Trào lưu làm MV drama ở Vpop: Chiến lược khôn ngoan, nhưng cũng là con dao hai lưỡi

Nguyệt Kiều, Theo Trí Thức Trẻ 14:30 01/12/2018

Thành tích ấn tượng của những MV dưới dạng drama chắc chắn sẽ khiến cơn sốt sản xuất MV drama còn tiếp tục. Tuy nhiên, để sản xuất chúng chưa bao giờ là một điều dễ dàng.

Ở thời đại mà tốc độ ngành giải trí chuyển mình mạnh mẽ như hiện nay, nhu cầu và thói quen thưởng thức của khán giả cũng có nhiều thay đổi. Giờ đây, ngoài việc được nghe một bài hát hay, khán giả Vpop nay còn cần được thỏa mãn phần nhìn bằng những MV ca nhạc vô cùng ấn tượng. Nói dễ hiểu, một MV được đầu tư chỉn chu là điều tối cần thiết khi muốn quảng bá một sản phẩm, đa phần là vậy.

Không ít ca sĩ mạnh tay mời ekip từ nước ngoài về để sản xuất ra những MV đúng chuẩn quốc tế, những nhà sản xuất nội địa cũng dần chứng minh tay nghề "không phải dạng vừa" với những MV đẹp về cả hình thức lẫn nội dung. Trong đó, một phân khúc đã từng "làm mưa làm gió" một thời bỗng trở lại khá "hot" trong 2 năm qua đó là xu hướng làm MV drama. Không hẹn mà gặp, Vpop năm 2018 ghi dấu một loạt những MV dưới hình thức như một phim ngắn với đầy đủ "plot twist" và gây được rất nhiều tiếng vang.

Gần đây nhất, trong tháng 11, hai MV ca nhạc đậm màu drama được quan tâm nhất là "Anh đang ở đâu đấy anh" của hoa hậu Hương Giang và "Chấp Nhận" của Hòa Minzy. Cả 2 sản phẩm này đều nhanh chóng leo lên top 1 trending sau ngày đầu ra mắt. Đồng thời lượt xem sau 24 giờ điều là những con số 2 triệu, 3 triệu thuộc hàng top Vpop hiện nay. 

Hai MV ballad làm mưa làm gió trong tháng 11 khi nhanh chóng lên top 1 trending, với lượt xem khủng.

Làm MV drama dưới thời Youtube lên ngôi: một quyết định khôn ngoan

Những năm gần đây, Youtube đã có một bước đi dài trong việc đánh dấu tầm quan trọng đối với thói quen giải trí của người Việt. Những nhóm làm phim độc lập kinh phí thấp mọc lên và có thể dễ dàng kiếm lợi nhuận từ con số lượt xem lên tới hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu. Những bộ phim này thường có nội dung ngắn gọn, không dông dài vì lí do kinh phí và cả những lí do liên quan đến khả năng sản xuất. Việc theo dõi những bộ phim ngắn đã ăn sâu vào trong thói quen của lớp khán giả trẻ, và khán giả sẽ không thể từ chối một MV ca nhạc được làm dưới hình thức phim ngắn nhưng chất lượng âm thanh và hình ảnh đều vượt trội hơn những sản phẩm phim ngắn nhiều kì.

Những MV với thời lượng dài và kể ra một câu chuyện hoàn chỉnh có thể khiến cho khán giả hiểu thêm về nội dung của bài hát hay dụng ý của tác giả. Những diễn biến của MV sẽ giúp cho việc "cảm thụ" một bài hát được tốt hơn, không cần thiết phải có sự đồng cảm trong tâm trạng của người nghe mà chỉ cần xem MV cũng có thể câu kéo được cảm xúc phù hợp với bài hát. 

Không chỉ thu hút sự chú ý cho một ca khúc ở trong thời điểm phát hành, những MV được sản xuất theo dạng drama còn có tác dụng kéo dài sự mong đợi của khán giả cho sản phẩm tiếp theo. Sau cái kết lấp lửng và gây ức chế cho nhiều khán giả ở "Rời bỏ", Hòa Minzy khiến cho khán giả mong ngóng từng ngày để chờ xem thử câu chuyện sẽ được bật mí như thế nào. 

