Tròn 10 năm kể từ chuyến xuất ngoại đầu tiên đi châu Phi của Công Phượng: Người dũng cảm mở đường, dù chưa thấy lối đi

GN, Theo Trí Thức Trẻ 08:50 28/12/2019

Công Phượng là một tài năng đặc biệt của bóng đá Việt Nam, đó là điều không thể bàn cãi. Tuy nhiên, tiền đạo sinh năm 1995 vẫn chưa thể để lại nhiều dấu ấn trong những lần ra nước ngoài thi đấu của mình. Nhưng đừng vì thế mà bi quan, “thế gian vốn làm gì có đường? Người ta đi mãi thì thành đường thôi”.

1. Chuyến xuất ngoại đầu tiên cùng người bạn thân Nguyễn Tuấn Anh

Sau 3 năm tập luyện tại học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG, chiều 29/5/2010, 2 cầu thủ Nguyễn Công Phượng và Nguyễn Tuấn Anh cùng trợ lý phiên dịch Nguyễn Đức Bảo chính thức lên đường sang tập huấn tại học viện bóng đá Mali ở châu Phi. Khi ấy, bộ đôi này được đánh giá là 2 học viên xuất sắc nhất của học viện HAGL.

Tại Mali, Công Phượng và Tuấn Anh tập luyện, thi đấu chung với 10 cầu thủ xuất sắc khác đến từ khắp thế giới do CLB Arsenal và cựu tuyển thủ quốc gia Pháp Jean Marc Guillou tuyển chọn. Thời gian tập huấn kéo dài trong vòng 15 ngày. Đây được coi là chuyến xuất ngoại chính thức đầu tiên của Công Phượng với tư cách là một cầu thủ trẻ.

2. Đích thân HLV Arsene Wenger lựa chọn, Công Phượng tới Arsenal tập huấn

Ngày 5/12/2012, Công Phượng cùng những người bạn của mình là Tuấn Anh, Đông Triều, và Xuân Trường đã có một chuyến đi vô cùng đặc biệt tới nước Anh. Họ là 4 cái tên được đích thân cựu HLV trưởng CLB Arsenal - Arsene Wenger lựa chọn đưa sang tập huấn trực tiếp tại đội trẻ. Đây là một vinh dự rất lớn và cũng là giấc mơ của rất nhiều cầu thủ trẻ trên khắp thế giới.

Trước đó, các học viên HAGL cũng được tạo điều kiện để sang Anh, Pháp, Bỉ tập luyện, thế nhưng, chuyến đi tới CLB Arsenal vẫn có tính chất đặc biệt hơn cả. Với Công Phượng, đó chắc chắn cũng là một kỷ niệm không thể nào quên. Tại đây, họ được tập luyện trong môi trường chuyên nghiệp hàng đầu thế giới, gặp gỡ những ngôi sao bóng đá của giải Ngoại Hạng Anh bằng xương bằng thịt. Thậm chí, khi ấy, nhiều người đã mơ về viễn cảnh các học viên của HAGL được giữ lại để tập luyện cùng đội trẻ, đáng tiếc rằng điều đó không trở thành sự thật.

3. Bản hợp đồng đầu tiên cùng một đội bóng nước ngoài

Ngày 23/12/2015 Công Phượng và đội Mito Hollyhock (Nhật Bản) ký kết hợp đồng. Tiền đạo sinh năm 1995 tới thi đấu theo dạng cho mượn từ HAGL trong vòng 1 năm. Chuyến xuất ngoại đầu tiên với tư cách cầu thủ chuyên nghiệp của Công Phượng diễn ra không mấy suôn sẻ. Anh gặp chấn thương, không thể thi đấu trong nửa đầu mùa giải ở Nhật Bản, để rồi sau đó trở về Việt Nam không kèn không trống.

