Trải nghiệm 1 ngày ở trường học tại Singapore để hiểu vì sao họ phát triển dù không có tài nguyên thiên nhiên

AB, Theo Nhịp Sống Kinh Tế 09:51 06/06/2019

Không tài nguyên nên Singapore coi con người là nguồn lực quý giá nhất để phát triển đất nước. Vậy họ đã nuôi dưỡng và phát triển nguồn tài nguyên quý giá này như thế nào?

Một ngày ở trường trung học Singapore

Tác giả Jeevan Vasagar của trang Financial Times đã có một ngày thăm trường trung học Admiralty và thực sự ấn tượng với phong cách giảng dạy ở đây. Học sinh ở đây dù đa sắc tộc nhưng ngôn ngữ được dùng chủ yếu là tiếng Anh.

Trong một lớp học, cô giáo Wendy Chen chiếu một đoạn video ngắn về tình trạng phân biệt chủng tộc ở Singapore nhắm vào các lao động nước ngoài trong ngành xây dựng, sản xuất hay dịch vụ của nước này cho các em học sinh mới 13 tuổi.

Sau đó, học sinh được phát một tờ báo trong ngày và được yêu cầu phân tích “Ai, Cái gì, Ở đâu, Khi nào, Tại sao” dựa trên chính thông tin về lao động nước ngoài trong bài báo. Không khí trong phòng học khá nghiêm túc và nhà báo Vasagar thực sự ấn tượng với những gì diễn ra trong lớp.

Môn học tiếp theo là khoa học. Những học sinh trong lớp sử dụng những bảng mạch nhỏ nối với đèn LED để xây dựng những “dự án” nhỏ theo yêu cầu của giáo viên. Năm ngoái, các học sinh này được yêu cầu lắp ráp một cánh tay robot vào cuối học kỳ. Năm nay, đề bài là xây dựng một mô hình xe hơi tự động đồ chơi.

Tiếp đó, những em nhỏ này làm các bài kiểm tra toán trên máy tính bảng với kết quả hiển thị bằng những đồ thị vui mắt.

Theo các chuyên gia của Singapore, học sinh nên bắt đầu làm quen với bảng mạch, máy tính, mã code... từ nhỏ nhằm thích ứng với sự phát triển của công nghệ cũng như nền kinh tế ngày nay.

Hiệu trưởng Toh Thiam Chye của trường Admiralty nhận định nền giáo dục Singapore luôn cố gắng xây dựng một mô hình giống với nơi làm việc cho các học sinh để các em có thể làm quen khi ra trường. Áp lực đáp ứng nhu cầu nhân lực của Singapore khiến nền giáo dục của nước này không thể trì hoãn, do dự cũng như áp dụng quá nhiều những “cải cách” khác nhau.

Với dân số 5,5 triệu người, Singapore có đến 1,6 triệu lao động nước ngoài và bị hạn chế về nguồn nhân lực trong nước.

Trải nghiệm 1 ngày ở trường học tại Singapore để hiểu vì sao họ phát triển dù không có tài nguyên thiên nhiên - Ảnh 1.

Mặc dù vậy, Singapore lại thường xuyên đứng trong top đầu về trình độ giáo dục, đặc biệt là về toán học. Thậm chí nhiều người dân nước này tự hào khi có nền giáo dục thuộc hàng cao nhất thế giới.

Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về khả năng làm toán cũng như học các môn khoa học khác của những học sinh dưới 15 tuổi tại 76 nền kinh tế, Singapore đứng đầu bảng, tiếp theo đó là Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.

Những quốc gia phát triển Phương Tây lại có vẻ yếu thế hơn so với các nước Châu Á khi Anh chỉ đứng thứ 20 còn Mỹ đứng thứ 28.

Ông Andreas Schleicher, người đứng đầu chương trình đánh giá giáo dục của OECD cho biết trong những cuộc họp về giáo dục giữa các bộ trưởng trên thế giới, khán giả luôn lắng nghe vô cùng kỹ lưỡng mỗi khi bộ trưởng Singapore lên phát biểu.