Nói một cách công bằng thì "Chấp nhận", ca khúc đi kèm tiếp theo của series "Rời bỏ" có giai điệu khá cũ và không để lại ấn tượng nhiều bằng "Rời bỏ". Ca khúc này rất có thể sẽ trở thành "bom xịt" nếu được phát hành đơn lẻ, nhưng nhờ vào hiệu ứng của câu chuyện trong "Rời bỏ" mà sau 1 tháng, MV "Chấp nhận" đã đạt đến con số hơn 12 triệu lượt xem.

MV Rời bỏ - Hoà Minzy

MV "Chấp nhận" - Hòa Minzy

Từ hiệu ứng trong thời gian qua, có thể thấy MV "Anh đang ở đâu đấy anh" của Hương Giang chắc chắn sẽ lặp lại lịch sử của "Rời bỏ" khi MV vừa mới ra mắt được ít ngày thì khán giả đã liên tiếp… đòi phần sau. Thậm chí hiệu ứng từ MV "Anh đang ở đâu đấy anh" sẽ còn lớn hơn, bởi những câu chuyện tình tay ba có "yếu tố bạn thân" luôn thu hút được sự quan tâm của rất nhiều khán giả, nhất là khán giả nữ. Không cần bất cứ chiến dịch PR hay chiêu trò nào, chỉ riêng cái mác phần tiếp theo của "Anh đang ở đâu đấy anh" cũng đã thành công gây sự chú ý cho sản phẩm tiếp theo của Hương Giang cho lần trở lại sắp tới.

MV "Anh đang ở đâu đấy anh" - Hương Giang

Tạo được tình tiết ức chế, gây tranh cãi, đánh vào tâm lý và cảm xúc của khán giả Việt... đó là những gì MV drama có khả năng làm được. Ở thời đại mà các ca sĩ phải dùng quá nhiều chiêu trò để PR cho sản phẩm của mình, để rồi nhận về phản ứng trái chiều, thì MV drama lại hoàn thành tốt vai trò tạo chú ý cho sản phẩm nhưng theo hướng bàn tán tập trung trực tiếp vào nó. Đó là một hướng đi đúng đắn để giúp sản phẩm âm nhạc đó có câu chuyện và đời sống lâu hơn, giữa thị trường MV như "nấm sau mưa" như vậy.

Thu hút khán giả và đang là xu hướng, nhưng việc sản xuất một MV ca nhạc dưới dạng drama không phải là dễ dàng. 

Khó khăn đầu tiên phải kể đến khi làm một MV dài hơi chắc chắn là vấn đề tài chính. Nếu như so với những MV dài tầm 3 – 4 phút thì những MV dạng drama có thời lượng gấp đôi, gấp ba sẽ ngốn thêm rất nhiều chi phí sản xuất. Lượt xem trên Youtube có thể mang về lợi nhuận, nhưng con số lợi nhuận đó thường chỉ là một con số nhỏ khi đem so với tổng chi phí để cho ra đời một MV. Chính vì lí do đó, những ca sĩ đã có chỗ đứng nhất định hoặc có nguồn lực tài chính mới có thể tự tin để sản xuất ra một MV drama, còn những gương mặt mới hoặc nghệ sĩ độc lập dù biết rằng đây là một phương án hay thì cũng chỉ có thể lực bất tòng tâm.

Khó khăn tiếp theo nằm ở khâu diễn xuất. Thông thường, với các MV ngắn, các ca sĩ vẫn có thể chọn không góp mặt vào MV mà giao công việc diễn xuất cho những diễn viên hay người mẫu. Thế nhưng với một MV mà bài hát gần như là "OST" chứ không còn là đối tượng quan trọng nhất, vai trò của ca sĩ sẽ vô cùng mờ nhạt nếu như không trực tiếp xuất hiện trong MV. Tuy nhiên, yêu cầu về diễn xuất ở trong những MV này lại cao hơn, đòi hỏi ca sĩ phải ít nhiều có năng khiếu về mặt diễn xuất để có thể hóa thân vào nhân vật.

Trào lưu làm MV drama ở Vpop: Chiến lược khôn ngoan, nhưng cũng là con dao hai lưỡi - Ảnh 5.

Diễn xuất của Hương Giang trong "Anh đang ở đâu đấy anh" được khen ngợi rất nhiều, cô đã lột tả được sự đau khổ của người con gái bị người yêu và bạn thân phản bội.

