"Thương nhớ ở ai": 2000 cảnh cần kĩ xảo được thực hiện trong 3 năm ròng rã

Minh Quân, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 21/12/2017

Đại diện nhóm 3D art đã có những chia sẻ xung quanh quá trình làm hậu kỳ cho phim truyền hình "Thương nhớ ở ai".

Phim truyền hình Thương nhớ ở ai đang là một tác phẩm ấn tượng bậc nhất trong năm bởi nhiều yếu tố, trong đó có kỹ xảo. Bộ phim đề cập đến những câu chuyện của người phụ nữ trong xã hội Bắc Bộ những năm 1950. Ngoài bối cảnh, phim còn sử dụng khá nhiều kỹ xảo ấn tượng để đạt đến hiệu ứng thị giác mong muốn.

Thương nhớ ở ai: 2000 cảnh cần kĩ xảo được thực hiện trong 3 năm ròng rã - Ảnh 1.

Một cảnh phim Thương Nhớ Ở Ai

Chúng tôi đã liên lạc được với đại diện nhóm 3D Art để trò chuyện quanh vấn đề hậu kì của bộ phim.

Tại sao anh nhận lời làm hậu kỳ kỹ xảo cho "Thương nhớ ở ai?"

Trước khi làm Thương nhớ ở ai, 3D Art đã có duyên làm việc với đạo diễn Lưu Trọng Ninh với vai trò concept bối cảnh, nhân vật và trang phục cho phim Chiếu Dời Đô, sau này là phim Khát Vọng Thăng Long. Trong quá trình đó Đạo diễn Ninh cũng biết anh em 3D Art rất quyết tâm theo đuổi mục tiêu trở thành một đơn vị làm kỹ xảo điện ảnh chuyên nghiệp và đặc biệt là kỹ xảo cho phim lịch sử.

Khi bắt đầu kế hoạch sản xuất phim Thương Nhớ Ở Ai, đạo diễn Ninh có đặt vấn đề với 3D Art về việc làm kỹ xảo cho phim. Ông cũng xem qua các sản phẩm anh em đã làm như các clip 3D phục dựng phố cổ Hà Nội, xem phần kỹ xảo thực hiện cho phim Con Mắt Bão của đạo diễn Văn Lượng và một số TVC có sử dụng kỹ xảo khác nên ông cũng khá yên tâm. 3D Art coi đây là cơ hội "vàng" để hiện thực hoá ước mơ khởi nghiệp về kỹ xảo điện ảnh nên chúng tôi đã nhận lời và quyết tâm bằng mọi giá phải thực hiện tốt dự án này.

Thời gian làm kỹ xảo diễn ra trong bao lâu? Tổng số lượng kỹ xảo mà anh đã xử lý?

Việc thực hiện kỹ xảo cho phim Thương Nhớ Ở Ai chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị, Giai đoạn tiền kỳ và Giai đoạn hậu kỳ.

Thương nhớ ở ai: 2000 cảnh cần kĩ xảo được thực hiện trong 3 năm ròng rã - Ảnh 2.

Giai đoạn chuẩn bị: Chúng tôi đi chọn cảnh cùng đạo diễn và bàn phương án sản xuất tiền kỳ cho hiệu quả nhất.

Giai đoạn tiền kỳ: Đây là giai đoạn chuẩn bị những yếu tố kỹ thuật để thực hiện các phần kỹ xảo như: căng phông xanh thế nào, gắn điểm check ra sao... nhằm phục vụ cho khâu hậu kỳ tốt nhất. Yêu cầu của đạo diễn là việc set up tiền kỳ như phông xanh, điểm check... đều không được ảnh hưởng đến tiến độ quay của phim. Chúng tôi đã phải huy động gấp đôi nhân lực, hợp tác với tổ đạo cụ và tổ hoạ sỹ để mượn người... giai đoạn này sẽ kéo dài song song với thời gian sản xuất tiền kỳ cho phim (khoảng 5 tháng).

Giai đoạn hậu kỳ: Đây là giai đoạn xử lý các cảnh cần làm kỹ xảo: thay phông nền, thay mái nhà, xoá cột điện, dây điện... kết hợp cùng các hiệu ứng đặc biệt như cháy nổ... bằng các phần mềm kỹ xảo. Ban đầu khi tính toán lý thuyết thì chúng tôi phải thực hiện hơn 300 cảnh nhưng thực tế con số đó tăng lên rất nhiều.

