Từ chuyện Ariana Grande hủy show, mới thấy giấc mộng sân khấu sao ngoại ở Việt Nam khó khăn như thế nào!

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 10:57 24/08/2017

Nỗi buồn Ariana Grande hủy show ở Việt Nam vào giờ chót còn chưa nguôi, nỗi buồn về giấc mộng những sân khấu của sao ngoại càng khiến khán giả thêm nặng lòng.

Ngày 23/8 vừa qua là một giấc mơ dang dở của những người hâm mộ cô ca sĩ nhỏ nhắn Ariana Grande. Dang dở khi những hy vọng ươm vào giấc mơ được nhìn thấy thần tượng bằng xương bằng thịt trên sân khấu mang tầm quốc tế cách mình vài mét bị tắt ngúm bằng một dòng thông báo ngắn ngủi trên phần story của Instagram chính thức của Ariana Grande. Có buồn bã, hụt hẫng hay căm phẫn thì cuối cùng cô ấy cũng đã rời khỏi Việt Nam, để lại một giấc mộng mãi chưa thể vẹn tròn trong tâm trí những người yêu nhạc.

Giấc mộng lớn của một kẻ chưa trưởng thành

Từ chuyện Ariana Grande hủy show, mới thấy giấc mộng sân khấu sao ngoại ở Việt Nam khó khăn như thế nào! - Ảnh 1.

Xin phép được gọi nền âm nhạc giải trí của Việt Nam hiện tại là một kẻ hãy còn chưa trưởng thành. Khi thị trường Âu, Mỹ đã trở thành những "ông hoàng, bà chúa" trong bảng xếp hạng độ ảnh hưởng của ca sĩ trên toàn thế giới cùng những ca khúc tỉ view, những album hàng triệu lượt mua hay những tour diễn vòng quanh thế giới; thậm chí là những đất nước láng giềng cũng có những cái tên đầy sức hút thì nền âm nhạc Việt Nam chúng ta vẫn loay hoay trong không gian tưởng như vĩ mô nhưng cực kì vi mô.

Chúng ta tranh cãi hàng ngày về việc ai đạo nhái ai, bài hát này giống bài hát nào, thể loại âm nhạc nào mới là đẳng cấp, dòng nhạc nào xứng đáng bị tẩy chay cùng hàng loạt những ý kiến chỉ trích lẫn nhau có vẻ rất to tát nhưng lại mang đầy những cảm xúc cá nhân. Trong khi đó luôn là những thứ rất căn bản của bất cứ nền âm nhạc nào. Nhìn lại những thứ chứng tỏ sự phát triển của âm nhạc thế giới, ta nhận ra thứ cần thiết nhất để một nền âm nhạc vận hành và đi lên chính là sự trao đổi, hay cụ thể là tiền.

Việt Nam là một đất nước có ý thức về việc chi trả sản phẩm giải trí rất thấp. Điển hình chính là việc càng ngày những ca sĩ trẻ càng không phát hành album vật lý. Thay vào đó là những single miễn phí trên các trang nghe nhạc trực tuyến. Cũng chẳng bao nhiêu ca sĩ than thở về việc mình phải tặng miễn phí chất xám của mình cho số đông, bởi họ có nhiều đường để thu lại lợi nhuận mà dễ thấy nhất là tiền nhạc chuông, nhạc chờ hay quảng cáo.

Từ chuyện Ariana Grande hủy show, mới thấy giấc mộng sân khấu sao ngoại ở Việt Nam khó khăn như thế nào! - Ảnh 2.

Không thể bênh vực hay chỉ hoàn toàn trách nghệ sĩ đã tập cho khán giả của họ thói quen xấu này. Đáng trách nhất chính là ý thức hệ của nhiều bộ phận trong xã hội. Chúng ta không được giáo dục và thực tập nghiêm ngặt về vấn đề bản quyền hay bảo vệ chất xám. Chúng ta quen xài những hệ điều hành, chương trình miễn phí. Chúng ta truy cập hàng ngày lên những trang web phim lậu, truyện lậu, nghe nhạc lậu để tải những sản phẩm mới. Chúng ta không đồng ý với việc chi trả cho những sản phẩm mà từ lâu mình dễ dàng có được không mất tiền. Chính những điều này đã kéo theo một hệ luỵ nghiêm trọng trong việc vận hành một bộ máy giải trí khổng lồ mà trong đó khán giả và nghệ sĩ là những nhân tố cực kì quan trọng.