Hiện nay, nhiều quốc gia đang cố gắng áp dụng mô hình giáo dục của Singapore vào trong các trường học. Gần đây nhất, Anh tuyên bố khoảng 50% các trường trung học của nước này sẽ áp dụng mô hình dạy toán theo Singapore với kinh phí đầu tư khoảng 41 triệu Bảng Anh trong 4 năm nhằm đào tạo giáo viên cũng như đổi sách giáo khoa.

Đặc biệt, chính những thành tựu đáng nể trong giáo dục toán học và khoa học của Singapore đã góp phần không nhỏ khiến quốc gia này hết trở thành quốc gia khởi nghiệp rồi lại đến quốc gia thông minh.

“Để tồn tại, bạn phải trở nên khác biệt”

Trải nghiệm 1 ngày ở trường học tại Singapore để hiểu vì sao họ phát triển dù không có tài nguyên thiên nhiên - Ảnh 2.

Bảng xếp hạng của OECD về kết quả học toán cũng như các môn khoa học của các học sinh 15 tuổi tại các nước

Singapore có biên giới tiếp giáp với Malaysia và Indonesia. Quốc gia này từng bị Anh cai trị trước khi có một thời gian ngắn nằm trong liên bang Malaysia. Năm 1965, Singapore chính thức tuyên bố độc lập.

Với đặc điểm lịch sử, chính trị, văn hóa như vậy, Singapore có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi những nước láng giềng khổng lồ khi mới thành lập. Trước tình hình đó, Singapore buộc phải có những chính sách khác biệt để có thể tồn tại và phát triển.

“Để tồn tại, bạn phải trở nên khác biệt”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói.

Không riêng gì những chính sách về kinh tế, hệ thống giáo dục của Singapore cũng có những đặc điểm riêng biệt từ thời kỳ đầu thành lập.

Dưới thời cai trị của thực dân Anh, hầu hết các trường học được mở ra cho con cái nhà giàu và đa phân dân số tại Singapore thời đó là mù chữ.

Sau khi độc lập, hệ thống giáo dục của nước này được xây dựng lại vô cùng nhanh chóng khi Thủ tướng thời đó, ông Lý Quang Diệu cho rằng con người là tài nguyên lớn nhất nước này có và cũng là nguồn lực chính để thúc đẩy tăng trưởng đất nước.

Chính phủ Singapore khi mới thành lập đã cho mở rộng hệ thống trường học để phổ cập giáo dục ra toàn dân. Đây là một khâu vô cùng quan trọng trong chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài cũng như xây dựng các khu công nghiệp.

Ông Lý Quang Diệu cho rằng hệ thống giáo dục của Singapore cần phải phục vụ 2 mục đích chính ngoài xóa mù chữ là tạo nên sự thống nhất, phổ biến của tiếng Anh trong cộng đồng đa sắc tộc và cung cấp lao động lành nghề cho các nhà máy thời đó.

Năm 1996, Cựu thủ tướng Lý Quang Diệu cho rằng chính tầng lớp lao động được đào tạo tốt, có kỷ luật, chăm chỉ và có ý chí vươn lên là những gì Singapore cần để tồn tại cũng như phát triển thịnh vượng.

Hiện nay, Singapore nổi tiếng với mô hình đào tạo gắn liền với công việc. Năm 2015, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Bộ trưởng giáo dục Hàn Quốc đã từng phải ghen tỵ khi biết rằng hầu hết các sinh viên ra trường tại Singapore đều tìm được việc làm ngay lập tức.

Thậm chí, chính Thủ tướng Lý còn góp ý rằng số giáo viên giảng dạy văn học Đức tại Hàn Quốc còn nhiều hơn số giáo viên dạy văn ở chính nước Đức. Ông chỉ ra rằng những sinh viên theo học nhiều môn không gắn liền quá nhiều với thực tế, như văn học Đức sẽ gặp khó khăn khi tìm việc và đây không chỉ là vấn đề của riêng Hàn Quốc.