Thương nhớ ở ai: 2000 cảnh cần kĩ xảo được thực hiện trong 3 năm ròng rã - Ảnh 3.

Do bối cảnh trải dài từ Hà Tĩnh trở ra với 18 ngôi làng khác nhau, mỗi ngôi làng chỉ lấy một, hai góc đẹp nhất. Công việc của chúng tôi là phải làm cho tất cả 18 ngôi làng đó nhập lại làm một. Ví dụ khi mở cửa nhà nhân vật A ở Đường Lâm thì view qua cửa phải thay bằng bối cảnh ở Hà Tĩnh chẳng hạn...

Các bối cảnh trong phim tuy đẹp nhưng không thể tránh khỏi một số yếu tố của hiện đại như: nhà lầu phía xa, cột điện, dây điện, chảo thu sóng... tất cả những yếu tố đó đều phải thay hoặc xoá đi.

Đạo diễn Ninh là người rất cầu toàn và để cho phim có được hiệu quả tốt nhất nên trong quá trình quay ông rất hay sáng tạo thêm nhiều cảnh mới nên chúng tôi cũng phải tuỳ biến cho phù hợp để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của đạo diễn. Vì thế, thay vì 300 cảnh dự kiến, thực tế số cảnh chúng tôi thực hiện lên đến hơn 2.000 cảnh trong gần 3 năm.

Những khó khăn và thuận lợi trong quá trình làm hậu kỳ cho phim mà nhóm đã gặp phải là gì?

Về thuận lợi: Chúng tôi được VFC, hai đạo diễn là Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh cũng như DOP Hoàng Tích Thiện ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho anh em thực hiện. Do yêu cầu về mặt kỹ thuật trong sản xuất phim kỹ xảo, đây là một khía cạnh rất mới nên đôi lúc mọi người vẫn chưa quen, nhưng các anh cũng đã rất nhiệt tình để chia sẻ những vấn đề đó với chúng tôi. Tất cả đều vì chất lượng của phim.

Ngoài ra, một trong những yếu tố tôi cho rằng thuận lợi nhất chính là anh em trong ekip thực hiện đều rất nhiệt huyết, ham học hỏi, luôn tìm tòi và update những công nghệ mới nhất. Việc ekip ở cả tháng trời trên công ty là chuyện bình thường! Những lúc gặp cảnh khó, tình huống khó tưởng chừng như đi vào ngõ cụt, tất cả anh em đều không nản trí và cố gắng thử đi thử lại nhiều lần, rất nhiều lần để tìm ra giải pháp và vượt qua khó khăn đó.

Kỹ xảo hình ảnh trong phim "Thương nhớ ở ai"

Còn khó khăn tất nhiên là cũng rất nhiều.

Về chuyên môn: Đây là một công việc mới, đòi hỏi kỹ thuật mới và đặc biệt phải update liên tục những công nghệ, phần mềm mới nhất. Anh em ekip mặc dù đều nắm tốt công nghệ nhưng về thực hành còn nhiều hạn chế vì việc xử lý kỹ xảo trước đây mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ (khoảng 5 đến 6 cảnh cho 1 TVC) chứ chưa phải là 2.000 cảnh như phim Thương Nhớ Ở Ai. Phải thừa nhận là anh em cũng bị ngợp.

Về hoàn cảnh: Quá trình sản xuất tiền kỳ rất khó khăn, phim này mặc dù là phim được đầu tư lớn của VFC nhưng so với hạng mục phim nặng kỹ xảo như thế này thì không tránh khỏi một số hạn chế. Chúng tôi đã phải tự khắc phục và tìm cách thích ứng tốt nhất có thể. Tất cả đều vì chất lượng của bộ phim.

Anh có kỉ niệm nào đáng nhớ trong quá trình thực hiện không?

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là hôm đi quay bối cảnh ở chùa Thầy. Đội VFX phải thay toàn bộ cảnh đằng sau thuỷ đình bằng cảnh núi đá vôi. Bài toán là phải căng một tấm phông xanh dài 50m ngang qua hồ. Trời rét 9 độ, nhưng thuyền thì không có, mượn xung quanh cũng chỉ có 1 cái thuyền đạp vịt nên anh em phải dùng thuyền vịt và ra sức đạp ra giữa hồ để căng phông. Căng xong do phông làm bằng chất liệu hút sáng nên rất xốp và dễ rách, cứ một cơn gió mạnh thổi là cả 50m phông bị kéo xuống mặt hồ, lúc đó đội VFX lại phải đạp vịt ra căng lại!!!

