Tiếp viên trưởng Bùi Lệ Quyên: “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”!

Chị Bùi Lệ Uyên - Tiếp viên trưởng của Hãng hàng không Vietnam Airlines, Theo Nhịp Sống Việt 09:00 25/03/2020

"Trong team của mình phụ trách, có bạn có con trai mới hơn 1 tuổi phải mổ tim bẩm sinh. Mình nhắn tin cho bạn ấy phải hết sức giữ gìn, tránh tiếp xúc với con sau mỗi chuyến bay. Trời ơi, bạn biết không, hoá ra bạn ấy đã ở một mình, tự cách ly hơn một tháng rồi vì sợ ảnh hưởng đến con trai".

Cả nước đã bước sang giai đoạn mới quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống Covid-19. Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng và phức tạp, các biện pháp cách ly, tự bảo vệ sức khoẻ bản thân càng cần được thực hiện nghiêm túc, triệt để.

Về vấn đề này, chị Bùi Lệ Uyên - Tiếp viên trưởng của Hãng hàng không Vietnam Airlines đã có bài viết trên MXH Lotus. Trong bài viết, chị Uyên chia sẻ về việc tự giác cách ly của những người đồng nghiệp và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự cách ly trong cộng đồng. Bài viết của chị nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dùng mạng.

Số lượng tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines phải cách ly đã xấp xỉ 700 người

Cứ mỗi lần đọc tin nhắn của đồng nghiệp về việc đi cách ly tập trung và cách ly tại nhà là mình lại xúc động không cầm được nước mắt. Hàng ngày, cập nhật số lượng các tiếp viên hàng không lần lượt phải cách ly mà thấy xót xa.

Số lượng đồng bào ở nước ngoài về Việt Nam tránh dịch càng nhiều, số ca bệnh nhân dương tính với Covid-19 càng tăng, thì số lượng tiếp viên hàng không phải cách ly càng lớn. Đến thời điểm này số lượng tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines phải cách ly đã xấp xỉ 700 người. Mỗi một tiếp viên hàng không bây giờ, kéo valy lên đường là xác định luôn, có thể sau 14 ngày nữa mới trở lại nhà.

Đoàn tiếp viên hàng không Vietnam Airlines bây giờ là nơi cho các tiếp viên hàng không sau mỗi chuyến bay từ vùng dịch về tá túc. Chúng mình không chỉ muốn bảo vệ cho bản thân mà trên hết là giữ an toàn cho người thân và cộng đồng.

Tiếp viên trưởng Bùi Lệ Quyên: “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”! - Ảnh 2.

Các tiếp viên hàng không đang được cách ly.

Trong team của mình phụ trách, có nhiều anh chị em hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt. Có bạn có con trai mới hơn 1 tuổi phải mổ tim bẩm sinh. Mình nhắn tin cho bạn ấy phải hết sức giữ gìn, tránh tiếp xúc với con sau mỗi chuyến bay. Trời ơi, bạn biết không, hoá ra bạn ấy đã ở một mình, tự cách ly hơn một tháng rồi vì sợ ảnh hưởng đến con trai. Thương thế không biết!

Có bạn tâm sự với mình, quê em ở xa Hà Nội. Tháng trước em trai ra Hà Nội học nghiệp vụ, có ở nhà bạn ấy. Khi kết thúc khoá học, cậu ấy vẫn quyết định chưa trở về quê ngay vì để theo dõi xem tình hình đi bay của em có ổn không, sức khoẻ em thế nào, liệu có phải cách ly không. Cậu ấy lo bố mẹ em ở nhà tuổi cao, có bệnh lý nền, lỡ may em có là F0, F1 thì cậu ấy sẽ thành F2 và bố mẹ vợ con cậu ấy sẽ trở thành F3. Nhiều F tiếp theo nữa lắm!

Sau 14 ngày trở về từ tâm dịch, em ổn nên em trai em mới trở về quê! Hàng ngày bố mẹ em, vợ chồng cậu ấy nhắn tin hỏi thăm và cập nhật tình hình sức khoẻ của em suốt. Thương lắm!

