Mấy hôm trước thấy các thầy đi Hà Nội, sơ mi trắng đồng loạt lên sóng truyền hình quốc gia trong hành trình WeTalk (một chương trình của WeChoice Awards 2018), trông ai cũng đẹp trai, khí thế bừng bừng. Rồi lại thấy các thầy cười tươi như hoa, nhảy điệu dân vũ độc đáo trên sân khấu nhỏ ngày hội nghề giáo ở huyện Tri Lễ với các động tác không ai có: đi đơm cá, xoa đầu chó, gồng tay giữ chặt xe máy xuống dốc hay đập bóng chuyền vào lưới.

Hôm nay, chắc các thầy vẫn đang còn vui. Mỗi năm có một ngày được xã hội ghi công, ai mà chẳng vui!

Đã thế, các thầy lại đi dạy học tít trên những đỉnh núi cao ngất xa lắc, tuần về nhà một lần phải dành cho gia đình, chẳng mấy khi được cùng đồng nghiệp gặp gỡ hàn huyên. Cái huyện cực tây Nghệ An này có 17 km giáp với Lào, đứng ở ngọn đồi điểm trường Nậm Tột nhìn sang vẫn xanh ngắt đấy nhưng đã là núi rừng nước bạn. Sâu trong núi, có 6 điểm trường, năm học 2018-2019 có 355 học sinh tiểu học toàn bộ là người H’Mông, được 44 thầy giáo dạy dỗ.

Từ Sài Gòn, nghe tiếng chuông bên kia reng reng tiếng được tiếng mất. Rồi một giọng lạ hoắc:

-Anh Hùng hả chị? Anh Hùng đang dưới suối bắt cá chị ạ.

Bắt cá dưới suối? À đúng rồi. Tôi chợt nhớ ra cách đây một năm, khi nhóm thực hiện WeChoice Awards 2018 lần đầu tiên ra với ngôi trường suốt hơn 40 năm nay không có bóng cô giáo nào này, cứ đến khoảng giờ là các thầy chia làm hai đội: đội lên rừng hái măng, đội xuống suối bắt cá. Trong thung lũng hoang vắng, chợ không, đường không, điện không, nước sạch cũng không, thực phẩm tươi sống hàng ngày của các thầy chủ yếu vẫn là măng rừng và cá suối. Thỉnh thoảng bẫy được vài con chuột rừng “cải thiện” thì đi về phải khoảng tiếng rưỡi đường rừng. Có hôm được vài ba con, hôm trắng tay.

- Được chục con cá, bằng hai ngón tay cái chị ạ. Anh em đang nướng - Khoảng 2 tiếng sau, thầy Lang Việt Hùng gọi lại, giọng nghe vui đáo để.

Mường Lống - như có lần thầy hiệu phó người H’Mông Thò Bá Sinh giải thích cho tôi, tiếng H’Mông nghĩa là vùng rừng sâu mênh mông, đến nỗi người lạc lối không tìm được đường về.

Mường Lống giờ vẫn là rừng sâu mênh mông, dù có con đường mòn cheo leo hết bò ngược lên đỉnh lại cắm xuống suối. Mùa mưa (bắt đầu từ tháng 11 đến hết tháng 4 sang năm), mưa rừng lê thê nghi ngút xói mòn mặt đường thành những cái hố sâu toang hoác, hoặc đem đất đá trên núi đổ ập xuống. Chỗ nào không bị sạt lở thì bùn đất sét quánh dẻo nhão choẹt quấn lấy bánh xe, bàn chân. Sương mù giăng là đà trắng núi, chỉ cách độ 20 m đã không còn nhìn thấy gì. Trong ngày, nếu không mưa thì chỉ có khoảng 3 tiếng giữa trưa là trời hửng chút nắng.

Khí hậu đặc biệt ấy chỉ có ở đây, khiến nó được gọi là Sa Pa của Nghệ An - ở giữa đất gió Lào nhưng không hề phải gánh chút gió Lào nào. Cộng với cảnh đẹp hoang sơ của núi rừng biên giới và các cộng đồng người H’Mông, Thái, Khơ Mú nguyên chất, dãy Phà Cà Tún vài năm nay nổi lên như một điểm đến mới cực kỳ thú vị của dân phượt. Nhưng với người dân bản địa, cái rét và sự nguy hiểm của đường rừng, vực thẳm khiến chẳng mấy ai đi lại vào mùa này. Giữa núi rừng quạnh quẽ, chỉ có những thầy cô giáo ở 6 điểm trường tiểu học và mấy điểm trường mẫu giáo hàng tuần đều đặn lên-về. Những đôi tay luôn phải gồng căng để kìm chiếc xe không trôi xuống dốc, đẩy ngược xe lên dốc, hoặc khiêng xe qua suối. Chỉ một mùa, bất kể trai gái, họ đều trở thành “chiến binh”.

Khi tôi viết những dòng này, một nhóm thiện nguyện nữa ở Hà Nội đang rục rịch chuẩn bị lên đường. Lần này họ không chỉ mang áo ấm cho học sinh mà còn tặng các thầy, và đặc biệt - tặng vợ các thầy một chiếc, để cảm ơn những người phụ nữ “hậu phương” một mình lo toan con cái, gia đình cho chồng đi lên núi biền biệt nhiều năm.

