Từ chuyện nghệ sĩ bị "bắt nạt online": Những vụ tự tử liên hoàn vì trầm cảm xưa kia có sắp quay vòng trở lại?

Thanh Thanh//Design: Tuấn Maxx, Theo Trí Thức Trẻ 00:35 17/06/2017

Thực trạng càng nhiều nghệ sĩ mắc chứng trầm cảm, bệnh tâm thần đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại. Liệu những vụ tự tử liên hoàn xưa kia của showbiz Hàn có đang quay vòng lại sau gần một thập kỷ?

Nhiều ngày qua, vụ án T.O.P (Big Bang) dính phải cáo buộc sử dụng cần sa đã gây ra một làn sóng tranh cãi lớn trên mạng xã hội. T.O.P có tội, và điều đó là không thể phủ nhận. Tuy nhiên ở cái thời mà không gian số được coi là một xã hội thu nhỏ như hiện nay, dường như người đứng lên phán xét và buộc tội T.O.P không còn là cơ quan cảnh sát hay tòa án nữa, mà chính là cư dân mạng. Và họ không chỉ dừng lại ở những lời buộc tội đơn thuần.

Chắc hẳn người hâm mộ không thể quên ngày tượng đài nghệ thuật Choi Jin Sil treo cổ tự vẫn trong buồng tắm - 2/10/2008. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của Choi Jin Sil bắt nguồn từ chứng trầm cảm và những đau khổ, dằn vặt mà cô phải chịu đựng vì các tin đồn thất thiệt. Bị đồn thổi là ráo riết đòi nợ khiến bạn thân phải túng quẫn đến mức tự sát, Choi Jin Sil đã tìm đến cái chết để chứng minh sự trong sạch giữa sức ép nặng nề của dư luận. Và kéo theo đó là 3 vụ tự tử liên hoàn của em trai, người quản lý và chồng cũ Choi Jin Sil với cùng một cách thức.

Đã 9 năm kể từ cái chết của Choi Jin Sil và bi kịch này vẫn còn là nỗi ám ảnh của showbiz Hàn. Tuy nhiên tình trạng nghệ sĩ trở thành đối tượng của nạn lăng mạ, quấy rối, cyberbullying vẫn không có dấu hiệu suy giảm mà ngày càng nghiêm trọng hơn nhờ đòn bẩy mạng xã hội. Sau sự cố T.O.P rơi vào trạng thái nguy kịch vì dùng thuốc an thần quá liều vừa qua, người hâm mộ càng thêm lo lắng, liệu thời kỳ của những vụ tự tử liên hoàn có đang quay vòng trở lại?

Từ chuyện nghệ sĩ bị bắt nạt online: Những vụ tự tử liên hoàn vì trầm cảm xưa kia có sắp quay vòng trở lại? - Ảnh 1.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, nghệ sĩ và thần tượng luôn là những cá nhân xuất sắc. Họ tài năng, xinh đẹp, giàu có và thậm chí còn có tầm ảnh hưởng lớn đến công chúng, xã hội. Tuy nhiên, đây thực chất là công việc đòi hỏi sự cống hiến, sức chịu đựng bền bỉ.

Nếu bạn mất khoảng 3 năm mất ăn mất ngủ để chuẩn bị cho kỳ thi Đại học thì các thực tập sinh có khi phải hi sinh cả tuổi thơ và tuổi trẻ để chuẩn bị cho việc ra mắt. Tiêu chí để trở thành một ngôi sao là phải có đủ năng lực để thu hút được càng nhiều khán giả và kiếm được càng nhiều lợi nhuận cho công ty càng tốt. 

Trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt như Hàn Quốc, tiêu chí này lại càng được nâng cao hơn. Kéo theo việc, từ thời kỳ "thai nghén", các công ty quản lý đã đặt ra tiêu chuẩn và áp lực rất cao cho những con-gà-đẻ-trứng-vàng-tương-lai của mình.

Từ chuyện nghệ sĩ bị bắt nạt online: Những vụ tự tử liên hoàn vì trầm cảm xưa kia có sắp quay vòng trở lại? - Ảnh 2.

Từ chuyện nghệ sĩ bị bắt nạt online: Những vụ tự tử liên hoàn vì trầm cảm xưa kia có sắp quay vòng trở lại? - Ảnh 3.

Thực tập sinh hay kể cả các thần tượng sau khi thành công đều phải rèn luyện cường độ vô cùng khủng khiếp. Họ tiếp nhận những bài học thanh nhạc, vũ đạo, diễn xuất, ngôn ngữ, ứng xử ở "lò luyện địa ngục" của công ty. 

Từ chuyện nghệ sĩ bị bắt nạt online: Những vụ tự tử liên hoàn vì trầm cảm xưa kia có sắp quay vòng trở lại? - Ảnh 4.

Đi kèm với đó là chế độ ăn uống ép cân, tập thể hình sát sao. Tập luyện với cường độ dày đặc như vậy, việc bị chấn thương liên tục và chấn sang tâm lý là không thể tránh khỏi. Chưa kể đến việc, thần tượng/nghệ sĩ phải hy sinh sự tự do vốn có để đổi lại ánh hào quang trên sân khấu, có khi là xa rời gia đình và người thân để dồn tâm trí vào công việc. 

Hình dung một cách đơn giản, thực tập sinh, nghệ sĩ và thần tượng đang bị ép vào một chiếc hộp tinh xảo mang tên người-của-công-chúng. Nếu bước ra khỏi khuôn phép, vỏ bọc hoàn hảo, họ sẽ bị công chúng phản đối và nghiêm trọng hơn là bỏ rơi.

Qua các chương trình tuyển chọn thực tế như "Who is next", "Sixteen", "Produce 101", khán giả thấy được mặt cạnh tranh trong môi trường đào tạo thần tượng, nghệ sĩ tại xứ sở kim chi. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần rất nhỏ đã được giảm thiểu những mặt tối, kịch bản hóa để tăng thêm phần nhân văn cho chương trình. Thực tế, những gì mà idol, nghệ sĩ đấu tranh còn khốc liệt hơn thế gấp nhiều lần.

Từ chuyện nghệ sĩ bị bắt nạt online: Những vụ tự tử liên hoàn vì trầm cảm xưa kia có sắp quay vòng trở lại? - Ảnh 5.

Nghệ sĩ, thần tượng là những người hoạt động nghệ thuật bền bỉ và luôn hết mình cống hiến vì khán giả. Tại sao họ thường được gọi là người của công chúng? Bởi họ thành công là nhờ sự ủng hộ của công chúng, và cũng có thể bị hủy hoại trong chốc lát chính bằng sự thờ ơ hay chì chiết từ công chúng.

Trong 3 năm từ 2015 - 2017, đã có ít nhất 72 nhóm nhạc Kpop tan rã. Ngoài những cái tên đã được khán giả biết đến như 2NE1, Kara, 4minute, Rainbow, còn lại đều là các nhóm nhạc vô danh, thậm chí còn chưa từng được nhắc tên trên báo đài. Trong đó một phần là những "kẻ bại trận" điển hình trước sự lãnh đạm của khán giả, phần khác bị đào thải theo quy luật tự nhiên của một môi trường cạnh tranh khắc nghiệt. Và đó vẫn là những trường hợp may mắn.

Từ chuyện nghệ sĩ bị bắt nạt online: Những vụ tự tử liên hoàn vì trầm cảm xưa kia có sắp quay vòng trở lại? - Ảnh 6.

Quay ngược lại vụ án ngôi sao "Vườn sao băng" Jang Ja Yeon tự tử tại nhà riêng và để lại bức thư tuyệt mệnh công bố một sự thật chấn động vào năm 2009. Trong bức thư cuối cùng, Jang tiết lộ mình bị ép "mua vui" 100 lần cho 31 nhân vật "máu mặt" của làng giải trí, trong đó có nhiều nhà sản xuất, đạo diễn chương trình, nhà điều hành báo chí và truyền hình. 

