Chuyện về "thế lực ngầm" chèn ép và cách nghệ sĩ Hàn đối phó với lệnh cấm sóng khiến fan thán phục

CC+/Design: Shan, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 29/04/2017

Trong Kbiz, người ta vẫn thường nhắc tới một "thế lực ngầm" can thiệp vào việc nghệ sĩ xuất hiện trên truyền hình. Trước lệnh cấm sóng, nghệ sĩ Hàn đã chọn cách đối phó như thế nào?

Từ việc Trấn Thành bị cấm sóng trên đài Vĩnh Long ầm ĩ suốt nhiều ngày qua, fan Kpop không khỏi liên tưởng đến câu chuyện kể mãi mà vẫn chưa tìm được hồi kết về tình trạng cấm vận công khai và "cấm vận ngầm" tồn tại trong làng giải trí Hàn Quốc suốt cả thập kỷ qua.

Dính líu vào bê bối tình dục, chất gây nghiện, cung cấp nội dung chứa yếu tố phản cảm, khiêu khích, nghệ sĩ ngay lập tức bị nhà đài liệt vào "danh sách đen". Đây là quyết định hợp lý, thỏa đáng và có thể nói là vì khán giả. Tuy nhiên một khi những cuộc tranh chấp kiện tụng với công ty chủ quản quyền lực hay đơn giản hơn là việc nghệ sĩ bị một bộ phận khán giả tẩy chay cũng có thể trở thành lý do khiến nhà đài lắc đầu từ chối, thì đây lại là chuyện cần bàn luận lại.

Từ chuyện JYJ, Jessica bị cấm sóng: Liệu có nên đổ hết lỗi lên đầu cái gọi là "thế lực ngầm" mà ai cũng biết là ai?

Tháng 7/2009, ba thành viên DBSK bao gồm Jaejoong, Junsu và Yoochun (là JYJ của bây giờ) đệ đơn kiện chống lại công ty chủ quản SM Entertainment vì bản hợp đồng nô lệ 13 năm và tranh chấp trong việc chia lợi nhuận không hợp lý. Tuy nhiên khi vụ kiện chưa ngã ngũ, JYJ đã bị "phủ đầu" bằng lời từ chối của Avex Entertainment. Công ty này đơn phương hủy mọi hoạt động của nhóm tại Nhật. Cũng từ đó trở đi, JYJ bắt đầu mất hút trên sóng truyền hình.

Ngay sau vụ kiện của JYJ và SM, tiếp tục các nghệ sĩ như Hangeng, Ngô Diệp Phàm, Lộc Hàm, Hoàng Tử Thao cũng ra đi với lý do tương tự và trở về quê nhà để tìm hướng phát triển sự nghiệp. Năm 2014, Jessica Jung được cho là bị ép rời khỏi SNSD và cả công ty đỡ đầu cho cô suốt nhiều năm - SM Entertainment. Và không rõ là vô tình hay hữu ý, Jessica cũng mất dạng khỏi sóng truyền hình. Ngay lập tức, SM Entertainment trở thành nhân vật phản diện, được cho là thế lực ngầm chèn ép các nghệ sĩ cũ do chính họ đào tạo. Bởi một hai trường hợp có thể quy ra là trùng hợp, song quá nhiều "tiền án tiền sự" thì có lẽ mọi lời giải thích đều là bao biện. Một câu hỏi được đặt ra là: Liệu có nên đổ hết lỗi lên cái gọi là thế lực ngầm kia không? Và có phải lúc nào cũng có cái gọi là "thế lực ngầm chèn ép" để đổ lỗi hay không?

Chuyện về thế lực ngầm chèn ép và cách nghệ sĩ Hàn đối phó với lệnh cấm sóng khiến fan thán phục - Ảnh 1.

Trong tư tưởng của công chúng, vụ việc JYJ hay Jessica bị hạn chế xuất hiện trên các đài lớn của Hàn Quốc chắc chắn có liên quan đến SM. Tuy nhiên, không ai có thể khẳng định rằng công ty giải trí hùng mạnh nhất nhì Kpop này có dùng quyền lực của mình để "dìm hàng" gà cũ hay không. Và sự thật là tại Hàn Quốc, các nhà sản xuất, nhà đài vô cùng thận trọng trong việc "chọn mặt gửi vàng" các nghệ sĩ đại diện cho chương trình hay nhãn hàng của mình. Họ chấp nhận đền khoản tiền hợp đồng khổng lồ chứ không chịu mạo hiểm để một ngôi sao dính phải bê bối trốn thuế, tình tiền hay bất kỳ scandal bị dư luận chỉ trích nặng nề nào làm đại diện. Hoàn toàn có thể dùng chuyện bên thứ ba Avex Entertainment đơn phương hủy mọi hoạt động của JYJ tại Nhật trước khi vụ kiện hợp đồng nô lệ ngã ngũ, hay như chuyện thành viên Eunjung uất ức khi bị SBS "đá" khỏi dự án truyền hình "Five Fingers" vì bê bối bắt nạt Hwayoung năm đó làm ví dụ.