Bối cảnh quay tại cầu đá ở Nam Định cũng khiến cả ekip không thể nào quên được. Đạo diễn thống nhất quay bên kia sông. Anh em ekip set up cả đêm. Khi quay trực tiếp thì đạo diễn muốn thêm cảnh để lột tả rõ hơn ý đồ nên bối cảnh lại phải chuyển sang bên này sông !!! Anh em lại phải làm lại từ đầu... Tuy có vất vả nhưng tất cả ekip vẫn vui vẻ và quyết tâm làm. Tất cả cũng không nằm ngoài mong muốn phim đạt chất lượng tốt nhất.

Thương nhớ ở ai: 2000 cảnh cần kĩ xảo được thực hiện trong 3 năm ròng rã - Ảnh 5.

Có một kỷ niệm mà cho đến giờ tôi vẫn còn cảm thấy vô cùng áy náy. Trong đội VFX có một em vừa mới lấy vợ tại thời điểm ekip bắt đầu làm hậu kỳ cho phim. Một năm sau, tôi hỏi tình hình con cái thế nào. Cậu ý trả lời rất thật "Anh không thấy cả năm vừa rồi em toàn ở trên công ty cả ngày lẫn đêm à?..." Nói chung tôi trân trọng công sức lao động và tâm huyết của anh em ekip vô cùng.

Theo anh thì phần hậu kì quan trọng thế nào với một bộ phim?

Vai trò hậu kỳ trong phim, nhất là đối với phim cổ trang khi bối cảnh không còn hoặc không toàn vẹn là rất quan trọng. Nếu không có kỹ xảo thì các bối cảnh sẽ phải dàn dựng. Việc dựng lại các bối cảnh đó như thật đòi hỏi thời gian và kinh phí vô cùng lớn. Ngay cả trường hợp có bối cảnh rồi nhưng phần lớn bối cảnh không toàn vẹn do yếu tố đô thị hoá, hiện đại hoá thì vẫn phải xử lý kỹ xảo.

Thương nhớ ở ai: 2000 cảnh cần kĩ xảo được thực hiện trong 3 năm ròng rã - Ảnh 6.

Nếu không có kỹ xảo thì bộ phận bối cảnh sẽ phải che chắn, quay phim phải quay tránh, quay né… Điều này làm phát sinh nhiều kinh phí, việc quay tránh, quay né cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nghệ thuật của phim. Đấy là còn chưa nói đến các phim viễn tưởng, phim chiến tranh bom rơi, đạn nổ, phim thảm hoạ... thì kỹ xảo đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Kỹ xảo được coi là giải pháp tối ưu để tăng tính chân thực, nghệ thuật cho phim và cũng là phương án giảm giá thành sản xuất cho bộ phim.

Nhóm anh đã từng làm kĩ xảo cho tổng cộng bao nhiêu phim rồi?

3D Art đã làm kỹ xảo cho 5 phim, trong đó có 1 phim chiếu rạp được giải Cánh Diều Bạc là phim Cuộc Đời Của Yến của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ. Các hoạt động hậu kỳ bao gồm: thay bối cảnh, sửa lỗi trong phim, xoá dây điện, cột điện, nối cảnh...

Và 4 phim truyền hình: Phim "Con Mắt Bão" của đạo diễn Văn Lượng, phim Lý Công Uẩn - Đường đến thành Thăng Long, Ý Chí Lũng Cò và mới nhất là phim Thương Nhớ Ở Ai.

Thương nhớ ở ai: 2000 cảnh cần kĩ xảo được thực hiện trong 3 năm ròng rã - Ảnh 7.

Cảm ơn anh và nhóm 3D Art.

Thương nhớ ở ai là phim truyền hình đầu tiên của VFC nói riêng và của Việt Nam nói chung có sử dụng hàm lượng kỹ xảo nhiều nhất. Mặc dù phim không được chiếu vào khung giờ vàng, lại là đề tài nông thôn không gần với thị hiếu của giới trẻ nhưng số lượng người xem khá cao so với mặt bằng chung (theo nhà sản xuất tiết lộ).

Bộ phim đang được phát sóng vào mỗi chiều thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần trên VTV3.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày