Từ "Call Me By Your Name" đến "Love, Simon": Tiếng yêu thổn thức trong từng câu thoại

Thùy Nhiên, Theo Trí Thức Trẻ 00:47 16/05/2018

Sự thành công của những "Call Me By Your Name" hay "Love, Simon" là tín hiệu cho thấy sự cởi mở trong cách nhìn nhận đối với người đồng tính trong xã hội đương đại, mở ra những hướng đi "nhẹ nhõm" hơn khi khắc họa người đồng tính.

Trong khoảng thời gian vừa qua, khi sức nóng của Call Me By Your Name – bộ phim kể về chuyện tình tuy buồn nhưng đẹp như mơ của cậu bé Elio giữa lòng nước Ý đầy nắng – vừa lắng xuống thì khán giả lại tiếp tục được mang đến một mối tình cũng "long lanh" không kém từ Love, Simon (Thương Mến, Simon). Cùng được chuyển thể từ tiểu thuyết và khai thác chủ đề tuổi thành niên (coming-up-age), cả hai bộ phim đều thành công khi mang lại cho người xem nhiều xúc cảm chân thành và những bài học giản dị nhưng sâu sắc.

Từ Call Me By Your Name đến Love, Simon: Tiếng yêu thổn thức trong từng câu thoại - Ảnh 1.
Từ Call Me By Your Name đến Love, Simon: Tiếng yêu thổn thức trong từng câu thoại - Ảnh 2.

Nhân vật trung tâm của Love, Simon là Simon, một cậu bé 16 tuổi đang học trung học, ngoại hình sáng sủa điển trai, có một gia đình hạnh phúc và ba người bạn thân luôn mang đến cho cậu thật nhiều tiếng cười. Với một cuộc đời "bình thường" như thế – như lời tự sự của chính Simon – cậu bé thực sự bị hoảng sợ mỗi lúc nghĩ đến viễn cảnh mọi thứ sẽ bị đảo lộn khi sự thật cậu là gay được tiết lộ.

Từ Call Me By Your Name đến Love, Simon: Tiếng yêu thổn thức trong từng câu thoại - Ảnh 3.

Sâu thẳm bên trong Simon, cậu hiểu rằng nếu cậu "come out" (công khai giới tính), gia đình sẽ vẫn luôn ở bên và bảo vệ cậu. Nhưng, từng lời đùa của bố mẹ về những cô bạn gái hay hình ảnh Ethan – một cậu bạn gay đã come out ở trường – luôn bị cười nhạo và bắt nạt lại khiến Simon chùn bước. Cái tuổi ẩm ương chưa nhận thức rõ mình là ai của Simon tuy là thời điểm bốc đồng nhất nhưng cũng là lúc cái tôi dễ bị dao động hơn bất cứ khi nào.

Từ Call Me By Your Name đến Love, Simon: Tiếng yêu thổn thức trong từng câu thoại - Ảnh 4.

Rồi đến một ngày, Blue xuất hiện. Cậu ấy tự nhận mình là một người đồng tính trên trang confession của trường bằng những câu chữ có lẽ đã chạm đến trái tim của Simon. Tuy cùng khai thác câu chuyện tình cảm đầu đời của một thiếu niên mới lớn, Call Me By Your Name và Love, Simon vẫn có những hướng khai thác rất khác nhau.

Với Elio của Call Me By Your Name, tình cảm của cậu dành cho Oliver mang hơi hướng của trải nghiệm lần đầu nhiều hơn, nghĩa là cậu chưa từng thực sự yêu ai, và rồi người đầu tiên ấy lại là chàng sinh viên người Mỹ đến nhà cậu ở trọ trong sáu tuần hè.

Còn Simon, cậu nhận thức rõ mình đã bắt đầu để ý mấy anh diễn viên, ca sĩ từ năm 13 tuổi; và từ đó cho đến trước khi gặp Blue, cậu chàng cũng "chịu khó" cảm nắng không ít thanh niên điển trai khác.

