"Tiền nhiều làm gì, để ngày hôm nay ngồi như thế này?"

Nhi Hexe, Theo Helino 06:17 24/02/2019

Tiền nhiều để làm gì, đủ là được.

Tiền nhiều…mà cạn tình

Cuộc ly hôn tốn nhiều giấy mực báo chí của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo về lý mà nói giống với một phiên tòa phân chia tài sản giữa hai cổ đông sáng lập lớn nhất của tập đoàn Trung Nguyên hơn. Còn về tình, thì…chẳng có cái tình nào ở đây cả. Nát hết rồi.

Chúng ta hãy nói về cái tình.

Chính vì tính chất ồn ào của phiên tòa ấy mà dân cư mạng lại có dịp để giáo điều, dạy nhau hay chính xác hơn là dạy ông Vũ, bà Thảo làm vợ làm chồng. Người thì bảo bà Thảo tham lam, phụ nữ chỉ cần đứa con là đủ, mà bà Thảo có những 4 đứa con thế là quá đủ. Kẻ thì bảo ông Vũ sân si, đàn ông thì nên ra đi tay trắng để lại hết cho vợ con. 

Về tình mà nói thì những ''khuyên răn" nhận thức này không phải không có lý khi mà nó đã trải qua một lịch sử dài phát triển từ xã hội cổ đại, tới phong kiến, rồi cận đại, và cho tới thời kì hiện đại vẫn còn tồn tại ở nhiều nước phương Đông, đó là chưa kể tới việc được cổ súy bằng những bộ phim truyền hình dài tập về các ''Soái ca", rằng là đàn ông thì phải quảng đại, không màng tranh chấp với đàn bà, rằng đàn bà thì phải hy sinh, phải biết nhẫn nhịn vì gia đình.

Ông Vũ có sai không? Ta không rõ thực sự trong đời sống hôn nhân, ông Vũ đã làm tốt điều gì, sai điều gì. Cái này chỉ hai người họ và 4 đứa con (có thể) biết. Nhưng chắc chắn, ông Vũ không sai trong việc không muốn chia tài sản cho con theo nguyện vọng của bà Thảo. 

Tiền nhiều làm gì, để ngày hôm nay ngồi như thế này? - Ảnh 1.

Ông càng không sai trong việc muốn là người kiểm soát, nắm giữ chuyện kinh doanh và tinh thần của tập đoàn Trung Nguyên, ''đứa con" thứ Năm mà cả đời ông gửi gắm tình yêu, công sức. Nhiều người trong đó có bà Thảo nói rằng ông nên ra đi tay trắng để lại hết cho vợ con thì mới đáng mặt đàn ông. 

Khi bạn có 100 triệu, 1 tỉ, thậm chí 2, 3 tỉ, bạn nói rất dễ dàng về việc để lại hết cho vợ con sau một cuộc ly hôn. Nhưng khi bạn có hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn tỉ cùng một tập đoàn bạn dày công gây dựng, bạn có nghĩ tới việc trao lại toàn bộ cho người vợ mà bạn không còn yêu hay không? 

Hơn nữa, ông Vũ chưa để lại cổ phần cho 4 đứa con, chứ không phải ông không để lại. Cả ông Vũ và bà Thảo đều sẽ già đi, sau này đế chế Trung Nguyên không thuộc về con cái họ, thì thuộc về ai?

Bà Thảo có sai không? Bà không sai trong việc mưu cầu sự hào phóng – dù có hơi quá mức – từ người chồng (cũ) của mình. Ấy là tâm lý của mọi người phụ nữ. Nhưng cái sai lớn nhất của bà Thảo, mà tiếc thay cho bà là ông Vũ và nhiều người khác đã nắm được, là đem con cái ra để thỏa thuận. 

Với xuất thân, địa vị như bà Thảo, ta mong chờ một cách đòi phân chia tài sản thông minh và tế nhị hơn. Bà Thảo hơn ai hết biết chắc rằng con cái của hai người sẽ là những người thừa kế của Trung Nguyên, xui các con viết thư xin 5% cổ đông từ bố là một nước cờ để có được đủ 50% cổ phần hòng chiếm phần kiểm soát tập đoàn ngay bây giờ. 

Bà có thể vô tình hay hữu ý mà dùng con cái để trục lợi cho bản thân. Chưa hết, bà đã trực tiếp đẩy con cái mình vào một cuộc tranh chấp tài sản đáng buồn của bố mẹ chúng, gián tiếp vẽ ra một hình ảnh người bố xấu xí trong mắt các con dù thực chất ông Vũ có phải người bố tồi hay không, bà Thảo quá rõ.