Jang Ja Yeon trở thành nô lệ tình dục để tồn tại được trong làng giải trí, và có khi chỉ là đổi lấy một vai diễn phụ trong phim truyền hình. Song kể cả khi giành được một cơ hội nhỏ, Jang Ja Yeon vẫn là kẻ vô danh trong mắt khán giả.

Trường hợp này phản ánh thực tế phũ phàng trong ngành giải trí: Sự thờ ơ của công chúng mới chính là thứ tàn nhẫn nhất đối với một người nghệ sĩ. Vì vậy, họ luôn cống hiến không ngừng nghỉ và đổi mới mình để làm hài lòng những vị khán giả khó tính nhất. 

Từ chuyện nghệ sĩ bị bắt nạt online: Những vụ tự tử liên hoàn vì trầm cảm xưa kia có sắp quay vòng trở lại? - Ảnh 7.

Ở thời đại số, những tin đồn truyền miệng xưa kia giờ có thể biến thành đòn tử với một ngôi sao nhờ sức cộng hưởng của mạng xã hội. Cũng nhờ mạng xã hội, hình thức quấy rối, lăng mạ, bắt nạt, uy hiếp tinh thần, cyberbullying nghệ sĩ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Các nhóm antifan thường dùng mạng xã hội để bôi xấu, dùng tài khoản ảo để đăng tải những lời nhận xét tiêu cực về một ngôi sao và tạo nên ảo giác về một làn sóng phản đối mạnh mẽ. Còn fan cuồng sẽ dùng mạng xã hội để thăm dò, quấy rối và đánh cắp thông tin cá nhân của thần tượng. Chỉ bằng một cú click, lời đồn hay những thông tin cá nhân nhạy cảm của người nổi tiếng có thể nhanh chóng trở thành "của chung" trên mạng. 

Năm 2014, Hollywood từng bị "dội bom" vì tin 101 sao nữ bao gồm Jennifer Lawrence, Rihanna, Selena Gomez... lộ ảnh và clip nóng. Năm 2016, ảnh hộ chiếu của hàng loạt thần tượng châu Á có tiếng như Yoona, Krystal, Ngô Diệc Phàm lần lượt bị tung lên mạng xã hội bởi một fan cuồng.

Nguy hiểm tiềm tàng trong mỗi bài đăng, lời bình luận, thậm chí là một cú click trên mạng. Thế nhưng, rất khó để có thể ngăn chặn triệt để tình trạng này, bởi thủ phạm của những vụ bắt nạt và quấy rối online thường không phải là một cá nhân mà là cả một cộng đồng. Phần lớn họ đều lầm tưởng rằng, những lời bình phẩm tiêu cực, chê bai thậm tệ người nổi tiếng là quyền tự do ngôn luận. Song, lời đồn trên mạng là ảo, tổn thương mang đến lại là thật.

Từ chuyện nghệ sĩ bị bắt nạt online: Những vụ tự tử liên hoàn vì trầm cảm xưa kia có sắp quay vòng trở lại? - Ảnh 8.

T-ara, một nhóm nhạc từng có chỗ đứng vững chắc trong làng giải trí Hàn Quốc, hiện đang đứng trên bờ vực tan rã. Từ một tin đồn bắt nạt với những bằng chứng chưa được xác thực, sự nghiệp của T-ara đã sụp đổ hoàn toàn chỉ sau vài ngày. Và trong 5 năm liên tiếp, họ đã phải mang theo tội danh mà mình không nên mang, chịu đựng làn sóng phản đối mạnh mẽ của cư dân mạng và trở thành "con mồi" của nạn cyberbullying. 

Dù đã được minh oan, nhưng chẳng ai có thể gọi tên được kẻ vùi dập sự nghiệp của T-ara hay bù đắp lại năm tháng khó khăn nhóm phải trải qua. Tương tự như T-ara, Yoochun, Lee Jin Wook và Park Shi Hoo đều từng bị buộc tội và được xử trắng án, song có lẽ cái mác "tài tử cưỡng dâm" sẽ đi theo họ suốt cả cuộc đời.

