Tony Stark hay phép ẩn dụ về sự chuyển mình của đế chế siêu anh hùng Marvel

Splendid River, Theo Trí Thức Trẻ 18:00 03/11/2017

Để biết về quá trình hình thành và phát triển của Marvel với tư cách là một hãng điện ảnh, hãy nhìn vào chính hành trình của Tony Stark trong các bộ phim của hãng.

"Để người đời sợ hãi, hay nể phục mình, cái nào tốt hơn? Tôi thì nghĩ là: Đời có cả hai thì có quá lắm không?" - Đây là câu thoại mở đầu cho trailer cho bộ phim Iron Man ra mắt vào năm 2008 với diễn xuất của Robert Downey Jr. hay cũng là lời "tiếp thị" cho hệ thống vũ khí mới nhất của anh ta.

Tony Stark hay phép ẩn dụ về sự chuyển mình của đế chế siêu anh hùng Marvel - Ảnh 1.

Những quả tên lửa này có sức mạnh khủng khiếp đến mức mà theo lời Stark thì sẽ "khiến kẻ xấu không dám thò mặt ra khỏi hang nữa luôn". Buổi công bố sản phẩm mới của Stark thành công rực rỡ, có gì đó khá giống với một buổi giới thiệu phim, một trailer cho một "bom tấn" ngoài sức tưởng tượng của công chúng.

Iron Man - Khởi nguồn cho Vũ trụ Điện ảnh Marvel

Sau hàng thập kỷ đem "cho thuê" bản quyền các nhân vật truyện tranh nổi tiếng của mình ra bên ngoài, Iron Man là lần đầu tiên Marvel nắm lấy vận mệnh của mình và đưa một trong số những "đứa con cưng" của họ lên màn ảnh rộng. Vào thời điểm đó, hiếm có người ngoài nào có thể hình dung ra sự đồ sộ của cả một Vũ trụ Điện ảnh Marvel rộng lớn như ngày nay. Với Thor: Ragnarok đã ra mắt, tổng số phim của thương hiệu này sẽ lên đến 17 trong chiều dài 10 năm.

Tony Stark hay phép ẩn dụ về sự chuyển mình của đế chế siêu anh hùng Marvel - Ảnh 2.

Tony Stark/Iron Man đã xuất hiện trong 8 trên tổng số 17 phim điện ảnh nói trên, và câu chuyện về gã con buôn "chơi bời" chuyển mình thành người lãnh đạo kỳ cựu của cả vũ trụ Marvel tình cờ làm sao lại phản chiếu cuộc "đổi đời" ngoạn mục của một hãng truyện tranh đang xuống dốc trở thành hãng phim khổng lồ với một "công thức" làm phim khiến cho cả Hollywood phải cố gắng bắt chước, rượt đuổi.

Nếu coi Tony Stark chính là Marvel, chúng ta có thể nhìn thấy vô vàn những mối liên hệ tình cờ đến bất ngờ giữa hai cá thể này. Khoảng giữa những năm 2000, Marvel không hẳn là bị "bắt cóc" bởi khủng bố như Tony, nhưng việc phải nhắm mắt làm ngơ khi các hãng phim khác tha hồ sinh sát những đứa con tinh thần của họ cũng đủ khiến cho tham vọng bước chân vào Hollywood của chính họ trở nên đầy chông gai.

Cuộc chiến giữa Tony và Obediah Stane (Jeff Bridges) trong phim cũng giống như việc các lãnh đạo của Marvel phải đấu tranh với các ông lớn khác để giành quyền tự chủ cho các bộ phim dựa trên nhân vật của họ. Trong khi đó việc Tony dành nhiều thời gian phát minh, thí nghiệm, và liên tục hoàn thiện các phiên bản khác nhau của bộ giáp Iron Man không khỏi khiến cho người ta tưởng tượng đến việc Marvel đã tinh chỉnh công thức điện ảnh của mình cẩn thận đến đâu trong những năm đầu tiên của Vũ Trụ Marvel.

Tony Stark hay phép ẩn dụ về sự chuyển mình của đế chế siêu anh hùng Marvel - Ảnh 3.

Tony trở lại 2 năm sau trong Iron Man 2, dù kiếm được bộn tiền, nhưng thường xuyên bị khán giả xếp vào hàng chót trong bảng tổng sắp các bộ phim trong Vũ Trụ Marvel, và mỉa mai thay, bản thân nhân vật này trong phim cũng đang trong tình trạng "rơi tự do".