Hãy nói về lý. Dù ta không phải quan tòa.

Trung Nguyên không phải của một mình ông Vũ. Ông khởi nghiệp và tạo ra đế chế này từ tiền của nhà vợ cùng các khoản vay mượn khác. Bà Thảo thì có trong tay đầy đủ giấy tờ nộp tiền từ ngày thành lập công ty, đóng góp của bà trong quá trình phát triển Trung Nguyên từ vốn liếng cho tới việc điều hành. Thành công của Trung Nguyên là của cả hai người. 

Bà Thảo sợ rằng nếu quyền kiểm soát Trung Nguyên thuộc về ông Vũ thì nguy cơ bà mất trắng những gì đã có công tạo dựng là hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai nếu một ngày ông Vũ không còn nhiệt huyết với nó nữa. Ông Vũ thì không muốn cả sự nghiệp đồ sộ mình gây dựng rơi vào tay một người đàn bà mà ông đã không còn tin, yêu

Ai cũng có lý. Chỉ tiếc rằng chẳng ai có tình. Như câu hỏi ''hot trend" của ông Vũ 2 hôm nay: ''Tiền nhiều để làm gì?". Phàm những người có quá nhiều tiền, đôi khi có lẽ không biết nhiều thế, để làm gì thật? Chỉ biết tiền nhiều như thế, mà vẫn cạn tình.

Tiền nhiều làm gì, để ngày hôm nay ngồi như thế này? - Ảnh 2.

 Hãy nói đôi ba chữ về chuyện giàu nghèo.

Chắc hẳn sẽ có nhiều cặp đôi đọc những thông tin về vụ ly hôn đình đám này để rồi huých tay nhau cười khẩy: "Tiền nhiều để làm gì em nhỉ, cứ như chúng mình lại hay!". 

Câu chất vấn day dứt của người chồng, người cha, người sếp Đặng Lê Nguyên Vũ: "Tiền nhiều để làm gì, để ngày hôm nay ngồi như thế này" như sát muối vào lòng tất cả khán giả; như khiến bao người đang chia hai phe ông Vũ - bà Thảo, cãi nhau inh ỏi phải dành một khoảng lặng để mặc niệm cho cái khái niệm "hạnh phúc" tưởng chừng như sẽ trọn vẹn hơn trong một gia đình sung túc, giờ đã chết thật sự. 

Người ta hay nói tiền nhiều là giàu, tiền ít là nghèo. Cá nhân tôi thích định nghĩa nhiều - ít, giàu - nghèo được tóm gọn lại trong chữ "đủ".

"Đủ" là khi con người ta biết gật đầu hài lòng với con số trong tài khoản của mình, vươn vai thật cao và đứng dậy, rời văn phòng, gác lại công việc và chạy ùa về nhà, nơi có người vợ hiền và đàn con ngoan đang đợi, dù biết rõ nếu ngồi lâu thêm một chút họ có thể kiếm được nhiều hơn thế, gây ấn tượng nhiều hơn thế. 

"Đủ" là khi con người ta tắt điện thoại, mặc kệ những tin nhắn mua hàng dồn dập mà từ đó có thể xuất ra những đơn hàng cả triệu, chục triệu đồng, chỉ để cùng con ngồi vẽ bức tranh đầu đời toàn những nét thô sơ và nguệch ngoạc. Nhưng ánh mắt, nụ cười, niềm hy vọng của đứa trẻ cùng cảm giác được cha mẹ đồng hành là những thứ tiền không thể mua được. 

"Đủ" là khi người ta đọc những dòng tâm sự trên Instagram của ca sĩ Tóc Tiên mà phải gật gù: "Hóa ra những người giàu có cũng chỉ định nghĩa về sự đủ đầy giản dị đến thế".

"Đứa trẻ được mẹ cho 5 ngàn mua kẹo và cực kỳ sung sướng, thế là đủ.

Cô sinh viên nhận được tháng lương đầu tiên vài trăm, cô bật khóc, thế là đủ".

Bác chạy xe giao hàng ráng thêm vài cuốc trước Tết để mua thêm áo mới cho con, nhìn con tươi cười, thế là đủ.

Mình, thu nhập kha khá, tối mát trời vẫn khoái chí đi xe gắn máy, ăn lề đường, quá đủ".

Giữa "nhiều" và "đủ", ai tìm đúng điểm dừng cho mình. Người đó an nhiên".

Tiền nhiều để làm gì, đủ là được.