Trẻ em thế giới được dạy dỗ các vấn đề thời sự như thế nào?

Lương Hồng Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 16:41 09/05/2016

Tại nhiều quốc gia, lũ trẻ không chỉ biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan, chúng vẫn biết những gì đang xảy ra xung quanh, người dân thế nào, hàng xóm ra sao, quốc gia nào đang gặp nạn.

"Thời sự".

Đây là một từ hơi nặng nề và to lớn, đi cùng nó là hàng loạt những vấn đề như an sinh xã hội, pháp luật, chính trị - và nhiều nữa những đề tài nghe qua có vẻ không phù hợp với trẻ con.

Thế nhưng tại nhiều quốc gia, lũ trẻ không chỉ biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan, chúng vẫn biết những gì đang xảy ra xung quanh, người dân thế nào, hàng xóm ra sao, quốc gia nào đang gặp nạn.

Người ta coi thời sự, an sinh xã hội là một phần của cuộc sống, và trẻ em có quyền và nghĩa vụ nên được biết đến những gì đang xảy ra xung quanh mình.

Nhật là quốc gia biểu tượng về nền giáo dục trên thế giới. Xứ sở hoa anh đào quan tâm đến những công dân tương lai của đất nước ngay từ ở tuổi chập chững bập bẹ bi bô. 

Trường học ở Nhật, luôn được sắp đặt những hoạt động giáo dục về xã hội, thời sự cho con trẻ. Từng sinh hoạt nhỏ ở trường đều có ý nghĩa sâu xa nhằm phát triển nhân cách cũng như kiến thức cho mầm non đất nước.

Trẻ em thế giới được dạy dỗ các vấn đề thời sự như thế nào? - Ảnh 1.

 Trẻ em Nhật kêu gọi quyên góp cho nạn nhân động đất Kumamoto ở ga Musashi Kosugi.

Những em bé làm từ thiện trên đường phố Nhật

Không khó để bắt gặp những hình ảnh học sinh tiểu học ở đất nước này hô hào gây quỹ ủng hộ nạn nhân thiên tai động đất, sóng thần, kể cả trong hay ngoài nước.

Đơn cử thôi, trên mạng xã hội chỉ mới mấy hôm trước người ta chia sẻ tấm hình một đám trẻ con Nhật đội nắng, đứng dàn hàng giữa trời nắng ngoài ga Musashi Kosugi, tay bưng thùng quyên góp, miệng liên tục hô to thông điệp kêu gọi quyên góp ủng hộ cho nạn nhân vụ động đất kép ở Kumamoto.

"Chúng tôi đứng đây với trái tim và nhiệt huyết để vận động cho người dân vùng Kumamoto, xin nhờ mọi người giúp đỡ", bọn trẻ hô hào thế đấy. 

Cha mẹ Nhật dường như không xót con thì phải, để chúng đội nắng đội gió, hô hào khản tiếng ngoài đường thế kia nhỡ ốm vật ra đấy thì sao? Người lớn còn chưa chắc đã chịu nổi, nữa là trẻ con.

Nhưng mà không. Người ta có hai sự lựa chọn. Một là ấp con trong mái nhà, tránh xa đủ mọi thứ nắng mưa gió giật, lớn lên trong nhung lụa và bao bọc.

Hai, để cho con trẻ tiếp xúc, cảm nhận thế giới quan xung quanh từ khi còn nhỏ. Da sạm một chút không sao, trầy xước tí cũng được, sau này kiến thức trải đủ mọi vấn đề là quan trọng nhất. Bởi thế, họ không ngại để con nghịch vũng nước mưa, và cũng không ngại cho con tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện ngay từ khi còn bé. 

Cũng bởi thế, người Nhật sau này đều có hiểu biết nhất định về chính quốc gia mình đang sinh sống. Có gì đang xảy ra, đó là những kiến thức căn bản mà họ nắm được, kể cả không quá chú tâm vào mảng văn hoá có phần to tát này.