Chuyện tình cảm của Simon là cả một sự chủ động và cố chấp của cậu bé. Simon bị rung động bởi những lời tự sự chân thành của Blue đến nỗi cậu phải tạo một tài khoản mail mới để "tiếp cận" crush của mình. Simon vui vẻ kể về bản thân mình cho Blue biết, Simon khẩn khoản mong được gặp mặt Blue, thậm chí Simon đã gõ ra lời "Yêu thương cậu" thay vì "Thân chào cậu" và gửi đến Blue trong vô thức. Bằng cách này hay cách khác, chúng ta có thể thấy rằng Simon thật sự rất dũng cảm khi yêu.

Từ Call Me By Your Name đến Love, Simon: Tiếng yêu thổn thức trong từng câu thoại - Ảnh 5.

Vậy tại sao cậu vẫn tiếp tục giấu giếm?

Từ Call Me By Your Name đến Love, Simon: Tiếng yêu thổn thức trong từng câu thoại - Ảnh 6.

Trong một lần sử dụng máy tính ở thư viện để gửi mail cho Blue, Simon đã bỏ đi mà quên đăng xuất. Kẻ phá rối xuất hiện – Martin, một cậu trai đang mê mệt cô bạn Abby của Simon – đã chụp màn hình toàn bộ những trao đổi giữa Simon và Blue rồi yêu cầu Simon "mai mối" mình cho Abby nếu Simon không muốn sự thật về mình bị bại lộ trên web trường. Simon bị lâm vào tình cảnh khó. Một mặt, cậu muốn tiết lộ cho mọi người biết về xu hướng tính dục của mình, mặt khác, cậu vẫn chưa sẵn sàng làm việc đó.

Từ Call Me By Your Name đến Love, Simon: Tiếng yêu thổn thức trong từng câu thoại - Ảnh 7.

Thật ra, lý do đằng sau việc Simon làm theo tất cả những gì Martin yêu cầu, ngoài việc bảo vệ bí mật của mình, còn là vì cậu sợ nếu đoạn chat với Blue bị bại lộ, Blue sẽ hoảng sợ và biến mất. Ở điểm này, Simon khá giống với Elio. Họ đều là những cậu bé non nớt, suốt ngày quẩn quanh cái nơi mà chính mình sinh ra và lớn lên, lần đầu yêu thương ai đó chân thành và không biết phải làm thế nào để giữ chặt tình yêu đó.

Một trong những điểm sáng nhất ở cả Call Me By Your Name và Love, Simon là cách ứng xử của các bậc phụ huynh trước sự thật rằng con trai mình đang yêu một chàng trai khác. Mẹ của Simon là một người phụ nữ phóng khoáng đến kinh ngạc, và bà đã có những câu thoại đẹp đến mức khán giả phải rớm nước mắt.

Từ Call Me By Your Name đến Love, Simon: Tiếng yêu thổn thức trong từng câu thoại - Ảnh 8.

"Đồng tính là chuyện cá nhân của con. Có những chuyện mà con buộc phải trải qua trong cô độc - mẹ ghét điều đó. Ngay khi con nói rằng "Mẹ, con vẫn là con", mẹ liền muốn cho con nghe điều này, rằng: "Con vẫn là con mà thôi". Con sẽ vẫn là đứa con trai mà mẹ thích chọc ghẹo, là chỗ dựa của bố trong tất cả mọi chuyện, là cậu anh trai luôn luôn khen ngợi cô em gái của mình với tài đầu bếp dở tệ của nó. Điều con cần là cảm thấy thoải mái, Simon ạ. Con xứng đáng nhận được những điều con muốn".

Từ Call Me By Your Name đến Love, Simon: Tiếng yêu thổn thức trong từng câu thoại - Ảnh 9.

Còn ở Call Me By Your Name, khi Elio mang một trái tim tan vỡ trở về nhà sau khi chia tay Oliver, cha của cậu đã nhẹ nhàng nói rằng:

Từ Call Me By Your Name đến Love, Simon: Tiếng yêu thổn thức trong từng câu thoại - Ảnh 10.