Trái ngược lại, Singapore không chú trọng vào những môn không quá quan trọng. Toán và khoa học mới là chủ đạo của hệ thống giáo dục nước này, đặc biệt là tại các trường tiểu học và trung học. Các học sinh trước khi lên cao đẳng và đại học phải theo học và thi đỗ ít nhất một môn khoa học, hoặc môn toán mới được học tiếp.

Trải nghiệm 1 ngày ở trường học tại Singapore để hiểu vì sao họ phát triển dù không có tài nguyên thiên nhiên - Ảnh 3.

Thậm chí, Singapore có những giáo viên chuyên môn dạy toán cho các học sinh cuối cấp nhằm giúp các em vượt qua những kỳ thi khắc nghiệt.

Mô hình tập trung vào toán học và khoa học này của Singapore ban đầu được phát triển bởi một nhóm các giáo viên vào thập niên 80, khi chính phủ yêu cầu họ đề xuất một dự án đào tạo chất lượng cao.

Nhóm giáo viên này đã nghiên cứu những phương thức giáo dục hiện đại nhất thời đó, đến thăm những trường quốc tế nổi tiếng tại các nước khác nhau nhằm so sánh sự khác biệt cũng như hiệu quả giáo dục.

Với quan điểm chuyển hướng giáo dục từ thụ động thầy dạy trò sang hướng dẫn học sinh cách giải quyết vấn đề, nhóm giáo viên này đã lập nên một giáo trình nổi tiếng có sự tổng hợp của nhiều học thuyết giáo dục.

Ví dụ theo quan điểm của nhà giáo dục học người Mỹ, ông Jerome Bruner, con người học tập tri thức mới dựa trên 3 giai đoạn là bằng các ví dụ thực tế, bằng hình ảnh và cuối cùng là bằng các biểu tượng, chữ viết hay ngôn ngữ.

Đây là nguyên nhân các lớp dạy toán của Singapore tích cực sử dụng những mô hình, ví dụ thực tế đầy màu sắc và sống động nhằm tăng cường hiệu quả tiếp thu của các học sinh.

Chương trình học tại Singapore ở các cấp tiểu học, trung học thường tập trung hơn rất nhiều so với Phương Tây. Theo OECD, đây là một trong những yếu tố tạo nên hiệu quả giáo dục của quốc gia này.

Trong khi những nước Anh hay Mỹ thường dạy rất nhiều môn nhưng không chuyên sâu môn học nào thì Singapore lại dạy ít môn hơn nhưng tập trung chuyên sâu, đặc biệt là toán học.

Dẫu vậy, cách dạy toán của Singapore không dàn trải, cái gì cũng dạy mà những giáo viên ở đây cố gắng giúp học sinh biết cách suy nghĩ như một nhà toán học.

Tại những nước Phương Tây, các học sinh có tài năng về một bộ môn nhất định sẽ được coi trọng hơn những người khác. Tuy nhiên tại Singapore, đức tính cần cù siêng năng được coi trọng hơn so với tài năng.

Chuyên gia Tim Oates, người phụ trách đánh giá hệ thống giáo dục Anh trong khoảng 2010-2013 nhận định phương pháp đánh giá học sinh trên của Singapore sẽ được áp dụng bởi tính hiệu quả của chúng. Theo đó, học sinh không còn được đánh giá dựa trên biểu hiện của từng người, thay vào đó các học sinh được cho là đủ sức học mọi môn và việc học môn nào trội hơn tùy thuộc vào thời gian và công sức các em đầu tư cho môn đó.

Trải nghiệm 1 ngày ở trường học tại Singapore để hiểu vì sao họ phát triển dù không có tài nguyên thiên nhiên - Ảnh 4.