Chuyện về thế lực ngầm chèn ép và cách nghệ sĩ Hàn đối phó với lệnh cấm sóng khiến fan thán phục - Ảnh 2.

Trong vụ của kiện hợp đồng nô lệ của JYJ, Jessica hay Lộc Hàm, Ngô Diệc Phàm, Hoàng Tử Thao, phần đông fan lâu năm đứng về các phía nghệ sĩ, song cũng có không ít người cho rằng họ là những kẻ phản bội lại chính công ty đỡ đầu ra mình. Và trên thực tế, không nhà đài nào muốn "đắc tội" với một công ty giải trí lớn như SM bằng cách o bế cho những nhân vật bị cho là "kẻ phản bội" này cả.

Về việc, tại sao Eunjung lại bị SBS đuổi khỏi dự án truyền hình "Five Fingers" một cách vô lý như vậy? Vào thời điểm xảy ra vụ scandal, hàng nghìn người đổ về trang chủ của 3 đài truyền hình, nơi sản xuất các bộ phim có sự tham gia của Soyeon, Eunjung, Hyomin để khủng bố họ bằng những lời chỉ trích, đe dọa và yêu cầu cắt bỏ vai diễn. Fan Kpop chắc chắn biết rõ ràng rằng, làn sóng tẩy chay T-ara nặng nề đến thế nào. Chính vì vậy, đơn phương cắt bỏ vai diễn có thể được coi là quyết định "bảo toàn mạng sống" của các nhà đài vào thời điểm đó. Còn "thế lực ngầm" để đổ lỗi lúc này liệu còn có phải là các nhà đài nữa không hay chính là dư luận?

Nhà đài và những lần cấm sóng "triệt để" đến vô lý

Chuyện về thế lực ngầm chèn ép và cách nghệ sĩ Hàn đối phó với lệnh cấm sóng khiến fan thán phục - Ảnh 3.

Để đảm bảo mức rating, các đài truyền hình lớn nhỏ của Hàn Quốc luôn chọn cách thoái lui trước khi để nghệ sĩ làm ảnh hưởng tới mình. Cách làm của họ không khác gì cách các nhãn hàng quảng cáo đơn phương hủy hợp đồng với các ngôi sao dính phải bê bối lớn để đảm bảo doanh thu bán hàng và giá cổ phiếu của công ty. Đó là chuyện khá bình thường đối với các nhà đầu tư thông minh. Tuy vậy, vẫn có những trường hợp nhà đài cấm sóng nghệ sĩ một cách vô lý, một cách "quá triệt để" khiến fan phẫn nộ.

Vụ kiện với JYJ đã xảy ra được 8 năm, "điều luật JYJ" ngăn chặn hành vi chèn ép nghệ sĩ xuất hiện trên truyền hình vì những lý do thiếu tính thỏa đáng đã được thông qua, tuy nhiên đến giờ nhóm vẫn mất tích như thường trên truyền hình. T-ara đã được giải oan, song nhóm vẫn bị cắt hết tiết mục trong Dream Concert 2015. Lý giải cho việc này, SBS tuyên bố: "Do thời lượng chương trình có hạn, các tiết mục trình diễn trong sự kiện lại quá dài nên đài buộc phải cắt bỏ một số tiết mục". Trong tất cả các nghệ sĩ bị cắt tiết mục, T-ara là một trong hai nghệ sĩ kỳ cựu, còn lại đều là các tân binh không mấy danh tiếng.

Chuyện về thế lực ngầm chèn ép và cách nghệ sĩ Hàn đối phó với lệnh cấm sóng khiến fan thán phục - Ảnh 4.

Ở Hàn Quốc, các đài truyền hình lớn nhỏ đều siết chặt nội dung và hạn chế nghệ sĩ diện trang phục phản cảm, biểu diễn vũ đạo khiêu khích trên sân khấu. Tuy nhiên, lệnh siết chặt này lại tồn tại nhiều mâu thuẫn. Trường hợp của các nhóm nhạc đi theo phong cách khêu gợi như 4L, Nine Muses, Stellar, họ bị nhà đài tuýt còi từ khi "còn trong trứng nước" bởi phong cách ra mắt táo bạo quá trớn của mình. Đây đều là những nhóm nhạc vướng phải luồng ý kiến chỉ trích thậm tệ và bị phản đối trước đó.

