Thủy quái khổng lồ ở Nhật: Tồn tại hơn 140 triệu năm nhưng lại sắp tuyệt chủng vì điều này

Gabe, Theo Trí Thức Trẻ 21:09 17/10/2017

Sở hữu ngoại hình sần sùi, xấu xí với cái miệng rộng ngoác, kỳ nhông khổng lồ Nhật Bản có thể sống sót suốt 140 triệu năm nhưng lại sắp "gục ngã" vì điều này.

Thủy quái khổng lồ ở Nhật: Tồn tại hơn 140 triệu năm nhưng lại sắp tuyệt chủng vì điều này - Ảnh 1.

Loài thủy quái này có tên thật là kỳ nhông khổng lồ Nhật Bản, chúng có thân hình to lớn thứ 2 thế giới trong số các động vật lưỡng cư và chỉ chịu thua người anh em họ đến từ Trung Quốc (A. davidianus). Cơ thể của kỳ nhông khổng lồ Nhật có thể phát triển tới 1,5m chiều dài và 25kg cân nặng.

Đối với 1 sinh vật như thế, nếu chúng xuất hiện gần khu dân cư, thậm chí có thể to lớn hơn nhiều so với chó nhà. Đặc biệt hơn, loài kỳ nhông khổng lồ này sở hữu cái mồm "cực dị", nó kéo dài theo hết chiều rộng của phần đầu nên nhìn rất đáng sợ.

Xem video:

Thủy quái khổng lồ ở Nhật: Tồn tại hơn 140 triệu năm nhưng lại sắp tuyệt chủng vì lý do bất ngờ

Tuy nhiên, ngược hẳn với sự sần sùi, đáng sợ đó lại là 1 con thú hiền lành, nhiều khi có thể coi là nhút nhát. Chúng chỉ ăn thịt tôm, cá nhỏ chứ chẳng mấy khi gây hại được cho loài nào to lớn hơn.

Loại kỳ nhông khổng lồ này có tên tiếng Nhật là Ōsanshōuo, có nghĩa là con cá sơn tiêu lớn, còn trong tiếng Anh chúng được gọi là Giant Salamander. Ở Nhật Bản, chúng sinh sống chủ yếu tại các con sông ở phía Tây Nam và có màu da, ngoại hình đặc biệt giúp dễ dàng thích nghi, ngụy trang với cuộc sống nơi đây.

Thủy quái khổng lồ ở Nhật: Tồn tại hơn 140 triệu năm nhưng lại sắp tuyệt chủng vì điều này - Ảnh 3.

Trên thực tế, sự tồn tại của những con kỳ nhông khổng lồ này khá bí ẩn và khiến nhiều nhà khoa học tò mò. Các chuyên gia về động vật học đã nghiên cứu và cho rằng chúng tồn tại từ thời kỳ Thượng kỷ Jura, tính đến nay đã 140 triệu năm - một con số đáng nể đối với bất kỳ động vật nào chứ chưa nói đến kỳ nhông!

Nhưng có lẽ chính vì vậy mà kỳ nhông khổng lồ có nhiều thói quen, tập tính kỳ lạ, không giống như bình thường. Thậm chí có thể xếp chúng vào 1 trong những loài kỳ lạ nhất Trái Đất.

Bởi, loài kỳ nhông này là động vật lưỡng cư nhưng hiếm khi nào có thể bắt gặp trên mặt đất. Chúng gần như sinh sống hoàn toàn dưới nước, chỉ sinh hoạt, kiếm ăn vào ban đêm, đặc biệt nhất chỉ ngoi đầu lên mặt nước để hít thở không khí chứ không mạo hiểm tiến lên mặt đất đầy rẫy kẻ thù.

Thủy quái khổng lồ ở Nhật: Tồn tại hơn 140 triệu năm nhưng lại sắp tuyệt chủng vì điều này - Ảnh 4.

Kỳ nhông khổng lồ. Ảnh: Arkive

Đặc biệt hơn, dù sống hoàn toàn dưới nước, chỉ kiếm ăn về đêm, nhưng kỳ nhông lại có 2 điểm yếu khá lớn. Đầu tiên là chúng có đôi mắt bé với thị lực kém, không thích hợp để săn mồi về đêm. Để bù đắp vấn đề này, kỳ nhông khổng lồ sở hữu nhiều tế bào cảm giác đặc biệt trên khắp cơ thể, giúp chúng nhận dạng con mồi cũng như né tránh kẻ địch.

Thứ hai, do có kích thước lớn nhưng lại thiếu mang như cá, những con kỳ nhông này thường gặp nhiều vấn đề khi di chuyển ở vùng nước chảy siết hoặc có ít oxy.

Thủy quái khổng lồ ở Nhật: Tồn tại hơn 140 triệu năm nhưng lại sắp tuyệt chủng vì điều này - Ảnh 5.

Kỳ nhông khổng lồ. Ảnh: Arkive

Ngoài ra, khi bị đe dọa hay rơi vào tình huống nguy hiểm, cơ thể của kỳ nhông khổng lồ tiết ra 1 loại chất nhờn màu trắng đục có mùi tương đối hắc, giống như sơn tiêu Nhật. Cũng vì vậy mà trong tiếng Nhật, kỳ nhông khổng lồ được gọi là Cá sơn tiêu.

Có thể chúng cẩn thận có phần thái quá khi hiếm lần nào bước chân lên mặt đất tuy nhiên, cũng bởi bản tính đó mà kỳ nhông có thể tồn tại trong 1 khoảng thời gian dài hàng trăm triệu năm!

Ngược trở lại lịch sử, lần đầu tiên một con kỳ nhông khổng lồ Nhật được biết đến là vào khoảng những năm 1820 khi bác sĩ Philipp Franz von Siebold bắt được 1 con ở Nagasaki và chuyển về Hà Lan nghiên cứu.

Thủy quái khổng lồ ở Nhật: Tồn tại hơn 140 triệu năm nhưng lại sắp tuyệt chủng vì điều này - Ảnh 6.

Chúng có cái miệng rộng ngoác, kéo dài theo hết chiều rộng của phần đầu.

Về tuổi thọ, do có quá trình trao đổi chất chậm nên kỳ nhông khổng lồ có thể sống 52 năm trong điều kiện nuôi nhốt và đạt đến khoảng 80 tuổi nếu ở ngoài môi trường tự nhiên.

Tuy sống sót được 140 triệu năm nhưng hiện tại, loài kỳ nhông khổng lồ này lại đang rơi vào tình trạng khá nguy kịch bởi vấn nạn ô nhiễm môi trường. Bởi lớp da của chúng rất nhạy cảm với bên ngoài, các chất độc, chất thải nhân tạo rất dễ xâm nhập qua da và tấn công nội tạng con vật. Điều này làm số lượng của kỳ nhông giảm đi nhanh chóng.

Ngoài ra việc săn bắt quá mức cũng góp phần không nhỏ đẩy loài vật bí ẩn này đến bên bờ vực tuyệt chủng. Hiện nay, hành động này đã bị cấm nhưng vẫn chưa thể có cái nhìn quá lạc quan về sự tồn tại của loài này.

Tham khảo nhiều nguồn