Trường tiểu học khuyến khích giáo viên, học sinh không dùng nilon để bọc sách vở vì môi trường

Đình Tuệ, Theo PL&XH 22:53 29/07/2019

Trong thông điệp mới nhất được trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) gửi tới các bậc phụ huynh, nhà trường đang kêu gọi các giáo viên và học sinh không dùng túi nilon để bọc sách vở nhằm góp phần chung tay bảo vệ môi trường.

Hướng tới một năm học mới không có rác thải nhựa, không bóng bay

Trao đổi với chúng tôi chiều 29-7, thầy giáo Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Quý Đôn cho biết, tin nhắn mà phụ huynh đã nhận được là của trường tiểu học Lê Quý Đôn (vẫn thuộc hệ thống của trường).

Trường tiểu học khuyến khích giáo viên, học sinh không dùng nilon để bọc sách vở vì môi trường - Ảnh 1.

Thầy giáo Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội). (Ảnh: Đình Tuệ)

Theo đó, toàn bộ gần 90 cán bộ giáo viên, nhân viên của nhà trường đều học tập trước đã. Sau đó mới lan tỏa và kêu gọi tới các bậc phụ huynh và học sinh của trường về không sử dụng rác thải nhựa. Các thầy cô phải thực hiện nghiêm túc việc không sử dụng túi nilon và các chai lọ nhựa dùng một lần.“Trường chúng tôi đã có ý tưởng về việc không sử dụng rác thải nhựa và chung tay bảo vệ môi trường từ năm học trước. Sang năm học 2019 – 2020 này, trường đang tích cực xây dựng kế hoạch cụ thể để hiện thực hóa ý tưởng này.

Sau đó, nhà trường sẽ vận động khoảng 1.050 học sinh của toàn trường khi đi học nên mang theo bình đựng nước bằng inox hoặc bằng nhựa sử dụng lâu dài. Nếu các em mua đồ uống thì nên mang những bình đựng nước đó đến chứ không sử dụng rác thải nhựa dùng một lần”, thầy Nguyễn Quốc Bình cho biết.

Theo thầy Bình, nếu có sự đồng lòng, chung tay từ nhiều trường sẽ tạo nên sự thay đổi rất lớn từ việc không sử dụng rác thải nhựa dùng một lần. Từ học sinh sẽ tác động lên ý thức của người lớn trong từng gia đình, sau đó sẽ lan tỏa tới ngoài xã hội. Nếu hàng chục triệu học sinh, sinh viên làm được thì tác động của nó sẽ rất lớn.

Chúng ta hãy bắt đầu từ các trường học. Giới trẻ hiện nay đang lạm dụng đồ nhựa dùng một lần đang là thực trạng khá phổ biến. Nhiều em học sinh vẫn dùng nilon để bọc sách vở của mình.

Trong năm học tới đây, nhà trường sẽ gửi một thông điệp tới các em học sinh và phụ huynh về bảo vệ môi trường cũng như không sử dụng rác thải nhựa. Kế hoạch cần được chuẩn bị dài hơi, kiên trì và từng bước một. Mình không thể ngay một lúc mà có thể tạo ra sự thay đổi ngay lập tức được.

“Trường sẽ triển khai sâu rộng hơn vấn đề này chứ không hẳn liên quan tới câu chuyện một cô bé ở trường Marie Curie viết tâm thư kêu gọi các trường không thả bóng bay trong lễ khai giảng.

Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân tôi đánh giá bức thư của cô bé học trò lớp 5 mang rất nhiều ý nghĩa, nhất là giáo dục ý thức trách nhiệm của giới trẻ ngày nay với vấn đề môi trường. Điều này tác động rất lớn tới người lớn chúng ta.

Trong lễ khai giảng, chúng tôi sẽ không sử dụng bóng bay để chào đón năm học mới như những năm trước. Vận động học sinh, giáo viên không dùng những chai nhựa, vật liệu bằng nhựa để đựng đồ uống. Học sinh không dùng nilon để bọc sách vở mà nên bọc bằng giấy, có dán nhãn vở. Kiên trì thực hiện qua nhiều năm thì tôi tin rằng, hiệu quả sẽ là rất tích cực”, thầy Bình chia sẻ thêm.

Hạn chế rác thải nhựa là mục tiêu hàng đầu

Còn theo lãnh đạo Trường Phổ thông Olympia (Hà Nội), phát triển bền vững – hạn chế sử dụng rác thải nhựa là mục tiêu, nhiệm vụ mà trường theo đuổi từ lâu với nhiều hoạt động thiết thực.

Trường tiểu học khuyến khích giáo viên, học sinh không dùng nilon để bọc sách vở vì môi trường - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. (Internet)

Nội dung này được đưa vào trong các bài học chính khóa và ngoại khóa, trước hết là giáo dục về ý thức và trách nhiệm của mỗi học sinh đối với môi trường, khuyến khích các em có những ý tưởng sáng tạo để bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng rác thải nhựa thông qua các hoạt động, sự kiện nhà trường tổ chức như: Đi bộ vì môi trường với khẩu hiệu “Giảm chai nhựa, lựa sống xanh".


Ngoài ra, trường còn có những dự án học tập nổi bật như làm gạch sinh thái ecobrick, một số đồ dùng học tập được sử dụng bằng đồ tái chế từ các sản phẩm từ nhựa, bìa carton…

Tiêu chí “hạn chế rác thải nhựa” được thực hiện triệt để như: Sử dụng bình nước cá nhân, không dùng ống hút nhựa, cốc nhựa, bình nước đóng chai, rác thải được phân loại, những hộp sữa giấy thay bằng những cốc sữa inox, tiêu chí “không để lại dấu vết” được nhắc nhở thường xuyên ngay ở trong trường và ngoài trường.

Trước đó, em Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh lớp 5M2 của trường Marie Curie (Hà Nội) từng gửi một bức thư điện tử gửi tới khoảng 40 trường với thông điệp “không thả bóng bay để bảo vệ môi trường” khiến nhiều người xúc động và suy ngẫm.

Trong thư, Linh dẫn giải mỗi năm khi bắt đầu khai giảng, nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời. Trong khi đó, bóng bay được làm từ cao su tự nhiên, latex, vải nilon... Ruy băng và dây buộc bóng có thể khiến các loài chim và rùa biển bị mắc kẹt và dẫn tới cái chết.

Cô bé nghĩ rằng trường mình có thể đừng thả bóng bay vào hôm khai giảng hoặc hạn chế số lượng bóng bay? Nguyệt Linh muốn gửi thông điệp: Thả bóng bay lên trời: Bay cao ước mơ của các học sinh – Giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển.