Tiếng rao bán đồ ăn huyền thoại "ai cũng từng nghe nhầm" và đây mới là sự thật

Ngọc Ánh, Thiết kế: Hoàng Anh, Clip: Ngọc Khanh, Thảo Nào, Theo Trí Thức Trẻ 16:45 02/05/2018

Trải qua bao thế hệ, vẫn có không biết bao nhiêu người nghe nhầm: "Tôi là bánh khúc đây!". Nhầm là thế nhưng tiếng rao huyền thoại này đã gắn bó với biết bao nhiêu người.

Ngày xưa, ông ngoại tôi bảo, tiếng rao đêm là thứ đặc sản mà chỉ phố phường mới có. Mà đặc biệt là phải về đêm. Ban ngày, phố thị ồn ã với vô vàn thứ âm thanh, từ tiếng còi xe, tiếng người nói chuyện, tiếng nhạc văng vẳng từ mấy hàng quán ven đường, tiếng bát đũa loảng xoảng ở những khu bán đồ ăn... Chỉ tới ban đêm, khi phố phường im lìm như chìm vào giấc ngủ, thì tiếng rao đêm mới trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Tiếng rao bán đồ ăn huyền thoại ai cũng từng nghe nhầm và đây mới là sự thật - Ảnh 1.

Buổi đêm, cứ trằn trọc khóc ngủ, nằm mãi chẳng vào giấc, thỉnh thoảng lại thấy vài tiếng rao lướt qua ở con đường trước nhà. Tiếng cái loa rè cứ vang vọng, lúc xa xa như ở đầu phố, lúc lại gần sạt như là đang ở ngay trước cửa vậy. Mà suốt một thời gian, tôi cứ bị ám ảnh mãi một tiếng rao: "Tôi là bánh khúc đây!".

Sao lại rao "Tôi là bánh khúc đây" nhỉ? Ý nghĩa của nó là gì? Phải chăng chú bán hàng muốn bảo người ta rằng "Tôi là người bán bánh khúc đây!"... Rồi bao nhiêu tò mò dồn nén, tôi quyết tâm đi tìm bằng được câu trả lời thì mới biết, hoá ra sự thật không hề như thế, và hoá ra cũng có rất nhiều người như tôi, cũng nghe nhầm... 

"Tôi là bánh khúc đây!"...

Tiếng rao đêm quen thuộc với biết bao người từng sinh sống ở Hà Nội. Hình như ở những nơi khác, nhất là ở trong Sài Gòn không hề có tiếng rao này thì phải. Tôi mang hỏi ông ngoại, rồi tôi mang hỏi mấy đứa bạn học cùng, hỏi hết người này người khác...

Ông ngoại cười bảo: "Xôi lạc bánh khúc đây chứ, nghe kiểu gì mà lãng tai hơn cả ông thế!". Nhưng mấy đứa bạn thì nhất quyết bảo "Tôi là bánh khúc đây!" là đúng rồi nhé!. Bất quá, tôi canh đến tận nửa đêm, mở toang cửa phi ra mua bánh khúc để hỏi ông chú bán bánh khúc hay đi rao gần khu nhà. Ông chú cũng cười ha hả bảo có nhiều người nghe nhầm như cháu lắm, mà "xôi lạc bánh khúc đây" mới là đúng nhé!

Tiếng rao bán đồ ăn huyền thoại ai cũng từng nghe nhầm và đây mới là sự thật - Ảnh 3.
Tiếng rao bán đồ ăn huyền thoại ai cũng từng nghe nhầm và đây mới là sự thật - Ảnh 4.
Tiếng rao bán đồ ăn huyền thoại ai cũng từng nghe nhầm và đây mới là sự thật - Ảnh 5.

Ấy thế mà trải qua bao thế hệ, vẫn có không biết bao nhiêu người nghe nhầm. Có lần, tôi thấy trên mấy trang mạng cũng í ới hỏi nhau về tiếng rao đêm quen thuộc. Rồi người ta ồ lên, hoá ra trước giờ mình nghe nhầm, hoá ra có bao nhiêu người cũng nghe nhầm giống mình.

Tiếng rao bán đồ ăn huyền thoại ai cũng từng nghe nhầm và đây mới là sự thật - Ảnh 6.

Nhầm là thế, vậy nhưng mà lại trở thành một kỷ niệm tuổi thơ khó quên. Còn nhớ, cứ tối tối cho đến tận đêm khuya, tiếng rao của một người đàn ông lại vang vọng khắp các con phố, len vào từng con ngõ nhỏ. Rồi choàng dậy mở cửa, chạy ra mua một chiếc bánh khúc. Bữa ăn đêm trở nên ấm lòng hơn bao giờ hết, cho cả người mua lẫn người bán.

Bánh khúc là loại bánh có nguồn gốc từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, thường có nhiều ở miền Bắc, bảo sao mà vào Sài Gòn khó tìm thấy. Người ta sử dụng lá cây rau khúc, mà phải là loại khúc nếp để lá thơm ngon hơn trộn với bột gạo nếp, dùng đậu xanh và mỡ lợn làm nhân. Bánh khúc được hấp chín cùng với gạo nếp, khi lấy ra sẽ có cả một lớp xôi nếp dẻo thơm bao bọc bên ngoài.

Mùa rau khúc ngon nhất là vào khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch. Đây cũng là thời điểm mà bánh khúc ăn ngon nhất, thơm và đậm mùi vị rau khúc nhất.

Ngày trước, người ta thường đội thúng đi bán, rồi rao miệng. Sau này, khá khẩm hơn thì có chiếc xe đạp gắn theo cái loa, vừa đi vừa rao "Bánh khúc đây, xôi lạc bánh khúc đây!". Tiếng loa rè rè, âm thanh vang vọng vào không gian, lúc xa lúc gần văng vẳng, bởi vậy mà có rất nhiều người nghe nhầm thành "Tôi là bánh khúc đây!". 

Tiếng rao bán đồ ăn huyền thoại ai cũng từng nghe nhầm và đây mới là sự thật - Ảnh 8.

Hà Nội là thế đó. Có những điều thật bình dị, mà đi sâu vào tâm trí biết bao người. Chỉ là một tiếng rao đêm thôi, thế nhưng lại trở thành điều gắn bó với biết bao thế hệ.

Thăm dò ý kiến

Bạn nghe được gì từ tiếng rao bánh khúc này?

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.