Đoàn tiếp viên chúng mình còn nhiều người có chồng là phi công, hoặc cùng là tiếp viên, họ đều tự giác cách ly tại Đoàn tiếp viên hoặc Đoàn bay, gửi con cái và nhà cửa cho ông bà hoặc người thân trông...

Tiếp viên trưởng Bùi Lệ Quyên: “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”! - Ảnh 3.

Một tiếp viên hàng không đã chủ động ở một mình từ một tháng trước để bảo vệ sức khoẻ cho con trai và người thân của bạn ấy.

Một chị đồng nghiệp của mình có con đang du học ở nước ngoài cùng con trai mình, gọi điện hỏi thăm tình hình bọn trẻ ở bên đó ra sao. Mình kể chuyện rằng con nói là mẹ yên tâm, chúng con ở bên này cũng có ý thức lắm, ăn uống luyện tập, học hành ổn. Chỉ hơi tiếc là đi siêu thị thì chả còn gì để mua. Khẩu trang thì 20 đô/cái cũng chỉ mua được 2 cái/người.

Chị ấy thương con, bảo chúng mình thì bay vào tâm dịch để đưa con người ta về còn con mình thì.... Yên tâm chị ơi, con chúng mình rồi cũng sẽ can đảm, sẽ ổn giống chúng mình thôi! Về lúc này còn nguy hiểm hơn!

Việc cách ly là một nghĩa vụ và trách nhiệm cần thiết với cộng đồng

Cách ly với nhiều người có thể là một sự không thoải mái, khó thích nghi, nhiều người còn chê bai sự bất tiện, không tiện nghi như ở nhà, ở nơi họ sống... nhưng bạn hãy xem những hình ảnh của các y bác sĩ, các chiến sĩ bộ đội, công an, những người ở trung tâm kiểm dịch y tế và hàng bao nhiêu con người khác nơi tuyến đầu chống dịch đang ngày đêm gồng mình để lo chữa bệnh cứu người, lo nơi ăn chốn ở, ngăn dịch bệnh lây lan... bạn sẽ thấy được việc cách ly là một nghĩa vụ và trách nhiệm cần thiết với cộng đồng.

Bạn hãy xem những hình ảnh, những tin nhắn tôi chia sẻ, bạn sẽ thấy câu thơ "Khi tổ quốc cần họ biết sống xa nhau" của nhà thơ Nguyễn Mỹ (Cuộc chia ly màu đỏ) thật đúng với hoàn cảnh bây giờ.

Tiếp viên trưởng Bùi Lệ Quyên: “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”! - Ảnh 4.

Hãy ủng hộ các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch!

Những lời kêu gọi của đội ngũ y bác sĩ "Chúng tôi ở đây để bảo vệ đồng bào. Đồng bào ở nhà để bảo vệ chúng ta" thật cấp thiết hơn bao giờ hết.

Hãy ở yên rồi bạn sẽ bình yên!

Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam đang ngày càng phức tạp, và trong thời gian tới đây, đất nước chúng ta sẽ bước vào giai đoạn thử thách thật sự. Thông điệp mà Chính phủ, Bộ Y Tế và các cơ quan chính quyền địa phương đưa ra, đó là: Người dân nếu không có nhiệm vụ gì, nếu thực sự không cần thiết thì nên ở nhà vì nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng đang rất cao.

Hãy "ở yên" khi Tổ Quốc cần. Yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào, đang ở chỗ nào thì hãy ở yên chỗ đấy. Còn tôi, tôi ở nhà! Vì ở nhà lúc này, đã là hành động cho thấy ý thức bảo vệ bản thân, chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh.

Các y bác sĩ trên toàn thế giới đang lan truyền thông điệp "Chúng tôi đi làm vì bạn, xin hãy ở nhà vì chúng tôi". Là một công dân có ý thức, đặt sự an toàn sức khoẻ lên hàng đầu, hãy cùng nhau lan toả lời kêu gọi #toionha để nhanh chóng đẩy lùi #CôVyĐiĐi các bạn nhé!

Tiếp viên trưởng Bùi Lệ Quyên: “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”! - Ảnh 7.