Trận chiến kinh hoàng giữa ong mật với kẻ "sát nhân đến từ địa ngục" và minh chứng cho thấy: Thiên nhiên luôn có cách sinh tồn của riêng mình

J.D, Theo Trí Thức Trẻ 16:20 12/05/2020

Ong bắp cày khổng lồ châu Á - hay còn được biết đến với tên gọi "ong sát nhân" là những kẻ xâm lược hết sức đáng sợ, có thể hủy diệt một tổ ong khác loài chỉ trong vài giờ. Nhưng tại Nhật Bản, chúng không thể hoành hành quá mức được, vì ong mật ở đây có một chiến lược tuyệt vời để tự cứu mình.

Những ngày cuối năm 2019, người Mỹ đã phải chứng kiến sự xâm lăng của một loài vật hết sức nguy hiểm. Đó là ong bắp cày khổng lồ châu Á - hay còn gọi là "ong sát nhân".

Tại sao lại gọi là xâm lăng? Bởi lẽ, ong "sát nhân" vốn là loài bản địa của châu Á. Tại Nhật Bản, mỗi năm có khoảng 50 người thiệt mạng vì ong bắp cày. Và lần này, chúng đã tới nước Mỹ.

Sự đáng sợ của ong bắp cày không chỉ nằm ở cái danh "sát nhân". Chúng là những con ong khổng lồ, có khả năng hủy diệt một tổ ong khác loài trong vài giờ và hoàn toàn có nguy cơ đẩy quần thể ong bản địa đến chỗ diệt vong.

Chúng sử dụng bộ hàm sắc nhọn với hình dạng tựa vây cá mập để ngắt đầu những con ong khác, mang xác về để nuôi đàn. Đối với các mục tiêu to lớn hơn, chúng sử dụng vũ khí kinh khủng nhất của mình là nọc độc. Vòi châm của chúng dài đến mức đâm xuyên qua đồ bảo hộ của người nuôi ong, và khiến nạn nhân có cảm giác như bị gí sắt nung vào người vậy.

Ong bắp cày giết chết một con chuột hết sức dễ dàng

Nói tóm lại, đây là những con ong cực kỳ đáng sợ, hiện đang khiến các nhà sinh học và những người nuôi ong tại Mỹ lao đao, tìm cách triệt hạ. Nhưng tại quê hương của chúng thì sao? Chẳng lẽ, ong bắp cày có thể làm mọi thứ mà không có nổi một bóng thiên địch giải quyết chúng?

Thực ra ở Nhật Bản, ong bắp cày đúng là một thế lực đáng sợ, nhưng không phải tuyệt đối. Các loài ong mật tại Nhật Bản đã phải tiến hóa để sở hữu chiến lược phản công lại ong bắp cày khi bị tấn công, và nhờ vậy tránh khỏi cảnh diệt vong. Cuộc chiến ấy được thể hiện trong video do National Geographic đăng tải.

Video đã mô tả lại một cuộc chiến điển hình của tự nhiên, giữa ong mật Nhật Bản và ong bắp cày sát nhân. Xét về tương quan lực lượng, ong mật tuy đông hơn nhưng rất nhỏ bé, trong khi ong bắp cày to hơn gấp đôi, sải cánh dài như một con chuồn chuồn cỡ nhỏ.

Trận chiến của ong mật với những kẻ sát nhân đến từ địa ngục

Vào những tháng mùa thu, ong bắp cày sẽ lần mò đến các tổ ong mật, tìm cách trộm lấy ấu trùng ong về làm thức ăn cho con non. Nhưng theo báo cáo trên tạp chí Plus One, ong mật đã có chiến lược giải quyết những đợt tập kích này.

Ngay ở thời điểm ong bắp cày tấn công, đàn ong mật với hơn 500 ong thợ sẽ tập hợp lại, sẵn sàng chống trả. Chúng lập tức bu quanh kẻ thù, giam giữ con ong bắp cày bên trong một khối cầu khổng lồ. Ở bên ngoài, chúng bắt đầu đập cánh, khiến nhiệt độ bên trong quả cầu bị đẩy mạnh tới gần 47 độ C.

Và chỉ trong vòng 30 phút, kẻ sát nhân từ địa ngục kia đã bị "nung đến chết," theo đúng nghĩa đen.

Trận chiến kinh hoàng giữa ong mật với kẻ sát nhân đến từ địa ngục và minh chứng cho thấy: Thiên nhiên luôn có cách sinh tồn của riêng mình - Ảnh 5.

Theo báo cáo trên tạp chí Plos One, đây là hành vi "chống kẻ săn mồi" (anti-predator) - một chiến lược hết sức quan trọng để giúp nhiều loài vật tồn tại. "Cơ sở của hành vi này trên góc độ thần kinh học vẫn chưa được xác định. Dù ong thường đối phó với kẻ thù bằng nọc độc, loài ong mật Nhật Bản (Apis cerana japonica) đã có chiến lược khác để đối phó với đối thủ khó nhằn hơn là ong bắp cày." - trích báo cáo nghiên cứu.

Nhưng không phải loài ong nào cũng may mắn đến như vậy. Khi ong bắp cày đến châu Âu và giờ là Mỹ, ong mật bản địa của những khu vực này chưa học được cách phòng ngự "tối thượng" trên, và điều này dẫn đến việc nhiều tổ ong đã bị tàn sát, với số lượng xác ong nằm lại lên tới cả ngàn con.

Tháng 11/2019, một người nuôi ong tại bang Washington đã phát hiện tổ ong mình nuôi bị hủy diệt một cách kinh khủng, khi hàng ngàn xác ong nằm chồng chất trong tình trạng đầu lìa khỏi cổ. "Suốt cả đời, tôi chưa từng thấy điều gì kinh khủng đến như thế." - Ted McFall, người nuôi ong chia sẻ.

Nguồn: Daily Mail, National Geographic