Toàn cảnh Trái đất năm 2019 thực sự "rực cháy" theo đúng nghĩa đen: Amazon cháy kỷ lục, nhưng đằng sau còn vấn đề hết sức đáng lo ngại

J.D, Theo Helino 12:10 16/12/2019

Dư luận chú ý đến rừng Amazon, mà không biết rằng nhiều nơi khác trên Trái đất, "bà hỏa" đã và đang lan rộng với mật độ thực sự đáng sợ.

Suốt một năm 2019, chúng ta đã phải nghe đến rất nhiều kỷ lục buồn. Loài người phải trải qua những tháng hè nóng bậc nhất, phát hiện ra nhiều rác nhựa trôi trên đại dương nhất, và đặc biệt những vụ cháy rừng kỷ lục ở các châu lục. Trong đó, đáng chú ý nhất có lẽ là sự kiện rừng Amazon bùng cháy, với tần suất và số lượng nhiều nhất trong thập kỷ vừa qua.

Nói riêng về các vụ cháy, đôi khi chúng ta cần một bức tranh lớn hơn để có cái nhìn rõ ràng nhất về quy mô của chúng. Và mới đây, chương trình Copernicus tại châu Âu đã quyết định thực hiện một video về vấn đề này, để cho thấy cháy rừng trên toàn thế giới đang tồi tệ đến mức độ nào.

Sử dụng hình ảnh và dữ liệu cảm ứng từ các vệ tinh, các chuyên gia đã tạo ra một video cho thấy cháy rừng đã diễn ra như thế nào trong năm qua. Và phải nói thực, 2019 quả là một năm "rực cháy" của Trái đất, theo đúng nghĩa đen.

Năm 2019 là một năm "rực cháy" của Trái đất theo đúng nghĩa đen

Nếu đã xem xong video trên, bạn sẽ phần nào tưởng tượng ra câu chuyện "cháy" của Trái đất đang nghiêm trọng đến mức nào. Bởi lẽ, nhiều nơi trên thế giới gần như chẳng lúc nào tắt lửa. Lửa dập đi được vài ngày, rồi lại tiếp tục bừng sáng vào giai đoạn chuyển mùa.

Đặc biệt, trong khi cháy Amazon khiến truyền thông đặc biệt quan tâm thì ở Lục địa đen - tên gọi khác của châu Phi - cháy rừng diễn ra với mật độ còn kinh khủng hơn. Vậy mà, dư luận thế giới hầu như không biết gì về chuyện này.

Được biết, các dữ liệu dùng để làm video được lấy từ CAMS (Hệ thống Dịch vụ giám sát khí quyển Copernicus), được vận hành bởi Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tầm trung châu Âu. CAMS được thiết kế để giúp chính phủ và các doanh nghiệp lên kế hoạch ứng phó với cháy rừng và các hệ quả gây ô nhiễm sau đó.

"Đây thực sự là một năm bận rộn của CAMS khi theo dõi các vụ cháy rừng," - Mark Parrington, chuyên gia vận hành của CAMS cho biết. "Trong năm qua, chúng tôi đã theo dõi những vụ cháy với mật độ lớn xảy ra trên khắp thế giới, trong đó có các thời điểm đặc biệt nhiều."

"Ngay cả ở những nơi vốn hay xảy ra cháy rừng, mật độ cháy vẫn gây ngỡ ngàng."

Toàn cảnh Trái đất năm 2019 thực sự rực cháy theo đúng nghĩa đen: Amazon cháy kỷ lục, nhưng đằng sau còn vấn đề hết sức đáng lo ngại - Ảnh 2.

Cháy rừng tại California

Lấy ví dụ là vụ cháy tại California (Mỹ), nó lớn đến mức để lại một cột khói quan sát được từ trạm vũ trụ. Hàng trăm tòa nhà đã bị phá hủy, số đất đai bị thiêu rụi lên tới hàng vạn mẫu Anh.

Bắc Cực cũng có cháy - một dấu hiệu cho thấy hiện tượng Trái đất nóng lên đang gây ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến những nơi lạnh nhất thế giới. Hàng trăm vụ cháy xảy ra tại vành đai Bắc Cực trong năm 2019, đẩy một lượng carbon khổng lồ vào khí quyển và khiến khí hậu trở nên ngày càng tồi tệ.

Cháy rừng dĩ nhiên cũng gây tác động xấu đến con người. Cháy tại Úc thời gian gần đây đã khiến chất lượng không khí tại Sydney đi xuống, độ độc hại cao hơn ngưỡng thông thường tới 12 lần.

Toàn cảnh Trái đất năm 2019 thực sự rực cháy theo đúng nghĩa đen: Amazon cháy kỷ lục, nhưng đằng sau còn vấn đề hết sức đáng lo ngại - Ảnh 3.

Cháy rừng tại Amazon (Ảnh minh họa)

Từ tháng 1 đến hết tháng 11/2019, CAMS tính toán có khoảng 6375 megaton (1 megaton = 1.000 tấn) CO2 bị đẩy lên khí quyển từ các vụ cháy rừng. Trong đó, đáng chú ý là các vụ cháy tại Syria, Indonesia, và bang Alberta của Canada.

Dẫu vậy, trong bức tranh buồn vẫn có một số tia hy vọng sáng lên. Tại châu Âu và đặc biệt là Nam Phi - nơi cháy rừng vẫn diễn ra với mật độ lớn - số các vụ cháy đã giảm đi so với thời kỳ đầu thập niên 2000.

Cháy rừng là một bài toán rất khó thay đổi, và việc Trái đất nóng lên đang khiến tình hình ngày một tệ đi. Theo Parrington, chúng ta có thể dễ dàng dự đoán các vụ cháy sẽ ngày càng tăng lên trong những năm kế tiếp. Giả dụ video trên mà được thực hiện vào năm 2020, nó sẽ còn đáng sợ hơn thế.

Tham khảo: Science Alert