Xã hội không quên các thầy cô, dù tuyệt đại đa số những người góp của góp công ấy chưa hề biết đến những con đường mòn trên núi dốc và nguy hiểm đến nỗi chỉ hơn 2 km nhưng người bản địa đi xe máy mất đến 20 phút, trong điều kiện trời nắng to, khô ráo; chưa hề biết đến nỗi cô đơn và hoang mang như rơi vào hang đá một mình giữa đêm đen, như lời thầy Nguyễn Trọng Quyền, hiệu phó trường Tiểu học Tri Lễ kể lúc mới về trường, cách đây 5 năm.

***

Năm ngoái, ở những điểm lẻ Huổi Mới, Nậm Tột, mùa đông lạnh đến nỗi có nhiều ngày băng đóng trắng xóa. Thế nhưng những thế hệ người thầy ấy, hơn 40 năm nay vẫn sống trong những căn buồng ghép ván gỗ hở trên trống dưới, nằm trong nhà cũng chẳng ấm hơn ngoài trời mấy tí.

Dãy Phà Cà Tún cao hơn 1.000 m kể từ mặt nước biển, đỉnh núi luôn chìm trong mây mờ mịt. Chỉ mới cách đây sáu năm, Chè Lè (tên tiếng Mông, nghĩa là vùng tập trung dân cư đông đúc - người Kinh viết phiên thành Tri Lễ) còn là vùng trọng điểm ma túy của tỉnh Nghệ An. Dân gieo hạt anh túc lẫn với hạt cải trong rẫy, cây anh túc mới mọc trông y hệt cây cải, không phân biệt được. Thuốc phiện tuồn về qua vô số con đường trong rừng sâu từ Lào sang. Công an, biên phòng lùng mấy họ cũng thoát được. Thời tiết không hợp trồng lúa nước, dân quen rồi, cấm chỗ này thì luồn rừng trồng chỗ khác. Huyện, tỉnh đau đầu nhưng khó xuể.

Mới ít năm nay, nhờ con đường Tây Nghệ An xẻ qua đèo Chuối, dân đi lại dễ dàng hơn. Lái trâu lái bò lên tận nơi thu mua, người dân đi xe máy cũng mang được ít sản vật đi bán. Dần dần bớt khổ hơn một chút. Nhưng sâu trong núi vẫn khổ cực lắm. Khí hậu giá lạnh không thích hợp trồng lúa nước, mà trồng cây gì thay thế thì vẫn chưa ai nghĩ ra. Thanh niên bản chủ yếu đi làm thuê khắp nơi, chỉ còn lại phụ nữ, người già và trẻ em. Năm ngoái, một anh lái trâu từ Vinh lên Mường Lống mua trâu cho vụ Tết ngồi tính cho tôi nghe: ở đây một gia đình 4 người, một tháng tiêu hết 5 triệu đồng đã hiếm ai đạt được.

***

Năm ngoái, ở Chè Lè tĩnh lặng trong veo, khi xuống xuôi, ở sân bay Vinh tôi đã bị bội thực âm thanh. Về đến Sài Gòn lại bội thực ánh sáng cực độ của cơ man ngọn đèn điện, đến nỗi tôi choáng váng và ngầy ngật như bị bệnh. Chao ôi, giá mà có thể chuyển một phần ánh sáng quá đỗi thừa thãi này cho Chè Lè, cho Mường Lống, Huổi Xái, Huổi Mới, Nậm Tột… cho những phòng học trong núi sâu mà ban ngày sương mù vẫn che mờ quyển sách trước mặt.

Nơi ấy, ánh sáng và hơi ấm là niềm vui của những đứa trẻ, của người dân, của các thầy cô giáo. Phòng học ở điểm trường lẻ Huổi Xái 1 còn sang sáng một chút vì nằm trên đồi, còn điểm trường chính Mường Lống trong thung lũng, mùa đông này cả ngày bầu trời vẫn mịt mù.

Chè Lè chưa có điện lưới. Tất cả các điểm trường chỉ thắp sáng nhờ vài bóng đèn chạy bằng năng lượng mặt trời đặt trên mái các lớp học. Nhưng điện nạp không đủ. Mùa hè, từ tháng 4 đến tháng 6, trời nắng nhiều, đèn còn đủ sáng suốt đêm (gọi là sáng nhưng mỗi phòng chỉ được một bóng đèn, trông thấy đồ vật và đường đi nhưng không đủ để đọc chữ). Sạc được cả điện thoại, có lúc may mắn còn xem được cả tivi dù chập chờn.

9 tháng còn lại, mây mù quấn kín núi, bóng đèn chỉ tích đủ điện để sáng trong khoảng 4, 5 tiếng. Mỗi phòng học thắp 2 bóng đèn vẫn như muối bỏ biển, lờ mờ như chạng vạng tối dưới xuôi, học sinh trông lên bảng không thể thấy chữ. Đèn lại rất mau hỏng . Buổi chiều, các thầy tháo đèn trong lớp mang về lắp thêm vào phòng ký túc (kiêm phòng làm việc), sáng ra, lại tháo lắp vào lớp, nhưng cũng không ăn thua. Muốn đủ sáng để thấy bảng thì mỗi phòng phải có khoảng 8 bóng đèn, nhưng hiện tại, mỗi phòng học chỉ được một bóng.