Sau thảm kịch tự tử liên hoàn của Choi Jin Sil và 3 người thân khác vào năm 2008, các nhà chức trách đã có hành động thắt chặt tiêu chuẩn và tăng cường hình phạt đối với các hình thức bôi nhọ trực tuyến. Nhưng trên thực tế, trong số hàng triệu người dùng mạng có bình luận ác ý ngoài kia, chỉ có một phần không đáng kể là phải chịu trách nhiệm pháp lý cho hành động của mình. Và nghệ sĩ vẫn phải đối mặt với hiện trạng này hàng ngày, thậm chí là cả đời.

Từ chuyện nghệ sĩ bị bắt nạt online: Những vụ tự tử liên hoàn vì trầm cảm xưa kia có sắp quay vòng trở lại? - Ảnh 9.

Huyền thoại John Lennon đã từng nói rằng: "Họ tự dựng lên ảo tưởng về người nghệ sĩ. Nó giống như một kiểu tôn thờ thần tượng quá mức. Mà thực chất, nghệ sĩ cũng chỉ là những người bình thường đang nỗ lực hết mình để chinh phục đỉnh cao". Thẳng thắn chỉ ra thực trạng tồn tại đã lâu, nhưng tàn nhẫn thay, ông đã qua đời dưới bàn tay của chính kẻ tôn thờ mình - Chapman - vào ngày 8/12/1980.

Từ chuyện nghệ sĩ bị bắt nạt online: Những vụ tự tử liên hoàn vì trầm cảm xưa kia có sắp quay vòng trở lại? - Ảnh 10.

Có thể thấy, không ít nghệ sĩ van nài chính những người hâm mộ của mình trả lại cho họ một giây phút riêng tư dù là ngắn ngủi. Đâu đó lại thấy một nghệ sĩ hối lỗi vì bê bối cá nhân, nhưng vẫn mang danh tội đồ trên mạng xã hội suốt nhiều năm sau. 

Từ chuyện nghệ sĩ bị bắt nạt online: Những vụ tự tử liên hoàn vì trầm cảm xưa kia có sắp quay vòng trở lại? - Ảnh 11.

Câu hỏi được đặt ra là: Liệu khán giả có đang quá khắt khe và vô tình làm tổn thương tới người nghệ sĩ? Và liệu người nghệ sĩ còn có đủ lòng tin để cống hiến cho những khán giả sẵn sàng quay lưng với mình chỉ sau một cú vấp ngã? Vẫn biết sự hà khắc của khán giả chính là thước đo tài năng và mức độ chuyên nghiệp của một người nghệ sĩ, nhưng nó lại vô tình gây ra một hậu quả âm ỉ.

Từ chuyện nghệ sĩ bị bắt nạt online: Những vụ tự tử liên hoàn vì trầm cảm xưa kia có sắp quay vòng trở lại? - Ảnh 12.

Nghệ sĩ dành cả cuộc đời để làm nghệ thuật, đánh đổi quyền riêng tư không chỉ để thành công mà còn để cống hiến, truyền cảm hứng cho khán giả. Tuy nhiên, kỳ vọng quá cao của công chúng và áp lực tinh thần do cộng đồng mạng mang lại đang đè nặng trên đôi vai của họ. Và ở thời đại mà ngày càng nhiều nghệ sĩ, thần tượng mắc phải căn bệnh về tâm thần vì áp lực, thì viễn cảnh những vụ tự tử liên hoàn xưa kia của làng giải trí Hàn Quốc lại một lần nữa khiến chúng ta phải suy ngẫm. 

Khán giả cũng nên mở lòng khi nghệ sĩ còn có thể đổ những giọt nước mắt và mồ hôi để truyền cảm hứng qua các tác phẩm đầy tâm huyết. Đừng để đến khi vuột mất những nghệ sĩ đã từng khiến một phút giây nào đó của cuộc đời bạn có ý nghĩa mới nhận ra rằng, họ đã bị hủy hoại dưới cái gọi là "lời nhận xét vô thưởng vô phạt" trên mạng xã hội.