Tình yêu đồng giới đã từng là điều rất bình thường trong giới quý tộc và samurai ở Nhật

Lily Spiderum, Theo Thời Đại 23:44 30/06/2017

Nước Nhật có rất nhiều điều kỳ lạ khiến thế giới phải ngạc nhiên. Tình yêu đồng giới có lẽ cũng là một thứ như vậy.

Quận Harajuku ở Tokyo luôn khiến người ta phải ngạc nhiên. Thanh thiếu niên ở đây luôn ý thức về phong cách ăn mặc của mình, biến những con đường nơi này thành sàn diễn thời trang mà ở đó mỗi bạn trẻ chính là “người mẫu" mang trên mình những bộ trang phục cầu kỳ, sáng tạo, nhiều màu sắc.

Các cửa hàng ở đây bày bán la liệt những sản phẩm làm đẹp và mỹ phẩm dành cho cả hai giới, và thường thì sẽ rất khó phân biệt một người ghé mua là nam hay nữ. Vẻ bề ngoài “nữ tính" hay "cơ bắp" thông thường sẽ được coi là dấu hiệu phân biệt giới tính với chúng ta, song phong cách thời trang phi giới gần đây tại Nhật Bản có lẽ sẽ khiến cho nhiều du khách phải bối rối: rốt cục thì bạn vừa gặp một người là nam hay nữ?

Tình yêu đồng giới đã từng là điều rất bình thường trong giới quý tộc và samurai ở Nhật - Ảnh 1.

Phong cách thời trang Harajuku

Dẫu xu hướng vẻ bề ngoài phi giới xuất hiện với tần suất ngang nhau ở cả nam và nữ tại Nhật Bản, song truyền thông dường như tập trung sự chú ý nhiều hơn tới những nam thanh niên trẻ tuổi trang điểm, làm tóc và ăn vận quần áo lưỡng tính. Trong những cuộc phỏng vấn gần đây, những nam thanh niên theo khuynh hướng phi giới này thừa nhận họ không hề làm như vậy để chứng tỏ mình giống như phụ nữ, và cũng không hề khẳng định mình là gay.

Nhiều người nghiên cứu về vấn đề này có lẽ đã cho rằng diện mạo bề ngoài phi giới tính là một xu hướng hiện đại tại Nhật Bản. Song họ dường như đã lãng quên cả một câu chuyện lịch sử dài đằng sau sự hoà trộn giới tính ở xứ sở này.

Tình yêu đồng giới là một hiện tượng phổ biến từ xưa ở Nhật

Trong xã hội tiền hiện đại Nhật Bản, những quý tộc thường có người tình là cả nam lẫn nữ, và những cuộc hẹn hò yêu đương của họ thường trở thành chất liệu của văn học cổ. Đối với những người này, tình dục chỉ là mục đích thứ yếu so với một mục tiêu cao cả hơn: vẻ đẹp thượng đẳng. Vì vậy mặc dù những samurai và tướng lĩnh thời đó đều cưới một người vợ nhằm đảm bảo việc duy trì nòi giống và thiết lập những liên minh chính trị, thì nhiều người trong số họ vẫn có thêm người tình đồng giới khác.

Tới tận giữa thế kỷ 19 thì quan hệ tình cảm nam - nam mới chính thức bị cấm trong những quy tắc của samurai. Trong vòng một thập kỷ từ năm 1872 tới năm 1882, mối quan hệ đồng tính giữa nam giới thậm chí còn bị coi là phạm pháp. Tuy nhiên thì từ sau đó trở đi không có một điều luật nào ở Nhật Bản cấm các mối quan hệ đồng giới nữa.

Có một điều khá quan trọng là cho tới tận gần đây, những người có quan hệ đồng giới (nam với nam, nữ với nữ) ở Nhật Bản không hề tự coi họ là gay hay lesbian. Xu hướng tính dục chưa bao giờ được xem là một vấn đề lớn ở Nhật cho tới mãi gần đây, khi đại dịch HIV/AIDS xuất hiện vào thập niên 90 của thế kỷ trước. Ngày nay thì những lễ hội gay thường niên đã được tổ chức ở các thành phố lớn như Tokyo hay Osaka.

Ở Nhật Bản, những mối quan hệ đồng giới ở tuổi thiếu niên thường được xem là một biểu hiện bình thường trong quá trình trưởng thành. Từ góc độ văn hoá, nó chỉ có “vấn đề" khi ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình hay việc duy trì nòi giống. Và vì vậy ở Nhật Bản, rất nhiều người có những mối quan hệ đồng tính khi còn trẻ rồi sau đó vẫn lập gia đình và sinh con. Một số thì tiếp tục có những mối quan hệ đồng tính sau khi đã hoàn thành những nghĩa vụ xã hội nói trên.