Mùa đông, mọi cái khổ, cái thiếu của những lớp học nơi non cao này đều tập trung vào một lúc: rét đến băng tuyết trắng xóa, đường trơn trượt, đèo dốc, vực thẳm vô cùng nguy hiểm, thiếu rau, thiếu măng, thiếu cá suối, thiếu điện thắp sáng, thiếu nơi ngủ ấm, thiếu cả người đến thăm. Đặc biệt là nghề nghiệp: ở vài năm trên núi, không có điều kiện nâng cao nghiệp vụ thường xuyên, thầy cô cũng lụt nghề đi chẳng ít.

Thế nhưng suốt hơn bốn mươi năm qua, nhiều thế hệ thầy giáo vẫn thay nhau vượt rừng băng suối lên tận đỉnh trời để dạy chữ. Cái chữ đựng trong gùi người H’Mông theo những đôi chân trần trèo qua dốc đá gập ghềnh, có chữ nằm lại, có chữ rơi đi. Hàng ngàn đứa trẻ H’Mông từ khi sinh ra đến khi vào lớp một mới bập bẹ những tiếng Kinh đầu tiên, đã phải học luôn văn hóa bằng tiếng Kinh, trong khi thầy thì người Thái, người Kinh. Tiếng của trò thầy không biết đủ, khó càng thêm khó. Đại đa số không học qua lớp 5. Song, hàng trăm đứa trẻ khác đã ngày qua ngày cần cù nhặt lấy chữ như cha ông chúng xưa cần cù trỉa từng hạt bắp trên rẫy. Rồi trở thành thầy giáo, cô giáo, anh công an, chú bác sĩ, cử nhân những trường đại học xa tận thủ đô, quay trở lại núi tiếp tục dạy cho đồng bào mình.

***

Gần như quanh năm, Chè Lè thiếu mặt trời. Nhưng đời này nối đời kia, các thầy giáo, cô giáo đủ các dân tộc nối tiếp nhau qua hơn 40 năm vẫn kiên trì gieo nguồn ánh sáng cho người H’Mông nơi đây. Rồi từ rừng sâu, nắm chặt cái chữ mà bước, đời này nối đời kia, những đôi chân H’Mông khỏe mạnh và kiên cường sẽ có một ngày in dấu lên mọi nẻo đường kiến thức.

Trong vài năm qua, từ sự lan truyền mãnh liệt của truyền thông, nhiều doanh nghiệp, chương trình thiện nguyện, quỹ hỗ trợ phát triển… đã đến với Tri Lễ. Dự án “Mặt trời mơ ước – Thắp sáng hy vọng và tương lai cho Tri Lễ" - Dự án nằm trong chương trình WeTalk , một hoạt động thuộc khuôn khổ giải thưởng WeChoice Awardss 2018 với mục đích kêu gọi, khởi xướng cộng đồng cùng tham gia hỗ trợ các hoạt động truyền cảm hứng và lan tỏa niềm cảm hứng đó với toàn xã hội. Nắm được sự khó khăn của các em nhỏ khi sinh hoạt và học tập trong điều kiện 4 không: Không điện, không đường, không nước sạch, không sóng điện thoại, dự án“Mặt trời mơ ước” sẽ mang đến cho các em nhỏ và trường học ở Tri Lễ 1.000 chiếc đèn năng lượng mặt trời, phát tới từng em và các hộ gia đình ở Tri Lễ, hướng dẫn sử dụng đồng thời kêu gọi phụ huynh đưa các em đến trường. Đặc biệt hơn nữa, một ngôi trường mới hiện đại hơn, đầy đủ điện, ánh sáng, các phương tiện học tập sẽ được xây dựng tại trung tâm của Tri Lễ để hành trình gieo chữ của các thầy bớt nhọc nhằn và giúp cho những học sinh Tri Lễ có thêm động lực, cảm hứng học tập trong hành trình xây đắp tri thức cho tương lai.

Dự án “Mặt trời mơ ước - Thắp sáng hy vọng và tương lai cho Tri Lễ” lần này do Samsung kết hợp cùng với WeTalk thực hiện, sẽ không chỉ dừng lại ở 1.000 chiếc đèn năng lượng mặt trời, thiết bị cho những buổi chiếu phim như máy chiếu, máy phát, mà đặc biệt hơn là một ngôi trường khang trang, hiện đại, đầy đủ điện, ánh sáng sẽ được xây dựng để từ đây - các em có một môi trường học tập tốt hơn, giúp các em có thêm niềm tin, động lực trên con đường tiếp cận với tri thức, thông tin.

Hoàng Xuân
Hoàng Xuân & Chloe
Nhật Ánh & Mạnh Nguyễn
Theo Trí Thức Trẻ30.11.2018