Mọi đứa trẻ Mỹ đều có cơ hội gặp tổng thống

Mỹ cũng là một quốc gia mà người dân có hiểu biết về quốc gia ở mức khá. Nhiều người Mỹ có thể không biết iPhone 5 và iPhone SE khác nhau ở đâu, nhưng họ biết tiểu sử về Obama, vợ ông là ai, ông có bao nhiêu con, ông từng học ở đâu và ông có chính sách nào.

Đừng nói là vì Obama biết cách xây dựng hình ảnh cộng đồng, mà người Mỹ từ bé cũng đã được giáo dục cách tiếp nhận thông tin thời sự rồi.

Trẻ em thế giới được dạy dỗ các vấn đề thời sự như thế nào? - Ảnh 3.

 Trẻ em Mỹ cũng được tiếp xúc với chính trị từ sớm.

Trẻ em Mỹ biết rất rõ về tuổi 18 của chúng. Bởi đến lúc ấy, chúng sẽ có quyền bầu cử. Thêm nữa, dưới sự dìu dắt của Obama, cũng là vị Tổng thống đặc biệt nhất trong lịch sử quốc gia đa sắc tộc này, học sinh Mỹ được giáo dục về các vấn đề thời sự theo nhiều phương thức dễ tiếp nhận và thú vị hơn đọc báo, xem bản tin hơn rất nhiều.

Vào những dịp lễ trong năm, Nhà Trắng đều cho tổ chức những bữa tiệc trong khuôn viên dành cho các cô cậu học sinh đáng yêu. Toà nhà được coi là đầu não nước Mỹ, khắp nơi dày đặc những tầng bảo vệ an ninh đến nghẹt thở vào mấy dịp đó lại tràn ngập tiếng cười và sự hồn nhiên của lũ trẻ, dù là da đen, da vàng hay da trắng.

Trẻ em thế giới được dạy dỗ các vấn đề thời sự như thế nào? - Ảnh 4.

 Mỗi dịp lễ Tết, vợ chồng tổng thống Obama cùng các nghị sỹ sẽ tiếp đón bọn trẻ đến Nhà Trắng.

Bọn trẻ được các nghị sỹ uy nghiêm kể cho nghe câu chuyện về lịch sử đất nước, chỉ cho chúng biết ai đang đứng đầu toà Bạch Ốc này cũng như quốc gia mình. Kết quả nhãn tiền, ở cuộc chạy đua bầu cử 2020 này, gần như toàn dân nước Mỹ đều quan tâm đến diễn biến từng phút của cuộc đua, trong đó có cả những cô cậu nhóc tuổi chỉ mới 11-12. 

Và "Các chính trị gia 5 tuổi" ở nước Anh 

Trong khi đó, nếu để nói về cách giáo dục trẻ em về chính trị, có lẽ Anh mới là quốc gia có phương pháp dễ thương nhất.

"#GrownUpPolitics" là clip thu hút tới 550.000 lượt xem trên Youtube và Twitter chỉ trong vòng một ngày. Nội dung của clip là "các chính trị gia 5 tuổi" trong bộ âu phục sáng loáng, tạo hình y như các chính trị gia nổi tiếng của đất nước, nói với nhau vài câu ngô nghê bắt chước người lớn.

Trẻ em thế giới được dạy dỗ các vấn đề thời sự như thế nào? - Ảnh 5.

 Clip trẻ em đóng kịch chính trị gây sốt trên mạng thời gian qua.

Bởi vì nó quá đáng yêu, cũng như thông điệp giáo dục chính trị được truyền tải theo cách nhẹ nhàng, dễ tiếp nhận nhất có thể, clip đã tạo được sự quan tâm lớn từ cộng đồng và cả những đứa trẻ khác. 

Trẻ em thế giới được dạy dỗ các vấn đề thời sự như thế nào? - Ảnh 6.

 Nhìn những chính trị gia nhí này, ai mà không yêu cho được.

Bản thân chính trị gia đảng Lao Động Alastair Campbell cũng đã dành nhiều lời khen cho chiến dịch quá đỗi dễ thương này. Chưa bao giờ nước Anh nổi lên cơn sốt chính trị mà người quan tâm lại là những em nhỏ nhiều đến thế. 

Thế đấy, trẻ con hiểu về chính trị, thời sự, cũng tốt chứ sao không?