Tiêu cực điểm thi năm 2018: Cần rà soát những thí sinh điểm cao “chót vót” các năm trước?

Quang Anh, Theo Gia đình & Xã hội 12:02 27/04/2019

Từ vụ án tiêu cực điểm thi tại Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang năm 2018, cần mở rộng rà soát đối với những thủ khoa hoặc thí sinh học lực trung bình nhưng điểm thi cao “chót vót” những năm gần đây.

Còn liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 xảy ra tại tỉnh Hòa Bình, ngày 23/4/2019, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với 3 cá nhân tổ tự luận (Ngữ văn), bao gồm: Nguyễn Thị Thu Loan, Trường THPT Lạc Long Quân (TP. Hòa Bình); Nguyễn Thị Hồng Chung, Trường THPT Ngô Quyền (TP. Hòa Bình); Bùi Thanh Trà, Trường THPT Lương Sơn (huyện Lương Sơn, Hòa Bình).

Ths.Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, trong quá trình điều tra các vụ án gian lận điểm thi tại Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang phát hiện thêm nhiều đối tượng có liên quan đến vụ việc gian lận điểm thi, không chỉ có những cán bộ là trưởng, phó phòng khảo thí, phó Giám đốc Sở GD&ĐT,… mới đây, còn khởi tố thêm một số giáo viên chấm môn thi tự luận. Có nhiều thông tin, tình tiết cho thấy vụ việc này có dấu hiệu của tội đưa - nhận hối lộ của một số người mà chưa ai bị đề cập xử lý.

Tiêu cực điểm thi năm 2018: Cần rà soát những thí sinh điểm cao “chót vót” các năm trước? - Ảnh 1.

Sở GD&ĐT Hòa Bình và 3 giáo viên mới bị khởi tố vì nâng điểm thi.

Cụ thể, theo một danh sách được công bố thì phần lớn học sinh được nâng điểm là con em của những cán bộ, những người có chức vụ quyền hạn; nhiều học sinh được nâng với điểm số 28 điểm trở lên và vào những trường “top đầu”.

Hơn nữa, theo kết quả điều tra thì trong việc can thiệp nâng điểm bài thi trắc nghiệm, bị can Mạnh Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS vàTHPT huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) thừa nhận được hưởng lợi bất chính 550 triệu đồng.

Luật sư Cường nhận định, đối với vụ án về gian lận thi cử này hoàn toàn có thể là một vụ việc chạy điểm có hệ thống, có tổ chức gây ra sự bất công bằng trong xã hội, bức xúc trong dư luận xã hội. Do đó, có cơ sở để nghi ngờ trong vụ việc gian lận thi này có sự tác động lợi ích vật chất, phi vật chất để thay đổi điểm thi của các em học sinh, có dấu hiệu của tội đưa, nhận hối lộ chứ không còn là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Nếu có căn cứ cho thấy người thân hoặc phụ huynh của các học sinh đã có những tác động vật chất hoặc tác động phi vật chất để cho người có chức vụ quyền hạn thay đổi kết quả thi, nâng điểm thi thì người tác động sẽ bị xử lý về tội đưa hối lộ theo quy định tại điều 364 bộ luật hình sự. Còn người nhận tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất để sửa điểm, nâng điểm thì sẽ bị xử lý về tội nhận hối lộ theo quy định tại điều 354 bộ Luật Hình sự năm 2015 thì mới đúng pháp luật, đảm bảo công bằng.

Ngoài ra, các trường đại học, học viện lực lượng vũ trang trong những năm gần đây với điểm chuẩn cao, tuyển hàng nghìn người mà điểm vẫn cao như vậy? Từ vụ án năm 2018, cơ quan điều tra cần mở rộng điều tra làm rõ nghi ngờ đối với những thủ khoa hoặc một số thí sinh trong những năm trước đây như: Lực học thì bình thường nhưng điểm thi cao chót vót... từ đó có căn cứ để xử lý tất cả những người vi phạm, đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng trước pháp luật” - Luật sư Đặng Văn Cường đề xuất.

Liên quan đến vụ gian lận điểm thi xảy ra ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh việc gian lận điểm thi thể hiện dấu hiệu hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/5/2019.