Trong cửa hàng Arket có gì mà H&M tự tin rằng nó sẽ "phá đảo" thị trường bán lẻ hiện tại?

Đại Ngọc, Theo Vogue 00:00 07/06/2017

Đầu tiên, phải kể đến Arket là cửa hàng thời trang đầu tiên có tích hợp... quán café, lại còn là quán có thực đơn đồ ăn chay tinh tế và sáng tạo!

Vogue nghĩ gì về Arket - "đứa con" thứ 11 của H&M?

Thật sự rất ổn! Bởi, Arket đã được nhào nặn nên từ hai gạch đầu dòng: Định hướng dựa trên nhu cầu, lối sống thực tế của khách hàng để đưa ra những lựa chọn thiết thực ngay từ ban đầu thay vì hoàn thiện rồi sửa tới sửa lui. Trước khi khai trương flagship store đầu tiên tại London vào cuối tháng 8 này, đội ngũ đứng sau Arket đã đầu tư tâm sức suốt từ tháng 1 năm 2015 nhằm toàn vẹn từng chi tiết nhỏ nhặt, với hy vọng Arket sẽ trở thành cái tên thay đổi thế trận giữa các thương hiệu thời trang đường phố.

Trong cửa hàng Arket có gì mà H&M tự tin rằng nó sẽ phá đảo thị trường bán lẻ hiện tại? - Ảnh 1.

"Chúng tôi thực hiện chuyến đầu tiên đến London vào tháng 1 năm 2015, nhằm nghiên cứu và cố gắng hình dung xem thị trường nơi đây ra sao, những gì chúng tôi đang thiếu sót, hay phô diễn những yếu tố mới lạ này ra sao", Ulrika Bernhardtz - Giám đốc sáng tạo của Arket chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Vogue, "Chúng tôi nhận thức rõ sự mệt mỏi mà thời trang bán lẻ đang mang đến cho khách hàng - một đống các thương hiệu cố gắng bắt chước lẫn nhau mà không có gì thực sự nổi bật. Chỉ biết rằng H&M và Zara vẫn đang dẫn đầu và đám còn lại thì chen chúc nhau ở cùng một điểm."

Với những ai mới nghe đến cái tên Arket lần đầu thì đây là ý niệm nguyên thủy đã tạo nên Arket: "Một thị trường hiện đại với mục đích dân chủ hóa chất lượng các sản phẩm thông qua chuỗi yếu tố như: bền, được sử dụng rộng rãi, mang tính ứng dụng cao và dễ được yêu thích trong một thời gian dài".

Trong cửa hàng Arket có gì mà H&M tự tin rằng nó sẽ phá đảo thị trường bán lẻ hiện tại? - Ảnh 2.

Mục tiêu tối thượng của Arket là giúp cuộc sống của khách hàng trở nên dễ dàng hơn bằng cách tạo nên một số công cụ hỗ trợ, bên cạnh đó thách thức các khái niệm chung chung về trải nghiệm mua sắm. Vốn là một gương mặt kỳ cựu của H&M với 23 năm kinh nghiệm, Bernhardtz đã từng tham gia vào mọi hoạt động triển khai của công ty, đủ khả năng để thách thức các định mức. Một trong những bài toán khó mà bà phải giải quyết là việc khẳng định vị thế của cửa hàng đầu tiên - viên gạch khởi điểm cho tất cả.

"Chúng tôi băn khoăn về vai trò của các cửa hàng trong thời đại ngày nay. Yếu tố này đang thay đổi, cần được bổ sung thêm một cái gì đó chứ không chỉ là một chốn giao dịch thông thường. Nếu chỉ mua bán thì cũng chẳng khác các cửa hàng online. Bạn cần mang đến một yếu tố mới nhằm hấp dẫn khách hàng."

Để cảm nhận sự khác biệt, bạn cần phải tự mình bước vào Arket café - nơi hội tụ đầy đủ nhất các "triết lý của Arket": tinh giản nhưng ẩn đầy ý niệm đúng kiểu Bắc Âu, với thiết kế tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ nhặt, sử dụng những nguyên liệu chất lượng, hướng tới lối sống khỏe mạnh , Bernhardtz cùng CEO Karl-Johan Persson hy vọng rằng chốn này sẽ tạo nên bầu không khí ấm áp và những rung cảm mà họ muốn khách hàng cảm nhận từ thương hiệu.

Trong cửa hàng Arket có gì mà H&M tự tin rằng nó sẽ phá đảo thị trường bán lẻ hiện tại? - Ảnh 3.

"Chúng tôi nhận thấy ngành công nghiệp thực phẩm ở London bao hàm nhiều yếu tố chứ không chỉ xoay quanh ẩm thực", Bernhardtz tiếp tục. Bà giải thích rằng các quán ăn trong cửa hàng Arket sẽ liên kết với những tiệm bánh hay trái cây tại địa phương để tạo nên một thực đơn chay có nguồn gốc từ sự sáng tạo và tươi mát của ẩm thực Bắc Âu, đồng thời khẳng định rằng kết quả mà họ có được chắc chắn sẽ hài lòng khách hàng: đồ ăn ngon, cà phê tuyệt vời, luôn sẵn sàng để phục vụ take-away cho các khách hàng của Arket. Để bổ trợ cho mảng miếng này, Arket còn cung cấp thêm đồ gia dụng, điển hình như những bộ đồ ăn take-away với thiết kế mang âm hưởng Scandinavia.

