Trải nghiệm làm dâu ở Ả Rập: Lời tâm sự của một phụ nữ Nga đến lấy chồng Ai Cập hé lộ nhiều điều ít ai ngờ về cuộc sống tại xứ sở "nghìn lẻ một đêm"

J.D, Theo Helino 00:20 15/09/2019

Ả Rập là một thế giới mà nhiều người vẫn chưa thể tưởng tượng nổi cuộc sống sẽ như thế nào, nữa là làm dâu ở đó.

*Tên chính thức của Ai Cập là Cộng hòa Ả Rập Ai Cập

Arabian Nights - "Nghìn lẻ một đêm" là cuốn sách tổng hợp những câu chuyện dân gian của người Ả rập. Tuy nhiên, Ả Rập ư? Tôi tin rằng rất hiếm người thực sự hiểu biết về cái tên này. Có người thậm chí còn nghĩ Ả Rập là Arab Saudi, mà không biết rằng đó là tên của 22 quốc gia thuộc Thế giới Ả Rập cơ.

Phần lớn người sống trong Thế giới Ả Rập theo đạo Hồi, tôn giáo nổi tiếng với nhiều quy tắc tương đối khắt khe và khác biệt so với các tôn giáo khác trên thế giới, đặc biệt là đối với phụ nữ. 

Vậy sẽ như thế nào khi phụ nữ từ phương Tây đến làm dâu tại một quốc gia Ả Rập? Sẽ là một trải nghiệm hạnh phúc, hay ngập tràn khó khăn.

Hãy đến với câu chuyện của Elena - một phụ nữ quốc tịch Nga đã cưới một người Ai Cập và sống trong "hậu cung" của chồng trong suốt 10 năm qua. Liệu rằng những quan niệm của người đời về Ả Rập có thực sự đúng hay không.

Tuổi trẻ hướng về Ai Cập

Trải nghiệm làm dâu ở Ả Rập: Lời tâm sự của một phụ nữ Nga đến lấy chồng Ai Cập hé lộ nhiều điều ít ai ngờ về cuộc sống tại xứ sở nghìn lẻ một đêm - Ảnh 1.

Tôi là Elena! Và tôi là vợ của một người Ai Cập.

Thời còn đi học, tôi từng bị đánh đập, nhạo báng, chỉ vì mình hơi mập. Đến năm 11 tuổi, tôi giảm một lèo 24kg chỉ sau 1 mùa hè. Tiếc thay, việc giảm cân cũng không khiến tôi cảm thấy khá hơn, bởi tôi sợ ăn uống! Tôi sợ nuốt bất kỳ thứ gì kể cả nước bọt của chính mình.

Năm 17 tuổi, tôi đã được vào đại học, chuyên ngành tâm lý học. Năm 21 tuổi, tôi bắt đầu làm việc cho một công ty du lịch. Và đến năm 25 tuổi, tôi bay đến Ai Cập.

Lần đầu tiên tôi đến Ai Cập là vào năm 2002, với ấn tượng đầu tiên là thực sự yêu quốc gia này. Đặc biệt là biển, vì tôi thích biển. Đến tháng 3/2009, tôi nhận được 2 lời mời làm việc cho vị trí lễ tân tại khách sạn 5 sao Radisson ở Sharjah (UAE), và Golden 5 ở Hurghada (Ai Cập). Cả 2 đều hứa hẹn cho tôi một mức thu nhập quá khác biệt so với quê nhà, đến nỗi mẹ tôi phải thốt lên "Đi luôn con ơi" mà không cần suy nghĩ nhiều. 

Thế là tôi bỏ nước Nga, và chọn Ai Cập.

Mối nguy từ "anh chồng"

Trải nghiệm làm dâu ở Ả Rập: Lời tâm sự của một phụ nữ Nga đến lấy chồng Ai Cập hé lộ nhiều điều ít ai ngờ về cuộc sống tại xứ sở nghìn lẻ một đêm - Ảnh 2.

Ngay khi đến nơi làm việc, người ta đã cảnh báo tôi là có "nguy hiểm" đến từ 2 anh quản lý trẻ. Họ nổi tiếng vì những câu chuyện tình lãng mạn và cực kỳ chớp nhoáng với khách du lịch.

Nhưng hóa ra tôi cũng không phải cẩn thận gì nhiều, vì chỉ 1 năm sau, một trong hai anh cũng thành chồng tôi rồi.

Anh thực sự để ý tôi ra mặt: tặng hoa, tặng quà, mời tôi đi ăn, thậm chí còn đòi tôi phải nhắn tin cho anh khi về phòng, dù phòng tôi cách chỗ anh đậu xe khoảng... 5m. Ban đầu tôi cũng không thấy gì ấn tượng, vì quả thực anh cũng không đẹp trai gì cho lắm. Bù lại anh có vẻ là người tốt, rất đàng hoàng, khá tinh tế và có óc hài hước. Thế mà chẳng hiểu sao giữa bao bông hoa qua đời, anh lại thấy có tình cảm với tôi.

