Từ chuyện Safari trên Windows, nghĩ về một kiểu tư duy có hại từ thời sinh viên

Liam, Theo Trí Thức Trẻ 12:00 06/05/2018

Hãy nghĩ đến cách bạn đã từng tìm mọi cách để bài tập bạn viết thời đại học được "chuyên nghiệp" hơn. Mang tư duy đó đi làm, hậu quả có thể là rất lớn.

Có một ngày tôi ở công ty muộn, đến khi về vẫn thấy một đội khác đang làm việc cật lực. Tôi chạy lại chào anh em thì thấy trên màn hình là... Safari phiên bản Windows. Đội bạn của tôi đang test (kiểm thử) hệ thống mới trên Safari cho Windows.

Có lẽ, bất kỳ ai đọc đến đây cũng đều sửng sốt như tôi lúc đó. Apple đã dừng phát triển Safari cho Windows từ tận 2013, tức là 5 năm trước. Hãy thử nhìn ra xung quanh bạn: những người dùng Windows, nếu không dùng Chrome thì cũng dùng Cốc Cốc, Firefox hay Edge. Một số tập đoàn vẫn còn sử dụng Internet Explorer, nhưng tệ hại nhất là từ bản 8, còn lại phần lớn đều đã chuyển sang Internet Explorer 11. Tuyệt nhiên không có lý do gì để hỗ trợ Safari trên Windows cả.

Từ chuyện Safari trên Windows, nghĩ về một kiểu tư duy có hại từ thời sinh viên - Ảnh 1.

Safari trên Windows: Một phần mềm đã chết và không nên tồn tại trong bất kỳ dự án nào nữa cả.

Ngày còn sinh viên, trong lớp Cloud Computing, thầy giáo cho chúng tôi lựa chọn một đề tài bất kỳ để thực hành. Tôi tự chọn một chủ đề rất “kêu” là “Triển khai ứng dụng lên Google App Engine”. Nghe thì rất kêu, nhưng thực chất tôi chỉ viết ra một “ứng dụng” có 2 ô tên tuổi và ngày sinh, và thay vì cài ứng dụng đó lên máy tính của mình thì tôi “triển khai” trên Google.

Thầy trả bài, tôi được 8. Nhưng đến bài sau, thầy giao hẳn một chủ đề khá khó cho tôi: tích hợp ứng dụng của tôi với đám mây của Amazon. Lý do là bởi trong mục “hướng phát triển tương lai” của bài đầu tiên, tôi viết “tích hợp thêm với bộ cơ sở dữ liệu của Amazon”.

Tại sao tôi viết vậy? Vì một bài blog trên mạng về Google App Engine cũng viết như vậy. Mà tôi thì lại... "học hỏi" từ bài đó.

Từ chuyện Safari trên Windows, nghĩ về một kiểu tư duy có hại từ thời sinh viên - Ảnh 2.

Ai từng đi học cũng đều hiểu tâm lý "mông má" để những gì mình viết ra có vẻ chuyên nghiệp hơn, đầy đủ hơn.

Hai câu chuyện của tôi giống nhau ở điểm nào? Thực chất, cách viết tài liệu phần mềm cũng giống như cái cách chúng ta thường làm bài luận thời sinh viên. Gần như không có ai viết ra tài liệu mới hoàn toàn từ đầu, thay vào đó sẽ dựa trên một tài liệu có sẵn, của IEEE, của dự án cũ, của... một ai đó trên mạng. Khi làm tài liệu mới, người viết thường sẽ tập trung hơn vào mục mô tả tính năng – vốn là nơi tập trung sự sáng tạo và suy nghĩ của họ. Những phần khác, từ nơi mô tả cách sử dụng của tài liệu cho đến các yêu cầu về hiệu năng/độ ổn định, thường sẽ bị copy.

Đáng buồn rằng phần “trình duyệt hỗ trợ” trong tài liệu của dự án nọ lại thuộc về nhóm bị copy. Khi tôi hỏi bạn viết tài liệu của dự án nọ, bạn nói hồn nhiên: “Em copy từ tài liệu cũ cho đủ thôi mà”.

Vì tài liệu viết vậy, team của bạn vẫn thực hiện test trên Safari – công ty cần thể hiện mức độ nghiêm túc cao nhất với khách hàng. Nhưng đó cũng có thể là vì khách hàng của chúng tôi không... đọc lại tài liệu chúng tôi cung cấp. Nếu có, tôi dám chắc họ đã nhíu mày khi thấy Safari trên Windows.

Từ chuyện Safari trên Windows, nghĩ về một kiểu tư duy có hại từ thời sinh viên - Ảnh 3.

Đi học là nhận điểm cho mình, đôi khi 0 điểm cũng chẳng sao.

Đây chính là cái cách tư duy “cho nó có” từ thời sinh viên đang làm ảnh hưởng đến chúng ta. Ngày ấy, là sinh viên, những thứ chúng ta làm ra nói thẳng là phần lớn không mấy giá trị thực tế, hiểu biết lấy từ người khác. Bằng nhiều cách, chúng ta đang cố cho những gì chúng ta làm ra nhìn có vẻ chuyên nghiệp hơn, đẹp đẽ hơn để che đi khối lượng chất xám thực sự của mình. "Hướng phát triển tương lai" là một cách "mông má" như vậy. Một bài viết tốt cho một chủ đề khó sẽ chẳng cần thêm mục này mà vẫn dễ dàng được 9 hoặc 10.

Khi đi làm, chúng ta cũng quên luôn rằng góc nhìn của sếp, của khách hàng cũng khác với của thầy cô. Có thầy cô cho phép copy “miễn là các em phải hiểu và giải thích được”, có thầy cô lại cấm rất chặt. Nhưng thầy cô nào cũng ra bài và chấm điểm theo thành phần bài. Bạn làm được 4 câu trên 5 câu, bạn vẫn có thể được 8.

Đi làm không như vậy. Mọi thứ thuộc phần trách nhiệm của chúng ta đều có thể mang lại hậu quả. Viết phần “trình duyệt hỗ trợ” theo kiểu copy vào cho đủ đã dẫn đến một khối lượng công việc phát sinh rất lớn cho team.

Từ chuyện Safari trên Windows, nghĩ về một kiểu tư duy có hại từ thời sinh viên - Ảnh 4.

Đi làm là nhận trách nhiệm, với mình, với đồng đội, với sếp.

Đừng để mình rơi vào hoàn cảnh như vậy. Thà rằng không copy phần đó vào, chúng ta còn để lại cơ hội để mình thương thuyết với khách hàng – chắc chắn là nếu có thương thuyết, chính họ cũng sẽ bỏ “Safari trên Windows” hộ công ty tôi. Thay vì nhìn vào một phần copy rất vô nghĩa, họ có thể đã hướng toàn bộ sự tập trung và những lời khen vào các tính năng hấp dẫn mà chúng tôi thiết kế cho họ.

Đừng để mình rơi vào hoàn cảnh như vậy. Hãy bỏ ngay tư duy “mông má”, “thêm vào cho đủ” ngay từ ngày hôm nay.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày