Trung Quốc: Hành trình tìm lại cha mẹ đẻ của những bé gái "ngoài kế hoạch"

Hương Cherry, Theo Thời Đại 06:54 20/04/2017

Mặc dù từng bị cha mẹ ruột bỏ rơi, thế nhưng nhiều bé gái "ngoài kế hoạch" tại Trung Quốc vẫn quyết định quay trở về quê hương để tìm lại người đã sinh thành ra mình. Đơn giản là họ chỉ muốn gọi hai tiếng gia đình theo cách trọn vẹn nhất, chỉ bình dị có như thế mà thôi...

Chính quyền Trung Quốc đã chính thức triển khai "chính sách một con" vào năm 1979 nhằm kiểm soát vấn đề dân số đang ngày một gia tăng.

Nhưng với tư tưởng trọng nam khinh nữ, cố gắng sinh con trai để nối dõi tông đường thì thật không có gì ngạc nhiên khi các bé gái thường bị gia đình mình đem cho làm con nuôi, hoặc thậm chí là bỏ rơi ở khu vực kín đáo để tránh bị trách phạt.

Trung Quốc: Hành trình tìm lại cha mẹ đẻ của những bé gái ngoài kế hoạch - Ảnh 1.

Nhiều đứa bé chưa kịp mừng đầy tháng đã phải sống trong cảnh lưu lạc, nếu may mắn hơn thì được người tốt bụng đem về nhà nuôi dưỡng.

Vì lẽ đó mà hàng loạt tổ chức lớn nhỏ trên địa bàn Trung Quốc - nhất là khi "chính sách một con" được hoàn toàn bãi bỏ đã hoạt động một cách rất tích cực nhằm giúp các gia đình bị thất lạc thân nhân có thể về đoàn tụ sau nhiều năm xa cách.

Có lẽ, họ luôn nuôi hy vọng được tìm lại quê hương, tìm lại cha mẹ ruột để hoàn thiện nốt phần quá khứ vẫn còn đang dang dở. Và dưới đây là câu chuyện của ba người phụ nữ cũng nằm trong số đó.

1. Cô Thái Phong Hà: "Việc đoàn tụ giống như một giấc mơ"

Trung Quốc: Hành trình tìm lại cha mẹ đẻ của những bé gái ngoài kế hoạch - Ảnh 2.

Sau hơn 38 năm xa cách, đây là lần đầu tiên cô Thái Phong Hà được đoàn tụ với cha mẹ ruột.

Mặc dù từng bị cha mẹ ruột bỏ rơi ở bên ngoài nhà sinh hoạt cộng đồng xã Nghiêu Thích, thành phố Giang Âm, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc khi mới đầy 25 ngày tuổi, thế nhưng cô Thái Phong Hà vẫn luôn muốn tìm lại những người đã sinh thành ra mình để có thể gọi hai tiếng "gia đình" theo cách trọn vẹn nhất. 

Vậy mà khi ngồi ăn với họ sau hơn 38 năm trời xa cách, cô lại chỉ có thể nghĩ về người cha nuôi lớn tuổi đang sống tại huyện Nãng San cách đó tới hàng trăm cây số.

Cô Thái nói: "Lúc cha mẹ cùng những người ruột thịt mải cười nói vui vẻ, tôi cảm thấy nỗi cô đơn trong tim bỗng dưng lớn dần lên. Ngoài ra, hai phương ngữ bất đồng chính là sự ngăn cách lớn nhất giữa tôi và họ".

Trung Quốc: Hành trình tìm lại cha mẹ đẻ của những bé gái ngoài kế hoạch - Ảnh 3.

Mặc dù cũng được cha mẹ nuôi hết mực yêu thương, thế nhưng cô Thái vẫn luôn mong một ngày có thể được gặp lại cha mẹ ruột của mình.

Lúc cô Thái ra đời, ông Chu Mao Đầu - cha ruột của cô vừa muốn có con trai để nối dõi tông đường, lại vừa muốn giữ công việc tại một nhà máy nhỏ ở địa phương nên đã quyết định bỏ rơi đứa con gái mới sinh để tránh khoản tiền phạt khổng lồ mà gia đình không thể gánh vác nổi.

"Em trai tôi thật may mắn vì được lớn lên trong vòng tay yêu thương của chính cha mẹ ruột. Mặc dù bản thân tôi cũng được cha mẹ nuôi hết mực quan tâm nhưng lại thường bị bạn bè trêu chọc", cô Thái chia sẻ.

Theo thống kê từ chính quyền thành phố Giang Âm, đã có tới 425 trường hợp trẻ em sơ sinh bị bỏ rơi vào đúng thời điểm "chính sách một con" vừa bắt đầu áp dụng, trong đó phần lớn đều là các bé gái.

Trung Quốc: Hành trình tìm lại cha mẹ đẻ của những bé gái ngoài kế hoạch - Ảnh 4.

Cha ruột của cô Thái đã nói lời xin lỗi với con gái mình sau hơn 38 năm xa cách.

Ông Chu đã nói lời xin lỗi với cô con gái nhỏ sau hơn 38 năm trời xa cách. Ông cho biết mình từng khóc rất nhiều sau khi phải bọc cô trong chiếc khăn màu trắng và bỏ lại ở trước cửa nhà sinh hoạt cộng đồng.

Hai ngày sau, cô Thái liền trở về huyện Nãng San nơi mình đang sinh sống để chăm sóc cho người cha nuôi, chồng và hai đứa con trai. Dẫu thường xuyên liên lạc với cha mẹ ruột nhưng theo cô Thái thì cuộc sống của họ gần như chẳng có gì thay đổi.

Cô Thái nhấn mạnh: "Việc được đoàn tụ với cha mẹ ruột giống như một giấc mơ vậy. Còn bây giờ, cuộc sống của tôi vẫn tiếp diễn như thế - chỉ là tôi có thêm vài người họ hàng mới mà thôi".

2. Cô Lưu Xuân Hồng: "Tôi chưa bao giờ được cảm nhận đầy đủ tình yêu thương từ một người cha"

Trung Quốc: Hành trình tìm lại cha mẹ đẻ của những bé gái ngoài kế hoạch - Ảnh 5.

Cô Lưu chưa bao giờ được cảm nhận đầy đủ tình yêu thương từ một người cha.

Năm 1979, cha của cô là ông Vương Hành đã có hai con gái và cũng đảm nhiệm công việc quản lý tại một nhà máy nhỏ trong vùng.

Đối mặt với khoản tiền phạt lũy tiến khổng lồ cùng nguy cơ bị đuổi việc, ông Vương không còn cách nào khác là phải nhờ chị mình đem vứt đứa con gái mới sinh ở ngoài một nhà máy sản xuất tại thành phố Thấm Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Ông Vương chia sẻ: "Do quá dằn vặt, tôi quyết định chạy đi tìm con bé và đón nó về nhà. Nhưng đến nơi thì nó đã được ai đó đem đi rồi".

Trung Quốc: Hành trình tìm lại cha mẹ đẻ của những bé gái ngoài kế hoạch - Ảnh 6.

Cô từng được một người phụ nữ không có chồng con nhận nuôi.

Cô Lưu được nhận nuôi bởi bà Tôn Tiên, khi đó là một người phụ nữ 40 tuổi không có chồng con. Một thời gian sau, bà Tôn chuyển tới sống tại tỉnh Sơn Đông cách thành phố Thấm Dương hơn 500 cây số và đã "góp gạo thổi cơm chung" với nhiều người đàn ông khác nhau.

"Trong suốt quãng thời gian thơ ấu, tôi đã gọi ít nhất 3 người là cha nhưng chưa bao giờ nhận được tình phụ tử thực sự", cô Lưu nói.

Mặc dù bà Tôn chưa bao giờ đề cập tới xuất thân của cô Lưu, song cô vẫn cảm thấy rất buồn khi bị những đứa trẻ cùng trang lứa khác thường xuyên trêu chọc. Điều này đã để lại một vết thương rỉ máu và khiến cô căm hận cha mẹ ruột gấp trăm ngàn lần.

Trung Quốc: Hành trình tìm lại cha mẹ đẻ của những bé gái ngoài kế hoạch - Ảnh 7.

Giây phút đoàn tụ của cô Lưu và gia đình thực sự.

Sau khi bà Tôn qua đời vào năm 2004, cô Lưu lập gia đình và sinh cho chồng những đứa con kháu khỉnh. Chính việc được làm mẹ đã khiến nỗi căm hận trong cô dần nguôi ngoai hơn nhiều, vì cô hiểu chưa một đấng sinh thành nào lại có thể dễ dàng vứt bỏ đứa con ruột mà không có lý do.

Nhất là tới năm 2009 – lúc chồng cô Lưu bị bỏ tù một tháng vì tội sinh con ngoài kế hoạch thì cô càng thấm thía những khó khăn mà cha mẹ ruột có thể phải đối mặt trước khi đưa ra quyết định bỏ rơi đứa con gái mới sinh.

"Cuối cùng tôi đã tìm lại được cha mẹ mình vào năm 2016. Họ lặn lội hơn 500 cây số tới tỉnh Sơn Đông để viếng mộ mẹ nuôi và cảm ơn bà ấy vì đã thay mình dạy dỗ tôi trưởng thành", cô Lưu chia sẻ.

Sau đó, vợ ông Vương cũng quyết định ở lại giúp đỡ gia đình của con gái nhằm bù đắp cho những lỗi lầm mà mình từng gây ra.

3. Cô Trần Khai Tĩnh: "Được gặp lại cha mẹ ruột sẽ là thời khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi"

Trung Quốc: Hành trình tìm lại cha mẹ đẻ của những bé gái ngoài kế hoạch - Ảnh 8.

Được gặp lại cha mẹ ruột sẽ là thời khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời cô Trần.

Đối với cô Trần Khai Tĩnh, quá khứ của bản thân vẫn luôn là một ẩn số chưa có lời giải đáp. Năm 1982, cô được một người đàn ông độc thân nhận nuôi từ Viện bảo trợ xã hội tại thành phố Giang Âm.

"Cha không lập gia đình, vì vậy tôi đã được một bà dì trong nhà chăm sóc giống như con của mình", cô Trần nói.

Dẫu được lớn lên trong tình yêu thương của cha và dì nuôi nhưng tuổi thơ của cô Trần vẫn quá đỗi khó khăn. Do luôn phải đối mặt với sự trêu chọc từ bạn bè xung quanh, cô quyết định bỏ học vào năm 10 tuổi và ở nhà phụ giúp các công việc nội trợ.

Trung Quốc: Hành trình tìm lại cha mẹ đẻ của những bé gái ngoài kế hoạch - Ảnh 9.

Cô Trần không hề biết mình đến từ đâu vì giấy tờ hầu như đã bị thất lạc hết.

Sau khi kết hôn, cô Trần sinh con gái thứ hai vào năm 2008 và được một số người họ hàng nhà chồng khuyên nên đem bỏ đi để có cơ hội thử thêm lần nữa, kiếm lấy thằng con trai nhằm nối dõi tông đường. Nhưng cô Trần đã thẳng thừng từ chối.

"Tôi từng bị bỏ rơi và chưa thể biết mình được tới từ đâu. Tôi không muốn con gái cũng phải chịu điều đó", cô Trần khẳng định.

Năm 2009, cô Trần lại tiếp tục mang thai một bé trai tiếp theo. Và để tránh khoản tiền phạt khổng lồ nên cô buộc phải đem đứa con gái bé bỏng tới một thành phố khác và sinh con tại đó.  

Trung Quốc: Hành trình tìm lại cha mẹ đẻ của những bé gái ngoài kế hoạch - Ảnh 10.

Cô Trần luôn hy vọng có thể được gặp lại cha mẹ ruột vào một ngày nào đó.

Sau khi cha nuôi qua đời vào năm 2014, cô Trần mới bắt đầu cuộc hành trình tìm lại đấng sinh thành với một vài nguồn thông tin ít ỏi mà mình thu thập được. Cô cũng từng tham gia vào rất nhiều hội tìm kiếm thân nhân bị thất lạc nhưng vẫn chưa nhận lại kết quả khả quan nào.

Hiện cô đã gửi dữ liệu DNA của mình lên một ngân hàng số lưu trữ thông tin đối chiếu và thầm mong cha mẹ ruột cũng làm điều tương tự.