Tìm ra cục hổ phách 130 triệu tuổi, hé lộ cách trứng côn trùng cổ đại nở ra như thế nào

Hiếu Trung, Theo Helino 08:05 26/12/2018

Ngay cả quá trình nở ra, các loài côn trùng cũng phải cần sự hỗ trợ đặc biệt của một công cụ giúp đập vỡ vỏ trứng.

Thế giới của những loài vật cổ đại luôn chứa đựng những bí ẩn, cần lời giải thích của khoa học.   Chẳng hạn là cách các loài côn trùng ra đời.

Dĩ nhiên, các loài côn trùng ngày nay thì quá dễ rồi. Nhưng các loài cổ đại thì sao, có gì khác biệt? Mới đây, một nghiên cứu từ ĐH Oxford (Anh) cuối cùng đã đưa ra được câu trả lời, tất cả là nhờ một cục hổ phách có niên đại 130 triệu năm.

Tìm ra cục hổ phách 130 triệu tuổi, hé lộ cách trứng côn trùng cổ đại nở ra như thế nào - Ảnh 1.

Cục hổ phách được tìm thấy ở thành phố Lebanon (Pennsylvania, Hoa Kỳ), bên trong có chứa xác của một số loài côn trùng cổ đại. Vấn đề là ở chỗ chúng đều bị mắc kẹt ngay khi được sinh ra. Nhờ thế, họ xác nhận được rằng côn trùng cổ đại có một bộ phận đặc biệt, được gọi là "phần phá vỡ trứng" (Tragichrysa ovoruptora). 

Có thể nói, đây là lần đầu tiên mà khảo cổ học tìm thấy được bộ phận phá vỏ trứng trong các hóa thạch của côn trùng.

Tiến sĩ Pérez-de la Fuente, tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ: "Đối với động vật đẻ trứng, bộ phận phá vỏ trứng được xem như là một công cụ tuyệt vời giúp phá vỡ bề mặt trứng trong quá trình con non sinh ra."

Điển hình nhất mà chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy là ở loài gà. Để chui ra được bên ngoài, gà con sẽ sử dụng "răng trứng" (egg tooth - một bộ phận nhỏ nhô ra, sắc nhọn) để phá vỡ hoặc xé màng trứng.

Tìm ra cục hổ phách 130 triệu tuổi, hé lộ cách trứng côn trùng cổ đại nở ra như thế nào - Ảnh 2.

"Hình dáng và vị trí của bộ phận phá vỏ trứng rất đa dạng, phong phú. Ví dụ loài bọ Chrysopidae sẽ sử dụng một chiếc "mặt nạ" mang lưỡi dao nhọn lởm chởm để làm vỡ vỏ trứng. Sau đó, "mặt nạ" sẽ bị bung ra và dính chặt lại vào trong vỏ trứng." - tiến sĩ la Fuente chia sẻ. 

"Đặc biệt, đây cũng chính là những thứ mà chúng tôi đã tìm thấy trong mảnh hổ phách chứa những con bọ mới sinh," - tiến sĩ chia sẻ.

Dựa trên các khám nghiệm, các chuyên gia kết luận rằng những con bọ này đã bị nhựa cây rơi trúng vào đúng thời điểm nở ra, làm mắc kẹt và biến thành thành hóa thạch gần như ngay lập tức.

Tiến sĩ Michael Engel, đồng tác giả nghiên cứu cho biết thêm: "Sau khi con non được sinh ra, các cấu trúc giúp cho việc nở trứng thường sẽ biến mất nhanh chóng. Vì vậy, việc tìm thấy được hóa thạch của chúng mang ý nghĩa quan trọng đối với khoa học."

Có thể thấy, với kết quả nghiên cứu này, khoa học sẽ có thêm những căn cứ mới giúp giải mã được những bí mật về quá trình sinh sản cũng như sự phát triển của các loài côn trùng thời cổ đại.

Tham khảo: Earth