Tới thời điểm này, anh ta đã là một siêu anh hùng có tên tuổi, nhưng thường xuyên phải đối mặt với nạn "hàng nhái" từ các đối thủ trên khắp thế giới, kẻ muốn thay thế anh, kẻ muốn tiêu diệt anh. Điều này khá giống với việc lần lượt các hãng phim lớn ở khắp Hollywood khởi động "Vũ trụ Điện ảnh" của riêng mình để nắm bắt cơ hội thành công tương tự như của Iron Man từ 2008.

Tony Stark hay phép ẩn dụ về sự chuyển mình của đế chế siêu anh hùng Marvel - Ảnh 4.

Lần tiếp theo Tony Stark xuất hiện là vào năm 2012 trong The Avengers, khi anh trở thành một thành viên trong nhóm rất nhiều các siêu anh hùng khác nhau phải hợp tác chiến đấu chống lại một cuộc xâm lăng từ ngoài hành tinh. Bản thân Tony không thay đổi mấy trong phim này, nhưng chúng ta vẫn có thể nhìn ra một phép ẩn dụ khác.

Khi Walt Disney thâu tóm Vũ trụ Điện Ảnh Marvel

Năm bộ phim đầu tiên của hãng được phát hành bởi các công ty khác nhau như Universal và Paramount Pictures. Chỉ đến khi The Avengers được ra mắt, trùng hợp với việc Disney mua lại và nắm quyền kiểm soát Marvel, thì họ mới thực sự về "chung một nhà" với những tên tuổi khác dưới trướng chú chuột Mickey. Cũng giống như Tony phải tập làm việc nhóm với những đồng đội khác, Marvel phải làm quen với một đại gia đình khổng lồ của tập đoàn giải trí lớn nhất thế giới, làm quen với "bạn" mới, và nghe lệnh của "sếp" mới.

Tony Stark hay phép ẩn dụ về sự chuyển mình của đế chế siêu anh hùng Marvel - Ảnh 5.

Nối tiếp The Avengers, Iron Man 3 lại tiếp tục là một thành công "điên đảo", nhưng lại cũng chính là câu chuyện của những tiếc nuối trong quá khứ mà Marvel từng phải đối mặt, không khác biệt mấy với những trải nghiệm của Tony trong phim.

Aldrich Killian (Guy Pearce) là một kẻ ác hoàn toàn mới, nhưng lại là một người quen cũ của Tony Stark, một nhà phát minh từng tìm tới sự giúp đỡ của anh ta và bị ruồng bỏ không thương tiếc. Trong khi đó, Maya Hanson (Rebecca Hall), cũng là một nhà khoa học, lại nhờ có công thức của Tony viết cho mà sáng tạo ra Extremis - sức mạnh nham thạch của Killian .

Nếu suy nghĩ một chút, ta có thể nhìn ra sự hối hận của Marvel khi giao bản quyền nhân vật cho hãng khác từ nhiều năm trước, để rồi giờ đây Sony cũng lăm le tham vọng mở rộng vũ trụ Marvel của riêng họ, và Fox thì tái khởi động thương hiệu X-men, và không hề có ý định buông tha cho Fantastic Four. Những điều này ban đầu thì cũng "trong sáng" và đầy hi vọng, nhưng khi Marvel có được thành công của riêng mình, thì chúng lại biến tướng, trở thành đối thủ quay trở lại đối đầu bằng chính ý tưởng của họ.

Hơn nữa, hình ảnh đối thủ của Iron Man tìm cách sử dụng chính công thức của anh để đối đầu với anh, để rồi thảm bại, thậm chí nổ tung không còn một mảnh chẳng khác nào mỉa mai các hãng phim liên tục ra mắt "vũ trụ" của riêng họ và rồi "ngã sấp mặt".

Tony Stark hay phép ẩn dụ về sự chuyển mình của đế chế siêu anh hùng Marvel - Ảnh 6.

Tới mốc thời điểm năm 2015, Vũ trụ Điện ảnh của Marvel đã gây ra cả một sự chuyển mình mang tính cách mạng cho ngành công nghiệp điện ảnh ở Mỹ, cả theo nghĩa tốt lẫn xấu. Hầu hết các bộ phim của họ đều cực kỳ giải trí, nhưng lại "tạo cảm hứng" cho vô số những phiên bản "nhái" kém chất lượng tới từ các nhà làm phim học hỏi thì ít, học đòi thì nhiều.

Đúng lúc này, Avengers: Age of Ultron ra mắt công chúng, mang theo những băn khoăn về việc ý tưởng tốt vẫn có thể có kết quả thảm họa, và không có phát minh hay kiến tạo nào hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của người sáng tạo ra nó cả.

Và tất nhiên, Tony Stark lại một lần nữa nằm ở "tâm bão" của những thảm họa do chính anh gây ra, lần này với việc thiết kế nên Ultron, những tưởng sẽ mang lại hòa bình ấm no cho cả thế giới, lại trở thành robot giết người hăm dọa phá hủy trái đất.

