hính niềm tin mãnh liệt vào ước mơ của mình, Đăng Khoa đã có thể lên đường đi vòng quanh thế giới với một tâm thế tự do đầy bình thản.
Có lẽ bạn đã đọc, hoặc nghe đến cuốn sách "Nhà giả kim" của tác giả Paulo Coelho, Santiago – một chàng trai chăn cừu tại Tây Ban Nha đã liên tiếp mơ về giấc mơ được một đứa trẻ dẫn đến kim tự tháp tìm kho báu. Đó là nơi câu chuyện bắt đầu và cũng là nơi nó kết thúc, gói trọn chuyến hành trình khó khăn "đem tất cả những gì mình có để đổi lấy một giấc mơ" của chàng chăn cừu trong 52 chương sách của "Nhà giả kim".
Tôi muốn nhắc đến cuốn sách "Nhà giả kim", đến nhân vật Santiago trước khi viết về Trần Đặng Đăng Khoa – chàng trai đã đi vòng quanh thế giới trên chiếc xe Wave của mình và đã cán đích Paris sau 150 ngày rong ruổi qua 23 quốc gia khác nhau trải dài từ châu Á đến châu Âu.
Hiện tại, Đăng Khoa đang ở tại Chile, chờ chiếc xe máy của anh được vận chuyển qua đại dương để tiếp tục rong ruổi ở châu Mỹ. Tôi thấy ở Santiago và Đăng Khoa có rất nhiều điểm tương đồng dù sự so sánh nào cũng là khập khiễng và bất nhất. Thế nhưng, cả hai người chắc chắn có một điểm chung, đó là: can đảm theo đuổi ước mơ và tin tưởng vào vận mệnh của cuộc đời mình.
Những ngày đầu đặt chân đến Chile – nơi Khoa đang làm việc cũng như học tiếng Tây Ban Nha để chuẩn bị cho hành trình tiếp theo tại châu Mỹ, chàng trai 8X chia sẻ: "Thủ đô của Chile tên Santiago, cũng là tên của nhân vật chính trong Nhà Giả Kim của Paulo Coelho. Không biết Santiago phiên bản lỗi Gò Công (Ý chỉ Đăng Khoa) này có tìm được kho báu của đời mình ở đây không, nhưng mọi dấu hiệu tốt lành của cuộc đời, vận mệnh của mình đã đưa đến ngày hôm nay và cuộc phiêu lưu này. Vì thế, hãy cứ tiếp tục theo dấu chim ưng trên sa mạc để đi tìm hạnh phúc, đi tìm kho tàng của đời mình và cố gắng học được ngôn ngữ của vũ trụ".
Santiago vốn chỉ là một chàng trai chăn cừu ở Tây Ban Nha – sống một cuộc đời bình thường như bao người khác. Nếu không bước tiếp, đối mặt với biết bao hiểm nguy để giải mã giấc mơ thì liệu cậu có thể tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp kì vĩ của Kim tự tháp? Liệu cậu có thể tìm được một tình yêu ngọt ngào như cổ tích với Fatima?
Tất cả những trải nghiệm trong chuyến phiêu du theo đuổi vận mệnh của mình đã giúp Santiago thấu hiểu được ý nghĩa sâu xa nhất của hạnh phúc. Đôi khi người ta phải đi cả một cuộc hành trình dài, với bao hiểm nguy vất vả, chỉ để hiểu rằng, hạnh phúc ở ngay dưới chân ta, ở nơi mà ta đã từng bước qua.
Với con mắt của một kẻ phiêu lưu đi tìm kho tàng, với niềm tin mãnh liệt vào những dấu hiệu tốt lành, với lòng dũng cảm, sự chân thành và quyết tâm theo đuổi vận mệnh, cuối cùng, cậu đã hiểu được ngôn ngữ của vũ trụ, học được cách trò chuyện với trái tim mình và đã tìm được nhiều hơn một kho báu.
Nhưng không, Khoa đã không chấp nhận để ước mơ từ ngày còn thơ trôi tuột đi trước vòng quay của cuộc sống. 2 năm ròng rã Khoa dành để lên một kế hoạch thật tỉ mỉ, chi tiết cũng như tính toán thật kĩ những vấn đề liên quan đến chuyến đi như lộ trình, kinh phí, giấy tờ… Khi Khoa khởi hành vào ngày 1.6.2017, Khoa không biết mình có thể đi được những đâu nhưng chắc chắn, anh biết rõ mình có thể đi và đi rất xa.