"Con có một tình bạn đẹp. Có lẽ hơn cả tình bạn. Ở địa vị của cha, hầu hết các phụ huynh sẽ mong toàn bộ câu chuyện đó biến đi, hoặc cầu nguyện rằng con trai của họ sẽ vượt qua cho chóng. Nhưng cha không phải là một phụ huynh như thế[...]Sự từ bỏ có thể là thứ kinh khủng khi nó khiến ta tỉnh thức vào đêm, và khi những kẻ khác quên ta đi nhanh hơn ý muốn của ta".

Từ Call Me By Your Name đến Love, Simon: Tiếng yêu thổn thức trong từng câu thoại - Ảnh 11.

Như Simon đã từng tự bày tỏ, thật ra cậu cảm thấy đồng tính là vấn đề của riêng mình. Nó không dễ dàng, nhưng nó cũng không hề kinh khủng (một phần bởi vì cha mẹ của cậu rất cởi mở). Vấn đề cốt lõi, là Simon cần được chọn thời điểm thích hợp để tiết lộ, khi bản thân cậu đã thực sự sẵn sàng.

Từ Call Me By Your Name đến Love, Simon: Tiếng yêu thổn thức trong từng câu thoại - Ảnh 12.

Trong Love, Simon, dù gặp hàng tá rắc rối sau màn công khai giới tính bất đắc dĩ, cuối cùng Simon vẫn tìm được Blue của mình – cậu bạn hot boy Bram. Bộ phim kết thúc như tất cả những chuyện tình sitcom thông thường khác, khi hai nhân vật chính tìm thấy nhau và cùng bước đến tương lai màu hồng. Một dấu chấm dịu ngọt, hoàn hảo cho mối tình trung học của hai cậu trai.

Từ Call Me By Your Name đến Love, Simon: Tiếng yêu thổn thức trong từng câu thoại - Ảnh 13.

Còn Call Me By Your Name, những điều tuyệt đẹp xảy ra ở mùa hè năm ấy mãi là một vết thương không thể khép lại trong lòng của cả Elio và Oliver. Ở những năm 80 khi căn bệnh AIDS hoành hành ở châu Âu và số ít người đồng tính công khai không nằm trong tầng lớp tri thức ấy, thật tiếc khi gia đình của Elio phóng khoáng, còn cha mẹ Oliver thì lại không. Tuy nhiên, trọng tâm của bộ phim vẫn đặt ở những khoảnh khắc tình yêu của cặp đôi chứ không phải ở cái kết đau buồn.

Từ Call Me By Your Name đến Love, Simon: Tiếng yêu thổn thức trong từng câu thoại - Ảnh 14.
Từ Call Me By Your Name đến Love, Simon: Tiếng yêu thổn thức trong từng câu thoại - Ảnh 15.

Cũng giống như câu hỏi "Nói ra và chết, cái nào tốt hơn?" trong bộ truyện cổ của Pháp về một chàng Hiệp sĩ yêu thầm một nàng Công chúa, "nói" ở đây gần như là một danh từ, một quyết định, một sự khao khát được bộc lộ những cảm xúc từ tận đáy lòng. Như khi Elio đã nói với Oliver rằng cậu ấy muốn gặp anh ấy. Như khi Simon gửi mail cho Blue rằng chúng ta hãy cho nhau biết thân phận thực sự đi. Đừng so sánh rằng, vì quãng đường Simon và Elio không có sóng gió triền miên, nên tình yêu họ đạt được không có gì đáng ngưỡng mộ.

Love, Simon và Call Me By Your Name không thể thay đổi cả thế giới. Nó chỉ có thể thay đổi thế giới của một số người. Màu sắc của hai bộ phim này chưa bao giờ là lý tưởng cao đẹp, và quan niệm sống thâm sâu được khắc họa từ những nỗi đau. Chúng đơn thuần là những câu chuyện tình yêu khiến người ta phải nhớ về và mỉm cười một cách nhẹ nhõm.

Bởi vì, thế kỷ 21 rồi mà, cũng đã đến lúc ta nhìn nhận những mối tình đồng tính theo cách trực quan và tươi sáng hơn. Và nếu có bài học gì để lại, thì đó hãy chỉ là ai cũng có quyền được yêu.