Nguồn gốc của quốc gia thông minh-Smart Nation

Thành công của Singapore ngày nay không phải nhờ từ những dòng vốn nước ngoài mà chính là giáo dục và con người.

Quốc đảo Sư tử này chỉ chi 3% GDP ngân sách cho giáo dục, thấp hơn nhiều so với mức 6% của Anh và gần 8% của Thụy Điển. Tuy nhiên, hiệu quả mà hệ thống giáo dục Singapore mang đến lại cao hơn rất nhiều so với các nước khác.

Giáo viên tại đây được tạo thời gian tự do để đánh giá lại kết quả giảng dạy của mình. Trong ngày, các giáo viên được dành thời gian để tự đánh giá công việc bản thân, tham dự các khóa học của lớp khác nhằm cải tiến nâng cao chất lượng giảng dạy.

Ngoài ra, giáo viên cũng không gặp áp lực trở thành quản lý mà họ có thể tập trung vào chuyên môn, trở thành những gia sư hay chuyên gia giáo dục với mức lương khá tốt. Với phương pháp này, giáo viên có thể an tâm tập trung vào chuyên môn hơn thay vì những chiêu trò để tăng thu nhập và lo cho sự nghiệp tương lai.

Thông thường, các chương trình giáo dục hiện nay tốn quá nhiều thời gian trên lớp trong khi họ không chú trọng đến cách hướng dẫn học sinh tự học, cách suy nghĩ và giải quyết vấn đề. Hậu quả là thời gian học thì dài, tốn kém nhiều tiền bạc mà chất lượng không cao.

Giáo viên tại Anh tốn khoảng 20 tiếng dạy trên lớp mỗi tuần, Mỹ là khoảng 27 tiếng, Nhật Bản và Hàn Quốc là khoảng 15 tiếng. Như vậy, giáo viên sẽ ít có thời gian xem xét lại hiệu quả công việc cũng như chuẩn bị giáo án tốt nhất cho học sinh. Đây là lý do tại sao các giao viên Singapore lại có nhiều thời gian rảnh để đánh giá công việc như vậy.

Ngoài ra, Singapore cũng cổ vũ việc tự học ở nhà khi cho rằng tốn quá nhiều thời gian trên lớp có thể không hiệu quả bằng việc tự suy nghĩ và làm các bài tập tại gia. Đây cũng là lý do nghề gia sư cực kỳ phát triển tại Singapore khi các bậc phụ huynh muốn đầu tư hết mức có thể cho con cái họ.

Những phương pháp học toán hiệu quả bởi Kate Moore, chuyên gia hàng đầu về toán học tại Singapore và đang giảng dạy tại Anh:

-Hãy có suy nghĩ tích cực về môn toán. Đừng bao giờ cho rằng con bạn không giỏi toán. Tất cả học sinh đều có thể học giỏi môn toán nhờ sự trợ giúp và hướng dẫn đúng cách.

-Hãy khuyến khích con bạn giải thích sự hiểu biết của mình về một vấn đề theo nhiều cách khác nhau, như vẽ ra một bức tranh hay xây dựng một mô hình diễn tả chúng.

-Khuyến khích trẻ em nỗ lực và khen ngợi chúng vì sự kiên trì cũng như cách giải quyết vấn đề thay vì trao thưởng vì trả lời đúng đáp án. Xây dựng sự tự tin cho con trẻ với quan điểm sai lầm là đáng giá để học hỏi điều mới và để đi đến thành công.

-Đưa toán học vào cuộc sống thường ngày, ví dụ như hỏi con bạn xem có bao nhiêu bến đỗ xe bus trên đường từ nhà tới trường?...

-Khuyến khích việc tìm kiếm hướng giải quyết vấn đề thích hợp nhất. Khai thác sự sáng tạo của con trẻ hơn là nhấn mạnh vào những gì bạn muốn dạy. Thảo luận với con bạn về phương pháp giải quyết mà chúng thích dùng và hỏi tại sao.