Trào lưu làm MV drama ở Vpop: Chiến lược khôn ngoan, nhưng cũng là con dao hai lưỡi - Ảnh 6.

Hương Tràm lại thường nhường đất diễn cho diễn viên chuyên nghiệp, cô chỉ có thời lượng lên hình rất nhỏ trong MV.

Có nội dung thu hút người xem, nhưng những MV ca nhạc có thời lượng lên tới trên 8 phút lại gây khó khăn cho người nghe. Không chỉ có phần nhạc, MV còn có phần thoại và cả nhạc nền, nên những ai tìm đến MV với mục đích nghe nhạc sẽ ngại ngần khi bấm phát một MV như thế. 

Chiều theo ý khán giả và cũng theo xu hướng chung hiện nay, rất nhiều ca sĩ sẽ cho phát hành thêm một MV lyrics – MV chứa lời bài hát, nhưng điều này sẽ khiến phân tán tổng lượt xem. Trong thời điểm mà số lượt xem trên Youtube cũng là một con số quyết định thành công của sản phẩm, việc lượt xem bị chia nhỏ ra cho hơn 1 MV hoặc khán giả không có kiên nhẫn để xem hết MV đều là những điều đáng tiếc.

Điều cuối cùng và cũng là điều đáng lo ngại nhất, 1 MV ca nhạc có nội dung và hình thức đặc sắc đôi khi lại là nguy cơ khiến cho chính bài hát bị lu mờ. Đây được xem là con dao hai lưỡi đầy thách thức. Bởi MV vốn sinh ra để tôn vinh và quảng bá bài hát, nhưng một khi phần nhìn đã quá thành công thì bài hát cũng cần phải "nặng đô" mới đủ sức dung hòa được phần nghe và phần nhìn. Nếu như một bài hát chỉ tầm tầm không đủ gây ra ấn tượng, khả năng rất cao là nó sẽ được coi như là một bản nhạc nền không hơn không kém. 

Đơn cử như trong MV "Màu nước mắt" của Nguyễn Trần Trung Quân, bài hát cùng tên đã được nâng tầm nhờ nội dung bất ngờ của MV. Chính "plot twist" đảo lộn toàn bộ nội dung câu chuyện ở cuối MV đã khiến khán giả rôm rả thảo luận về nội dung MV. Tuy nhiên, họ cũng vì quá tập trung vào kịch bản phức tạp và đầy twist như phim, nên phần hát của nam ca sĩ quá mờ nhạt. Đây gọi là, khi không cân bằng được phần nhạc và phần hình, thì những MV với nội dung được đầu tư quá "xoắn não" sẽ "nuốt chửng" cả bài hát, khiến cho bài hát trở thành thành phần phụ trong khi đáng ra phải là món ăn chính của bữa tiệc âm nhạc mà ca sĩ đem mời khán giả của mình.

Chuyện tình "tay bốn" xoắn não trong MV "Màu nước mắt"  

Việc tìm được một bài hát đỉnh, một kịch bản có sức hút, một ekip chuyên nghiệp để hiện thực hóa những ý tưởng đó là một công việc không dễ dàng và đòi hỏi một khoảng thời gian chuẩn bị không hề nhỏ. Với tình trạng Vpop "sóng sau dồn sóng trước" như hiện nay, chỉ cần im ắng một thời gian ngắn là những tên tuổi khác sẽ sẵn sàng vượt mặt để chiếm lấy sự chú ý từ công chúng, vì thế cho nên việc sản xuất một MV drama cũng cần cân nhắc thiệt hơn rất nhiều.

Tạm kết

Dù những MV dưới dạng phim ngắn mang đến nhiều lợi ích cho ca sĩ, nhưng khán giả cũng là đối tượng được hưởng lợi không kém khi được thỏa mãn về cả phần nghe lẫn phần nhìn. Bài toán về mặt sản xuất hay dung hòa được nội dung MV và chất lượng bài hát là không dễ giải quyết, thế nhưng mỗi MV dưới dạng phim ngắn đều tạo được ấn tượng về những cố gắng của một người ca sĩ. Đầu tư nghiêm túc để cho ra đời ít nhất là một sản phẩm để đời luôn là quyết định đúng đắn. Hi vọng rằng trong tương lai, khán giả Vpop sẽ càng ngày càng được thưởng thức nhiều những MV đầy đủ cả thanh lẫn sắc – những món ăn tinh thần không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm ra.