Lúc đầu là bạn thôi. Rồi chúng tôi đi dạo ở Hurghada. Rồi chúng tôi đến Cairo chơi. Và rồi tôi là vợ anh.

Sống như một bà hoàng

Trải nghiệm làm dâu ở Ả Rập: Lời tâm sự của một phụ nữ Nga đến lấy chồng Ai Cập hé lộ nhiều điều ít ai ngờ về cuộc sống tại xứ sở nghìn lẻ một đêm - Ảnh 3.

Khi con gái đầu lòng ra đời, chúng tôi sống trong một khách sạn. 5 sao hẳn hoi.

Hiển nhiên rồi, vì chồng tôi làm việc ở đó, và tôi được sống như một nữ hoàng. Có nhân viên dọn phòng mỗi ngày, ăn uống tại nhà hàng sang trọng, rồi tôi cùng con gái nằm dài nghỉ ngơi trên bãi biển. Tôi vẫn nhớ cảnh mình đẩy xe đưa con đến gần biển, ngồi nghỉ ngơi, đọc một cuốn sách hoặc nằm dài tắm nắng. Ấy thế mà vẫn mệt, thật kỳ khôi.

Khi có bầu cậu con trai, chúng tôi vẫn ở khách sạn. Nhưng rồi chồng tôi quyết định nghỉ việc, và chúng tôi quyết định dọn ra một căn hộ. Giờ là lúc tôi phải làm khá nhiều việc: lau dọn, nấu nướng, chăm con... mọi thứ đổ dồn lên đầu và khiến tôi căng thẳng thực sự. Đến mức, tôi sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để trở về Nga. Mà có thể tôi sẵn sàng làm như thế, nếu như không vì con trai tôi chưa có quốc tịch Nga. 

Sau đó mẹ tôi bị ốm, chúng tôi quyết định cùng nhau sang Moscow. Dù hơi... bất hiếu, nhưng cũng nhờ trận ốm này mà tôi và chồng hiểu nhau hơn. Cô con gái thứ 3 ra đời trong giai đoạn này, và kể từ đây chúng tôi thực sự yêu thương nhau, học cách chấp nhận các khiếm khuyết của nhau hơn.

Chồng sẵn sàng làm mọi thứ vì con, và vì tôi

Trải nghiệm làm dâu ở Ả Rập: Lời tâm sự của một phụ nữ Nga đến lấy chồng Ai Cập hé lộ nhiều điều ít ai ngờ về cuộc sống tại xứ sở nghìn lẻ một đêm - Ảnh 4.

Chồng tôi là một người thực sự "có tâm" trong vấn đề con cái. Anh muốn nắm được mọi thứ: từ chuyện con ăn gì, đến lúc con... đi toilet. Anh nhớ mọi thứ cần phải làm cho lũ trẻ: thời gian phải tiêm vaccine, size quần áo của từng đứa, và sẵn sàng bỏ nguyên một ngày đi lựa đồ cho chúng. Lúc cậu nhóc Adam nhà tôi ốm, anh túc trực trong viện, lo cho con mọi thứ mà không nề hà gì. Lắm lúc, tôi cảm nhận tình yêu con của anh còn lớn hơn tôi nữa.

Nhưng sự tinh tế của anh cũng không dừng ở đó đâu. Anh còn có tài chọn đồ cho tôi nữa. Mọi thứ anh mua và bảo tôi mặc lên, chúng đều hợp với tôi đến hoàn hảo. Chồng là một stylist quá đỉnh mà.

"Hậu cung" của đàn ông Ả Rập không như bạn nghĩ

Trải nghiệm làm dâu ở Ả Rập: Lời tâm sự của một phụ nữ Nga đến lấy chồng Ai Cập hé lộ nhiều điều ít ai ngờ về cuộc sống tại xứ sở nghìn lẻ một đêm - Ảnh 5.

Người Ả Rập cho phép đàn ông lấy nhiều vợ, nghĩa là từ lúc lấy anh tôi phải chịu kiếp "lấy chồng chung".

Nhưng không! Tôi là bà vợ duy nhất. "Hậu cung" của anh là tôi, 3 con, và 2 con mèo. Có thể là anh yêu tôi, nhưng cũng có thể là do anh chẳng đủ giàu có để nuôi thêm một bà vợ khác cũng nên.

Đúng là luật cho phép anh lấy nhiều vợ, nhưng luật cũng quy định anh phải đối xử với tất cả sao cho thật công bằng. Nghĩa là anh tặng tôi một cái nhẫn, anh cũng phải tặng nhẫn cho vợ 2, vợ 3 nữa. Anh tặng tôi 1 chiếc ô tô, anh sẽ phải mua thêm vài chiếc nữa sao cho đủ với số vợ anh có. 

Và mỗi cô vợ sẽ phải sống trong nhà riêng. Họ không được sống cùng nhau, vì các bà sẽ gây án mạng mất. Nói chung, muốn lấy nhiều vợ thì bạn phải giàu, thực sự giàu.

Không cần phải cải đạo

Trải nghiệm làm dâu ở Ả Rập: Lời tâm sự của một phụ nữ Nga đến lấy chồng Ai Cập hé lộ nhiều điều ít ai ngờ về cuộc sống tại xứ sở nghìn lẻ một đêm - Ảnh 6.

Nhiều người cho rằng lấy chồng Ả Rập sẽ phải cải đạo theo chồng. Nhưng không! Theo luật pháp, đàn ông Hồi giáo được phép lấy phụ nữ từ bất kỳ tôn giáo nào trên thế giới, miễn là họ đồng ý.

Mẹ chồng siêu dễ thương

Trải nghiệm làm dâu ở Ả Rập: Lời tâm sự của một phụ nữ Nga đến lấy chồng Ai Cập hé lộ nhiều điều ít ai ngờ về cuộc sống tại xứ sở nghìn lẻ một đêm - Ảnh 7.

Mẹ chồng tôi là một người dễ thương. Bà thích nấu nướng, lúc nào cũng muốn mọi người ăn, đến no bụng thì thôi. Bà lo lắng cho tất cả mọi người, sẵn sàng chăm sóc bất kỳ ai cần.

Khi mới gặp gia đình chồng, tôi cố tìm cách phụ mẹ làm bếp, như rửa bát, lau dọn bàn... Bà cũng để tôi làm, nhưng thường bắt tôi ngồi nghỉ. Bà bảo, rồi tôi sẽ sớm phải lau nhà của chính tôi thôi, để sức mà làm điều đó.

Lúc tôi mang bầu, mẹ còn chăm tôi hơn nữa. Mẹ bảo tôi ngồi nghỉ nhiều hơn để ngăn chân sưng lên. Mẹ để tôi nghỉ khi lũ trẻ đang ngủ. Đại khái, cuộc sống của tôi với mẹ giống như một vòng lặp: Có thai? Đi nghỉ đi! Mới sinh con? Cũng đi nghỉ đi.

Chuyện sinh nở ở Ai Cập cũng có nhiều điểm đáng nói. Tại đây, người ta sẽ không bắt bạn nhập viện nếu chưa chuyển dạ. Ngay cả khi động thai, các bác sĩ cũng sẵn sàng chỉ chẩn đoán, kê thuốc và để bạn có thể giải quyết ở nhà.

Con gái đầu lòng, tôi sinh tại Moscow. Một trải nghiệm khá tồi tệ: chân tôi sưng tấy, trầm cảm vì cãi nhau với chồng, và cực kỳ mệt mỏi vì phải nhập viện. Bé thứ 2 thì ra đời trong bệnh viện tư nhân ở Ai Cập. Giá phòng khoảng 2000 đơn vị tiền Ai Cập - tương đương khoảng $120, nhưng bao gồm tất cả mọi tiện nghi cần thiết. Tôi có thể làm mọi thứ mình muốn: đi lại, nhảy nhót, thậm chí tắm thoải mái. Ngoài ra trong phòng còn có TV, giường và ghế bành dành cho khách đến thăm.

Đến khi chuyển dạ, các bác sĩ cũng không can thiệp. Họ để thai phụ làm bất kỳ điều gì mình muốn, sao cho tự nhiên nhất có thể.

Làm dâu ở Ả Rập không nhiều cấm cản như bạn nghĩ

Trải nghiệm làm dâu ở Ả Rập: Lời tâm sự của một phụ nữ Nga đến lấy chồng Ai Cập hé lộ nhiều điều ít ai ngờ về cuộc sống tại xứ sở nghìn lẻ một đêm - Ảnh 8.

Trái với suy nghĩ của tôi, cuộc sống khi làm dâu Ả Rập cũng không nhiều cấm cản. Tôi vẫn thường xuyên đi chơi cùng bạn bè đồng hương (hóa ra có rất nhiều người Nga ở Ai Cập). Chúng tôi đến khu vui chơi, đi cafe, chụp ảnh, uống nước, tận hưởng thời gian rảnh rỗi, như bất kỳ cô vợ nào khác trên thế giới.

Những thứ tôi ghét ở Ai Cập

Tôi từng mơ ước được sống ở một nơi ấm áp, gần biển, nhìn thấy núi qua cửa sổ. Ước mơ ấy đã trở thành thật khi lấy chồng ở Ai Cập.