Từ những việc tưởng chừng rất nhỏ như nghe nhạc miễn phí, khán giả dần hình thành thói quen "miễn phí" trên tất cả những phương diện liên quan, trong đó có vấn đề mua vé xem ca nhạc. Hãy nhìn vào sự ế ẩm rồi giãy chết của những tụ điểm, sân khấu ca nhạc vốn rất đình đám của Sài Gòn ngày xưa để biết việc duy trì hình thức nghe nhạc trả tiền ở thành phố sôi động bậc nhất về giải trí khó như thế nào. Từ ý thức không được nghiêm túc đến sự thoả hiệp của nghệ sĩ, những chương trình ca nhạc miễn phí ra đời bằng cách xếp hàng hay tham gia fanclub để lấy vé và chi phí được bảo trợ bởi các nhãn hàng đã triệt tiêu một thói quen bình thường của người nghe nhạc.

Từ chuyện Ariana Grande hủy show, mới thấy giấc mộng sân khấu sao ngoại ở Việt Nam khó khăn như thế nào! - Ảnh 3.

Tại sao Taylor Swift nhất định không bán nhạc của mình cho Spotify - một trang nghe nhạc trực tuyến ở Mỹ? Là vì cô ấy muốn khán giả phải bỏ tiền để nghe sản phẩm mà cô ấy sản xuất bằng chất xám của cả một bộ máy. Trong khi đó thói quen xài chùa, nghe chùa, xem chùa ở Việt Nam lại diễn ra như một sự hiển nhiên mà tất thảy mọi manh nha thay đổi nào cũng dễ dàng bị dập tắt.

Thế nên việc Ariana Grande cùng The Dangerous Woman Tour xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh chính là một sự kiện cực kì quan trọng, không phải bởi hoành tráng mà còn bởi nó sẽ đánh dấu một cột mốc lớn cho nền giải trí nước nhà. Tại sao lại to tát như thế? Bởi vì một chiếc vé xem ca nhạc 100 nghìn đồng mà các bạn trẻ cũng không muốn bỏ tiền ra mua thì những chiếc vé vài triệu làm sao có đất sống!? Và đó chính là nỗi lo của không chỉ ban tổ chức sự kiện này mà còn là của số ít những người nhìn thấy rõ thực trạng đáng buồn của nhạc Việt ngay từ khi nó bắt đầu.

Sự cố gắng của Phillip Nguyễn khi anh quyết tâm đưa Ariana Grande về Việt Nam, trên một sân khấu hoành tráng mang tầm quốc tế, để mở đường cho một loạt những dự án lớn hơn sau này đã khiến cho giấc mơ về một thị trường nghe nhạc sòng phẳng bắt đầu thành hình. Đó không chỉ đơn thuần là một giấc mộng nhất thời, mà là một giấc mộng to lớn và đầy táo bạo của kẻ chưa trưởng thành mang tên 'giải trí Việt'.

Một giấc mộng dở dang, cùng nhiều giấc mộng chết từ trứng nước

Từ chuyện Ariana Grande hủy show, mới thấy giấc mộng sân khấu sao ngoại ở Việt Nam khó khăn như thế nào! - Ảnh 4.

Thông tin show diễn của Ariana Grande bắt đầu lan ra từ cuối tháng 5, tất cả những tin tức xoay quanh việc này đều rất "nóng" với fan của cô ca sĩ 24 tuổi cũng như khán giả nghe nhạc USUK. Hầu hết khán giả khi đó đều bất ngờ với thông tin này, rằng tại sao một ca sĩ đẳng cấp như Ariana Grande lại chịu đến Việt Nam thực hiện concert!? Sự tự ti đó chính là từ nỗi lo về giá vé. Cho dù giá vé của The Dangerous Woman ở Việt Nam ngang ngửa Thái Lan, thậm chí là rẻ hơn một chút, nhưng đó vẫn là những con số quá lớn với phần đông khán giả. Nhất là với cộng đồng đã quen với việc xem ca nhạc miễn phí.

