Truyền thông Mỹ lên tiếng về nạn buôn người ở biên giới Việt - Trung

Lương Hồng Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 14:45 25/04/2016

Đây là phóng sự của CNN về vấn nạn buôn bán người sang biên giới ở các tỉnh miền biên giới Trung Quốc - Việt Nam.

"Đã có lúc tôi tưởng rằng con bé sẽ chẳng bao giờ về nữa"

"Tôi mà nhìn thấy kẻ hại con gái tôi, tôi sẽ giết chết hắn mất", Giàng Thị Nha, mẹ của một trong 5 bé gái 14 tuổi mới được giải thoát khỏi đường dây buôn người chia sẻ với nữ phóng viên Alexandra Field của đài CNN. Gương mặt bà tuy vui vẻ xởi lởi nhưng vẫn không giấu nổi sự căm phẫn với những kẻ đã suýt biến con gái bà thành một món hàng.

Truyền thông Mỹ lên tiếng về nạn buôn người ở biên giới Việt - Trung - Ảnh 1.

 Giàng Thị Nha và con gái.

Nhóm các cô bé được cứu về cho biết rằng các em được một người hàng xóm trong làng hứa hẹn rằng sẽ kiếm việc làm có mức lương tới 10 triệu VNĐ ở Trung Quốc. Bùi tai bởi món tiền quá lớn, nhận thức cũng chưa đủ, 5 em đã gật đầu đi theo, không hề nói gì với gia đình, bố mẹ ở nhà. 

Rất may các em đã được bộ đội biên phòng, phối hợp cùng các tổ chức chống nạn buôn người giải cứu. Riêng tên hàng xóm "tốt bụng" nọ đã bị bắt giữ với tội danh buôn nguời.

Truyền thông Mỹ lên tiếng về nạn buôn người ở biên giới Việt - Trung - Ảnh 2.

 5 bé gái 14 tuổi được hứa hẹn công việc mức lương 10 triệu VNĐ ở Trung Quốc.

Trung Quốc vốn đang phải gánh chịu sự mất cân bằng giới tính nặng nề do chính sách một con kéo dài bấy lâu nay. Khan hiếm phụ nữ, đàn ông Trung Quốc thèm khát cô dâu. Thế là những kẻ buôn người bắt đầu tìm cách "thu nhặt", gom ghém từng cô gái Việt ở các vùng cao bán sang nước bạn làm cô dâu, tệ hơn là làm nhân viên nhà chứa.

5 bé gái 14 tuổi vừa được giải cứu chỉ là số ít may mắn có thể trở về quê hương, trở về với gia đình, về với vòng tay mẹ cha. Nhiều em khác, tiếc là chẳng được như vậy.

Đánh mất cuộc đời chỉ vì những lời dụ dỗ

Lan nhớ rất rõ cái đêm oan nghiệt đã thay đổi cả cuộc đời cô.

Ngày ấy Lan chuẩn bị vào trường Đại học ở khu vực gần biên giới phía Bắc. Một người bạn mà Lan quen trên mạng nhắn tin cho cô, nói rằng muốn mời cô đi ăn tối với nhóm bạn khác. Lan đã đồng ý.

Ăn uống xong, người thấm mệt, Lan bắt đầu muốn về nhà. Những kẻ được cho là bạn ấy đã nài nỉ Lan ở lại nói chuyện, uống vài ly nước.

"Khi tôi tỉnh dậy, tôi không hề biết rằng mình đang ở Trung Quốc", Lan kể.

Cô tân sinh viên ngây thơ, tương lai còn đang rộng mở bỗng chốc biến thành món hàng vận chuyển sang biên giới. Cùng xe với cô còn nhiều cô gái khác nữa. Lúc đó Lan muốn trốn lắm nhưng không thể được, trên xe có mấy gã bảo kê hung tợn.

Những ngôi làng miền biên giới Việt Nam-Trung Quốc đang chìm trong nỗi sợ hãi bởi nạn buôn người. Những cô gái độ tuổi 13-14 may mắn được giải cứu kể lại các cô đã bị lừa, bị đánh thuốc rồi chở sang biên giới bằng thuyền, bằng xe máy, xe hơi. Các cô chưa thể ý thức được chính mình là một món hàng quý giá, báu bở với những kẻ buôn người, thế nên sự phòng hờ là khá hời hợt.

Truyền thông Mỹ lên tiếng về nạn buôn người ở biên giới Việt - Trung - Ảnh 3.

 Một cô gái nạn nhân buôn người đứng cùng mẹ. Cô từng bị ép cưới người đàn ông khác.

"Đàn ông Trung Quốc lấy vợ vô cùng tốn kém. Theo truyền thống, khi lấy vợ, nhà trai buộc phải tổ chức tiệc cưới linh đình, sau đó mua nhà riêng để hai vợ chồng cùng sinh sống. Bởi thế, họ muốn "nhập khẩu" phụ nữ ở các nước láng giềng để đỡ được khoản tiền lớn, trong đó có Việt Nam", bà Hà Thị Vân Khánh, phối hợp viên dự án quốc gia chống nạn buôn người của Liên Hợp Quốc cho biết.

Được biết, mỗi cô dâu Việt có giá lên đến 3.000 USD và thường được lựa chọn khá nhiều do có nhiều sự tương quan về văn hoá xã hội giữa hai nước.

Như trường hợp của Nguyên, cô bé mới 16 tuổi khi bị bạn trai đánh thuốc rồi bán sang Trung Quốc làm cô dâu. Trong vòng 3 tháng trời, Nguyên kiên trì từ chối cuộc hôn nhân ép buộc, mặc cho những kẻ buôn người liên tục đánh đập, bỏ đói, thậm chí doạ giết cô. Kiên quyết đến mấy, với bao nhiêu đòn roi đau đớn vậy, cuối cùng cô gái nhỏ buộc phải chấp nhận trở thành vợ một người đàn ông xa lạ.

Nguyên kể, chồng cô tốt lắm, rất dịu dàng và ngọt ngào với cô. Tuy nhiên, chưa một giờ phút nào cô nguôi ngoai nỗi nhớ nhà.

"Em muốn về nhà vô cùng. Em đồng ý cưới anh ta nhưng em không thể nào ở bên một người đàn ông mà em chẳng có chút cảm xúc gì".

Khi bà mẹ chồng nhận thấy rằng cô con dâu Việt không hề có thiện chí xây dựng cuộc hôn nhân với con bà, cả gia đình bà quyết định trả Nguyên về cho bọn buôn người. Tưởng rằng thế là Nguyên đã thoát rồi. Nhưng không, cô gái nhỏ lại bị cưỡng ép vào một cuộc hôn nhân thứ hai.

Mái ấm dành cho những mảnh đời vương vất

Diệp Vương là người khởi xướng nên Pacific Links, một tổ chức đấu tranh chống lại nạn buôn người. Tổ chức này có trung tâm cứu trợ đặt ở tỉnh Lào Cai làm nơi tập trung, phục hồi, cũng là một gia đình ấm áp dành cho những cô gái không may trở thành nạn nhân của bọn buôn người, những cô gái may mắn được cứu thoát nhưng không may mắn được trở về với gia đình.

Tại trung tâm này, phụ nữ được học nấu ăn, học may, học khâu vá, được cùng nhau chăm sóc vườn tược, học hành, trau dồi tri thức. Mỗi cô sẽ ở lại trung tâm trong 2-3 năm cùng với nhiều cô gái có cùng hoàn cảnh khác, tìm cách vượt qua số phận, tự tìm việc làm nuôi sống bản thân.

Truyền thông Mỹ lên tiếng về nạn buôn người ở biên giới Việt - Trung - Ảnh 4.

 Bên trong khu tập trung của tổ chức Pacific Links.

Không chỉ là nơi che chở, phục hồi dành cho phụ nữ, Pacific Links còn có nhiệm vụ phổ biến với cộng đồng về nạn buôn người, đồng thời ngăn chặn nguy cơ các cô gái khác trở thành nạn nhân bị bán sang biên giới.

Theo Diệp, cứ mỗi tháng chợ phiên Bắc Hà lại họp, nơi đây là đầu mối buôn bán các mặt hàng thực phẩm, vải vóc, thiết yếu phẩm lớn nhất vùng cao miền Bắc. Nhân dịp này một nhóm các cô gái từng là nạn nhân buôn người sẽ đến phiên chợ, đứng trên sân khấu bắt đầu tương tác với các khách mua hàng.

Các cô nói về trải nghiệm của chính bản thân khi bị biến thành món hàng bán sang biên giới, trả lời các câu hỏi mà khán giả đặt ra, chơi trò chơi cùng với đám đông, tạo liên kết thân thiện. Đến lúc các cô kêu gọi người dân chia sẻ chính ý kiến của họ về vấn nạn buôn người, đã có tới 20 người mạnh dạn mở lòng, nói ra suy nghĩ cũng như kể lại câu chuyện của chính mình.

Vũ khí sắc bén nhất để chống lại bọn buôn người, chung quy cũng chỉ là nhận thức tốt mà thôi.

Đường trở về

Với sự giúp đỡ đến từ các cơ quan chức năng Trung Quốc, cảnh sát Việt Nam đã nhiều lần thành công giải cứu các cô gái bị bán sáng nước bạn. Theo ông Nguyễn Tường Long, trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội Lào Cai cho biết trong năm vừa rồi cục đã giải cứu được 109 trường hợp người Việt bị bán sang biên giới.

"Nhờ vào sự phối hợp giữa cảnh sát Việt Nam cùng cảnh sát Trung Quốc, chúng tôi đã phát hiện và bắt giữ được các đường dây buôn người. Có cô bị bán sang vùng sâu vùng xa Trung Quốc, có cô bị bán vào động chứa làm gái mại dâm", ông Long chia sẻ.

Truyền thông Mỹ lên tiếng về nạn buôn người ở biên giới Việt - Trung - Ảnh 5.

 Các cô gái vùng cao thường bị lừa bán sang Trung Quốc làm cô dâu, tệ hơn là làm gái bán dâm.

Đó là một số cô gái may mắn được chính quyền cứu vớt. Các cô gái khác thì phải tự thân tìm đường cứu lấy chính mình. Một số cô gái kể lại rằng các cô hoàn toàn có thể liên lạc được với gia đình, tuy nhiên không thể nhờ cậy đến sự giúp đỡ của cảnh sát, bởi lẽ chính các cô còn không rõ được mình đang ở nơi nào.

Như trường hợp của Lan và Nguyên, cả hai đều bị bán đến cùng một thị trấn ở Trung Quốc. Sau 2 năm, họ tìm cách trốn thoát, sau đó bắt taxi tới trạm cảnh sát địa phương. Trong thời gian chạy trốn, các cô cứ nơm nớp lo sợ mình sẽ bị gia đình nhà chồng phát hiện bắt về. Qua điều tra, cuối cùng cảnh sát Trung Quốc đã trao trả hai cô về với gia đình ở Việt Nam.

Tuy rằng Lan và Nguyên đã tìm lại được tự do cho chính mình nhưng cái giá phải trả là rất lớn. Cả hai đều phải bỏ lại con mình ở đất khách quê người.

Mong ước của Lan chỉ đơn giản là được gặp lại con, được nói với con một lời xin lỗi vì đã một mình chạy trốn.

"Em chỉ mong con bé sẽ có một cuộc sống tốt hơn mà thôi", Lan chia sẻ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày