Trào lưu thời 4.0: Những đứa trẻ chưa kịp lớn đã trở thành ngôi sao mạng xã hội

Du Lam, Theo ICTNews 10:22 27/10/2019

Tại Nga, nhiều đứa trẻ được phụ huynh gửi đến lớp học làm blog khi còn rất nhỏ. Nhờ có các nền tảng như Instagram, TikTok, chúng có thể đổi đời nếu nổi tiếng.

Liza Anokhina mới 11 tuổi khi có người nhận ra em trên phố. Một năm sau, em đã trở thành một trong các blogger nhí nổi tiếng nhất nước Nga và sở hữu 2,4 triệu người theo dõi trên Instagram.

Trong một công viên ở thủ đô Matxcova, nhà sản xuất Ivan Bushmelev đang quay lại cảnh Liza chạy và ăn quả mâm xôi. Với lớp trang điểm dày cộp, cô bé tỏ ra thích thú khi nhìn thấy kết quả. Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần việc trên Instagram, vẫn còn phải quay tiếp cho TikTok.

Trào lưu thời 4.0: Những đứa trẻ chưa kịp lớn đã trở thành ngôi sao mạng xã hội - Ảnh 1.

Liza Anokhina (áo đỏ) chụp cùng người hâm mộ. Ảnh: AFP

Theo hãng nghiên cứu Statista, Nga đang có khoảng 40 triệu người dùng Instagram, chỉ đứng sau Indonesia, Ấn Độ, Brazil và Mỹ. Nền tảng này đặc biệt phổ biến với trẻ em. Instagram và các mạng xã hội khác hình thành thế hệ người có sức ảnh hưởng (influencer) trẻ, dẫn đến lo ngại cha mẹ sẽ lợi dụng con cái để kiếm lợi.

Một nguy cơ khác là khao khát đếm “like” sẽ ảnh hưởng không tốt tới tâm lý của trẻ. Bản thân các công ty đứng sau như YouTube, Instagram đã bắt đầu phản ứng để giảm thiểu tác hại bằng cách ẩn số lượt “like” công khai.

Dù vậy, nhiều bậc phụ huynh Nga vẫn khuyến khích con làm blog, thậm chí còn gửi chúng đến các lớp kỹ năng. Những đứa trẻ ít tuổi thường “đập hộp” đồ chơi, văn phòng phẩm, còn những đứa trẻ lớn hơn như Liza thì đứng trước máy quay và diễn. Chúng kiếm tiền từ quảng cáo và quảng bá sản phẩm.

Liza thừa nhận cô bé dùng điện thoại tới 8 tiếng mỗi ngày. Khi được hỏi về thu nhập của mình thay đổi cuộc sống gia đình ra sao, Liza trả lời một cách chuyên nghiệp: “Nó giúp cuộc sống của cháu tốt hơn nhưng cháu sẽ giữ bí mật về thu nhập”.

Cô chỉ tiết lộ cha của mình từng làm trong quân đội còn mẹ là luật sư. Cô vẫn tiếp tục sáng tạo nội dung ngay cả khi các mạng xã hội chuẩn bị có thay đổi, có thể ảnh hưởng đến các kênh của mình.

Trào lưu thời 4.0: Những đứa trẻ chưa kịp lớn đã trở thành ngôi sao mạng xã hội - Ảnh 2.

Dù mới 12 tuổi, Liza Anokhina đã có hàng triệu người theo dõi trên Instagram. Ảnh: AFP

Để chống lại nạn bắt nạt qua mạng, Instagram đang thử nghiệm ẩn lượt “like” trên các bài đăng. Từ năm 2020, YouTube cũng cấm quảng cáo trong video dành cho trẻ em. Đây sẽ là vấn đề lớn vì các nhà quảng cáo vô cùng quan tâm tới số liệu này.


Theo chuyên gia tâm lý học trẻ em Viktoria Karavayeva, những đứa trẻ làm blogger, cũng giống như các ngôi sao thể thao trong trường học, có thể bị lệ thuộc vào sự nổi tiếng, bao gồm những lượt thích, bình luận hay bàn tán của mọi người. Chúng sẽ chỉ để ý tới phản ứng cũng như sự tiếp nhận của người ngoài và sống xoay quanh nó. Dù đây là tâm lý thường gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên, những đứa trẻ “nhạy cảm với sự so sánh và phán xét” sẽ làm mọi cách để có nhiều lượt thích trên mạng.

Trong một lớp học làm blog tại trường lập trình Coddy, Artyom Shalovey, 11 tuổi, mang trong mình tham vọng lớn. Cậu bé nói luôn chờ tới khoảnh khắc đạt 1 triệu người theo dõi. Cậu dự định làm blog về game máy tính, các trò chơi khăm và chơi xe BMX. Dù vậy, cậu còn phải đi con đường rất dài vì hiện tại mới có 130 người theo dõi. “Với cháu, quan trọng là kiếm được nhiều tiền và có nhiều người theo dõi”.

Tham dự buổi học kéo dài 2 tiếng, bọn trẻ thảo luận nhiều chủ đề, viết kịch bản rồi quay bằng điện thoại. Amela Shabotich, giáo viên 23 tuổi, cho biết cô thích xem blog của học viên phát triển ra sao. Các chủ đề đa dạng, trải rộng từ làm người mẫu tới học tiếng Anh.

Chuyên gia tâm lý Karavayeva nhận xét cha mẹ có xu hướng lo lắng về thời gian con cái bỏ ra trên thiết bị hơn là nội dung mà chúng xem. Điều đó khiến trẻ em nhìn thấy những nội dung gây sợ hãi. Cô gợi ý phụ huynh nên theo dõi các blogger yêu thích của trẻ và thảo luận với con về điều gì làm phiền chúng.

Cô cho rằng hạn chế hay cấm con dùng đồ điện tử không thể chấm dứt nỗi sợ hay giúp họ hiểu con hơn. Cha mẹ nên trò chuyện cùng con cái.