Nhưng Ai Cập không chỉ có những thứ tôi mơ về, mà còn muôn vàn điều khiến tôi không thể chịu đựng nổi, đặc biệt là lũ côn trùng. Chúng thực sự khó chịu, lỳ lợm y như... "trai Ai Cập" tôi từng trêu chồng thế khi mới quen. Mọi mánh dân gian ở Nga đều không có tác dụng đuổi chúng đi. 

Trải nghiệm làm dâu ở Ả Rập: Lời tâm sự của một phụ nữ Nga đến lấy chồng Ai Cập hé lộ nhiều điều ít ai ngờ về cuộc sống tại xứ sở nghìn lẻ một đêm - Ảnh 9.

Bạn có thể nghĩ là tôi nói quá, nhưng cứ thử nhìn những con gián to bằng con chuột xem? Bạn không hét lên, tôi quỳ. Chúng còn biết bay nữa chứ.

Ai Cập là một quốc gia còn khá nghèo, nên đường sá cũng không sạch đẹp như phương Tây. Nhưng điều khiến tôi khó chịu là tâm lý của đàn ông nơi đây - sẵn sàng trêu chọc phụ nữ mọi lúc. 

Khác biệt về quan niệm sạch sẽ cũng là thứ khiến tôi bực mình. Chẳng hạn, mẹ tôi có thể dùng cùng một mảnh giẻ vừa lau sàn để lau bàn. Hoặc vừa lau nhà xong đã tương giày vào và coi đó là điều bình thường.

Da trắng, tóc vàng và hơi mập? Bạn sẽ là ngôi sao ở Ai Cập

Một điểm tôi thích ở Ai Cập, đó là phụ nữ có thể lấy lại được sự tự tin của mình khi đến đây.

Nếu ở quê hương, bạn bị chê cười vì thân hình hơi mập, ngoại hình "dừ" trước tuổi... thì mọi thứ chẳng phải vấn đề ở đây. Thậm chí bạn có thể được ai đó cầu hôn kể cả khi đã có chồng, miễn là chồng bạn không có mặt ở đó để chứng kiến.

Trải nghiệm làm dâu ở Ả Rập: Lời tâm sự của một phụ nữ Nga đến lấy chồng Ai Cập hé lộ nhiều điều ít ai ngờ về cuộc sống tại xứ sở nghìn lẻ một đêm - Ảnh 10.

Dĩ nhiên là cũng có người tốt kẻ xấu tại Ai Cập, nhưng tựu chung thì người dân quốc gia này khá mến khách. Họ sẵn sàng đưa cho khách đến chơi mọi thứ họ cần. Họ cũng sẽ không phàn nàn nếu chẳng may bạn có bôi bẩn ra nhà họ, mà tiếp tục mời bạn ăn uống tưng bừng. Nếu ăn không hết, có khi còn bị mắng nữa cơ.

Người Ai Cập cũng kỳ lắm. Nếu bạn khen một thứ gì đó của một phụ nữ - chẳng hạn như chiếc nhẫn - cô ấy sẽ nói "khudhha" (nghĩa là "lấy nó đi") với ngụ ý tặng luôn. Dĩ nhiên là mọi người thường từ chối, nhưng họ muốn tặng thật đấy.

Đi siêu thị mà không mang đủ tiền, hoặc quên ví? Cũng không sao cả. Họ sẽ để bạn mang hàng về, chỉ cần hứa mang tiền đi trả vào hôm sau là được.

Tôi có nhớ nhà không? Có chứ... à thực ra cũng không biết nữa

Nhiều lúc tôi muốn về Nga, thực sự muốn. Tôi muốn quay về quê hương, trở về những khung cảnh quen thuộc của tuổi thơ, muốn ghé thăm họ hàng, bạn bè.

Nhưng đến khi thực sự trở về, tôi chẳng còn nhận ra bất kỳ thứ gì. Chỉ 2 - 3 năm đi xa, bạn đã không thể biết ở nhà có gì thay đổi rồi. Còn tôi thì đi xa lâu hơn thế.

Vậy nên tôi có thể về quê vài ngày, đi vài nơi thăm thú, gặp gỡ bạn bè, rồi sẽ chọn trở về Ai Cập. Bởi tôi nhận ra Ai Cập mới thực sự là nhà của tôi lúc này, nơi tôi cảm thấy tự nhiên, thoải mái nhất mà thôi.

Trải nghiệm làm dâu ở Ả Rập: Lời tâm sự của một phụ nữ Nga đến lấy chồng Ai Cập hé lộ nhiều điều ít ai ngờ về cuộc sống tại xứ sở nghìn lẻ một đêm - Ảnh 11.
Tham khảo: BS, VT.com