Tôi nhớ có lần Khoa chia sẻ trên trang cá nhân một hình ảnh đẹp đến nao lòng về mùa thu ở Luxembourg – nơi Khoa nghỉ chân và ăn uống. Anh chàng hài hước chia sẻ: "Ăn bánh mì chả lụa thôi mà có nhất thiết phải lựa khung cảnh đẹp vậy không, riết rồi quá lố mà. Dịp khác có tiền rồi sẽ mua vé máy bay quay lại đây vào mùa thu, ăn ổ bánh mì chả lụa rồi… về". Đôi khi người ta rong ruổi cả một thời gian dài, băng qua rất nhiều vùng đất xa xôi để rồi lặng đi trước một khung cảnh đẹp đẽ, để nhìn thấy thế giới tuyệt diệu và kì vĩ biết bao nhiêu. Như Khoa xúc động trước mùa thu của Luxembourg, như Santiago choáng ngợp trước sự kì vĩ của kim tự tháp. "Kho báu" của Đăng Khoa có lẽ không nằm ở đích đến mà ngày nào, trên mỗi chặng đường mình đi qua, Khoa đều làm nó đầy lên, nặng hơn bởi những trải nghiệm mới mẻ, những câu chuyện về những vùng đất, những con người mà anh đã gặp, đã đi qua.
Đăng Khoa hiện tại, trong con mắt của nhiều người là rất "sướng": tự do ngao du khắp nơi, được làm điều mình thích, tận hưởng mọi điều lí thú ở nơi mình đi qua, chẳng cần lo âu tất bật. Thế nhưng, với Khoa "Không có tự do nào là tự do hoàn toàn cả, mỗi người trong một hoàn cảnh nào đó đều có sự ràng buộc nhất định". Khoa chia sẻ: "Nghề đi du lịch đôi khi cũng bị stress nhiều lắm, cũng phải chịu rủi ro nghề nghiệp nhất định, cũng lo "thất nghiệp"."
Độc hành một mình trong chuyến đi dài với rất nhiều khó khăn, bất trắc, chắc chắn Khoa không tránh khỏi cảm giác cô đơn, đôi khi là cả chán nản và mệt mỏi vì phải tự mình cáng đáng rất nhiều công việc mà không thể chia sẻ cùng ai.
Xin visa nước ngoài vốn đã không đơn giản, xin được cả visa và giấy thông hành xe máy quốc tế đi vòng quanh thế giới là điều khó khăn gấp nhiều lần. Chỉ cần chậm một chút thôi là ôm về một "trời đau khổ", vuột mất cơ hội khám phá vùng đất trong mơ.
Chính vì deadline (thời hạn hiệu lực thị thực) mà Khoa quyết định xin visa kiểu "cuốn chiếu" để đảm bảo hành trình diễn ra suôn sẻ. Chàng trai trẻ cũng phải tính toán đến việc lựa chọn, lộ trình thích hợp sao cho thuận tiện và có thể khám phá nhiều vùng đất với nhiều nền văn hóa khác nhau. Cuối cùng, tuyến đường Đăng Khoa lựa chọn bắt buộc phải đi ngang cửa khẩu Taftan nằm ngay ngã ba biên giới giữa các nước Iran, Afghanistan và Pakistan vì vậy, Khoa cũng không còn cách nào khác phải đối mặt với nguy hiểm rình rập bởi sự bất ổn, bạo động vũ trang.
Khoa chia sẻ: "Những điều đẹp đẽ mọi người thấy chỉ là phần nổi, tuy nhiên phía sau đó là sự lao động vất vả, tích lũy kinh nghiệm, tạo mối quan hệ trong mấy năm trời, đi làm từng loại giấy tờ cho người và xe, hy sinh và tạm nói chia tay giấc mơ về một gia đình yên ổn hạnh phúc để phiêu du rồi về sẽ tính sau. Rồi hy sinh những ngày bình yên, gặp những người bạn thân quen để đi ra thế giới và bắt đầu những mối quan hệ mới, đón chờ từng ngày với đầy những thử thách và rủi ro không lường trước được".
Những ngày này, khi đang tạm dừng chân ở Chile để chờ người bạn đồng hành là chiếc xe máy được ship qua đại dương, Khoa lại quay cuồng với những công việc như làm hồ sơ xin Visa, tối ôm vở tự học tiếng Tây Ban Nha. Khoa cũng phải xử lý và backup ảnh, viết lách, quay phim cho báo đài, thương thảo và chuẩn bị hợp đồng mới để có tiền đi tiếp cùng cả nỗi lo về khoản học phí và ăn ở cho người em ở nhà.
Với Khoa, "du lịch không phải là liều thuốc an thần, không phải là khu vườn Eden đẹp đẽ, nó cũng như thứ khác trên đời, cũng tự cân bằng và bù trừ mọi thứ với nhau". Những khó khăn chỉ làm Khoa thêm mạnh mẽ và thậm chí, bình thản. Khoa không chọn tự do như một cách chạy trốn hay rũ bỏ tất cả. Khoa đơn giản là tìm cách biến trách nhiệm, âu lo thành động lực để lên đường, để có thể đi xa nhất có thể.
Hành trình đi theo vận mệnh của đời mình để tìm "kho báu" chính là hành trình Đăng Khoa lên đường để khám phá những vùng đất mới với những con người với những số phận khác nhau. "Kho báu" của Khoa chính là những trải nghiệm đã giúp Khoa trưởng thành và thay đổi cách nhìn về thế giới.