Tony Stark hay phép ẩn dụ về sự chuyển mình của đế chế siêu anh hùng Marvel - Ảnh 7.

Vài tháng sau, người ta bắt đầu xì xào ghé tai nhau tin đồn về một sự "thay máu" tầm cỡ trong nội bộ Marvel Studios. Theo đó Kevin Feige – tổng tài lèo lái toàn bộ các bộ phim của họ từ trước tới nay, sẽ phải làm việc dưới trướng một nhà quản lý tới từ Disney, thay vì giám đốc Marvel như trước, sau một thời gian dài xích mích về nguồn vốn và tranh cãi trong ý tưởng. Các bạn thử đoán xem đúng cái lúc "nước sôi lửa bỏng" này họ đang rục rịch sản xuất bộ phim nào tiếp theo? Đúng vậy, Captain America: Civil War – Nội chiến giữa các siêu anh hùng.

Spider-Man: Homecoming - Khi Marvel lần đầu bắt tay với các hãng sản xuất khác

Tony Stark hay phép ẩn dụ về sự chuyển mình của đế chế siêu anh hùng Marvel - Ảnh 8.

Đầu mùa hè năm nay, Spider-man: Homecoming là một trường hợp đặc biệt: Không thực sự là một bộ phim xuất sắc của Marvel Studios nhưng đây là một kết quả của một hợp tác hiếm có ở Hollywood giữa Marvel và Sony – hãng đang nắm trong tay bản quyền sản xuất điện ảnh của nhân vật Spider-man.

Vai trò của Tony Stark trong phim đối với Peter Parker (Tom Holland) không khác mấy vai trò của Marvel đối với Sony: Một người thầy, người hướng dẫn, chỉ bảo cho Sony biết cách điều khiển một con tàu khổng lồ mang tên "Vũ trụ Điện ảnh", đặc biệt là sau cú "chìm xuồng" quá nặng nề của The Amazing Spider-man và giấc mộng về một thế giới Marvel độc lập của riêng họ.

Trong phim, Peter Parker cũng vì đã quá hấp tấp với sức mạnh và bộ đồ công nghệ cao của mình mà không những không ngăn chặn nổi kẻ xấu, lại còn gây ra biết bao nhiêu thảm họa khôn lường cho người vô tội, và cần phải có sự trợ giúp của Iron Man. Thậm chí những lời khuyên Tony Stark dành cho Peter như "Nếu cháu vì không có bộ đồ này mà trở nên vô dụng, thì cháu không nên giữ nó", nếu nghĩ kỹ ra thì hoàn toàn có thể sử dụng như những "ghi nhớ" cho các nhà làm phim Sony vậy.

Tony Stark hay phép ẩn dụ về sự chuyển mình của đế chế siêu anh hùng Marvel - Ảnh 9.

Tony Stark hay phép ẩn dụ về sự chuyển mình của đế chế siêu anh hùng Marvel - Ảnh 10.

Fox và Sony là những hãng phim đang nắm bản quyền các nhân vật Marvel

Cuối phim Homecoming, Tony ngỏ ý mời Spider-man tham gia vào nhóm The Avengers, nhưng cậu ta từ chối vì muốn ở lại "mặt đất" lâu hơn một tí. Tình cờ thay, Venom – một phim độc lập mới dựa trên một nhân vật phản diện nổi tiếng của Spider-man đến từ Marvel do Sony sản xuất và diễn xuất của Tom Hardy vừa được bấm máy trong thời gian gần đây. Sony tiếp tục thể hiện mong muốn gây dựng một gia tài Marvel của riêng mình, trong khi vẫn còn khá mập mờ về mục đích của họ trong mối quan hệ với Marvel Studios.

Tony Stark, và cả Peter Parker sẽ còn trở lại trong Avengers: Infinity War đang trong quá trình sản xuất, khi tin đồn về việc Robert Downey Jr. (52 tuổi) không còn tha thiết theo đuổi vai diễn này bắt đầu lan tỏa trong cộng đồng mạng.

Thậm chí, còn có người cho rằng Tony Stark/Iron Man sẽ phải hy sinh bằng cách nào đó trong phần phim tiếp theo này. Nếu như chuyện này là thật, thì nó sẽ có ý nghĩa gì với số phận của Marvel Studios trong vai trò một hãng phim điện ảnh lớn? Đây vẫn sẽ còn là những câu hỏi mở mà chỉ có thời gian, và sự ra mắt của Infinity War mới có thể trả lời được. Và dù sao thì, đây cũng chỉ là rất nhiều những trùng hợp thú vị giữa cuộc đời và phim ảnh mà thôi.