong những giải đấu chính thức hàng năm trong hệ thống các giải đấu của Liên đoàn bóng chuyền châu Á. Tuy nhiên, vì một giải giao hữu mà bỏ giải châu lục nên đã tạo ra tranh luận. Hơn nữa, việc này còn dẫn đến những hệ lụy không nhỏ cho bóng chuyền Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Đầu tiên, ở giải bóng chuyền vô địch châu Á 2019 sắp tới, ĐT nữ Việt Nam nằm ở bảng D cùng với Trung Quốc, Indonesia và Sri Lanka. Vị trí nhì bảng hoàn toàn nằm trong khả năng, điều giúp bóng chuyền nữ Việt Nam tiếp tục lọt vào top 8 đội mạnh nhất châu lục. Hơn nữa việc được thi đấu quốc tế và cọ xát với những đối thủ mạnh thực sự là cơ hội tốt cho các vận động viên trẻ.

Cùng với đó, nếu như không tham gia giải đấu năm nay, đồng nghĩa với việc vào năm sau Việt Nam sẽ không được tham gia giải cúp châu Á dành cho 8 đội mạnh nhất. Và sau đó chúng ta cũng mất ưu tiên hạt giống ở các giải tiếp theo, dẫn tới có nguy cơ rơi vào các bảng đấu khó, có thể thụt lùi về thành tích ở giải châu lục.

SEA Games đến tháng 12 mới diễn ra, các giải đấu ở tháng 8 rõ ràng không hề ảnh hưởng tới giải đấu này. Và nếu lo ngại vấn đề thể lực cho các tuyển thủ, VFV hoàn toàn có thể tính tới phương án lập thêm một đội tuyển trẻ và cân nhắc phân bổ lực lượng vào hai giải đấu ở tháng 8 sao cho phù hợp.

Từ chuyện Thái Lan toan tính bỏ SEA Games hướng tới Olympic, đến việc bóng chuyền nữ Việt Nam quyết định không tham dự giải vô địch châu Á - Ảnh 3.

Vĩ thanh

Rõ ràng, chưa thể khẳng định kế hoạch của Thái Lan với môn bóng đá nam SEA Games 30 và VCK U23 Châu Á 2020 là lựa chọn tối ưu, khi mà những giải đấu này còn chưa diễn ra. Bản thân chúng ta cũng có cách làm khác, khi HLV Park Hang-seo quyết giành vàng SEA Games với đội hình mạnh nhất và sau đó hướng tới giải châu lục. Khi bóng còn chưa lăn, việc đánh giá kế hoạch của ai tốt hơn vẫn còn rất mơ hồ.

Ở môn bóng chuyền, việc bỏ giải vô địch châu Á để tập trung cho giải giao hữu khả năng sẽ còn gây tranh cãi dư luận trong thời gian dài sắp tới. VFV hoàn toàn có thể có những hướng xử lý khác phù hợp hơn, nhưng đơn vị này lại chọn một cách làm khó hiểu.

Giống như bóng đá nam Thái Lan và HCV SEA Games, bóng chuyền nữ Việt Nam từ lâu đã no nê với những chức vô địch giải mời VTV Cup, nên chăng cần đến lúc tính toán để hướng tới những bước phát triển cao hơn sau nhiều năm cứ quanh quẩn mãi mà chẳng thể bứt lên ở châu lục?

Thắng thua trong thể thao vốn không chỉ được quyết định bằng màn thể hiện của vận động viên trên sân đấu, mà những hoạch định, tầm nhìn chiến lược của người làm công tác quản lý cũng ảnh hưởng rất lớn đến thành tích và sự phát triển của chính môn thể thao đó.

Ở kì SEA Games gần nhất, bóng chuyền nữ Việt Nam đánh dấu một bước thụt lùi khi để mất chiếc HCB vào tay Indonesia. Nhìn sang Thái Lan, khi đội tuyển của họ liên tục chơi ở World Grand Prix với các đối thủ hàng đầu thế giới thì chúng ta cứ mãi quanh quẩn ở giải mời với các câu lạc bộ địa phương và đội sinh viên đại học.

Lối đi nào để chúng ta có thể thoát khỏi tình trạng này, câu trả lời xin được nhường cho những người đóng vai trò định hướng tầm nhìn và hoạch định chiến lược cho cả một nền thể thao.

Lãnh đạo Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam nói gì về việc không tham dự giải vô địch châu Á?

Trao đổi với phóng viên, Tổng thư kí VFV Lê Trí Trường xác nhận việc cả hai đội tuyển bóng chuyền nam nữ sẽ không tham dự Giải vô địch châu Á 2019:

"Thực ra giải châu Á bao nhiêu năm nay đội nam đã không tham gia rồi, bởi họ tổ chức ở rất xa, toàn ở các nước Tây Á. Còn với đội nữ, năm nay do tham dự nhiều giải sát nhau quá nên không đảm bảo vấn đề chuyên môn. Ban huấn luyện đề xuất chọn tham gia các giải quốc tế và chủ yếu để chuẩn bị cho SEA Games. Cuối cùng đi đến kết luận không dự giải châu Á."

"Vấn đề này không nằm ở việc ai đề xuất, mà bao giờ ban huấn luyện cũng phải họp và xét xem năm nay nên tham gia ở các giải gì. Cần đảm bảo được điều kiện về chuyên môn và tài chính. Căn cứ theo lịch thi đấu của giải châu Á và trong nước xem nhiệm vụ chính của đội là gì. Và năm nay mục tiêu chính của chúng ta đó là SEA Games.

Chúng ta sẽ tham dự giải U23 Châu Á (diễn ra vào tháng 7-PV), thành phần đội U23 phần lớn cũng đều là tuyển thủ quốc gia. Ba giải đấu quốc tế bóng chuyền nữ năm nay sẽ tham dự gồm: giải U23 châu Á, VTV Cup và SEA Games", Tổng thư ký VFV cung cấp thông tin.

Trả lời câu hỏi về việc nếu đội tuyển bóng chuyền nữ không dự giải châu lục 2019 có ảnh hưởng gì tới các giải đấu vào những năm tiếp theo hay không, ông Trường cho biết việc này không hiếm gặp ở châu Á:

"Thực ra có nhiều giải các nước khác họ cũng không tham gia. Người ta cũng phải tính toán xem nên đi giải nào. Bởi vì một năm có rất nhiều giải đấu nên phải cân đối, năm nay giải này, năm khác chơi giải khác, chứ đâu phải tất cả đều đi một giải đâu", ông Trường khẳng định.