Trầm cảm sau sinh: tình trạng có thể xảy ra cả ở nữ giới lẫn... nam giới và cách nhận biết sớm

NNA, Theo Trí Thức Trẻ 19:33 14/06/2017

Trầm cảm sau sinh gây nên rất nhiều hậu quả, chúng ta cần nhận biết sớm các dấu hiệu của trầm cảm sau sinh để phòng tránh ngay từ đầu.

Trầm cảm sau sinh là gì?

Trầm cảm sau sinh (trầm cảm hậu sản) là một dạng của bệnh trầm cảm rất dễ mắc phải sau khi sinh con. Bệnh xảy ra ở phần đông nữ giới, tuy nhiên cũng có một số ít nam giới mắc phải căn bệnh này.

Các chuyên gia giải thích rằng, sau khi sinh con, nội tiết tố của nữ giới bị rối loạn, cùng với đó là những mệt mỏi trong thời kỳ mang thai, sinh nở, cộng với chuyện gia đình, mối quan hệ vợ chồng đã gây nên các vấn đề về tâm lý. Ở nam giới, trầm cảm sau sinh xảy ra do cuộc sống bị thay đổi đột ngột khi có con, người mẹ tập trung chăm sóc cho con khiến người bố cảm thấy không được quan tâm, ảnh hưởng đến tâm lý...

Trầm cảm sau sinh: tình trạng có thể xảy ra cả ở nữ giới lẫn... nam giới và cách nhận biết sớm - Ảnh 1.

Những dấu hiệu nhận biết sớm của trầm cảm sau sinh

Phần lớn các dấu hiệu của trầm cảm sau sinh cũng giống với biểu hiện của trầm cảm thông thường. Tuy nhiên, các dấu hiệu thường gắn liền với các vấn đề về con cái, gia đình, cụ thể là:

Những thay đổi cảm xúc, tâm lý

Người mắc bệnh trầm cảm sau sinh thường hay có cảm giác bị chồng/vợ, gia đình, bạn bè bỏ rơi, không ai quan tâm mình, rơi vào trạng thái vô vọng. Họ cứ thế thu mình lại, tự cô lập bản thân và không giao tiếp với mọi người xung quanh. Thậm chí, một số người còn khóc lóc cả ngày, bỏ bê công việc nhà, thậm chí không chăm sóc cho chính bản thân mình.

Họ cũng có nhiều mối lo về mọi vấn đề trong cuộc sống, đặc biệt dễ bị ám ảnh bởi chuyện chồng không quan tâm mình và sẽ... ngoại tình. Kéo theo đó sẽ là tình trạng căng thẳng, hoảng hốt thường xuyên xảy ra.

Một vấn đề khác mà rất nhiều người mắc phải sau khi sinh chính là tình trạng hay quên và thiếu tập trung. Ngay cả trong những việc rất đơn giản, họ cũng không thể nhớ và không thể hoàn thành.

Trầm cảm sau sinh: tình trạng có thể xảy ra cả ở nữ giới lẫn... nam giới và cách nhận biết sớm - Ảnh 2.

Suy nhược cơ thể

Trầm cảm sau sinh dẫn đến các vấn đề về tâm lý và cảm xúc, nhưng hệ quả là sẽ gây nên tình trạng suy nhược cơ thể, người bệnh thường xuyên mệt mỏi, thiếu sinh lực. Người bệnh bỏ ăn, bỏ uống, một số lại ăn quá nhiều khiến sức khoẻ bị rối loạn, ảnh hưởng xấu. Đồng thời, việc thiếu sự quan tâm, chăm sóc bản thân cũng khiến cơ thể bị suy nhược nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể rơi vào tình trạng mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều. Giấc ngủ bị rối loạn cũng dẫn đến nhiều vấn đề sức khoẻ.

Suy nghĩ tiêu cực về chuyện con cái, lơ là trong việc chăm sóc con

Ở những người bị trầm cảm sau sinh, họ thường bị mất đi sự gắn kết với con và lơ là, bỏ mặc con cái, không chăm sóc... Thậm chí, một số người có những suy nghĩ tiêu cực về chuyện làm mẹ, chuyện con cái hay cảm thấy mình không xứng đáng làm mẹ... Nghiêm trọng hơn, những người bố, người mẹ mắc phải chứng trầm cảm sau sinh còn cảm thấy không yêu, thậm chí ghét con của mình.

Những thay đổi nghiêm trọng trong hành vi

Trầm cảm sau sinh dẫn đến rất nhiều hành vi bất thường, gây ảnh hưởng đến người xung quanh và cả bản thân người bệnh. Nguyên nhân sâu xa là do các vấn đề tâm lý đã dẫn tới những hành động thiếu kiểm soát, gây tổn thương đến người khác, đến bản thân và một số còn có ý định tự tử.

Trầm cảm sau sinh: tình trạng có thể xảy ra cả ở nữ giới lẫn... nam giới và cách nhận biết sớm - Ảnh 3.

Tất cả mọi người đều cần đề phòng với trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh rất dễ xảy ra, vì thế, tốt nhất, bản thân mỗi người cũng nên đề phòng bệnh cho mình và cho cả những người xung quanh khi có người thân, bạn bè đang mang thai hoặc vừa sinh nở:

- Bản thân người mẹ sau sinh và cả người bố nên duy trì một lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất theo chế độ dành cho người sau sinh.

- Đặc biệt, khi cảm thấy cảm xúc thay đổi, tâm lý có điều bất thường, khó chịu, hãy tâm sự với người thân thiết. Điều đó vừa giúp giải toả, vừa là cách để tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề mà mình đang gặp phải.

- Ngay từ trong thai kỳ cho tới khi sinh và sau khi sinh, thai phụ nên nghỉ ngơi, thư giãn, tránh căng thẳng, suy nghĩ nhiều.

- Sống tích cực, suy nghĩ lạc quan, tham khảo thêm các bà mẹ "bỉm sữa" khác về cách chăm sóc con và chăm sóc bản thân sau khi sinh.

- Người thân của những phụ nữ sau sinh cần thường xuyên quan tâm, chăm sóc, động viên họ, tránh gây những áp lực về mặt tâm lý.

Nguồn tham khảo: Bệnh viện Từ Dũ