Thành thử ra tận nửa tháng sau đó, khi thông tin về show diễn đã đủ sức nóng, việc bán vé cũng không được như ý. Nước bạn cháy vé ầm ầm, nước mình dường như chỉ chờ đến ngày diễn ra để được giảm giá hoặc cho vào xem chùa vì "chẳng bán nổi vé đâu!". Đây thực sự là một vấn đề dễ dàng thấy được nếu để ý xung quanh, hoặc trên những diễn đàn, hội nhóm liên quan. Nhưng ban tổ chức vẫn thể hiện sự tự tin, vượt khó của mình bằng các buổi họp báo truyền cảm hứng về những giấc mơ to lớn, cùng những chương trình ồ ạt kết hợp cùng các nhãn hàng để quảng bá.

Từ chuyện Ariana Grande hủy show, mới thấy giấc mộng sân khấu sao ngoại ở Việt Nam khó khăn như thế nào! - Ảnh 5.

Trong mắt tất thảy mọi người suốt 2 tháng qua, sự kiện Ariana Grande hát ở Việt Nam vĩ đại lắm, là một cú nổ mà chắc chắn ai cũng ngước nhìn mặc cho những vấn đề có thể huỷ hoại nó luôn tồn tại. Ngày qua ngày, thông tin quảng cáo về chương trình vẫn được truyền đi, những chương trình mua vé giảm giá hay tích điểm đổi vé từ các nhãn hàng cũng tăng lên, chỉ để chứng minh một điều rằng "bán vé" ca nhạc cho người trẻ ở Việt Nam thật sự khó khăn như thế nào.

Để rồi đến khi show diễn bị huỷ, ca sĩ xin lỗi vì vấn đề sức khoẻ, ban tổ chức lúng túng giải quyết hậu quả, khán giả mới giật mình nhìn lại giấc mơ vĩ đại kia cực kì khó thực hiện. Nghe những tâm sự từ Phillip về một tương lai dày đặc những chương trình hoành tráng của những ngôi sao quốc tế tại Việt Nam mà mở đầu là Ariana, mới thấy thương cho niềm hy vọng đó biết bao. Làm sao một giấc mộng có thể thành hình khi chúng ta chỉ nằm xuống và ngủ mà chẳng mảy may cố gắng trong thực tại!?

Đâu chỉ có Ariana huỷ show diễn ở Việt Nam vì lý do sức khoẻ, trước đây Jessica cũng từng như thế và những đồn đoán vẫn xoay quanh vấn đề "bán vé". Đó mới chính là hiện thực mà chúng ta cần thay đổi trước khi nằm xuống và mơ những điều to tát. Bởi vì nếu Ariana có huỷ show vì lượng vé bán ra ở Việt Nam quá thấp đi nữa thì điều này vẫn có thể hiểu được với danh tiếng cô nàng. Có trách thì hãy trách chúng ta vẫn chưa có được thói quen trả tiền cho những loại hình nghệ thuật mình thưởng thức. Hoặc, hãy trách chúng ta chỉ có thể chứng tỏ sức mạnh bằng những con số trending ấn tượng trên Youtbe để rồi nghệ sĩ phải ngỡ ngàng khi khán giả Việt chỉ cuồng nhiệt trên những địa hạt không phải tốn tiền.

Từ chuyện Ariana Grande hủy show, mới thấy giấc mộng sân khấu sao ngoại ở Việt Nam khó khăn như thế nào! - Ảnh 6.

Mất đi một show của Ariana, người hâm mộ buồn một thì ban tổ chức, những người hun đúc trong lòng quyết tâm về một sự kiện chấn động mang tầm quốc gia buồn đến mười. Bởi một giấc mơ dở dang đồng nghĩa với những giấc mơ khác cũng dễ dàng tan tành từ trong trứng nước. Người đơn giản sẽ không tin rằng ban tổ chức có thể thương lượng với bất kì ca sĩ ngoại quốc nào trong tương lai. Người phức tạp hơn thì tin rằng khó khăn đó của ban tổ chức hãy vẫn còn dài chừng nào khán giả chưa có một thói quen văn minh hơn.

Thật sự để có một sân khấu mang tầm quốc tế của một ngôi sao hạng A ở Việt Nam khó như vậy ư? Khó lắm, bởi nó không còn là câu chuyện của đàm phán hay nhượng bộ mà là những vấn đề cần phải được nhìn thấu và xử lý bởi chính cộng đồng người yêu nhạc.