Phong trào ăn mặc lưỡng tính

Giống như những mối quan hệ đồng giới, phong trào ăn mặc lưỡng tính đã có lịch sử lâu đời tại Nhật Bản. Những ghi chép cổ xưa nhất còn lưu giữ được là từ thế kỷ 18, về những người phụ nữ mặc trang phục chiến binh. Trong thời kỳ tiền hiện đại, cũng có những ví dụ khi phụ nữ Nhật phục trang như nam giới để nhằm phản đối những quan niệm cứng nhắc về sự nữ tính, hoặc để gia nhập vào những lĩnh vực lao động vốn chủ yếu dành cho nam.

Khoảng một thế kỷ trước, khái niệm moga lần đầu xuất hiện ở Nhật nhằm ám chỉ những người phụ nữ trẻ, để tóc ngắn và mặc quần. Họ thu hút rất nhiều sự chú ý của truyền thông - hầu hết đều nhìn nhận theo hướng tiêu cực, mặc dù cũng có những nghệ sĩ đánh giá họ là những biểu tượng thời trang.

Khái niệm về giới ở thời điểm đó là một thuật ngữ có tổng bằng 0: nếu phụ nữ trở nên nam tính hơn, thì cũng đồng nghĩa với việc nam giới sẽ trở nên nữ tính hơn.

Tuy nhiên ngày nay những người đàn ông “phi giới tính" không chỉ thuần tuý là những người mặc đồ của cả hai giới vào cuối tuần nữa. Họ muốn thay đổi một quan niệm xưa cũ rằng nam giới phải ăn vận theo một chuẩn mực nào đó.

Tình yêu đồng giới đã từng là điều rất bình thường trong giới quý tộc và samurai ở Nhật - Ảnh 2.

Thời trang phi giới tại Nhật

Họ tự hỏi: Tại sao chỉ có phụ nữ mới có thể mặc váy? Vì sao chỉ họ mới được phép đánh son môi và kẻ mắt? Và nếu như nữ giới có quyền mặc quần, tại sao đàn ông không thể mặc váy? Nam giới tại Nhật đang dần khẳng định rằng sự nữ tính và nam tính là hai khía cạnh của phong cách sống mà họ có khả năng theo đuổi.

Câu chuyện về những người đàn ông “phi giới tính" này thực tế đã được ghi nhận trong lịch sử nước Nhật. Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, những nam giới thuộc tầng lớp haikara - thuật ngữ chỉ những người trí thức trong xã hội - thường đánh phấn, mang theo khăn tay ướp nước hoa, và đặc biệt chú ý tới diện mạo bề ngoài theo phong cách Tây hoá của mình. Những người bảo thủ đã chỉ trích họ là “ẻo lả" và không giữ được phong cách ăn mặc Nhật Bản.

Ở đầu bên kia của cán cân “nam tính" là những người đàn ông Nhật “truyền thống", hay còn gọi là bankara - những người mang giày gỗ theo quy chuẩn đồng phục của những trường học kiểu nhà binh. Điều nực cười là không giống như những người haikara đỏm dáng, những đại trượng phu bankara cũng có tình yêu đồng tính tương tự như những bậc tiền nhân samurai của họ.

Có lẽ nguồn cảm hứng lớn nhất cho phong trào phi giới tính ở phái mạnh Nhật Bản ngày nay xuất phát từ những ban nhạc nam theo phong cách lưỡng giới. Những boy band như SMAP, Johnny's West hay Sexy Zone đều được ươm mầm và lăng xê bởi công ty tìm kiếm và đào tạo các tài năng nam giới lớn nhất ở Nhật: Johnny & Associates Entertainment Company.

Bishōnen là thuật ngữ chỉ những chàng trai trẻ mà Johnny & Associates đã và đang đào tạo, có nghĩa là “những thiếu niên đẹp". Thuật ngữ này đã hình thành khoảng một thế kỷ trước nhằm miêu tả một nam thanh niên trẻ tuổi, với giới tính mơ hồ nhưng có sức hấp dẫn với cả hai giới ở mọi độ tuổi khác nhau.

Có rất nhiều điều trong bề dày lịch sử nước Nhật có lẽ còn mới mẻ với thế giới. Song những người đàn ông phi giới tính, thì không.