Tuy nhiên, ranh giới giữa "khiêu khích vượt mức cho phép" và "khiêu khích nhưng vẫn trong giới hạn có thể phát sóng" của nhà đài vẫn còn quá mơ hồ. Trong khi những động tác vũ đạo trong "So Cool" của SISTAR, "Miniskirt" của AOA... bị cấm phát sóng vì cho là quá phản cảm, thì màn biểu diễn "vạch váy" táo bạo, lăn lê bò trườn trên nền sân khấu trong "Something" của nhóm Girl's Day vẫn được chiếu bình thường tại Music Core, Music Bank. Hay so sánh cụ thể hơn, cùng là vũ đạo vén áo khoe cơ bụng, Rainbow bị gặp rắc rối với đài truyền hình còn Hyuna vẫn được "rộng mở cánh tay" chào đón.

Sự khác biệt giữa vũ đạo của Hyuna...

... và Rainbow là gì? Tại sao hai bên nghệ sĩ lại được nhà đài đối xử khác nhau?

Theo ý kiến từ chính những khán giả theo dõi các chương trình âm nhạc tại Hàn Quốc, nhà đài nào "dễ tính" thì sẽ mở cửa hơn đối với các nghệ sĩ đi theo phong cách gợi cảm và có trình chiếu tiết mục hay không còn tùy theo hướng dư luận. Hiện nay, truyền hình Hàn Quốc có tới năm chương trình âm nhạc chính bao gồm Mnet M! Countdown, Music Bank (KBS 2), Music Core (MBC), Inkigayo (SBS) và Show Champion và hàng loạt show nhỏ lẻ khác. Rating các chương trình này ngày một xuống dốc, chính vì vậy, tìm được những yếu tố giữ chân khán giả là tiêu chí hàng đầu của các nhà sản xuất chương trình âm nhạc.

Nghệ sĩ không xuất hiện ở đài này hay chương trình này vẫn có thể xuất hiện ở các đài đối thủ khác. Nhưng tất nhiên, sẽ không đài nào mạo hiểm trình chiếu những tiết mục vượt quá mức phản cảm mà sẽ có một mức tiêu chuẩn riêng dành cho đài mình.

Cách đối phó khôn khéo của sao Hàn trước lệnh cấm vận

Nhà đài và nghệ sĩ là hai yếu tố cần thiết và có lợi cho nhau. Nhà đài giúp nghệ sĩ được công chúng biết đến và tạo đất diễn để họ thể hiện tài năng, trong khi đó nghệ sĩ là yếu tố giúp các đài truyền hình thu hút người xem, đảm bảo rating. Tuy nhiên, nhà đài lại có được "cái quyền" mà nghệ sĩ không có. Đài được lựa các nghệ sĩ phù hợp để chọn mặt gửi vàng, có quyền biên tập và thậm chí là từ chối phát sóng bất cứ nội dung nào họ cảm thấy không phù hợp với đài. Còn nghệ sĩ, chỉ khi trở nên nổi tiếng hay là ngôi sao hạng A được săn đón, họ mới có cái quyền được chọn đài này hay đài kia. Chính vì vậy, trước lệnh cấm sóng của đài truyền hình, nghệ sĩ Hàn thường chọn cách đối phó khôn khéo chứ không thể đối mặt trực diện.

Chuyện về thế lực ngầm chèn ép và cách nghệ sĩ Hàn đối phó với lệnh cấm sóng khiến fan thán phục - Ảnh 7.

Fan từng thán phục trước cách JYJ, nhóm nhạc bị mất tích khỏi sóng truyền hình suốt 8 năm, đối phó với lệnh cấm sóng "ngầm". Từ thời điểm diễn ra vụ kiện tụng năm 2009 cho tới nay, JYJ luôn chọn cách im lặng trước búa rìu dư luận, thầm lặng cống hiến. "Bị cấm cửa chính thì leo cửa phụ", đó là cách nghệ sĩ Hàn đối phó với lệnh cấm vận.

Không được diễn trên các sân khấu truyền hình trực tiếp, các chương trình âm nhạc lớn, JYJ quyết định diễn thầm lặng hơn trên các sân khấu nhỏ lẻ, fanmeeting, các sân khấu quốc tế "mở cửa" hơn. Mặc scandal năm 2009, Yoochun vẫn là gương mặt ăn khách của làng giải trí Hàn vào thời điểm 2010 - 2015 nhờ tài năng diễn xuất của mình. Liên tục trong 5 năm đó, anh tự tạo nên tên tuổi của mình với các tác phẩm gây sốt như "Sungkyunkwan Scandal", "Hoàng Tử Gác Mái", "Missing You". Jaejoong cũng không kém cạnh khi lấn sân vào nghiệp diễn, còn Junsu giờ đây đã có thể khóc hạnh phúc trên sân khấu sau bao năm bôn ba khắp nơi để được cất tiếng ca bản năng.

Điều quan trọng là, cả ba nghệ sĩ đều không để tài năng của mình bị thui chột mà ngày ngày tôi luyện. Đặc biệt, JYJ luôn giữ vững được lòng tin của người hâm mộ sau gần một thập kỷ qua. Đó mới là nhân tố giúp họ giữ được hình ảnh của mình trong trái tim khán giả.