Quay trở lại với yếu tố then chốt nhất - quần áo. Arket có cửa hàng đầu tiên đi ngược với logic thường thấy: đồ nam ở ngay tầng trệt trong khi đồ nữ ở trên tầng một. Thương hiệu mới này tự tin rằng họ sẽ thu hút các khách hàng ưa chuộng phong cách cổ điển với các kiểu quần may đo, áo nịt cashmere, áo sơmi mang phong cách thập niên 50... và điểm thu hút nhất là họa tiết theo mùa. Đại khái, những sản phẩm thời trang cơ bản sẽ liên tục lên kệ với các chỉnh sửa theo từng mùa. Đây chính là mục đích tối thượng của Bernhardtz: tạo nên những bộ đồng phục lý tưởng cho thời trang thường ngày.

Trong cửa hàng Arket có gì mà H&M tự tin rằng nó sẽ phá đảo thị trường bán lẻ hiện tại? - Ảnh 4.

Tiếp đến là chất lượng vải. Arket đang thừa hưởng một kết cấu mà Bernhardtz gọi là xu thế "hợp tác hiện đại" với các dây chuyền sản xuất và nhà cung cấp, nhằm tạo ra các loại vải hữu cơ khá bền như sợi tái chế, cashmere tái chế, merino tái chế, bông hữu cơ... Tối ưu nhất hiện nay là dự án vải Merino, được tạo nên từ kỹ thuật đan ứng dụng các công thức toán học để tạo nên các kết hợp khác nhau với trọng lượng từ 12 đến 16 gauge (thông số chỉ độ dày của vải), dự kiến sẽ được sản xuất vào các thời điểm khác nhau trong năm tới dựa trên thích ứng về nhiệt độ.

Không thể không kể đến hệ thống kiểm soát thông minh như đã đề cập ở trên. Mỗi kiểu sản phẩm sẽ được đánh mã số nhằm giúp khách hàng tìm kiếm cùng một phong cách trên nhiều chất liệu và ngược lại. Mỗi mã được cấu thành từ bộ phận, chủng loại, sản phẩm, chất liệu... Về cơ bản là nếu bạn thích một món sản phẩm nhưng muốn nó với màu hoặc loại vải khác, bạn có thể tìm thấy nó theo hạng mục từ mùa này sang mùa khác chẳng hạn. Công cụ này biến việc mua sắm trở nên dễ thở hơn. Theo như Lars Axelsson - Giám đốc điều hành thì: "Chúng tôi muốn mọi người đến cửa hàng để thư giãn thay vì áp lực. Khách hàng đang sử dụng nhiều các ứng dụng mua sắm trên điện thoại. Với Arket, họ chỉ cần bấm mã số vào là xong phần mua sắm."

Trong cửa hàng Arket có gì mà H&M tự tin rằng nó sẽ phá đảo thị trường bán lẻ hiện tại? - Ảnh 5.

Để tạo nên sự hoàn hảo cho cửa hàng, Arket còn tích hợp thêm nhiều thương hiệu khác như Adidas, Trickers, Clarks, Littala, Kitpas, Phaidon, Peugeot... con số này lên đến 20 tên tuổi. Mỗi thương hiệu đáp ứng một phần khác nhau của nhu cầu, từ áo quần cho đến phong cách sống. Xét đến giá cả thì Arket đang có mức khoảng €5 (gần 130 ngàn) cho một đôi vớ và €300 (7,6 triệu đồng) cho áo khoác. Có thể nhận định, mức giá rẻ không phải là mục tiêu mà Arket hướng tới.

"Rẻ không phải là mục tiêu của chúng tôi", bà khẳng định, "Thay vào đó, mục tiêu thường trực của chúng tôi là tạo nên chất lượng tốt nhất với giá thành tương ứng đi kèm. Chúng tôi có phạm vi mức giá khá ổn và tôi tin rằng khách hàng sẽ hiểu được điều đó". Ngoài ra, bà còn tiết lộ rằng một số dự án vải đã giúp Arket tạo nên những sản phẩm tuyệt vời với giá cả cạnh tranh, đáp ứng các mục tiêu kinh tế cũng như duy trì sự bền vững của doanh nghiệp.

Trong cửa hàng Arket có gì mà H&M tự tin rằng nó sẽ phá đảo thị trường bán lẻ hiện tại? - Ảnh 6.

"Tôi nghĩ mình có thể nói rằng Arket rất thuyết phục", Bernhardtz mỉm cười khi nhớ lại mọi dấu mốc ban đầu của Arket, "Những bộ sưu tập, nhận diện thương hiệu... đã tạo thành một thể thống nhất. Tôi cảm thấy hạnh phúc với những gì Arket đang có trong hiện tại. Tất nhiên thách thức mới đang kéo đến khi chúng tôi mở cửa hàng, nhưng mọi thứ vẫn trong tầm tay. Còn rất nhiều thách thức phía trước nhưng vẫn quá tốt khi thấy mọi thứ hiện hữu cùng nhau như hiện tại. Tôi chưa bao giờ được làm việc với một đội ngũ tuyệt vời như tại Arket. Chúng tôi đã tạo nên một cuộc hành trình đáng nhớ."

Nguồn: Vogue UK