Công Phượng được thi đấu 5 trận nhưng có tới 4 lần ra sân từ băng ghế dự bị. Thực tế, cầu thủ này chỉ được chơi 80 phút trong suốt một năm khoác áo Mito Hollyhock. Hình ảnh được bàn tán nhiều nhất của Công Phượng không phải ở trên sân bóng mà lại là khi anh phát tờ rơi mời khán giả tới sân cổ vũ đội nhà ở ga tàu điện ngầm, điều mà cầu thủ nào của CLB cũng phải làm. Nhưng với các fan Việt, đó là một điểm nhấn để bôi bác mỗi khi nhắc về Công Phượng.

4. Công Phượng tới Hàn Quốc thi đấu cho Incheon United

Tháng 2 năm 2019, Nguyễn Công Phượng ký hợp đồng thi đấu một năm với đội bóng Hàn Quốc Incheon United. Anh được trao khá nhiều cơ hội khi thi đấu 352 phút trong quãng thời gian 4 tháng tại đây, tuy nhiên, dấu ấn của Công Phượng để lại gần như là con số 0. Thành tích của đội bóng liên tục đi xuống, cùng với sự thay đổi trên băng ghế huấn luyện đã khiến mối lương duyên giữa Công Phượng và Hàn Quốc kết thúc sớm.

Tròn 10 năm kể từ chuyến xuất ngoại đầu tiên đi châu Phi của Công Phượng: Người dũng cảm mở đường, dù chưa thấy lối đi - Ảnh 3.

Công Phượng không thành công trong màu áo Incheon United. Ảnh: Phạm Huyền

5. 6 tháng đầy chán nản tại Bỉ

Tháng 7/2019, Công Phượng đến Bỉ đầu quân cho Sint Truidense V.V (STVV). Khi ấy, giới chuyên môn cũng như NHM đã bày tỏ rất nhiều sự nghi ngờ về khả năng thành công của bản hợp đồng này. Một cầu thủ vừa thất bại ở Hàn Quốc lại tới châu Âu, nơi có nền bóng đá phát triển nhất thế giới để thi đấu, liệu có cơ sở nào để anh ta thành công? Bầu Đức thì gọi Công Phượng là người mở được cho bóng đá Việt Nam, và khẳng định không sợ thất bại.

Như dự đoán của nhiều người, 6 tháng tại Bỉ đã trôi qua một cách vô cùng nặng nề với Công Phượng. Anh chỉ được ra sân 20 phút cho đội một. Giống như tại Incheon United, thành tích của STVV ở nửa đầu mùa giải cũng rất tệ, kéo theo đó là sự ra đi của HLV trưởng Marc Brys khiến Công Phượng không có cơ hội để thi đấu.

Tròn 10 năm kể từ chuyến xuất ngoại đầu tiên đi châu Phi của Công Phượng: Người dũng cảm mở đường, dù chưa thấy lối đi - Ảnh 4.

Công Phượng được đánh giá là không đủ khả năng để thi đấu tại Bỉ.

Vừa qua, Công Phượng đã quyết định trở về Việt Nam đầu quân cho TP.HCM. Đây có lẽ là một bến đỗ phù hợp với cầu thủ này. Được thi đấu cùng nhiều đồng đội kinh nghiệm và chất lượng, cơ hội để Công Phượng giành chức vô địch ở cấp CLB đầu tiên trong sự nghiệp là rất sáng sủa ở mùa giải 2020.

Như vậy, hành trình xuất ngoại của Công Phượng đã phải tạm dừng ở cuối mùa giải 2019. Công Phượng chưa thể mở ra một hướng đi đúng đắn cho chính bản thân mình cũng như các cầu thủ đang muốn xuất ngoại khác của Việt Nam. Tuy nhiên, những bài học và kinh nghiệm và anh có được chắc chắn không phải là vô nghĩa. Hy vọng rằng, Công Phượng sẽ thi đấu thật tốt ở mùa giải 2020, tìm lại chính mình và gặt hái được nhiều thành công. Như Lỗ Tấn từng nói "trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi".

Tròn 10 năm kể từ chuyến xuất ngoại đầu tiên đi châu Phi của Công Phượng: Người dũng cảm mở đường, dù chưa thấy lối đi - Ảnh 5.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày